Đồng Nai: Trang nghiêm lễ tưởng niệm Tổ sư khai sơn Tổ đình Bửu Phong
PGĐS- Sáng ngày 14/9/2024 (12/8 năm Giáp Thìn), NT.Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, chứng minh Phân Ban Ni giới Trung ương và tỉnh Đồng Nai, trụ trì Tổ đình Bửu Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) cùng tông phong pháp phái đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm Tổ sư khai sơn và hiệp kỵ chư Tôn đức tiền bối hữu công Tổ đình.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, cùng chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, Phân ban Ni giới Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai.
Tại Tổ đường, đại diện Tông phong đã cung tuyên sơ lược lịch sử hình thành của Tổ đình Bửu Phong và tôn vinh công đức của Tổ sư khai sơn cùng chư vị tiền bối hữu công trụ trì tổ đình qua các đời.
Trong không khí trang nghiêm, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch cùng chư Tôn giáo phẩm thành kính dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cúng dường giác linh chư vị Tổ sư khai sơn tạo tự.
Nhờ công đức sâu dày của các vị Tổ, Tổ đình Bửu Phong đã vững bước qua bao thời đại, không ngừng giữ gìn truyền thống hộ quốc, an dân và hoằng dương chánh pháp suốt hàng trăm năm qua.
Theo sách “Đại Nam Nhât Thông Chí” của Quốc sử – quán Huế năm 1865, nơi mục sơn Xuyên có ghi: Bửu Phong chính là pháp hiệu của một vị thiền sư, là vị Tổ đâu tiên khai sơn ngôi cổ tự này vào năm 1616. Cũng từ đó ngôi chùa cũng được gọi cùng tên là Bửu Phong cổ tự hay Tổ đình Bửu Phong.
Đến nay là 408 năm, trải qua biết bao nhiêu là sự thăng trầm đổi thay, có biết bao nhiêu chư vị Tăng Ni và Phật tử tiền bối hữu công đã cống hiến, hy sinh và giữ gìn ngôi Tam Bảo này còn được nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay.
Tổ đình đã trải qua 17 đời trụ trì kế vị truyền thừa mạng mạch của chánh pháp, nơi xuất thân của nhiều bậc Tổ sư, danh Tăng lỗi lạc đất Nam kỳ. Hiện tại, NT.Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, chứng minh Phân Ban Ni giới Trung ương và tỉnh Đồng Nai, đang làm trụ trì đã hơn 50 năm.
*Ni trưởng Huệ Hương cho biết: Vào đầu thế kỷ XVII, Bửu Long còn là vùng rừng núi hoang vu thuộc Chân Lạp. Năm 1616, một nhà sư người Việt theo sự bang giao Lạp – Việt đã đặt chân lên đất này, thấy cảnh núi non tươi đẹp, sư xin lập một am tranh đơn sơ, đặt tên là Bửu Phong tự. Ông tự xưng là Bửu Phong thiền sư. Từ khi có ngôi chùa, dân chúng các nơi tụ tập về sinh sống đông dần lên. Nhà sư đặt tên vùng đất này Bửu Long – 寳龍,ngụ ý đây là vùng đất thiên có thế ẩn của rồng.
Đến cuối thế kỷ XVIII, số người Hoa đến vùng đất này sinh sống ngày càng đông, trong đó có những người mộ đạo Phật đã xây cất lại ngôi chùa bằng gạch ngói. Họ đã mời thiền sư Thành Trí, pháp danh Pháp Thông – Thiện Hỉ, thuộc Thiền phái Tào Động đời thứ 36, đến trụ trì và tôn làm vị Tổ đầu tiên của chùa. Hòa thượng Pháp Thông không có đệ tử thay thế, nên sau khi ngài viên tịch, thiền sư Viên Quang (người Minh Hương thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 36) được cử về trụ trì chùa Bửu Phong.
Đến năm 1760, thiền sư Viên Quang đã trùng tu lại chùa Bửu Phong; Năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất mở rộng ngôi chùa; Năm 1898, hòa thượng Pháp Truyền tiếp tục trùng tu giảng đường, nhà tổ; Năm 1944, hòa thượng Huệ Quang tổ chức trùng tu và mở rộng hậu đường; Năm 1963, yết ma Thiện Giáo cho xây đài Quan Thế Âm trước chùa; Năm 1964, hòa thượng Huệ Thành cho xây đài Tam Thế Phật trên cụm tảng đá thiên nhiên xếp chồng lên nhau ở phía bên trái của ngôi chùa.
Từ năm 1974 đến nay chùa Bửu Phong được trở thành chùa Ni, dành riêng cho Ni chúng tu tập. Ni Trưởng trụ trì Bửu Phong đã không ngừng sửa chữa và trang trí để ngôi chùa được khởi sắc cảnh quan trang nghiêm cho khách thập phương tìm về cội nguồn tâm linh và du khách xa gần đến chiêm bái nhưng vẫn không mất đi lối kiến trúc cổ xưa và gìn giữ di sản quí báu của ngôi cổ tự rêu phong mãi tồn tại với thời gian theo dòng lịch sử .
Đăng Huy
Phản hồi