Cho bạn mượn tiền có nên hay không?

Có một số đồng tu đến hỏi tôi: “bạn bè đến mượn tiền, chúng con có nên giúp đỡ không”❓
🌿 Tôi trả lời họ: “Bạn có năng lực thì giúp đỡ họ, nhưng mà phải nhớ kỹ, cho họ mượn thì nhất định không nên nghĩ họ trả lại, như vậy thì bạn bè này càng giao thiệp càng sâu đậm”.
Cho họ mượn còn muốn họ phải trả, còn muốn đòi nợ thì bạn tốt hóa thành thù địch, việc gì phải khổ vậy? Cho nên khi cho họ mượn, nhất định không nên nghĩ họ sẽ trả lại cho ta. Cho họ mượn tức là biếu tặng cho họ, tâm của bạn an biết bao, bạn vui sướng biết bao. Tương lai nếu họ trả lại cho bạn thì rất tốt, hoan hỷ; nếu không trả thì bạn nhất định không nên nhắc lại.
Cho nên muốn giúp người, trước tiên phải nghĩ đến năng lực của mình, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, dưỡng lòng khoan dung của mình, phước về sau vô cùng. Bạn có thể thường xuyên làm như vậy thì ở trong xã hội, bạn đã xây dựng niềm tin nơi công chúng, bạn làm việc được rất nhiều người ủng hộ, rất nhiều người giúp đỡ bạn
Bạn vui lòng giúp đỡ người khác là gieo nhân, người khác giúp đỡ bạn là quả báo. Gieo nhân thiện, được quả thiện, phải biết đạo lý này. Cho nên chúng ta phải biết nhường nhau
Chúng ta sống ở thế gian, trên thực tế nhu cầu đời sống của bản thân vô cùng hữu hạn. Đại đức xưa thường nói, sống ở thế gian cũng chẳng qua là “ngày ăn ba bữa, tối ngủ sáu thước”, vậy là bạn có thể sống một đời rất yên ổn, rất thoải mái rồi, vậy thì tại sao không chịu nhường nhau?
🌿 Nhân tố quan trọng nhất của khỏe mạnh trường thọ là tâm địa chân thành, thanh tịnh, từ bi, đây là nguyên nhân đích thực của khỏe mạnh trường thọ, không phải ở chỗ ăn ngon, không phải tẩm bổ mỗi ngày. Quí vị hãy quan sát thật kỹ, trong lịch đại đế vương khanh tướng, đó là những người đại phú đại quý, điều kiện sống của họ đầy đủ, họ chú trọng ăn uống sinh hoạt, người bình thường ở thế gian không thể bì kịp
Nhưng chúng ta thử xem trong lịch sử, có mấy người được trường thọ? Đại đa số là mới 30, 40, 50 tuổi thì đã chết rồi, người sống đến 70, 80 vô cùng hiếm hoi, ngược lại còn không bằng những lão nông dân nhân gian. Người ở nông thôn sống đến 80, 90, hơn 100 tuổi, chúng ta thường xuyên nghe nói.
Bạn hãy thử xem, họ sinh hoạt ăn uống cơm nước đạm bạc, nhưng tại sao họ sống khỏe mạnh trường thọ như vậy? Có thể thấy khỏe mạnh trường thọ, không phải tẩm bổ mà được, không phải dùng phương tiện chữa trị mà có thể có được. Tại sao lão nông có thể khỏe mạnh trường thọ vậy?
Tâm họ thanh tịnh, họ thành thật, họ từ bi. Biết được đạo lý này, đời sống sinh hoạt tất cả tùy duyên là tốt, vả lại ăn uống sinh hoạt là càng ít càng tốt, tâm thanh tịnh, thanh tâm bớt dục thì tự nhiên sẽ khỏe mạnh trường thọ
✍️ Ta trích dẫn một đoạn trong “Kinh Di Giáo”: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa”.
Câu nói này của Phật, chúng ta nghe ra không khó hiểu. Người dục vọng nhiều, tâm tham nặng, cái chưa đạt được thì muốn đạt được, cái đã đạt được lại sợ mất đi, gánh nặng trong tâm đã quá nặng, phiền não quá nhiều, lo được lo mất. Tại sao họ đoản mạng vậy? Nguyên nhân là ở chỗ này.
Ngạn ngữ có câu: “Lo có thể khiến người già đi”
Lời này là lời kinh nghiệm của cổ nhân. Một người lo buồn, lo nghĩ quá nhiều thì dễ bị già yếu, nhiều bệnh, tuổi thọ tự nhiên sẽ ngắn. Từ trên những chân tướng sự thật này, những đạo lý này mà quan sát, chúng ta liền biết được, Nho gia, Đạo gia, nhà Phật những người thông minh thật sự này, họ biết cách dưỡng sinh, làm hết sức đem việc ưu não buông sạch, thân tâm tự tại
Giáo hóa chúng sanh là sự nghiệp của họ, tuy cần mẫn nỗ lực làm sự nghiệp này, nhưng mà quyết định không có mong cầu. Tại sao vậy? Có cầu liền có phiền não, vô cầu thì vô phiền não, cầu nhiều phiền não nhiều; dạy bảo học trò, dạy bảo đệ tử, đối với học trò, đối với đệ tử, quyết định không có hy vọng. Tại sao vậy? Có hy vọng thì sẽ có thất vọng.
🌿 Bạn có thể có thành tựu là thiện căn, phước đức, nhân duyên của bạn tốt, chúng tôi nhìn thấy hoan hỷ. Bạn không thể y giáo phụng hành, không thể tiếp nhận lời chỉ dạy, vẫn cứ tạo tác những tội nghiệp, họ nhìn thấy chỉ lắc đầu, “tập khí phiền não quá nặng!”. Cho nên ở trong tâm họ không lưu lại dấu vết, đây mới thật sự là hiểu được đạo dưỡng sinh
Chúng ta vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh, làm một chút việc tốt, có duyên thì đi làm. Chúng sanh có phước, ta cần nên làm, làm nhiều một chút. Nếu không có duyên phận này, chúng sanh vô phước, thì ta trở về thanh nhàn tự tại, nhất định không phải phan duyên “ta nhất định phải làm như vậy”, thế là bạn liền có ưu não, bạn đã có dục vọng rồi.
Chư Phật Bồ Tát ở trong mười pháp giới, chúng ta đọc thấy ở trong kinh, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp. Có phải họ tự mình muốn đến nơi này để giáo hóa chúng sanh không? Không phải!Nếu như họ muốn đến thì họ là phàm phu, không phải thánh nhân.
🌿Họ đến như thế nào vậy? Chúng sanh có cảm, họ đến là ứng, cái ứng này là bị động, không phải chủ động. Chúng sanh chúng ta có cảm, có mong cầu thì họ liền đến ngay. Nếu chúng sanh không có cái ý nghĩ này thì họ sẽ không đến. Họ đến làm gì, đến chẳng phải là tìm phiền phức sao?
Cho nên chư Phật Bồ Tát, ngay cả Đạo gia, Nho gia dạy học, vì xã hội phục vụ, vì nhân dân phục vụ, vì chúng sanh phục vụ, toàn là bị động, nhất định không có chủ động “tôi phải như thế này, như thế nọ; tôi vẫn muốn tạo ra một cơ hội như thế này, như thế nọ”, đâu có việc nhiều như vậy!
Cách làm này, cách nghĩ này đã đi ngược lại quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên chính là tánh đức của tự tánh. Nho, Thích, Đạo tâm địa đều là thanh tịnh vô vi, không làm mà chẳng có việc nào không làm, đó là cảm ứng.
🌿 Tôi đến Hồng Kông để giảng Kinh là vì mọi người, không phải tôi muốn đến, mà là các bạn muốn nghe Kinh mời tôi đến. Các bạn đã muốn nghe Kinh, mà tôi không đến là có lỗi với các bạn. Các bạn không tìm tôi, tôi tuyệt đối sẽ không đến
Năm xưa, có một bà chủ họ Lôi, mỗi năm đều mời tôi đến đây để giảng một tháng. Sau khi bà qua đời, không có người mời tôi nữa. Cho nên đã rất nhiều năm tôi không đến Hồng Kông rồi. Đến khi Hồng Kông được trao trả, tôi đến xem thử. Trước đây đã ở đây giảng qua 10 năm, cũng có một chút tình cảm như vậy
Cho nên Hồng Kông được trao trả, tôi đến bên này tham quan một chút, lại gặp được một số đồng tu cũ, thính chúng cũ trước đây đến nói với tôi: “Pháp sư! Thầy đã bảy năm không có đến rồi”. Tôi nói: “Đâu có lâu như vậy?”. Tính thử, quả nhiên là bảy năm. Tôi nói: “Không phải tôi không đến, mà vì các bạn không có tìm tôi”.
🌿 Bạn không có tìm tôi, tôi làm sao có thể đến được? Thế là có mấy vị đồng tu lại đến tìm tôi. Bạn đến tìm tôi là “cảm”, tôi đến là “ứng”. Chúng ta học tập theo Phật Thích Ca Mâu Ni, vĩnh viễn là bị động, vĩnh viễn không phải chủ động. Người chủ động có phiền não, chủ động tâm không thanh tịnh, cho nên phải hoàn toàn là bị động.
Phật dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên
Tùy duyên là bị động, phan duyên là chủ động. Cho nên câu nói này, ý nghĩa rất sâu xa.
Phật lại nói: “Thiểu dục chi nhân, vô cầu vô dục, tắc vô thử hoạn”. Đây là Phật dạy chúng ta. Chúng ta phải làm thế nào ở trong một đời này, sống thật tự tại, sống thật hạnh phúc
🌿 Câu thường nói rất hay: “Lý đắc tâm an”Đạo lý hiểu rõ rồi, tâm liền an ngay. Sau khi hiểu rõ đạo lý, dục vọng sẽ không còn nữa; chung sống với tất cả chúng sanh, họ cần gì, chúng ta làm hết mức cho họ; họ cần danh thì cho họ danh, họ cần lợi thì cho họ lợi, họ cần tài thì cho họ tài; kết duyên hoan hỷ với chúng sanh
Những cái mà chúng ta cần, họ không cần. Những cái mà họ cần, chúng ta không cần. Cái họ cần là danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, những thứ này chúng ta không cần. Cái chúng ta cần là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì họ không cần. Cho nên chúng ta chung sống với mọi người không có xung đột
Tại sao người thế gian chung sống không tốt vậy? Xung đột lợi hại, đôi bên cạnh tranh lẫn nhau, cho nên không thể chung sống. Chúng ta có thể chung sống tốt với tất cả chúng sanh. Hiện nay các bạn nhìn thấy, tôi chung sống với rất nhiều chủng tộc khác nhau vô cùng tốt, chung sống với tôn giáo khác nhau cũng vô cùng tốt.
Nguyên nhân gì vậy? Các bạn cần gì thảy đều cho bạn, cái mà bạn không cần, tôi cần. Cho nên nhất định không có xung đột lợi hại, chúng tôi mới có thể chung sống tốt như vậy.
Tôi giúp đỡ mọi người, đó là tôi tiếp nhận lời chỉ dạy của Phật Bồ Tát, cổ thánh tiên hiền, nên đời này đã có được lợi ích chân thật.
Tôi cống hiến cho mọi người, chia sẻ với mọi người phần lợi ích này. Nếu như bạn giác ngộ, bạn nhất định cũng có thể “thôi đa thủ thiểu”. Nhu cầu đời sống của chúng ta vô cùng có hạn, rất dễ dàng thỏa mãn!
Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 37)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapo
Hoan nghênh lưu thông công đức Vô Lượng

Bài viết liên quan

Phản hồi