Bốn khía cạnh của tình thương đích thực
Khi nêu ra bốn danh từ Từ Bi Hỷ Xả điều ta phải để ý trước tiên là bốn từ đó diễn tả bốn mặt của một thực tại mà ta tạm gọi là tình thương, tình thương đích thực, tình thương chân thật. Vì vậy cho nên ta phải thấy được liền tính cách tương tức giữa bốn cái. Phải thấy được rằng một cái là do ba cái kia làm ra thì ta mới có thể hiểu được giáo lý vi diệu về tứ vô lượng tâm. Ví dụ như yếu tố Hỷ tức là niềm vui.
Nếu trong tình thương mà không có yếu tố niềm vui thì tình thương đó không thể gọi là tình thương đích thực được. Cho nên trong Từ đã có Hỷ. Một tình thương trong đó chỉ có sầu đau thì làm sao được gọi là tình thương chân thật. Rồi ta nhìn vào Xả. Xả là sự không vướng mắc, không theo phe, không kỳ thị. Nếu tình thương của chúng ta mà có tính cách phe phái, kỳ thị và vướng mắc thì tình thương ấy không phải là tình thương đích thực. Vì vậy trong Từ có Xả. Thường thường ta dịch Xả là equanimity, có người dịch là even – mindedness. Xả cũng có nghĩa là non– attachment, release, letting go. Vậy thì nó là một khía cạnh của tình thương chân thật. Khi chúng ta còn vướng mắc, còn kỳ thị, còn theo phe thì tình thương đó chưa phải là tình thương đích thực.
Bi là gì? Bi là chí nguyện và khả năng có tác dụng làm vơi nỗi khổ, chuyễn hóa nỗi khổ. Bi là compassion, relieving pain, có khã năng làm nhẹ đi những niềm đau. Tình thương chân thật thì phải chứa đựng những yếu tố ấy. Nếu tình thương mà không làm cho niềm đau người ta bớt đi, không có khả năng chuyển hóa thì làm sao ta gọi nó là tình thương chân thật? Nếu Từ là đích thực thì có chứa đựng sẳn Bi, Hỷ và Xả.
Bi cũng vậy, nếu Bi là Bi đích thực thì cũng chứa đựng Từ, Hỷ và Xả. Hỷ mà là Hỷ đích thực thì cũng chứa đựng Từ, Bi và Xả. Xả đích thực không phải là sự lạnh lùng, indifference. Từ indifference này nghĩa nguyên hay lắm, nhưng bây giờ có người dịch indifference là thờ ơ. Indifference vốn là không thấy có sự khác biệt. Ví dụ mình có hai đứa con mà mình thấy hai con đều là con, mình thương như nhau, mình không có kỳ thị người này, mình không có vướng mắc người kia thì cái đó là indifference. Nhưng bây giờ trong cái văn chương ngôn ngữ của chúng ta, indifference được hiểu là thờ ơ, là lạnh lùng, là không quan tâm. Indifference đáng lý phải được hiểu là không có difference. Xả đây tức là hiện tướng của cái trí tuệ gọi là bình đẳng tánh trí (samata prajna). Sama là bình đẳng, samata là bình đẳng tánh, tức là khả năng thấy được người này và người kia cùng một thể tánh, là đồng đẳng, không có sự khác nhau gì hết, không có sự phân biệt giữa mình và người, tức là vượt thoát cái gọi là ngã mạn, vượt thoát cái được gọi là tam mạn: còn có sự so sánh, còn thấy có sự khác biệt giữa ta và người, còn thấy có ranh giới giữa ta và người thì chưa có Xả. Vì vậy Xả là một yếu tố rất thiết yếu của tình thương chân thật. Xả cũng phải được thực hiện từ từ.
Ví dụ khi ta quán chiếu và quán sát một người và đi được vào thịt da và tâm tư người đó thì ta mới bắt đầu hiểu và thương người đó được. Và tự nhiên ta với người đó trở thành ra một. Tình thương đó là tình thương đã có Xả; còn nếu ta quán sát người đó mà người đó vẫn là người đó, ta vẫn là ta, ta không đi vào người đó được, ta không sống bằng xương bằng thịt bằng thọ bằng tưởng của người đó thì ta chưa có lòng thương đích thực.
Sự quán chiếu cũng vậy. Tự nhiên mình biến thành người đó và mình hiểu người đó toàn vẹn. Khi lòng thương trào lên nhờ cái thấy bình đẳng ấy thì ta gọi nó là Từ, là Bi; mà Từ và Bi đó đã chứa đựng Xả. Xả đây có nghĩa là lấy đi cái ranh giới giữa mình và người, không phân biệt, không kỳ thị, và chúng ta thoáng thấy được tính cách mầu nhiệm của sự thực tập này. Ta thấy rằng nếu không quán chiếu thì không thể thực sự yêu thương được. Không quán chiếu thì làm sao ta có thể đặt ta vào hoàn cảnh, vào da thịt của người kia để có thể hiểu được người kia và trở thành người kia? Khi ta trở thành người kia rồi thì lúc đó tình thương mới gọi là tình thương đích thực, không có đối tượng, không có chủ thể, người thương và người được thương trở thành một. Chừng nào ta còn nói tôi là người thương, anh là người được tôi thương thì chừng đó chưa có Xả. Cũng như khi ta cầm cái búa và đóng đinh.
Thay vì đóng trên đinh thì ta có thể vô ý đóng trên ngón tay. Tay trái bị đau, làm rơi cây đinh xuống, tay phải tự nhiên bỏ búa, cầm lấy ngón tay trái và chăm sóc một cách rất tự nhiên, không phân biệt. Vô phân biệt không có nghĩa là vô tri. Nó không nói: tôi là tay phải đây, anh là tay trái, anh vừa bị thương, tôi là người đang giúp anh đây. Tay phải không bao giờ có cái phân biệt như vậy. Cái không phân biệt ấy tiếng Anh gọi là non-discrimination, nhưng nó không phải là vô tri. Nếu bàn tay ấy vô tri thì nó đâu biết bỏ cái búa xuống để chăm sóc bàn tay trái?
Khi chứng đạo, người ta có vô phân biệt trí, tức là có cái trí tuệ vô phân biệt. Sau khi chứng ngộ ngộ rồi thức thứ bảy trở thành một loại trí gọi là bình đẳng tánh trí. Bình đẳng ở đây có nghĩa là không thấy sự khác nhau, sự bằng nhau, Sự thua nhau, sự hơn nhau. Cái đó liên hệ tới tam mạn mà ta đã học trong kinh Tam Di Đề. Và cái tình thương chân thật, cái tình thương cao tột phải có yếu tố Xả. Không phải Bụt đã góp chung lại bốn cái giáo lý tách rời.
HT. Thích Nhất Hạnh
Phản hồi