Cà Mau: Lễ Dâng y Kathina tại Chùa Monivongsa

Sáng ngày 20/10/2024 (nhằm ngày 18/9/Giáp Thìn), tại Chùa Monivongsa – phường 1, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Đại lễ dâng y Kathina theo truyền thống hàng năm của Phật giáo Nam tông Khmer.

Chứng minh và tham dự có HT. Thạch Hà – Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Cà Mau, trụ trì Chùa Monivongsa cùng chư Tăng tại bổn tự, chư Tăng các chùa, viện trong tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và hơn 200 Phật tử gần xa,…

Trước khi bắt đầu buổi lễ, chư Tôn đức Tăng cùng toàn thể đạo tràng Phật tử trang nghiêm thực hiện nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ. Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, HT. Thạch Hà thay mặt chư Tôn đức Tăng truyền trao Tam quy Ngũ giới cho Phật tử, cư sĩ tại gia.

Phật tử Thạch Tùng Linh đại diện hơn 200 Phật tử hiện diện dâng lời tác bạch cúng dường và dâng pháp y Kathyna lên chư Tôn đức. Sau lời tác bạch cúng dường, HT. Thạch Hà ban đạo từ và chư Tăng tụng kinh chúc phúc để hồi hướng công đức cúng dường cho thí chủ.

Theo truyền thống, Lễ Dâng y Kathina (hay còn gọi là lễ Dâng bông, Dâng y cà sa) của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức nhằm cầu mong cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa, đồng thời thành kính dâng áo cà sa cùng các vật dụng dành cho chư tăng.

Trong những ngày tổ chức lễ dâng y Kathina, các phum, sóc của đồng bào luôn rực rỡ sắc màu. Đi cùng đám rước là đội trống Sa Dăm, đội múa Rô Băm và hàng trăm cây hoa, cây cảnh được trang trí bằng những sợi dây lấp lánh, theo bước chân của người dân đi về các chùa.

Lễ dâng y Kathina là nét đẹp văn hoá truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer, cũng là dịp để cộng đồng tổ chức quyên góp nhằm đắp đường, tu sửa trường học, nhà tăng, nhà hội…

Nhiều người nghĩ rằng Kathina tức chỉ cho y Kathina được dâng trong dịp sau khi chư Tăng mãn mùa an cư. Phụ chú giải tạng Luật, định nghĩa về Kathina như sau: Kathina nghĩa là vững chắc, bền chặt bởi vì có khả năng làm cho năm quả báu được duy trì trong suốt khoảng thời gian 5 tháng. Ngoài ra, Kathina còn có nghĩa thực tế là khung gỗ để căng vải may y được Đức Phật cho phép chư Tỳ-khưu sử dụng.

Dâng y Kathina đặc biệt hơn các y khác. Trong một năm có 12 tháng, thí chủ có thể dâng y thường dùng vào bất cứ lúc nào, không hạn định, không bắt buộc, hoàn toàn tùy ý của thí chủ. Và chư Tỳ-khưu có thể thọ nhận y mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y thường dùng bất cứ thời gian nào, cũng không hạn định. Nhưng đối với việc dâng y Kathina, chư Tỳ-khưu được phép thọ y Kaṭhina bắt đầu từ ngày 16 tháng 9 cho đến ngày 15 tháng 10. Trong khoảng thời gian 30 ngày ấy, chỉ có một ngày, chư Tỳ-khưu chỉ được phép một lần thọ nhận y Kathina, mà thí chủ đem đến làm lễ dâng y Kathina mà thôi; còn lại 29 ngày khác, chư Tỳ-khưu ấy không được phép thọ nhận y Kathina nữa.

Truyền thống dâng y Kathina trở thành một nét đẹp trong văn hóa của Phật giáo Nam truyền, đây là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật và được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay. Tuy mỗi quốc gia đều có văn hóa riêng, phong tục riêng nhưng cái chung của tất cả các xứ theo Phật giáo Nam truyền vẫn là dựa trên tinh thần giới luật mà thực hành. Người nhận và người cho, cả hai phương diện đều được sự lợi ích vững chắc như ý nghĩa thật sự của Kathina.

Trước đó, chiều ngày 19/10 cũng tại đây các Sư và đông đảo Phật tử trang nghiêm thiết lễ diễu hành xe Hoa trên các trục đường giữa lòng thành phố tưng bừng nhộn nhịp kính mừng đại lễ.

TN. Như Thanh – Ban TTTT PG TP. Cà Mau

Bài viết liên quan

Phản hồi