Để tiễn năm cũ qua đón năm mới đến, các nghi lễ truyền thống cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vào ngày 22/1 (tức 20 tháng Chạp năm Tân Sửu). Nghi thức thả cá chép trong lễ ông Công ông Táo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn rước chỉnh tề trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp.
Sau khi làm lễ tại Điện Kính Thiên, cá chép được đưa đi thả. Theo truyền thống, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, cầu mong sự sinh sôi, phát triển.
5 con cá chép đỏ đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ (18 phố Hoàng Diệu) để phóng sinh.
Năm nay, do dịch bệnh phức tạp, lễ hội Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long không mở rộng cho công chúng tham dự.
Phần nghi lễ vẫn được thực hiện đầy đủ, đảm bảo tính thiêng liêng và theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc.
Trước tiên phải lập đàn tế trời đất, sau phần nghi lễ mới tiến hành động thổ dựng nêu.
Cây nêu được dùng là loại tre đực, cao, to, chặt sạch các cành chỉ để lại trên ngọn có nhánh lá. Tùy theo địa phương, trên ngọn cây có thể treo một số lá bùa, giải cờ vải, giỏ tre đựng vôi và trầu cau…
Cây nêu được xem là cây vũ trụ, là biểu tượng tồn tại trong nhiều nền văn hóa Á Đông, tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh.
Một phần quan trọng của cây nêu là treo những tế khí bằng đất nung, để những vật đó va đập nhau kêu leng keng trong gió.
Phong tục tốt đẹp này mới được khôi phục mấy năm gần đây và được coi là một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất Hà thành trong những ngày Tết Nguyên đán./.
Theo VOV
Phản hồi