Đừng nóng giận mà khổ tâm ta

Đối với nhiều người, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Nóng giận không chỉ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa bạn với những người xung quanh mà còn có tác hại đối với sức khỏe.

Nóng giận là trạng thái mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và điều này khiến chúng ta có những phản ứng thái quá, mất bình tĩnh. Bạn có thể cảm thấy bực bội, khó chịu với mọi người, nóng giận có thể gây ra to tiếng, cãi vã, hoặc đôi khi còn là nguyên nhân gây ra các cuộc ẩu đả. Mọi người có thể nóng giận khi bị xúc phạm, khi cảm thấy bất công hoặc trong nhiều trường hợp không mong muốn khác.

Chắc hẳn mỗi người chúng ta, ai cũng đều từng tức giận, chẳng qua là vì hơn thua cao thấp, mạnh yếu, tranh qua giành lại cũng chẳng ai là người chiến thắng cuối cùng cả. Bạn thắng ai đó trong việc này, không chừng việc khác bạn lại thua họ, thua rồi thắng, thắng rồi thua…Khi bạn nhắm mắt từ biệt thế gian này, bạn cũng giống như bất cứ ai trên cõi đời này thôi: Hai bàn tay trắng, không có gì cả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi nóng giận, tâm trí bạn sẽ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào mà chỉ càng thêm tiêu cực, càng khiến câu chuyện đó trở nên rối ren hơn. Một vấn đề khi không được chấm dứt ở hiện tại sẽ kéo dài đến tương lai, làm phát sinh ra nhiều vấn đề khác và không thể nào giải quyết được nếu không có sự bình tĩnh để suy ngẫm.

Sự nóng giận, không biết kiểm soát cảm xúc của bản thân có thể khiến bạn mất đi rất nhiều thứ. Có thể là tiền bạc, công việc, những mối quan hệ mà bạn từng rất trân trọng hay thậm chí chính là tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Không thể biết rằng trong lúc tức giận và bị kích động, người đó có thể làm ra những chuyện nguy hiểm nào.

Bạn nổi giận với bạn bè, họ sẽ rời xa bạn. Bạn nổi giận với người ruột thịt, với bạn đời, họ tổn thương, khổ đau, bạn cũng chẳng hạnh phúc gì. Suy cho cùng, chỉ có bạn thiệt thòi nhất mà thôi.

Trong một cuộc tranh luận, nếu cảm thấy cuộc nói chuyện đã lên mức cao trào, một trong hai đều không giữ bình tĩnh thì nên dừng lại, tránh biến thành một “trận chiến” mà cả hai đều làm tổn thương nhau bằng lời nói. Dừng lại không có nghĩa bạn là kẻ thua cuộc mà để lấy lại sự bình tĩnh, để “ngọn lửa” trong lòng được hạ xuống, khi đó cả hai sẽ có cơ hội nhìn nhận xem ai đúng, ai sai mà hướng đến cách giải quyết hòa bình.

Nhiều người thường có tâm lý phải cãi tới cùng, cho rằng nếu mình ngưng lại trước là thua cuộc nhưng thực tế khi càng cãi nhau sẽ càng không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì mà chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng và thù hằn về nhau. Người chiến thắng là người kiểm soát được “cái tôi” của mình, khiến người khác tâm phục khẩu phục chứ không dùng những lời mạt sát để khiến đối phương lụy bại.

Lời nói ra như bát nước hất đi không bao giờ lấy lại được, đừng nói cho sướng mồm rồi tự mình làm khổ mình, tự mình làm mất cơ hội của bản thân, tự mình hủy hoại đi mối quan hệ của mình.

Con người sống trên đời quan trọng nhất là làm những việc mình thích và có ý nghĩa, đừng mất thời gian vào việc tranh giành hơn thua, đừng cứ mở miệng ra là “nói cho hả giận”, “tranh cho tới cùng”. Những ai thật sự biết tu dưỡng, sẽ nén lại cơn tức giận, bởi vì tức giận là do tranh giành, không tranh giành thì sẽ không tức giận, chỉ có không tức giận thì bạn mới làm được tốt mọi việc, cũng chỉ có không tức giận bạn mới sống khỏe mạnh.

Người bản lĩnh sẽ biết chế ngự được cảm xúc, biết điều gì phải điều gì là không nên, còn người mà nóng giận dễ dàng bộc lộ ra ngoài, dễ dàng buông lời mạt sát người khác thì suy cho cùng cũng chỉ đang thể hiện bản năng phần “con” của mình thôi.

Phùng Kim Kiên

Bài viết liên quan

Phản hồi