Độc đáo kiến trúc Phật giáo tại các ngôi chùa cổ qua chuyến khảo sát của Ban Văn hóa TƯ GHPGVN tại tỉnh Hà Nam và TP.Hà Nội

Hôm nay, 22/12, đoàn Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo một số ngôi chùa tiêu biểu tại tỉnh Hà Nam và TP.Hà Nội, hướng tới hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”.

Đoàn khảo sát pho tượng bằng đá đầu người mình chim tại Long Đọi Sơn


Đoàn khảo sát do HT. Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN làm trưởng đoàn; tháp tùng còn có chư Tôn đức ban Văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa các tỉnh thành, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư.

HT. Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN Phát biểu, cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến khảo sát


HT. Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN cho biết, chuyến đi khảo sát lần này sẽ nghiên cứu, thu thập tư liệu hơn 50 ngôi chùa đặc trưng, truyền thống của Phật giáo Bắc tông, tại 10 tỉnh thành. Kết quả của chuyến đi sẽ góp phần tìm hiểu về thực trạng kiến trúc Phật giáo, di sản kiến trúc Phật giáo, các loại hình kiến trúc Phật giáo ở miền Bắc hiện nay (truyền thống, xây mới/sau trùng tu, tôn tạo). Đây cũng là cơ hội để lắng nghe ý kiến đóng góp của chư tôn đức các địa phương, chuyên gia về phương án dự kiến bảo tồn, quản lý, phát huy các giá trị đặc trưng truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Vũ nêu khái quát lịch sử và những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo đặc sắc của ngôi cổ tự Long Đọi Sơn


Tại chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), tiếp đón Đoàn, Thượng tọa Thích Thanh Vũ, Viện chủ Tổ đình Long Đọi Sơn đã nêu khái quát lịch sử và những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo đặc sắc của ngôi cổ tự Long Đọi Sơn. Theo đó, chùa Long Đọi Sơn có tuổi thọ gần 1000 năm lưu giữ nhiều vật quý từ thời Lý. Chùa là một trong 10 di tích trong cả nước được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

 Đoàn khảo sát nhà bia với tấm bia đá Sùng Thiện Diên Linh 900 năm tuổi nổi tiếng


Đứng tại cổng tam quan ta sẽ thấy ngay nhà bia với tấm bia đá Sùng Thiện Diên Linh 900 năm tuổi nổi tiếng. Bia tháp này cao hơn 2,5 m, rộng 1,75 m, dày 0,3 m và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Đây là minh chứng lịch sử quan trọng về mặt lịch sử, khảo cổ học và là biểu tượng văn hóa của trấn Sơn Nam xưa cũng như Hà Nam ngày nay. Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước.

 

Đoàn khảo sát những di vật quý có niên đại từ thời Lý


Đặc biệt, chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ những di vật quý có niên đại từ thời Lý. Nổi bật trong đó có 6 pho tượng thần hộ vệ Kim Cương kích thước cao bằng người thật được tạc nổi trên đá. Cũng như 4 pho tượng bằng đá đầu người mình chim được điêu khắc rất công phu, độc đáo thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt lúc bấy giờ.

Đoàn khảo sát kiến trúc Phật giáo chùa Bối Khê


Tiếp đó, Đoàn đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn lưu giữ những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo. Chùa Bối Khê được xây dựng vào khoảng năm 1338 dưới đời vua Trần Hiến Tông, như vậy đến nay đã bước sang thế kỷ thứ tám. 

HT. Thích Thọ Lạc cùng phái đoàn khảo sát bia đá có từ đời Hậu Trần của chùa Bối Khê


Kiến trúc chùa Bối Khê có tiền đường, hành lang tả hữu, nhà tam bảo đều bằng gỗ dựng theo hình chữ quốc. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính. Đến nay, chùa Bối Khê vẫn còn lưu giữ được những cổ vật quý giá như tượng Phật bà nghìn mắt, nghìn tay có từ đời Lý là một trong 2 pho tượng đẹp và quý nhất Việt Nam, 11 bia đá có từ đời Hậu Trần, 2 quả chuông được đúc bằng đồng và 22 đạo sắc từ thời Lý cho đến thời Nguyễn, một quần thể tượng cửu long 9 pho tượng được đặt trên 9 bệ rồng. Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những hoạ tiết về kiến trúc gỗ 4 vị chim thần.

Đoàn khảo sát Phù điêu thập bát La hán bằng gỗ tại chùa Trăm Gian

Ngôi chùa tiếp theo đoàn đến thăm, khảo sát và nghiên cứu là chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Chùa được xây dựng vào năm Trịnh Phù thứ 10 (1185), đời vua Lý Cao Tông. Ở sân chùa có gác chuông hai tầng, tám mái được xây dựng vào năm Quý Dậu tức năm 1693, do niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông lập lên, đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật rất cao. Ngôi chùa ngày nay còn giữ được rất nhiều di vật và tượng quý có tuổi thọ lâu năm. Độc đáo nhất phải kể đến 153 pho tượng trong chùa chủ yếu làm bằng gỗ, một số ít bằng đất nung phủ sơn. Chùa Trăm Gian có nhiều hình chạm rồng xen lẫn mây lửa với kiến trúc mặt bằng vuông. Phù điêu thập bát La hán tại chùa Trăm Gian được làm bằng gỗ. Hiện nay, chùa Trăm Gian được coi là một trong bốn chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất xứ Đoài, bên cạnh chùa Thầy, chùa Trầm và chùa Tây Phương. Với lịch sự và kiến trúc giá trị, chùa Trăm Gian đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

 


Đoàn khảo sát kiến trúc Phật giáo chùa Thầy


Buổi chiều, Đoàn đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Thầy (huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội). Chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng). Sân có hàm rồng. Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống.

Đoàn khảo sát kiến trúc Phật giáo chùa Tây Phương


Tiếp đó, Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội). Chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8, chùa thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt và là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài… Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng. Mỗi tòa đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể.

Nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long… đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù… rất tinh xảo. Tổng cộng trong chùa có khoảng 72 pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn được đánh giá vào loại bậc nhất về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta. Các tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Đặc biệt hơn cả là 16 pho tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường lâu của thượng điện, mỗi vị là một nỗi khổ, cử chỉ, dáng điệu riêng thể hiện những tính cách khác nhau khá sinh động và hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc cổ.

Xin trân trọng gửi tới quý độc giả những hình ảnh đã ghi nhận được:

Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại chùa Long Đọi Sơn:

   

 

Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại chùa Bối Khê: 

 

Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại chùa Trăm Gian:

Đoàn khảo sát tới thăm chùa Thầy

Đoàn khảo sát tới thăm chùa Tây Phương

Nhóm PV

Bài viết liên quan

Phản hồi