Giáo dục Phật giáo truyền thống và giáo dục hiện đại – Hướng đi một con đường (HT. Thích Minh Thiện)

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG VÀ GIÁO DỤC

HIỆN ĐẠI – HƯỚNG ĐI MỘT CON ĐƯỜNG

HT Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TW

Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An, Hiệu trưởng Trường TCPH Long An

A. DẪN NHẬP:

Giáo dục Phật giáo là định hướng con đường tu học cho Tăng ni, Phật tử trên nền tảng Giới – Định – Tuệ để đạt đến sự giác ngộ và giải thoát. Đó là một quá trình y cứ vào Tam Tạng Kinh Điển để tổ chức các hoạt động dạy và học, nhằm truyền bá chánh pháp đến hàng đệ tử Phật giúp cho họ có được những nhận thức đúng đắn về các giá trị sống, từ đó có những thay đổi về hành vi, nhận thức, có những ứng xử phù hợp trong cuộc sống, hướng tới giá trị an lạc, hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và tương lai.

Kính bạch Chư Tôn Đức!

Trong bối cảnh Đại dịch Covid 19 diễn ra rất phức tạp trên cả nước, chào mừng kỉ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, được vinh dự tham gia tọa đàm khoa học “Giáo dục học đường PGVN 40 năm phát triển và những vấn đề đặt ra” . Hôm nay, chúng tôi xin được trình bày chủ đề; “Giáo Dục truyền thống Phật giáo và Giáo dục hiện đại, hướng đi một con đường”

B. NỘI DUNG:

I/. Tìm hiều về Giáo Dục và Giáo Dục Phật giáoGiáo dục là vấn đề mà từ xưa đến nay biết bao nhiêu khối óc vĩ đại của nhân loại đã đóng góp phần mình vào sự nghiệp trí huệ, kho tàng trí thức ấy.

Theo W. O. Lester Smith, Giáo Sư Ðại Học Luân Ðôn, Chủ Tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh Quốc đã nóiKhi nghĩ về giáo dục chúng ta không được quên rằng giáo dục có tính cách trưởng thành của một cơ thể sinh động. Trong khi có những tùy thuộc thường xuyên nó vẫn liên tục thay đổi tự thích ứng với những nhu cầu mới và hoàn hảo mới”. (When thinking about education we must not forget that it has the growing quality of a living organism. While it has permanent to new demands and new circumstances).

Theo quan niệm sơ khởi của Ðông phương định nghĩa rằng chữ “Giáo” nghĩa là dạy, là sự rèn luyện về đường tinh thần nhằm phát triển trí thức và huấn luyện tình cảm đạo đức. “Dục” nghĩa là nuôi nấng, săn sóc về mặt thể chất. Vậy giáo dục là một sự đào luyện con người về cả ba phương diện trí huệ, tình cảm và thể chất.

Như trong quyển Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống của Krishnamurti viết: “Mục đích của giáo dục đích thực là rèn luyện trau dồi mối tương giao chính đáng không chỉ giữa các cá nhân, nhưng cũng giữa cá nhân và xã hội”.

Nhận định của HT. Thích Thiện Siêu trong bài viết: “Bàn về mục tiêu của Giáo Dục Phật Giáo”, Hòa Thượng dưới cách nhìn của một nhà tư tưởng Phật học nhận định rằng: Hạnh phúc mà con người mong cầu cũng là tiền tài, danh vọng, địa vị, tình yêu, sự thành đạt, sự tận tụy hy sinh v.v… Ngài cho rằng những yếu tố đó sẽ mang đến hai hệ quả: Ðược thì vui và hạnh phúc (dù chỉ nhất thời) không toại ý thì khổ sở và tuyệt vọng. Về phương diện này Hòa Thượng đánh giá như sau: “Bao lâu ý nghĩa hạnh phúc chưa được xác lập thì xã hội còn phải mò mẫm phương hướng phát triển. Lịch sử đã ghi nhận bao nền văn minh đã sụp đổ vì những mục tiêu sai lạc trong phương hướng phát triển… chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật suy thoái đạo đức, ô nhiễm môi sinh… là kết quả của những sai lạc ấy. Giáo dục phải chia sẻ trách nhiệm và xã hội trước những hậu quả gây khổ đau khôn lường đó”.

Theo HT Thích Minh Châu: “Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục hay xây dựng một môi trường tốt đẹp cho con người”.(Tập văn Thành đạo PL: 2538)

Theo nhận định của T.T. Thích Chơn Thiện nói về Mục tiêu giáo dục trong Phật Học Khái Luận ở trang 60 có ghi: “Ngài cho rằng một đường hướng giáo dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu đó là đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Nếu thiếu đi một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn chỉnh.”

 

Theo Platon, giáo dục Phật giáo là con đường đưa con người đến một viễn cảnh của sự toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ. Với giá trị ưu việt của nền giáo dục Phật giáo, không riêng Albert Einstein mà Herbert George Wells (1866 – 1964) nhà cải cách xã hội, sử gia triết học người Anh đã nhận định: “Phật giáo mang lại sự tiến bộ cho thế giới văn minh và văn hóa chính đáng nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong tiến trình nhân loại”.

II./ Giáo Dục Truyền Thống Thời Đức Phật:

Sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ đề, Đức Thế  Tôn liền nghĩ về vấn đề giáo hóa chúng sanh, và từ đó Ngài đến vườn Lộc Uyển gặp những người bạn đồng tu với Ngài trước đây để giới thiệu những chân lý mà chính bản thân Ngài đã thực chứng đó là Lý Duyên sinh và con đường Trung Đạo. Đây là bước đầu mà Đức Phật trình bày kết quả về sự khổ đau, nguyên nhân khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau để có sự an lạc “Pháp Tứ Diệu Đế”. Đức Thế Tôn từ khi hành đạo cho đến khi nhập Niết Bàn, 49 năm truyền bá chánh pháp Ngài duy nhất giáo hóa mọi người hướng đến con đường thánh thiện. Đặc biệt với chúng đệ tử xuất gia, Đức Phật đã tùy căn cơ, nhân duyên, phương tiện chuyển hóa rất nhiều người đủ các giai cấp trong xã hội cực đoan  thời bấy giờ. Do đó, hội chúng xuất gia đệ tử Ngài có nhiều vị là Tăng, Ni chứng đắc thánh quả A-la-hán, trở thành những bậc thừa tự Pháp và truyền giảng Chánh pháp giữa đời này, làm cho Phật pháp lan rộng khắp nơi. Phương pháp của Ngài là du hành khất thực và thuyết pháp từ kim khẩu của mình, bằng tất cả tâm lực từ bi, hạnh nguyện vị tha và oai nghi khả kính của Đức Thế Tôn đã làm cho những người nghe được lợi lạc và chuyển hóa. Các chúng đệ tử thì thực hành nếp sống Lục Hòa và Tứ Nhiếp Pháp trong đời sống Tăng đoàn thanh tịnh. Ðiều này thể hiện rõ nét Phật giáo tiêu biểu cho một hệ thống giáo dục toàn mỹ.

1>. Giáo dục trên tinh thần Trung Đạo

“Ðây là con đường trung dung mà Ðấng Toàn Giác đã khám phá và đem ra giảng giải, giáo hóa nhằm đưa đến nơi an tịnh, tới sự nhận xét rõ rệt, tới giác ngộ, tới Niết Bàn.” (Kinh Chuyển Pháp Luân). Chính con đường này đã giúp người tu tập tránh xa hai cực đoan lợi dưỡng và ép xác khổ hạnh. Sau cuộc chiến đấu phi thường 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh, Ngài nhận ra con đường chứng ngộ để đoạn  trừ tham, sân, si, đoạn tận khổ uẩn và thành tựu Đạo quả chính là con đường Trung Đạo[2].

(Về kinh nghiệm cuộc đời Đức Phật, về thí dụ dây đàn căng quá sẽ đứt khi  Đức Phật thuyết giảng cho 1 vị Tỳ kheo Sona trước kia có sở trường gẩy đàn trong Kinh Tăng Chi, tập 3 …)

Trong Kinh Di Giáo, Phật dạy: “Con người sống phải hết sức tri túc, áo chỉ cốt che thân, ăn chỉ cốt để nuôi thân, du hành đến đâu phải mang theo y bát, đi không luyến tiếc, cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng trong không”. Quả đúng thế chính vì sự biết đủ là giàu sang, hạnh phúc và yên ổn. Người biết đủ thì nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ thì ở thiên đường cũng không thỏa mãn. Không biết đủ thì giàu mà nghèo, biết đủ thì nghèo mà giàu.

Trung đạo đóng một vai trò rất quan trọng trong lộ trình tu tập tâm của người con Phật qua việc hành trì 37 phẩm trợ đạo hay Bát Chánh Đạo. Con đường ấy có khả năng đoạn tận khổ đau, thanh tịnh tam nghiệp, đạt thắng trí và chứng quả Bồ đề, Niết Bàn.

2>  Giáo dục tinh thần phụng sự Tam Bảo, phụng sự chúng sanh

Thông điệp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn truyền lại cho chúng ta là Phụng sự chúng sinh là cúng dường 10 phương Chư Phật, trong Kinh A Hàm có nói về mục đích Đản sinh của Phật Thích Ca: “Một chúng sinh duy nhất , một con người phi thường đã xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho muôn loài”.

Chúng ta có thể vừa sống cho mình mà đồng thời biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Điều cốt lõi là chúng ta phải học cách duy trì và trưởng dưỡng tinh thần phụng sự, đừng để những bận rộn cá nhân cản trở mục đích sống cao thượng của mình. Mỗi người chúng ta đóng góp phần nhỏ của mình vào ngôi nhà Phật Pháp.

3>. Tính giải thoát qua lời Phật dạy:

Đây là đặc tính quan trọng nhất của giáo pháp Đức Phật. Giáo dục Phật giáo có năng lực giúp người tu chuyển hóa thân tâm từ chúng sinh phàm phu trở thành bậc Thánh. Người đệ tử Phật thực hành giáo pháp từng bước trau dồi “Giới-Định-Tuệ” để thành tựu giác ngộ, giải thoát phiền não khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi.

 Ở Kosambi, bên bờ sông Gangà (Hằng Hà), khi thấy một khúc gỗ lềnh bềnh trên mặt nước, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo lại, chỉ khúc gỗ và giảng dạy về con đường giải thoát. Ngài dạy: “Nếu khúc gỗ không hư nát trong ruột, không tấp vào hai bên bờ, không bị vướng vào nước xoáy, không bị loài người hay các loài khác nhặt, thì nhất định khúc gỗ ấy trôi thẳng về biển. Cũng thế, người tu sĩ nếu không như khúc gỗ hư ruột (chỉ tà kiến của người tu, hay chỉ các ngoại đạo), nếu không tấp vào hai bờ (có nghĩa là không vướng mắc vào các căn, các trần), nếu không mắc vào nước xoáy (nếu không ngã mạn), nếu không bị người ta nhặt (nếu không bị ràng buộc nhiều với người đời, cư sĩ), nếu không bị phi nhơn, chư Thiên nhặt (chỉ người tu cầu sanh Thiên để hưởng các phước lạc), thì nhất định người tu sĩ ấy sẽ như khúc gỗ, trôi thẳng về biển, sẽ vào biển Thánh, thành tựu Phạm hạnh, chứng ngộ giải thoát Niết-bàn”. (Kinh Tương Ứng Bộ IV, Phẩm Rắn Độc, ví dụ về khúc gỗ)

Những lời dạy của Thế Tôn có khi rất cụ thể, rất ngắn gọn, rất giản dị, nhưng vẫn nói lên ý nghĩa thâm sâu và chứa đựng cả nội dung giáo lý Phật giáo: “Cỏ làm hại ruộng vườn, Tham làm hại người đời, Bố thí, người lìa tham, Do vậy được quả lớn”. (PC 356).

Có những khi Thế Tôn dạy vừa cụ thể, rõ ràng, thi vị, lại vừa rất triết lý. Biển của người đời là một trong vùng nước rộng, còn biển trong giáo lý của Ngài thì:“Này các Tỷ-kheo, mắt là biển của người… Tai, mũi, lưỡi, thân và ý là biển của người… Ai vượt qua được các biển ấy với nước xoáy, với sóng lớn, với cá mập, La-sát… thì đến bờ biển (Niết-bàn)” (Tương Ưng Bộ Kinh IV, phẩm Biển).

Trong Kinh Tạp A Hàm II, kinh số 706, Ðức Phật dạy: “Này Chư Tỳ kheo, có năm pháp, có thể làm tối tăm; làm cho không mắt, làm cho không trí, làm cho suy tư kém trí tuệ, chẳng minh, chẳng đẳng giác, chẳng chuyển hướng Niết Bàn. Những gì là 5? Ðó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối và nghi hoặc. Năm pháp này làm cho ta tối tăm, không thấy…chẳng hướng đến Niết Bàn.”

III./ Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam Từ Xưa Đến Nay

  • Mô hình Giáo Dục PGVN trước năm 1981

Phật giáo du nhập vào nước ta từ đầu kỷ nguyên Tây lịch; đạo Phật đã đi vào lòng dân tộc Việt qua các triều đại và tùy theo hoàn cảnh các hàng Tăng sĩ đã giảng dạy giáo lý Phật Đà cho mọi tầng lớp Tăng Ni Phật tử. Trong quá trình truyền bá và phát triển của Phật giáo Việt Nam, các Thiền sư Ấn Độ, Trung Quốc và thiền sư Việt Nam trong giai đoạn nầy đã không áp dụng ngay mô hình tự viện của Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc[3]. Quý Ngài xây dựng ở Việt Nam lối giáo dục theo truyền thống riêng, đó là truyền thống giáo dục tự viện mang đậm màu sắc sơn môn, pháp phái của Phật giáo vùng miền. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang : «Chùa Dâu (Bắc Ninh) cũng là ngôi tự viện đầu tiên và là nơi tiến hành các hoạt động giáo dục và đào tạo Phật giáo của Tăng sĩ, Phật tử vùng Luy Lâu, trung tâm Phật giáo Luy
Lâu có đến 500 vị Tăng ở, có trước cả trung tâm Lạc Dương và Bành Thành ở Trung Quốc »[4]. Từ hệ thống Trung tâm Luy Lâu, Chùa được xây dựng trong khắp cả nước, theo bước chân Sứ giả Như Lai lan chùa tỏa từ thành thị đến nông thôn và trở thành hình ảnh không thể thiếu trong quần thể kiến trúc, lối sống làng xã Việt Nam. Đến đời Trần, có Trung Tâm Phật Giáo Huỳnh Lâm (do Nhị Tổ dòng Trúc Lâm Yên Tử – Ngài Pháp Loa điều hành). Những giai đoạn nầy, hình ảnh Tăng sĩ và ngôi Chùa rất gần gũi với người dân Việt Nam, ngôi chùa trở thành một ngôi trường làng.

Trải qua các triều đại phong kiến, Phật giáo với tinh thần Từ bi và Trí tuệ, Giáo dục Phật giáo trở thành nền tảng Đạo đức và là một tôn giáo không thể thiếu trong cộng đồng. Thời Lý Trần (thời gian 400 năm) nhà Chùa là nhà trường, nhà Sư là nhà giáo và cũng là những vị lương y bốc thuốc trị bệnh cho dân làng.

Mô hình Giáo dục Phật giáo lúc nầy theo hình thức  “Thầy – Trò”. Trong đó, người Thầy sử dụng phương pháp “thị phạm” (Thân – khẩu – ý giáo), trên nền tảng tư tưởng Phật giáo để tác động đến người học trò nhằm giúp học trò, đệ tử, tín đồ của mình lĩnh hội, thực hành các phương pháp nghi lễ, tu tập, uy nghi, phép tắc, giới luật, đạo đức, nhân cách, ứng xử, tri thức… Thân khẩu tương thích và song hành khi ý giáo được biểu thị qua ngoại tướng, đó là ý nghĩa của câu: “Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại”. Ở trường hợp này, người Thầy – Nhà sư trụ trì trong các chùa là người hướng dẫn và định hướng, tạo nên sắc thái riêng cho từng thiền gia, tùng lâm.  Hay như những quy định trong “Thiền Lâm Bảo Huấn” ghi rõ: “Cha nghiêm thời con kính. Quy huấn ở ngày nay là mô phạm cho ngày sau”.

  • Thời kỳ chấn hưng phật giáo (1928 – 1945) :

Trước bối cảnh đất nước suy đồi, Phật giáo cũng cần phải cách tân nên Chư vị tiền bối bắt đầu bằng con đường Giáo dục và Hoằng pháp theo cách lấy Chùa làm Trường…Thập kỷ 30 đã có các Thích Học Đường trên cả ba miền. Ở Bắc Kỳ có Chùa Bằng Sở, Trấn Quốc, Bồ Đề ( Hà Nội), Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Chùa Hương (Hà Tây) ; ở Nam Kỳ có Chùa Tuyên Linh (Bến Tre), Chùa Phi Lai (Châu Đốc), Chùa Long An (Trà Ôn), Chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), Chùa Kim Huê, Vạn An, Phước Long (Sa Đéc). Ở Trung Kỳ có Chùa Thập Tháp (Bình Định), Chùa Từ Quang, Bát Nhã (Phú Yên), Chùa Thiên Ấn, Quang Lộc (Quảng Ngãi), Chùa Báo Quốc, Từ Đàm, Tây Thiên (Huế)…

Trước 1975, PG miền Nam có mô hình đào tạo Tăng Ni khá toàn diện ở các Phật học viện, Phật học đường. Điều đáng tiếc là do sự chia cắt đất nước, nên mô hình đó không được nhân rộng và thống nhất, mà lệ thuộc vào vai trò của một số vị giáo phẩm đứng mũi chịu sào trong đó có Hội Phật Học Lưỡng Xuyên (thành lập 8/1934) do Quý HT Khánh Hòa, HT Khánh Anh, HT Pháp Hải, HT Liên Trì hợp tác thành lập. Phật Học Viện Báo Quốc (1935) có HT Đôn Hậu, HT Trí Thủ, HT Mật Nguyện. Phật Học Đường Nam Việt (1950) tại Ấn Quang. Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang) hình thành nên các nhân cách Đại sĩ của các bậc cao tăng thời hiện đại như chư tôn trưởng lão Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Tịnh, Thích Minh Châu…Đến 1964, Đại Học Vạn Hạnh (Sài gòn) có nhiều phân khoa được thành lập và mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia học là Tăng Ni, cư sĩ, sinh viên, tri thức khác …

Nhìn lại công tác giáo dục của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ năm 1930, công tác hình thành hệ thống giáo dục đã được thành lập, mang tính tự phát theo đặc thù của dân tộc. Lại nữa trước đây tại Việt Nam, hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo phát triển khá mạnh ở một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Trường gồm các lớp tiểu học và trung học, dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và có thêm một số tiết Phật học. Sau năm 1975, thật đáng tiếc hệ thống trường Bồ Đề ngưng hoạt động[5].

  • Mô hình Giáo Dục PGVN từ 1981 đến nay
  1. Nhu cầu và mục tiêu đào tạo:

Nền giáo dục Phật giáo nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng là Giáo dục đạo đức, Giáo dục thiền định và Giáo dục trí tuệ. Xác định mục tiêu lớn nhất của Tăng Ni là điều phục tâm, là hướng đến giải thoát và giác ngộ. Sức mạnh giáo dục trở thành mẫu mực và lý tưởng cho tất cả chúng ta qua mọi thời đại.

Theo HT Giác Toàn, «Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người. Bằng giáo dục thiền định, người học Phật ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân, làm chủ cảm xúc, thực tập thiền định mỗi ngày giúp cho con người tiếp xúc thực tại hiện tiền với hạnh phúc sâu lắng, trở nên điềm tĩnh, sáng suốt. Ngoài ra, người tu học Phật được hướng dẫn kỹ năng phát triển trí tuệ, gồm trí tuệ do học Phật, trí tuệ do thẩm nghiệm Phật pháp và trí tuệ do thực tập thiền định »

Vậy làm thế nào để những người có trách nhiệm đào tạo và những người tham gia thọ học, tiếp nhận sự đào tạo cùng có chung một mục tiêu, một định hướng, lý tưởng… là HỌC ĐỂ TU. Nét đẹp đặc sắc của Giáo dục Phật giáo là đưa con người từ phàm phu đến hiền thánh. Qua giáo dục Phật giáo, con người được thọ học Kinh, Luật, Luận của giáo pháp Đức Phật hiểu biết một cách rõ ràng, chắc chắn và với năng lực tự thân, tỉnh giác, biết ứng dụng pháp học, chuyển hóa chính mình, làm nên một đời sống tốt đẹp. Thân có Giới, con người làm chủ được bản thân không còn những hành động bất thiện. Khẩu và Ý có Định-Tuệ… con người sẽ làm chủ được mình trong mọi lúc mọi nơi. Phát huy được năng lực  tu tập và un đúc tinh thần phụng sự Tam Bảo, phụng sự chúng sanh, sẳn sàng gánh vác trọng trách của Giáo Hội giao phó sau khi tốt nghiệp tại các trường Phật học.

Kính bạch Chư Tôn Đức

Giáo hội Phật giáo Việt nam được thành lập vào ngày 07 tháng 11 năm 1981. Trải qua 40 năm được thành lập GHPGVN không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, và thực hiện theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. GHPGVN gồm có 13 Ban (ngành), viện trung ương; trong đó Ban Giáo dục Tăng Ni đã góp phần không nhỏ cho sự thành tựu chung của Giáo hội.

Ban  Giáo dục Tăng Ni Trung ương được thành lập năm 1984, nhằm giữ vai trò lãnh đạo trong việc quản lý, điều hành các Ban Giáo dục Tăng Ni cấp tỉnh thành cũng như các hoạt động giáo dục Phật giáo trong các trường Phật học trên toàn quốc, bao gồm các lớp Sơ cấp, các trường Trung cấp Phật học, lớp Cao đẳng Phật học, các Học viện Phật giáo Việt Nam. Mục đích của Ban là quản lý và đào tạo các thế hệ Tăng Ni toàn diện kiến thức về Phật học, khoa học và xã hội; có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và sức khoẻ để tinh tấn trong tu học và phục vụ lợi ích nhân sinh. Đồng thời, đào tạo Tăng Ni có khả năng đáp ứng các yêu cầu nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm đáp ứng sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có bốn Học Viện Phật giáo Nam Trung Bắc và Học Viện Khơme, tám lớp Cao Đẳng Phật học; 32 Trường Trung cấp Phật học và rất nhiều lớp Sơ cấp Phật học, tạo thành một hệ thống các cấp học đường khá hoàn thiện, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni có trình độ Phật học và thế học, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển GHPGVN đồng thời xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh.

Hệ thống giáo dục học đường Phật giáo tại Việt Nam hiện nay gồm có Sơ cấp, Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học và Học viện Phật giáo.

*  Về Mục tiêu đặt ra cho Trường Sơ cấp Phật học:

 Làm thế nào đào tạo Tăng Ni sinh hiều rõ về cuộc đời Đức Phật và các Thánh đệ tử, hành trì Oai nghi, phát tâm Bồ đề qua các Kinh Luật được học như Lược sử Đức Phật và Thánh Chúng, Tỳ Ni Oai nghi, Quy sơn cảnh Sách, Phát Bồ đề Tâm Văn, Bát Đại Nhơn Giác, Phật học Giáo Khoa Thư, 214 Bộ Chữ Hán, Phật học Danh Số,…Mục tiêu đặt ra là tất cả nhằm nuôi dưỡng tâm hạnh xuất gia của một Tăng Ni mới vào Đạo.

**  Về Mục tiêu đặt ra cho Trường Trung cấp Phật học:

Các môn học được đào tạo tại TCPH theo chương trình 4 năm trước kia hay hiện tại 3 năm gồm: Phật học căn bản, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Lược Sử Phật giáo Ấn Độ, Kinh Pháp Cú, Bách Pháp Minh Môn Luận, Kinh Thập Thiện, Luật Tỳ kheo- Bồ Tát, Lịch sử PG Việt Nam, Thiền học Đời Trần, Duy Thức, Thiền Lâm Bảo Huấn và các môn học ngoại điển như Pháp Luật, Lịch sử Việt Nam, Anh Văn Căn Bản, Hán Văn, Việt Văn…tùy theo sự phân bổ của các Trường TCPH ở mỗi tỉnh thành, để tạo cho Tăng Ni sinh nền tảng văn huệ, tư huệ, tu huệ, hướng đến đời sống thanh tịnh và giải thoát cho tự thân, tha nhân và cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, mục tiêu đào tạo tại Trung cấp Phật học còn là đào tạo ra một Tăng Sĩ Phật giáo sau khi tốt nghiệp TCPH có khả năng quản lý một cơ sở Tự viện, hướng dẫn đạo tràng tu học và tham gia Phật sự của Giáo Hội địa phương.

***. Về Mục tiêu đặt ra cho Học Viện Phật Giáo

Đây là hệ giáo dục Phật học chuyên sâu cho các Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Trung Cấp Phật học. Thời gian học là 4 năm và trình độ tối thiểu để được thi tuyển là lớp 12 phổ thông và Trung Cấp Phật học hoặc tương đương Đại học. Hệ giáo dục Học Viện Phật giáo hiện nay, một sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết về Kinh, Luật, Luận quan trọng của Đại thừa, Nguyên Thủy, Nhất thiết hữu bộ và các bộ môn ngoại điển như Triết học, Tâm lý học, Thẩm mỹ học, Quản trị học, Lôgíc học, Văn học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam và thế giới v,v…Được chọn các chuyên ngành và hoàn thành Luận Văn Tốt Nghiệp (Từ Khóa 6 trở về trước của HVPG tại TPHCM) các tín chỉ sau khi tốt nghiệp (từ khóa 7 HVPG tại TP HCM trở về sau).

Mục tiêu đặt ra cho 1 người tốt nghiệp Cử nhân Phật học theo chúng tôi thiết nghỉ sẽ là một người Tăng Ni sinh trưởng thành về tâm đức, hạnh đức và tuệ đức. Có thể đảm đương các Phật sự tại Tự Viện hoặc Giáo Hội giao phó hoặc có thể theo học các chương trình hậu Đại học và quan trọng là vị đó phải có tâm phụng sự Tam Bảo.

IV./ Giáo Dục Phật Giáo Truyền Thống Và Giáo Dục Hiện Đại, Hướng Đi Một Con Đường:

  1. Giáo dục Truyền thống thời Đức Phật: đưa đến giác ngộ, cứu cánh giải thoát. Phương pháp của Ngài là du hành khất thực và thuyết pháp từ kim khẩu của mình, bằng tất cả tâm lực từ bi, hạnh nguyện vị tha và oai nghi khả kính của Đức Thế Tôn đã làm cho những người nghe được lợi lạc thiết thực và chuyển hóa, an lạc-giải thoát.

“Hạnh phúc thay!Chư Phật giáng sinh, Hạnh phúc thay!giáo pháp cao minh,Hạnh phúc thay!Tăng già hòa hợp, Hạnh phúc thay! Tứ chúng đồng tu”.

  1. Giáo dục truyền thống theo các Tự viện trước năm 1981 có những khác biệt về chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo trong tự viện chưa có tính thống nhất cao. Giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn giữa các sơn môn hệ phái lý do đất nước còn chia cắt.
  2. Giáo Dục Học đường từ 1981 đến nay, Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thống nhất cho đến nay, nền Giáo dục Phật giáo nước nhà đã rất tiến bộ. Tăng Ni được tiếp cận với nền khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, trực tiếp giúp mở rộng mạng lưới giáo dục qua các chương trình Phật học và thế học. Bên cạnh những mặt tích cực thì vấn đề các Tăng Ni trẻ ngày nay đã dành nhiều thời gian cho sự “Học”, ít thời gian cho sự “Tu” cùng với khuynh hướng hướng ngoại thật sự đang là điều đáng quan ngại. Nguy cơ bị biến chất, thế tục hóa của Tăng Ni trẻ hiện nay là việc mà chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cần lưu tâm nhiều hơn nữa để sớm có những biện pháp ngăn ngừa và cải thiện hiệu quả. Mặt khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận tính tích cực của phương pháp gia giáo trước đây. Dưới sự dạy dỗ có tính cách gia giáo, thầy trò khắng khít bên nhau như tình cha con. Bằng thân giáo là chính, người thầy đã cảm hóa được đệ tử mình một cách tốt nhất. Thiết nghĩ, giáo dục Phật giáo Việt Nam nên có giải pháp nhằm kết hợp tính ưu việt gần gũi của tự viện với tính đa dạng dễ tiếp cận của giáo dục hiện đại trong một hệ thống vừa chú trọng pháp học nhưng cũng đặt nặng yêu cầu về pháp hành.

Do vậy, để giáo dục Tăng Ni có hiệu quả: “Hướng đi một con đường” thì dù ở bất cứ thời gian, quốc độ nào, các cơ sở giáo dục của Phật giáo cần giữ vững truyền thống tốt đẹp của Giáo dục Phật giáo thì yếu tố đầu tiên là tự thân mỗi vị Tăng Ni phải ý thức tu hành với hành trang Giới-Định-Tuệ, nỗ lực hành trì theo lời Phật dạy hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ. Giáo hội cần quan tâm đến đời sống Tăng Ni, theo dõi và ngăn chặn kịp thời các hành vi thế tục hóa. Các trường Phật học phải trang bị kiến thức, xây dựng chương trình giáo dục thực tiễn, áp dụng ngay vào đời sống tu học hằng ngày để hoàn thiện chính mình và đem sự hoàn thiện đó góp phần phụng sự nhân sinh.

V./ Nghĩ về Giáo Dục Phật giáo tại địa phương tỉnh Long An:

Trường Trung Cấp Phật Học Long An trước kia là Trường Cơ Bản Phật học Long An được khai giảng vào ngày 15/9/1992 đã qua 6 Khóa đào tạo, hiện nay là Khóa thứ VII. Văn phòng Ban Giám hiệu đặt tại chùa Thiên Khánh, P4, Tp Tân An.

+ Cơ sở 1 : Chùa Thiên Khánh (P4, Tp Tân An): dành cho Tăng sinh.

+ Cơ sở 2 : Chùa Thiên Phước (P tân Khánh, Tp Tân An): dành cho Ni sinh.

Tăng Ni sinh tu học nội trú suốt khoá học. Khoá I (1992-1998) có thời gian đào tạo 6 năm. Từ khoá II đến khoá VI có thời gian đào tạo 4 năm. Khoá VII (2019-2022) có thời gian đào tạo 3 năm theo qui định mới của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương.

Số lượng Tăng Ni trẻ tốt nghiệp qua 6 khoá [6] đào tạo TCPH là 860 vị. Khoá VII (2019-2022) hiện đang đào tạo năm II có 68 vị (33 Tăng sinh, 35 Ni sinh).

Lớp SCPHLA đã tốt nghiệp 6 Khóa, hiện nay đang đào tạo Khóa thứ VII.

Năm Khóa đầu tiên cơ sở nội trú dành cho Tăng tại Chùa Thiên Khánh (Khóa I), Chùa Phước Bảo (từ khóa II đến khóa V).

Dành cho Ni tại Chùa Thiên Phước (khóa I), Chùa Long Hoa (từ K II đến K V);

Hiện tại Khóa VI và VII của SCPHLA Chư Tăng tại Chùa Pháp Minh (Đức Hòa), Chư Ni tại Chùa Linh Nguyên (Đức Hòa). Chương trình SCPHLA đã và đang đào tạo 501 Tăng Ni.

Mục tiêu của Trường TCPHLA là đào tạo theo hệ nội trú (có nội trú mới giữ được truyền thống tu học gắn với Tự Viện), nhắm đến thật tu thật học và phát huy truyền thống tưởng nhớ Tứ Trọng Ân.

  • Thật học: Mời các giáo thọ có năng lực, có kỷ năng sư phạm trao truyền cho các Tăng Ni sinh về Nội điển và ngoại điển. Hướng dẫn cho các Tăng Ni sinh có thể thực hiện được các mẫu đơn hành chánh Giáo Hội đơn giản như đơn xin xuất gia, đơn xin bổ nhiệm trụ trì, đơn xin tổ chức Khóa tu,…BGH còn bố trí thêm cho các Tăng Ni sinh học về Nghi Lễ Phật giáo, tham gia tổ chức lễ hội Phật giáo, thực tập diễn giảng để trui rèn khả năng hoằng Pháp, hành Đạo sau nầy. Các Tăng Ni sinh các khóa sau khi tốt nghiệp TCPHLA thi vào Học Viện đều đạt kết quả tốt hoặc rất tốt và 1 số được giới thiệu du học nước ngoài.
  • Thật tu: hàng ngày các tăng ni sinh cùng nhau thực tập sống theo tinh thần Tứ nhiếp Pháp, Lục Hòa cộng trụ, giữ gìn Thanh Quy của Trường và oai nghi tế hạnh của hàng Tăng sĩ xuất gia. Ban giám hiệu trường luôn nhắc nhở và ung đúc Bồ đề Tâm cho các Tăng Ni Sinh khi còn ngồi trên ghế học đường.
  • Phát huy truyền thống tưởng nhớ Tứ Trọng Ân, cụ thể qua:

.Lễ Vu Lan Cài Hoa Hồng tưởng nhớ Tứ ân mỗi năm được tổ chức tại Trường hoặc cử đi hỗ trợ tổ chức lễ Vu Lan tại các tự viên, tư gia phật tử…

.  Khuyến khích Tăng Ni sau mùa ACKH hoặc dịp tết Nguyên Đàn lúc trở về Bổn Tự kính thăm Thầy Tổ luôn ghi nhớ thể hiện nếp sống chuẩn mực của Tăng Ni sinh Phật học đường (qua Sổ Liên Lạc giữa nhà trường với Bổn Sư).

. Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học Long An  tổ chức cho Tăng Ni sinh và thanh niếu niên Phật tử tham gia quét dọn, thắp hương, tụng kinh và cúng hơn 4.000 ngôi mộ anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An nhân Ngày Thương binh liệt sĩ hằng năm và Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ trước tết nguyên đán năm 2019, 2020.

. Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học Long An kết hợp với Hội Liên Hiệp Thanh Niên VN tỉnh Long An tổ chức chương trình giao lưu thanh niên Phật giáo và thanh niên  tỉnh nhà tại chùa Long Phước (P3, TP Tân An) năm 2017 và tổ chức tại Lâm Viên Thanh Niên huyện Thạnh Hóa năm 2018 thành công tốt đẹp.

***PHẦN KIẾN NGHỊ:

  1. Ban GDTNTW có thể biên tập giáo án, giáo trình nhất quán hoàn chỉnh cho tất cả các Phật học đường trên cả nước, từ Trung cấp nên đưa kinh Nam truyền nhiều hơn[7] (Bản dịch của HT.Minh Châu). Chú ý giới thiệu các pháp môn tu tập truyền thống vốn được chư tổ phổ biến tại Việt Nam để Tăng Ni sinh thực tập trải nghiệm.
  2. Nên có chuyên đề giảng dạy về công nghệ thông tin để Tăng Ni sinh biết tiếp cận an toàn và áp dụng cho một số bộ môn cần học Online từ cấp học Trung cấp Phật Học. Bên cạnh đó nên dạy về phương pháp nghiên cứu, phương pháp học, phương pháp biên soạn và thuyết trình để phát huy trí sáng tạo cho Tăng Ni thời đại mới (từ đào tạo Trung cấp Phật Học)[8].
  3. Cấp Cao Đẳng Phật Học và Học Viện nên nghiên cứu về những bộ môn và chuyên đề, những phương pháp truyền đạt sao cho thành tựu mục tiêu có được Chư Tăng Ni, phật tử tài – đức hoằng truyền chánh pháp; lãnh đạo Giáo Hội; nghiên cứu dịch thuật giáo điển; tham gia vào cộng đồng PG thế giới.
  4. Giáo thọ và quý vị giảng viên cần có kinh nghiệm sư phạm giáo dục, có phương pháp khích lệ Tăng Ni sinh phát huy được trí tuệ và ươm được mầm Từ bi, nuôi dưỡng được tâm Bồ đề của mình qua Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo của giáo thọ sư.
  5. Cơ sở Giáo dục Phật giáo cần được đầy đủ những qui chuẩn phục vụ cho Ngôi trường Phật học nội trú, trước đây do điều kiện cấp thiết cho sự giáo dục nên nhiều tỉnh thành <mượn Chùa làm Trường>. Nay Ban trị sự GHPG địa phương nên cố gắng cất Trường Phật Học nội trú độc lập, nếu không đủ Tăng Ni sinh thì liên kết các tỉnh thành cùng khu vực để mở Trường Liên Thông hoặc Liên khu vực nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.
  6. KẾT LUẬN :

Bản chất và cốt tủy của Giáo Dục Phật giáo là Từ bi và trí tuệ, là Thiện, là chơn chánh, là đưa đến cứu cánh giác ngộ, an lạc. Lời dạy của Đức Phật là toàn thiện ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Đạo Phật ra đời nhằm giúp con người sống an vui hạnh phúc. Về tự thân, giải phóng con người thoát khỏi những hệ lụy tham – sân – si, cố chấp. Mục đích của Giáo Dục Phật giáo Học Đường là đào tạo nên những Tăng sĩ Phật giáo góp phần vào sự nghiệp Phụng sự Đạo Pháp-Dân tộc và nhất là có thể chứng đắc pháp phần.

Do đó, Giáo dục học đường Phật giáo Việt Nam rất cần giữ lấy cái gốc giáo dục của Phật giáo là Giáo dục đạo đức, Giáo dục thiền định và Giáo dục trí tuệ, phương tiện giáo dục cần bảo đảm tính Khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, thiết thực, khuyến thiện và an lạc-giải thoát, phụng sự chúng sanh.

Hướng đi một con đường là cứu cánh phật pháp đưa con người từ chỗ khổ đau đến hết khổ, từ nhiều tham chấp đến biết xã ly, an lạc – giải thoát và  mọi người biết tin sâu nhân quả để cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, chúng sanh an lac « Pháp môn phương tiện thích hợp theo thời đại ».

[1] Uỷ Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN-Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Long An

[2] Khi là Thái tử ngài trong điều kiện dục lạc hơn người, đến xuất gia làm đạo sĩ Ngài khổ hạnh tột cùng.

[3] Theo Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Sơ tổ PGVN Khương Tăng Hội (?- 280) có thể nói là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục VN và Phật giáo VN, khác hẳn các sản phẩm giáo dục nô dịch Trung quốc thời ấy.

[4] Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, chương 01:Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Nguyễn Lang. Langmai.org

[5] Đặc biệt, ngày 24/7/2012 Trường Bồ Đề phương duy, Long An được thành lập đào tạo theo chương trình từ lớp một đến lớp mười hai nội trú, mỗi năm có khoảng 200 em học các lớp theo chương trình Bộ GDĐT, có phụ đạo Phật pháp. Đối tượng học là trẻ cơ nhở.

[6] Trung cấp: tổng cộng có 860 Tăng Ni sinh (303 Tăng, 557 Ni) tốt nghiệp. Khoá I (1992-1998) có 133 vị (41 Tăng, 92 Ni), khoá II (1998-2002) có 167 vị (65 Tăng, 102 Ni), khoá III (2003- 2007) có 181 vị (41 Tăng, 140 Ni), khoá IV (2007- 2011) có 113 vị (34 Tăng, 79 Ni), khoá V (2011- 2015) có 137 vị (48 Tăng, 89 Ni), khoá VI (2015- 2019) có 129 vị (74 Tăng, 55 Ni).

[7] Chọn những kinh mang tính đại diện tư tưởng Nam truyền, chú ý giới thiệu đại cương các kinh hơn hết bộ.

[8] Hiện nay chúng ta không thể cấm Tăng ni sinh sử dụng điện thoại thông minh hay phương tiện truy cập mạng mà cần hướng dẫn Tăng Ni sinh biết Sử dụng đúng cách học phật pháp và biết bảo mật an toàn chung.

Bài viết liên quan

Phản hồi