Chùa Cao (Chùa Gôi – Vụ Bản, Nam Định) Ngôi chùa linh thiêng gắn liền với lễ hội Di tích Phủ Dày

Chùa Cao hay còn gọi là chùa Gôi có tên chữ là Tiên Sơn tự, thuộc quần thể Phủ Dày, cách từ Thành phố Nam Định đi về phía Tây khoảng 15km, trên trục đường QL 10, chùa nằm trên 1 quả núi tên gọi Núi Gôi “Non Côi” thuộc địa phận Thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Lược sử

Người xưa thường nói Thiên Bản là đất địa linh nhân kiệt, quả vậy nơi đây có truyền thống lịch sử hào hùng. Từ xa xưa người dân Côi Sơn tôn thờ Lữ Gia, thừa tướng nước Nam Việt chống lại nhà Hán (nên dân lập đền thờ). Xế phía trên không xa là đền Độc Cước thờ thần độ trì cho dân chài, Dưới chân núi phía Nam là du cung của “vua đi hội thề” á thánh Lê Tông có chùa Phúc Ân. Tương truyền chùa là nơi cầu kinh niệm phật của công chúa Chiêm Thành Lư Đê (Vợ Lê Tông). Cuối thời Trần quan Hành khiển Đô ngự sử Đinh Văn Lan người Cao Hương về ở ẩn dựng chùa Vân Trung trên lưng chừng phía đông núi Gôi. Dưới chân núi có một đạo quán thời Lý đến thời Lê đã chuyển thành chùa Quang Lão có bia đá thời Lê Trung Hưng. Thời Tây Sơn có Trần Quang Thọ người Côi Sơn vận động trai tráng trong vùng tham gia nghĩa quân bổ sung lực lượng cho nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh quân Thanh ở thành Đông Quan lập nhiều công, Trần Quang Thọ được Nguyễn Huệ phong Vũ Giai Thủ hiến Đại tướng quân. Tất cả đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử văn hoá, một khu tín ngưỡng tâm linh giữa châu thổ sông Hồng hoà quyện trong sơn thuỷ hữu tình kỳ thú…

Đứng từ chùa Cao nhìn xuống Thị trấn Gôi

Núi Gôi là một danh lam thắng tích biểu tượng cho Nam Định, mỗi khi nói đến Nam Định người ta thường nhắc tới “Non Côi Sông Vị”, như “Núi Nùng Sông Nhị” hay “Núi Tản Sông Đà” với lòng ngưỡng mộ tự hào. Côi Sơn đã được biết bao tao nhân mặc khách viếng thăm. Ngay từ thời Lý nhà sư Tế Sinh đã nhận thấy nơi đây là bồng lai tiên cảnh. Thời Hậu Lê liến sĩ Đặng Phi Hiển đỗ tiến sĩ năm Vĩnh Tộ 10(1628) có bài thơ Hên Sơn tự viết về ngôi chùa này như sau:

Chùa Tiên Sơn

Côi sơn thắng tích được lưu truyền

Sư tự chùa Đồi đến tạo duyên

Chẩm bắt cóc con khai động nguyệt

Đầm nam suối gió tạo lâm tuyền

Người tiên qua lại nay còn tượng

Mộ tổ linh thiêng phả ký truyền

Thiên Bản cổ xưa ai biết được

Thuyền tan xương nát vũng kê uyên.

Giới thiệu một số hình ảnh lễ hội chùa Cao được người Pháp chụp vào năm 1920:

Hình ảnh hiện tại:

Tượng đức Quan Âm được tôn trí tại khuôn viên chùa

Tượng đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn

Khung cảnh về đêm

Giá trị văn hóa

Xưa kia cứ vào thượng tuần tháng ba âm lịch, chính hội là 3/3, du khách thập phương nô nức hành hương về với hội Phủ Dày, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Thánh Mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát, Đền Sòng (Thanh Hoá). Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả.Du khách trẩy hội Phủ Dày vừa để dự ngày “giỗ Mẹ”, vừa để thoả nguyện tâm linh và được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng, chùa truyền thống vô cùng độc đáo. Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hoà quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hoá dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ “Thỉnh kinh rước nước” rước Thánh Mẫu từ Phủ Chính (Tiên Hương ) lên chùa Gôi ( chùa Cao ) vào ngày 6/3. Đám rước Thánh Mẫu dài gần 1km , rất trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bắt âm. Đến ngày 7/3 sinh hoạt văn hoá ” Hoa trượng hội ” . Đây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu ” ra chữ ” sau đó theo nhịp trống chiêng rộn ràng xếp thành những dòng chữ Hán đầy ý nghĩa.

Lễ hội truyền thống- Rước bóng

Trải qua những năm kháng chiến trước đây, ngày nay tục lệ “Thỉnh kinh rước nước ” về chùa Cao (chùa Gôi) đã bị mai một mất đi truyền thống đích thực vốn có của nó. Tuy vậy, chùa Cao (Gôi) cùng nhân dân địa phương, thập phương với tâm linh tín ngưỡng của mình và sự tưởng nhớ về cội nguồn mà những năm gần đây cứ tới ngày mồng 6/3 lại tổ chức ” rước bóng ” từ chùa Lão lên chùa Cao (chùa Hạ lên chùa Cao) như hiện nay.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo

Bài viết liên quan

Phản hồi