Bắc Ninh: Đại Lễ Đúc Đại Hồng Chung Tại Chùa Kim Ngưu Nhân Ngày Khánh Đản Đức Phật A Di Đà

 PGĐS – Sáng ngày 11-12-2022 (nhằm ngày 18-11 năm Nhâm Dần), tại chùa Kim Ngưu, thôn Cổ Miếu, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức buổi lễ rót đồng, đúc Đại Hồng chung (đúc chuông 1.800kg).

  Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của: HT. Thích Thanh Phụng- Uỷ viên HĐTS TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; TT. Thích Thanh Lâm- Uỷ viên HĐTS TƯ, Phó Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc; TT. Thích Thanh Sơn- Phó ban, Chánh thư ký BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; ĐĐ. Thích Giác Đạt- Uỷ viên HĐTS GHPGVN huyện Tiên Du; ĐĐ. Thích Nhuận Thanh- Uỷ viên dự khuyết HĐTS TƯ, Phó BTS GHPG VN tỉnh Điện Biên; ĐĐ. Thích Quang Huệ- Phó ban, Chánh Thư ký BTS GHPG VN huyện Từ Sơn; ĐĐ. Thích Giác Giáo- UV BTS, Phó Ban kiêm Chánh thư ký ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh BN, Trụ trì chùa Kim Ngưu, Trưởng ban tổ chức đại lễ; quý Chư tôn đức Tăng- ni trụ trì các chùa, tự viện trong và ngoài tỉnh đồng tham dự.

Về phía quan khách có ông : Nguyễn Thị Minh Nga- Phó ban Tôn Giáo Chính Phủ; ông Lê Minh Khánh- Vụ trưởng Vụ Phật Giáo BTG Chính phủ; ông Nguyễn Mạnh Trung- Đội trưởng phòng An ninh Nội Địa tỉnh; ông Dương Văn Lượng- Phó đội trưởng phòng An ninh Nội Địa tỉnh; ông Nguyễn Tiến Tài- Tỉnh Uỷ viên, Bí thư huyện Tiên Du; ông Nguyễn Đại Đồng- Phó Bí thư, chủ tịch UBND huyện ; ông Ngô Đắc Dân- Huyện Uỷ viên, Bí thư xã Phật Tích; bà Lê Thị Vắng- Bí thư chi bộ thôn Cổ Miếu; ông Đào Văn Chung- Trưởng thôn Cổ Miếu; cùng đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể, nhân dân Phật tử thập phương cũng về dự và tặng chúc mừng đại lễ.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, một phút nhập từ bi quán tưởng nhớ đến Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã quá vãng qua các thời kỳ. Toàn thể đại chúng đã được lắng nghe những tiết mục văn nghệ, những làn điệu Quan họ đến từ các liền anh liền chị quê hương Bắc Ninh. Tiếp đó, ĐĐ trụ trì đã lên phát biểu khai mạc đại lễ Đúc đại hồng chung nhân ngày vía Đức từ Phụ A Di Đà. ĐĐ chia sẻ rằng
” Khi về nơi đây giao duyên đi lại chăm sóc tâm linh cho nhân dân Phật tử tại chùa Kim Ngưu thì lúc bấy giờ cảnh quang ngôi chùa vẫn còn hoang sơ, khiêm tốn bởi ngôi chùa được hình thành từ thế kỉ thứ IX (Cao Biền – Mã Viện) nhưng chưa có Sư trụ trì, ĐĐ là người đầu tiên về trụ trì ngôi chùa này. Thầy cũng cho biết thêm trước khi ĐĐ về nhận chùa Kim Ngưu đã từng có 17 Thầy trụ trì gieo duyên đi lại nơi đây vài tháng rồi lại xin đi và Đại đức Thích Giác Giáo là người thứ 18 mới ở, trụ lại làm trụ trì được. Theo như các Cụ cao niên tại thôn Cổ Miếu kể lại rằng: Làng Cổ Miếu trước đây có tận 6 ngôi chùa, nhưng do chiến tranh, thời gian giờ đây Làng chỉ còn 2 chùa đó là Chùa Kim Ngưu và chùa Cổ Linh. Thôn Cổ Miếu là thôn 1 trong 5 thôn thuộc xã Phật Tích, đây cũng là thôn đông dân nhất, nhiều đất nhất, từ xưa cho đến bây giờ. Trải qua bao biến cố lịch sử, ngôi chùa vẫn luôn là mái nhà chung, chùa không chỉ là nơi để Nhân dân và Phật tử dâng hương lễ Phật, tỏ lòng thành kính mà còn là nơi sinh hoạt chung để bồi đắp giáo lý từ bi và trí tuệ của Phật giáo cho nhiều thế hệ.

 “Mái chùa che chở hồn dân tộc,

  Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Hơn 2000 năm qua, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam và đã trở thành chỗ dựa tâm linh vững chắc, là con đường đạo đức đưa con người xích lại gần nhau hơn. Đây chính là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tràn đầy tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo từ xưa đến nay.

Đại Hồng Chung (Chuông) là pháp khí vô cùng quan trọng của một ngôi chùa. Chùa Khô là một ngôi cổ tự đã có từ rất lâu, trải qua các cuộc chiến tranh, thời gian mưa nắng và nhiều thập kỷ không có Sư trụ trì nên ngôi chùa đã xuống cấp rất nghiêm trọng và các pháp khí cũng không còn nữa.

Với tâm nguyện trùng hưng ngôi Tam Bảo để làm nơi quy hướng cho bà con nhân dân Phật tử có nơi tu tập, lễ bái, gửi gấm tâm linh của mình. Hiện nay đang trùng tu kiến tạo lại ngôi chùa mới làm xong phần móng chùa nhưng nhà chùa cùng với chính quyền địa phương và bà con nhân dân Phật tử phát đại nguyện đúc Đại Hồng Chung (đúc chuông) để hằng ngày thỉnh chuông cầu nguyện cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Tiếng chuông có công năng phá trừ phiền não, khởi sinh Bồ đề tâm, cảm hóa chúng sinh cõi người, cõi trời, cõi âm, cõi dương, trong sáu nẻo luân hồi, nghe thấy tiếng chuông phát bồ-đề tâm, hoặc khởi lòng niệm Phật, khởi tâm thiện, hoặc chỉ ngưng việc ác, hoặc chỉ giảm phiền não, khổ đau… thì công đức của người đúc chuông thật lớn lao vô lượng. Vì vậy bậc cổ đức  có câu:

        “Làm Chùa, tô Tượng, đúc Chuông

  Ba công đức ấy thập phương nên làm”.

Vẫn biết rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tấm lòng của đại chúng ủng hộ đúc chuông chùa cũng đã nói lên được đạo tâm vô lượng của đại chúng trong sự nghiệp hoằng dương chính Pháp, lợi lạc quần sinh. Dù chỉ là một giọt dầu cũng thắp lên một ngọn đèn sáng, một viên gạch cũng góp phần tạo nền móng cho ngôi nhà Phật pháp sau này… Chuông chùa được đúc hoàn thành sẽ là dấu ấn ghi nhận công lao đóng góp của thế hệ hôm nay giúp cho con cháu mai sau biết hướng về tâm linh nguồn cội.

Cuối cùng, chư Tôn đức Tăng Ni, các Phật tử và nhân dân địa phương đã làm lễ dâng hương, bạch Phật, lễ chú nguyện, sái tịnh, rót đồng đúc đại hồng chung chùa Kim Ngưu trong không khí trang nghiêm thành kính, đại hoan hỷ, thắm tình đạo vị. Buổi lễ khép lại trong niềm hoan hỷ vô biên.

Một số ảnh được ghi nhận tại buổi lễ:

Thực hiện: Linh Nhã – Ngọc Tú

Bài viết liên quan

Phản hồi