Ban Văn Hóa GHPGVN Và Các Cơ Quan Chức Năng: Khảo Sát Kiến Trúc Phật Giáo VN Các Tỉnh Đông Nam Bộ Và Miền Tây Nam Bộ
PGĐS – Thuộc trong 4 đề án lớn mà Ban VHTW GHPGVN thực hiện thời gian qua, Kiến trúc Phật giáo VN là đề tài được số đông Chư Tôn đức giáo phẩm của Giáo hội PGVN trong và ngoài nước quan tâm; Nhiều nhà khoa học, các Kiến trúc sư (KTS), các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông và người dân cũng rất quan tâm vấn đề này. Sau 2 đề tài: “Khoá tụng Thống nhất” và “Pháp phục” đang được áp dụng ở các cơ sở chùa, tự viện, thiền viện .v.v… và các chuyến khảo sát Kiến trúc và Di sản ở một số vùng miền cả nước; Thời điểm này, để chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về “Kiến trúc VN thống nhất trong đa dạng” vào tháng 4/2023 tại Hà Nội, và chuẩn bị tổng kết 5 năm nhiệm kỳ Khoá VIII của Ban VHTW, lãnh đạo Ban VHTW GHPGVN tổ chức cùng các cơ quan nghiên cứu Nhà nước khảo sát khoảng hơn 40 ngôi chùa tiêu biểu gồm chùa truyền thống, các ngôi chùa xây mới của các hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, Thiền tông thuộc 10 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây Nam bộ từ ngày 16 -25/9/2022.
- CHUẨN BỊ TÂM HUYẾT CHO CHUYẾN KHẢO SÁT KIÊN TRÚC PHẬT GIÁO
Trước khi thực hiện chuyến công tác, Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban VHTW GHPGVN – Trưởng đoàn công tác đã có cuộc họp trực tuyến về các việc cần làm vào tối 12/9/2022 (17/8 Nhâm Dần) với mong muốn chuyến khảo sát đạt kết quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của Phật giáo thời hiện đại. Theo TT Trưởng Ban, chuyến khảo sát cần thu thập các tư liệu, lắng nghe ý kiến các địa phương; khảo sát cách thờ tự nội viện v.v… theo từng hệ phái.
Mục đích của chuyến khảo sát với quy mô lớn này nhằm xác định Kiến trúc Phật giáo (KTPG) VN, định hướng bảo tồn kiến trúc và di sản của Phật giáo, nghiên cứu biểu tượng đặc trưng kiến trúc của các hệ phái; Tìm hiểu những yếu tố bản địa tiêu biểu trong KTPG truyền thống, cấu trúc cơ bản của KTPG, các công năng hoàn chỉnh (hạng mục công trình, cảnh quan không gian…) tác dụng của các công năng đó; Những công trình không thể thiếu trong KTPG từng hệ phái v.v… TT Trưởng Ban chỉ đạo Chư tôn đức Ban Thư ký làm việc với các bộ phận của nhóm Tuyên truyền phân công thành viên theo từng khâu công việc cụ thể, để đạt hiệu quả thiết thực.
vì thế trong 3 nhóm công tác chính, Nhóm Truyền thông có rất nhiều đầu mục công việc, được chia thành nhiều nhóm nhỏ với từng phần việc cụ thể để đạt được hiệu quả lưu trữ, giới thiệu và tuyên truyền thông tin về Đề án đến mọi tầng lớp xã hội và Nhà nước. Chuyến khảo sát nhằm đánh giá, tìm hiểu các giá trị thực của Kiến trúc Phật giáo VN, nhìn nhận từ cách thờ tự của PGVN để tìm được biểu tượng chung nhất trong Kiến trúc và Di sản của từng hệ phái, tiến tới có sự thống nhất của Kiến xstrúc Phật giáo của các hệ phái. PGS. TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện NC Tôn Giáo (Viện KHXHVN) – người gắn bó với Ban VHTW GHPGVN từ nhiều năm qua đã nói lời tâm huyết: “Cảm ơn TT Thích Thọ Lạc và Chư Tôn đức đã tổ chức chuyến đi này. Chuyến đi không chỉ phục vụ cho Hội thảo sắp tới, mà chuyến đi nhằm lan toả kiến thức về kiến trúc PG, lan toả được tinh thần VHPG đến các địa phương…”. HT Bửu Chánh – Phó Trưởng Ban VHTW GHPGVN – cho biết: “Nên có Kỷ yếu về chuyến đi. Vì vậy, viết và chụp hình cần tích cực, chủ động giới thiệu việc thường ngày, kịp thời tuyên truyền, rút kinh nghiệm, và lan toả việc thì hiệu quả hơn, khích lệ các thành viên nhiệt tình; Sau đó tập hợp lại làm kỷ yếu. Tập Kỷ yếu có chất lượng, ý nghĩa là một cách chào mừng ĐH Phật giáo toàn quốc sắp tới. Nhiều ý kiến giá trị đóng góp cho chuyến đi đạt hiệu quả. Các công tác chuẩn bị cho chuyến đi cũng được chuẩn bị chu đáo.
NGÀY ĐẦU TIÊN:
THĂM VÀ KHẢO SÁT 07 CHÙA, THÁP, TỰ VIỆN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Mở đầu chuyến khảo sát, ngày 16.9.2022 (ngày 20.8 năm Nhâm Dần), Đoàn công tác do Chương trình khảo sát do TT. Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng Ban VHGHPGVN làm Trưởng đoàn; HT. Bửu Chánh – UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực; TT. Thích Minh Tiến – UV HĐTS – Phó Trưởng ban; TT. Thích Giác Nghi – UV HĐTS – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu cùng chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Văn hoá TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà học giả: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXHVN); Ông Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích); Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử VN; Ths. KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học gắn bó với văn hoá Phật giáo đã có ngày làm việc đầu tiên với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT.
Trước đó, TT Thích Tâm Trụ – Trưởng Ban VHPG của tỉnh thay mặt Ban Trị sự GHPG BRVT thừa mệnh BTSPG Tỉnh cho biết đã chuẩn bị tâm thế đây đủ để đón tiếp và cùng Ban VHGHPGVN cùng chư vị khách quý thăm và khảo sát 07 ngôi chùa, tháp, tự viện của tỉnh này. Các địa chỉ đoàn khảo sát thuộc 4 hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và hệ Thiền tông. HT Thích Giác Trí – Phó TB TSPG tỉnh BRVT đã cùng đoàn khảo sát chuyến công tác đặc biệt này.
Tại BR-VT đón tiếp đoàn có HT. Thích Quảng Hiển – Uỷ viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự; TT. Giác Trí – UV HĐTS, Phó trưởng BTS; TT. Thích Nhuận Nghĩa – UV HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký; HT. Giác Thông – Phó trưởng BTS; TT. Thích Trí Định – Phó Thư ký kiêm Trưởng ban TTTT; TT. Thích Tâm Trụ – UV BVHTƯ, Trưởng ban Văn hóa; TT. Thích Vĩnh Tế – Phó trưởng ban Thường trực Ban Pháp chế GHPGVN tỉnh BR-VT và một số thành viên Ban Văn hoá PG tỉnh.
7 ngôi chùa, Tháp, tự viện, thiện viện gồm:
*Chùa Đại Tòng Lâm (Vạn Phật Đại Tòng Lâm) do HT Thích Thiện Hòa khai sơn khu đất rộng gần 100 hecta năm 1958 rồi lập chùa. Trải qua năm tháng, ngôi chùa nay có tên gọi là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, tọa lạc tại Phường Phú Mỹ, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Địa chỉ của chùa là Trụ sở của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bà Rịa VũngTàu.
Chùa Đại Tòng Lâm gồm tòa nhà Trung tâm văn hóa Đại Tòng Lâm có sức chứa hàng ngàn người, dành cho những sự kiện lớn của Phật giáo tỉnh nhà. Bên trong có nhiều phòng trưng dụng: nhà thư viện, phòng trưng bày… Đại Tòng Lâm là ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô lớn, có bệnh viện chữa bệnh cho người nghèo, xây dựng kiến trúc hiện đại kiên cố, đẹp hài hòa. Nơi đây đã giữ 6 kỷ lục do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập gồm: Ngôi chùa có chánh điện lớn nhất VN (năm 2006); Tượng Bồ tát Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất VN; Chùa Đại Tòng Lâm với khóa An cư kiết hạ có số Tăng Ni tập trung nhiều nhất VN; Ngôi chùa có tượng Phật nhiều nhất VN (3 kỷ lục này được xác lập năm 2007); Vườn Cửu phẩm Cực Lạc tôn trí tượng Phật A Di Đà bằng đá hoa cương nhiều nhất VN (năm 2009); Tượng Tam Thánh Cực Lạc bằng đá hoa cương lớn nhất VN (năm 2010).
Tổ đình Thiên Thai: ở phía Bắc chân núi Dinh Cố, có hình dáng một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An của hai xã Tam Phước và An Nhứt, thuộc ấp 3, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hòa thượng (HT) Huệ Đăng (1873 – 1953) là Tổ thứ 41 thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, Ngài đã dừng chân và thành lập chùa Thiên Thai vào năm 1920. Năm 1935, HT Huệ Đăng thành lập “Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội”, gọi tắt là “Thiên Thai Thiền Giáo Tông” trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, xuất bản tạp chí “Bát Nhã âm”.
Tổ đình toạ lạc trên diện tích 6 ha, chia làm 2 khu vực gồm chùa Thiên Thai và Thiên Bửu Tháp. Các công trình tổ đình Thiên Thai gồm: Tòa chánh điện, Giảng đường (hậu tổ), Nhà khách, bát quái đài, thạch động và khu vườn tháp. Trong đó, nổi bật là tòa chính điện hình tứ giác vuông, mỗi cạnh 15m. Mặt tiền của toà chính điện gồm 5 gian, ở giữa có 3 cửa ra vào xây theo lối cuốn vòm, tạo nên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng. Điện thờ Phật được thiết kế ở trung tâm với những đặc điểm rất độc đáo. Bố trí 4 trụ đá ở bốn góc, giữa là một trụ đá nâng đỡ toàn điện thờ, tạo thành chữ “Ngũ”. Bệ xây bằng đá giật cấp, cao 2m. Bốn góc có ngai thờ làm bằng gỗ rộng 1m, cao 2m, sơn son thếp vàng, chạm trổ, công phu những hình trang trí truyền thống như: Hổ phù, Lửa tam muội, hai bên là hình Rồng cách điệu… Mái nhà theo kiểu kiến trúc chồng diêm xuôi về bốn góc. Trên đỉnh cao nhất của nóc chùa là bình Cam lộ, đắp bằng xi măng, ở bốn góc của chùa đắp trang trí hình rồng cách điệu, tạo nên nét uyển chuyển, sinh động. Phía mặt tiền của chùa có bức cuốn thư lớn đắp bằng xi măng nổi hình chữ Triện, phiên âm là: Thiên Thai cổ tự. Hai đầu hồi đắp hình tam giác nổi, trên đỉnh gắn một bông sen.
Với lối kiến trúc cổ kính, tổ đình Thiên Thai trở thành Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2008. Đây là ngôi chùa 100 năm tuổi có cảnh quan, kiến trúc gắn liền với nhiều về hành trạng và công hạnh của Tổ sáng lập với chủ trương chấn hưng Phật giáo ở miền Nam.
Bảo Tháp Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng: thế danh của Thiền sư là Huỳnh Văn Yết (1818- 1872) là vị cao tăng triều Nguyễn. Sư thuộc thiền phái Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, đời pháp thứ 40. Ngài xuất thân từ tổ đình Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) và là đệ tử của Tăng cang Tánh Thông Giác Ngộ (1774-1842). Sau thời gian học pháp với thầy Tổ và tham phương học đạo với các vị đại sư đương thời, noi gương các bậc tổ sư, Ngài phát tâm vân du hóa đạo, từng dừng chân ở nhiều chùa cảnh thuộc các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, rồi Bà Rịa Vũng Tàu.
Tương truyền, trong thời gian giáo hóa ở núi Trà Cú, Ngài nhận thấy đây là nơi “địa linh” có nhiều long mạch hội tụ, Ngài chọn một hang đá gần đỉnh núi làm nơi tu hành, phía dưới hang có mạch nước trong mát, sau này được gọi là “hang Tổ”. Ngài thường tọa thiền, đói thì ăn rau rừng, uống nước suối qua ngày, cảm hóa loài vật, dần cọp sói trở thành là bạn thân thiết với Ngài. Nhờ ý chí quả cảm, quyết tâm tu hành, Ngài đã sáng đạo tại đây. Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng viên tịch vào ngày 25-5 năm Nhâm Thân (1872) tại chùa Ngọc Tuyền, chúng đệ tử phụng lập Bảo Tháp của thiền sư trong khuôn viên chùa. Bảo tháp của Tổ sư, kiến trúc xây dựng bảo tháp khá cổ xưa, theo kiểu lục giác, gồm có 3 tầng. Tháp được xây dựng bằng đá xanh kết hợp với các nguyên liệu cổ truyền như mật mía, vôi, tạo nên sự bền chắc của kiến trúc. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài không được bảo quản tốt, phần bì tác động bởi vài yếu tố khách quan nên nay bị xuống cấp và hư hại nhiều.
Tịnh xá Ngọc Lâm tọa lạc tại khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc Hệ phái Khất sĩ, Ni giới Giáo đoàn IV do Cố Ni trưởng Ngân Liên (đệ tử Ni thứ 5 của Tổ sư Minh Đăng Quang) sáng lập.
Năm 1954, Ni trưởng Ngân Liên từ Dĩ An ra Long Hải, thấy cảnh thiên nhiên, núi non thanh tịnh, rất hợp cho người tu hành, liền kêu gọi chúng đệ tử về khai khẩn khu rừng, làm chỗ để tu tập. Điểm đặc biệt về kiến trúc tại tịnh xá là ngôi chánh điện theo mô hình Bát giác; tầng trên là chánh điện, tầng dưới làm giảng đường. Lối kiến trúc Bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo: gồm có Chánh Kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Muốn vào ngôi nhà Phật pháp chúng ta phải đi qua 8 cửa này và dù đi qua bằng cửa nào cũng có thể đến gặp được Phật. Bốn trụ của chánh điện xung quanh tháp Phật tượng trưng cho giáo lý Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), hay bốn chúng (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di) hộ trì phật pháp, bốn trụ ấy nâng đỡ ngôi nhà Phật Pháp. Ở giữa có xây tam cấp để thờ Phật tượng trưng cho Giới, Định, Huệ hoặc Phật, Pháp, Tăng. Tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni duy nhất được thờ trong chánh điện trên bậc cao nhất, tượng trưng cho Phật tánh/trí tuệ luôn có sẵn trong tâm của chúng ta. Muốn thấy được tánh Phật hoặc chứng ngộ tứ thánh quả cần phải đi vào bằng con đường Bát chánh đạo, 8 cửa luôn mở rộng để hành giả bước vào ngôi nhà Như Lai.
Từ khi tịnh xá được thành lập đến nay trải qua 3 đời trụ trì (Ni trưởng Ngân Liên, Ni trưởng Mỹ Liên và Ni trưởng Mai Liên) và nhiều lần xây dựng, trùng tu, tịnh xá Ngọc Lâm vẫn giữ được nét văn hóa kiến trúc của Tổ sư, lối kiến trúc Bát giác đặc trưng của ngôi chùa/tịnh xá thuộc hệ phái Khất sĩ.
Thiền viện Chơn không: tọa lạc trên khu đất có diện tích 27.000m2, tại số 36/11 đường Vi Ba, Phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chơn Không là pháp hiệu của thiền sư đời Lý (1045 – 1110), sống vào đời Vua Lý Nhân Tông. Thiền viện Chơn Không được khai sáng từ tháng 04/1966 bởi Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Ngài đã khai phá vùng đất Hòn Chụp – Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) dựng Pháp Lạc Thất bằng tre lá, chuyên tu thiền.
Thiền viện có tổng diện tích xây dựng là 2.831,26.
Một trong những công trình đặc biệt của Thiền viện được mọi người biết đến là công trình tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu” mạ vàng khổng lồ (cao 28m). Bức tượng được đặt ở vị trí cao nhất của thiền viện, mặt hướng ra biển, kết hợp với màu sắc vàng óng khiến pho tượng đẹp nổi bật cả một khu vực rộng lớn, uy nghiêm, sừng sững giữa lòng thành phố biển.
Thích Ca Phật Đài
Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo có quy mô lớn nằm hướng Đông Bắc của Núi Lớn (Núi Tương Kỳ), tọa lạc tại 608 đường Trần Phú, Phường 5, Tp. Vũng Tàu với tổng diện tích 30.000 m2. Đây là một địa điểm du lịch tâm linh (Phật giáo) nổi tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu (Việt Nam).
Với lối kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam Tông gồm các hạng mục: Cổng tam quan được xây dựng với 4 trụ vuông rất vững chắc, gắn trên đỉnh 4 đóa hoa sen để biểu thị cho sự trong sạch, tinh khiết và thanh cao của Phật giáo. Chính giữa cổng đề tên “Thích Ca Phật Đài”, phía trên có hoa văn hình bánh xe chuyển pháp luân; Bảo tháp thờ xá lợi được xây dựng hình bát giác cao 19m. Phía trên đỉnh tháp có 1 búp sen, bên trong tháp chứa 13 viên xá lợi. Phía dưới chân tháp đặt 4 đỉnh lớn chứa đất từ 4 thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ (Đản sanh: Vườn Lâm-tỳ-ni, Thành đạo: Bồ Đề Đạo Tràng, Chuyển pháp luân: vườn Lộc Uyển và Nhập Niết-bàn: rừng sala song thọ).
Thích Ca Phật Đài là quần thể kiến trúc Phật giáo đặc thù của Phật giáo Nguyên thùy Nam Tông. Nơi đây lưu giữ một số di sản văn hóa-kiến trúc Phật giáo nỗi bật như: Bảo tháp thờ 13 viên xá lợi Phật; 2 Nhánh Bồ đề chính gốc nơi Đức Phật thành đạo thể kỷ thứ 3 trước Tây lịch được Đại đế A dục cho chiết nhánh nhờ Thánh ni Sanghamitta mang đến trồng tại Tích lan; Tượng Phật Chuyển Pháp Luân được chụp hình làm trang bìa Quyển Đức Phật và Phật Pháp phổ biến trong cộng đồng Phật tử thế giới; Tượng Phật Ngồi cao 6 m tại Thích Ca Phật đài được xem là tượng Phật tiêu biểu có sức hấp dẫn Phật tử mộ đạo về hành hương nhiều nhất vùng Đông Nam bộ; 6 bia kinh khảm óc xà cừ bài Chân kinh “Chuyển Pháp Luân”; Kinh viết trên lá bối ngôn ngữ Khmer cổ niên đại thế kỷ 17; Tượng Phật xưa bằng đá xanh theo phong cách Óc Eo; Xá lợi Phật; Với những di sản trên, Thích Ca Phật Đài được công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 12/1989.
7.Linh Sơn Cổ tự
Linh Sơn Cổ Tự được xây dựng năm 1860 tại triền dốc Núi Nhỏ, đến năm 1921 nhà cầm quyền Pháp yêu cầu Hương chức làng chuyển ngôi Chùa đi nơi khác. Năm 1921, các tín chủ: bà Lâm Thị Thơm, Bà Nguyễn Thị Xưa, bà Nguyễn Thị Tình và bà Nguyễn Thị Nga cùng nhau hùn tiền mua đất cúng dường để xây dựng Chùa Linh Sơn và bầu ông Trần Văn Lương, Pháp danh Minh Thắng làm hội trưởng. Chùa tọa lạc tại 104 Hoàng Hoa Thám – Phường 2 -TP.Vũng Tàu (số cũ 61 Hoàng Hoa Thám – Phường 2 – TP.Vũng Tàu).
Ngôi Chùa đậm nét kiến trúc giữa cổ xưa và đương đại. Trên nóc chùa là những ngôi tháp khá đặc biệt. Trên đỉnh mỗi tháp là chiếc bình hồ-lô có hoa sen nâng đỡ được điêu khắc rất khéo léo. Đặc biệt, Ngôi Chùa còn lưu giữ thờ cúng Tượng Phật Thích Ca bằng đá Sa Thạch màu xám có niên đại từ thế kỷ 7. Bên cạnh đó còn có Tượng Phật Di Lặc bằng đồng của miền nam nước Lào được chuyển về năm 1972. Ngoài ra, chùa đang thờ cúng Xá Lợi Phật và các Đại Đệ Tử Phật do Hội đoàn Phật Giáo Myanma cúng dường. Với những di sản về văn hóa-kiến trúc tại Linh Sơn Cổ tự ngày 03/8/1991 chùa được Bộ Văn hoá công nhận Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Kiến Trúc Nghệ Thuật tại quyết định số: 1371/VH-QĐ ngày 03/08/1991.
Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, đoàn đã thu thập được những thành công bước đầu gợi mở những đặc trưng kiến trúc (bố cục, không gian, cảnh quan, hệ thống tượng thờ) của các ngôi chùa của các hệ phái tại tỉnh Bà RịaVũng Tàu. Với Mục tiêu của chuyến khảo sát quy mô lớn này, hy vọng rằng Chư Tôn đức, các học giả, các nhà nghiên cứu có thêm thông tin và hướng tiếp cận mới sẽ hỗ trợ cho Ban Văn hoá TƯ GHPGVN sẽ gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp.
Ngày 17/9 (ngày thứ 2), chương trình khảo sát Di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai tại tỉnh Đồng Nai.
Song Thuỷ
Phản hồi