BR-VT: Ni trưởng Thích Nữ Như Ánh và thiền viện Phổ Chiếu
PGĐS- Thiền viện Phổ Chiếu (phường ( Tân Phú, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) vốn là nông trại Thiền Đức, toạ lạc trong khuôn viên Đại Tòng Lâm với diện tích 3 hecta. Do Thầy tôi là cố Sư bà Vĩnh Bửu thành lập vào tháng 7 năm 1975. Sư bà đưa Ni chúng từ chùa Thiền Đức về đây canh tác.
Trải qua thời gian lao động vất vả, và do không quen nếp sống nông nghiệp nên Ni chúng trở về. Sư bà giao cho Như Ánh duy trì nơi đây làm Thiền Đức thứ 2. Tôi (NT. Như Ánh) ở lại đây, học và tu theo pháp thiền của Hòa thượng Chơn Không (Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ- Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam) mỗi tháng trở về thiền viện Thường Chiếu, Viên Chiếu giảng dạy.
Năm 1982 có mấy vị đến đây xin ở để học theo pháp môn của Hòa thượng, với ước mong sớm rõ lối về. Thấy cơ duyên đã đến, tôi xin phép Hòa thượng được mở thiền viện. Với lòng thành khẩn và ý chí cương quyết, tôi được Hòa thượng đồng ý.
Tháng 8 năm 1982 thiền viện được thành lập, Hòa thựơng đặt tên là Phổ Chiếu. Phổ Chiếu ban đầu rất khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt. Lúc đó, chúng chỉ có 8 người, nhưng khi nghe tin Hòa thượng cho phép mở thiền viện, chúng các nơi xin về tu theo pháp của Hòa thượng rất đông. Chỉ vài tháng sau số chúng tăng lên 20 vị. Lúc đó nhà cửa chật hẹp, gạo không đủ ăn. Tôi rất lo và tìm mọi cách để chúng được an ổn tu học. Buổi đầu chỉ có hai căn nhà nhỏ vách đất mái lá đơn sơ. Một ngôi dành làm chánh điện. Một ngôi dành cho Ni chúng ở.
Năm 1984 Thiền viện Bát Nhã ở Vũng Tàu giải tỏa, Sư bà Vĩnh Bửu cho Phổ Chiếu trở về làm Thiền đường. Cùng năm ấy được sự ủng hộ của huynh đệ và một số Phật tử, Phổ Chiếu làm lại chánh điện bằng mái tôn vách ván, để có nơi cho Ni chúng tu tập. Thời gian này học rất ít. Chúng vất vả, ngày gieo trồng hai buổi tự túc. Chúng tôi phải ăn khoai lang, bắp, mì thế gạo. Áo mặc phải vá đủ màu, cuộc sống cơ cực. Nhưng Ni chúng vẫn vui hoà tinh tấn tu học. Nhờ tuổi trẻ, tinh thần phấn chấn cùng nương nhau tọa thiền, chăn trâu, nhắc nhở nhau xoay lại sống với cái chân thật hiện hữu nơi mỗi người.
Thời gian đầu có Sư Như Đức, trụ trì Viên Chiếu, hướng dẫn thỉnh nguyện, tọa thiền và các nghi thức cần thiết của viện. Hàng tuần, có quý Sư cô Viên Chiếu về dạy các môn A hàm, Pháp cú, Bát nhã. Mỗi tháng, Hòa thượng Chơn Không đều về thăm. Nhờ những lời chỉ dạy, răn nhắc của Hòa thượng, thiền sinh Phổ Chiếu lớn mạnh niềm tin và nỗ lực tu tập hơn.
Mạch nguồn Thiền tông được Hòa thượng khơi dậy ngày càng lan rộng, Phổ Chiếu chúng tôi cũng hoà nhịp đổi thay cùng năm tháng. Số chúng tăng dần lên 60 vị. Tài chính tạm ổn nhờ làm tương, làm mứt mỗi năm vào dịp Tết. Phật tử biết đến Phổ Chiếu cũng tới lui ủng hộ.
Năm 1992 chánh điện được xây lại, tuy không lớn bằng các thiền viện anh chị, nhưng cũng có nơi cho Ni chúng tụng kinh và toạ thiền. Khu thiền thất tăng dần, từ 3 ngôi nay đã được 6 ngôi, giúp các thiền sinh có nơi yên tĩnh để hạ thủ công phu tu tập. Trai đường, lớp học, nhà bếp, nhà khách và các công trình phụ cũng được sửa sang lại khá khang trang.
Qua thời gian tu học tại thiền viện, một số Ni chúng đã nắm vững yếu chỉ và đi làm Phật sự các nơi. Hiện nay số chúng đang tu học tại rhiền viện là 70 vị.
Phần Thanh Quy, Thiền viện Phổ Chiếu áp dụng theo đường lối chủ trương tu thiền của Hoà thượng và các Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm cuối Thế kỷ 20. Thiền viện Phổ Chiếu tổ chức chương trình tu học trong mỗi tuần. Buổi sáng chấp tác, buổi chiều học Kinh luận. Trong mỗi tháng thiền viện chủ trương có một tuần chuyên tu vào ngày mồng 8 đến 15. Trong tuần tu này, chỉ chú trọng chuyên tu không học. Mỗi năm thiền viện làm lễ quy y và xuất gia cho những Phật tử sau thời gian làm công quả, tập sự tu học tại thiền viện.
Thiền viện Phổ Chiếu đã vượt qua bao gian nan thử thách để rồi có được ngày hôm nay. Đó cũng là nhờ thâm ơn của Hòa thượng (Người đã vun bồi cho Phổ Chiếu từ vật chất đến tinh thần) cùng sự nhiệt tâm ủng hộ của các thiền viện anh chị, các Phật tử xa gần và sự chung sức chung lòng của thiền sinh đã tạo nên một Phổ Chiếu hôm nay để nối tiếp mạch nguồn Thiền tông, xứng đáng với danh hiệu Phổ Chiếu.
(Theo thienvienthuongchieu.net)
Phản hồi