Cây chuối, biểu tượng đặc biệt của gia đình Việt
Cây chuối nổi bật, khác thường bởi đặc tính gắn bó, đoàn kết, che chở, hiếu nghĩa, thủy chung… mang tính biểu tượng của gia đình Việt.
Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, Tạp chí Gia đình Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Luật sư Phạm Văn Học viết về ý nghĩa biểu tượng của loài cây đặc biệt này.
Cây chuối luôn mọc thành bụi, thành khóm, thành cụm trong vườn như một biểu tượng của sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa
Mới đây, đi viếng một đám tang, có mấy bác cao niên tranh luận rằng, trước bàn thờ vong nên buộc cây chuối tiêu hay là chuối tây? Cuộc tranh luận khá gay gắt và dường như không phân thắng bại! Nhân việc này, tôi xin bàn luận về ý nghĩa biểu tượng của cây chuối cũng như đề xuất lựa chọn cây chuối là cây biểu tượng cho gia đình Việt Nam.
Trở lại với tục lệ ở đám tang. Tại sao người ta lại buộc cây chuối ở bàn thờ vong? Tại sao người con trưởng lại thắt lưng bằng dây được bện từ lá chuối ? Tại sao trên bàn thờ mâm ngũ quả lại nhất thiết phải có nải chuối…?
Theo tôi mọi việc đều có lý do của nó và tất cả thuộc về những ý nghĩa, những giá trị cao cả, vĩ đại mà cây chuối, thứ cây rất đỗi bình thường hầu như vườn nhà ai cũng có, tuy nhiên không phải ai cũng biết.
Thứ nhất: Cây chuối là thứ cây mang biểu tượng của sự đoàn kết. Chuối là một loài cây sống gắn bó đoàn kết, thủy chung, cây chuối muốn sống muốn tồn tại nhất thiết phải mọc thành từng cụm với nhiều thế hệ, già, trẻ khác nhau tựa như một gia đình nhiều thế hệ.
Thân chuối, bẹ chuối mềm yếu toàn nước nhưng khi nó kết lại với nhau nó sẽ tương trợ lẫn nhau và tạo nên sức mạnh phi thường! Sức mạnh đủ lớn để mang trên mình buồng chuối có khi nặng hàng trăm kg và khi cơn bão đi qua rất ít khi cây chuối chịu khuất phục, đổ ngã. Sức mạnh ấy có được chính là nhờ vào sự gắn bó, đoàn kết, cây nọ che trở cho cây kia…
Thứ hai: Cây chuối là biểu tượng của truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá rụng về cội. Có thể quan sát thấy, lá chuối khi tàn héo không bao giờ rụng hoặc bay đi mà nó sẽ gục xuống và ôm ấp, che trở cho nơi nó sinh ra. Và đó chính là lý do mà người con trưởng khi quàn trước linh cữu cha, mẹ phải thắt lưng bằng một sợi dây chuối. Sợi dây ấy là sợi dây của sự gắn kết, là sợi dây truyền thống… Là lời nhắc nhở của cha mẹ với con cái rằng, con hãy thay cha, mẹ duy trì sự đoàn kết quý báu của gia đình của dòng tộc, của người Việt chúng ta.
Thứ ba: Một góc nhìn khác, có thể thấy chuối là cây có sức sống vô cùng mãnh liệt. Ngọn cây chuối non ngay sau khi bị cắt đi thì ngày mai ở thân chuối phần còn lại sẽ mọc ra một búp chuối khác. Nó sẽ lớn, sẽ tồn tại và sẽ thay thế cây chuối cũ… Đó là lý do mà trước bàn thờ vong có hai ngọn chuối non, đó là thông điệp mà người Việt muốn nhắn nhủ rằng sự ra đi của người quá cố chỉ là tạm thời chỉ là phần “ngọn” mà thôi. Sức mạnh, sự sống… còn tiềm ẩn ở phần còn lại, ở những người còn đang sống. Vì vậy mà con cháu, anh trên em dưới hãy sống, hãy tiếp nối những giá trị mà cuộc đời mà tạo hóa vốn có đã ban tặng cho chúng ta…
Hiếm có loài cây nào mà con người có thể sử dụng làm thức ăn từ gốc đến ngọn như cây chuối. Ảnh minh họa
Thứ tư: Cây chuối là loài cây có quả duy nhất mà con người có thể sử dụng tất cả các bộ phận của nó để ăn. Củ (gốc) chuối, thân chuối, hoa, quả non, quả chín… đều có thể sử dụng làm thực phẩm. Ngay cả lá chuối cũng không bỏ đi, nó có thể dùng gói giò, gói nem, gói bánh. Rất khó để tìm ra loài cây nào mà con người có thể sử dụng gần như toàn bộ các bộ phận như cây chuối.
Thứ năm: Cây chuối được xem là biểu tượng của sự hy sinh, dâng hiến ! Nghe thì có vẻ hơi vô lý nhưng các bạn thử quan sát xem có loài cây nào đơm hoa, kết trái mà không nhằm mục đích luân hồi? Quả táo mọc ra cây táo, quả na mọc ra cây na , riêng quả chuối dù thơm ngon đến đâu thì cuối cùng cũng chỉ để dâng hiến cho muôn loài. Duy nhất trong các loại quả, quả chuối hiếm khi mọc ra cây chuối. Cây chuối mẹ đẻ nhánh ra cây chuối con và cứ thế quây quần thành từng khóm. Vòng luân hồi của cây chuối lại sinh ra từ đất.
Ngẫm về sự tồn tại và sinh trưởng, đức hy sinh dâng hiến của cây chuối thấy giống như các bậc tu hành, họ sinh ra ban đầu cũng tham sân si, cũng quay cuồng với cuộc sống mưu sinh nhưng đến độ giác ngộ họ đi tu, sống khổ hạnh, ép xác cả đời thoát trần, chay tịnh tụng kinh gõ mõ, cầu an chúc phúc cho muôn loài, không màng danh lợi. Đó là cảnh giới, là đức hy sinh.
Phải chăng cây chuối đã thấm nhuần đức hy sinh của nhà phật và đó là hiện thân cho những tinh thần cao cả mà người phàm không có được .
Với những lý do kể trên, cây chuối được ví như loài cây biểu tượng cho gia đình Việt Nam.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả hiện là luật sư, doanh nhân đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Phú Thọ
Phản hồi