8 bí quyết giao tiếp của người “thẳng” nhưng “khéo”

Muốn trở thành người thẳng thắn một cách khôn khéo, hãy khắc ghi nguyên tắc chủ đạo đó là không quá cứng rắn, không quá mềm yếu, phải vừa đủ.

Trong giao tiếp với mọi người, điều quan trọng là chúng ta xác định bản thân thẳng thắn đến đâu để kết nối và khiến mọi người lắng nghe. Nếu không tương tác, bạn sẽ không thể truyền đạt hoặc thuyết phục được ai. Nhưng nếu thẳng thắn quá mức, người khác sẽ bị tổn thương và trở nên dè dặt. Họ sẽ không chịu lắng nghe, còn ta thì không thể hiểu và thuyết phục họ.

Bạn đã bao giờ gặp một người thẳng thắn quá trớn chưa? Bạn đã từng bị một ai đó làm nhụt chí vì công kích thẳng thừng chưa? Cuộc sống bận rộn dễ khiến ta khó nói thẳng, nói thật với nhau. Có ba kiểu hành vi sai lầm: Một là, công kích dữ dội trong môi trường làm việc; Hai là, lấp liếm sự việc để tránh xung đột và không làm mất lòng ai; Ba là, hành xử hai mặt, trước mặt bạn thì tỏ ra tử tế nhưng sau lưng lại tung ra những bình phẩm độc địa.

8-bi-quyet-giao-tiep-cua-nguoi-thang-than-nhung-khon-kheo-1

Muốn trở thành người thẳng thắn một cách khôn khéo, hãy khắc ghi nguyên tắc chủ đạo đó là không quá cứng rắn, không quá mềm yếu, phải vừa đủ.

Thẳng thắn một cách khôn khéo thể hiện sự chính trực, giúp bạn giữ được mối quan hệ với mọi người. Họ sẽ đáp lại bạn bằng sự tôn trọng và lắng nghe.

Ở nơi làm việc, thái độ thẳng thắn nhằm cải thiện hiệu quả công việc. Thẳng thắn đúng mực sẽ khích lệ mọi người đóng góp, thúc đẩy hiệu suất công việc và tạo dựng một môi trường làm việc tích cực.

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn không lạm dụng thái độ thẳng thắn thái quá:

Đừng chăm chăm bắt lỗi

Thái độ soi mói, bắt bẻ và chỉ trích người khác không khiến bạn trông như một người am tường mọi việc. Sự công kích thái quá khiến mọi người kém tin tưởng lẫn nhau trong giao tiếp, còn bản thân bạn sẽ mang tiếng là một người tiêu cực và hay làm nhụt chí người khác.

Đưa ra giải pháp chứ không tỏ thái độ đối nghịch

Khi phê bình phải diễn đạt chi tiết thật cụ thể. Hãy đóng góp giải pháp chứ không chỉ nhằm chứng tỏ vị thế hoặc sự thông minh của mình. Thay vì công kích hay trách móc, nên chú trọng vào những khía cạnh có thể thay đổi.

Chấp nhận các quan điểm khác nhau

Bạn có khiến người khác cảm giác rằng cuộc đối thoại và sân chơi của riêng bạn, hay là xa lộ chung? Đừng áp đặt ý kiến với người khác. Cách này sẽ khiến mọi người xa lánh. Hãy kêu gọi mọi người thay vì áp chế họ. Hãy thể hiện lòng bao dung để mọi người hăng hái góp ý.

8-bi-quyet-giao-tiep-cua-nguoi-thang-than-nhung-khon-kheo-2

Trình bày và lắng nghe

Trình bày ý kiến một cách say sưa và sau đó lắng nghe phản hồi một cách chăm chú. Mục tiêu là mở ra đối thoại thẳng thắn, chứ không phải đưa ra những lời chỉ trích làm tổn thương người khác và làm xấu hình ảnh chính mình.

Hạ thấp âm lượng

Có người mỗi khi phê bình người khác cố gắng gân cổ lên, nói to hơn bình thường, hoàn toàn sai lầm. Hãy dịu giọng xuống để lời nói không quá chói tai. Đừng dùng âm điệu quá hung hăng để diễn ta thái độ cương quyết của mình.

Đừng vô tâm

Tránh lỡ lời hoặc đem người khác ra đùa cợt. Hãy nghĩ về tác hại khi làm phật lòng hay tổn thương người khác. Những sai lầm như thế sẽ khiến người khác phòng thủ và không chia sẻ thông tin.

Chọn giọng điệu tích cực

Đây là điểm khác biệt giữa những ý định tốt và ý đồ xấu. Một giọng điệu kiêu kỳ, ra vẻ biết tuốt sẽ khiến mọi người dị ứng và không muốn nghe bạn nói. Hãy dùng giọng cương quyết nhưng thân thiện. Hãy suy nghĩ một cách chân thành chứ không gây hấn.

Kiềm chế nóng giận

Đừng đánh mất hình ảnh của bản thân vì những cơn nóng giận thiếu kiểm soát. Bạn sẽ khiến mọi người xa cách thay vì ủng hộ bạn. Hãy điềm tĩnh và mọi người sẽ lắng nghe bạn.

 

Bài viết liên quan

Phản hồi