Ý Thức – Vô Thức – Tiềm Thức
Ý THỨC LÀ GÌ?
Đây là một vấn nạn, tùy mỗi góc độ có một định nghĩa khác nhau.
Ý thức theo Tâm lý học được định nghĩa là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở con người. Ý thức là sự phản ánh bằng ngôn ngữ những gì con người đã tiếp thu trong quá trình quan hệ qua lại với thế giới khách quan.
***
Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác – Lênin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất. Theo đó, ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người, có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất.
Ý thức phụ thuộc vào hoạt động của bộ óc người nên khi óc bị tổn thương thì hoạt động ý thức không diễn ra bình thường hoặc rối loạn.
Tuy nhiên, nếu chỉ có bộ óc không thôi mà không có thế giới bên ngoài tác động vào bộ óc thì cũng không có ý thức. Do vậy, nguồn gốc tự nhiên cần có yếu tố thứ hai là thế giới bên ngoài.
“Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó.”- Karl Marx
“Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn như vậy đến chừng nào con người còn tồn tại.” – Karl Marx và Engels (Wikipedia) “Ý thức là trạng thái hay đặc tính của sự nhận thức hoặc của việc nhận thức vật thể bên ngoài hay điều gì đó bên trong nội tại.” (Bách khoa toàn thư mở)
***
Qua nhận định của học thuyết Duy vật và khoa học thực dụng, tiếp theo, thử tìm hiểu quan điểm của phân tâm học Freud:
Tâm trí ba cấp độ của Freud:
Tiền ý thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn có thể được đưa đến vùng ý thức.
Ý thức bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn mà ta nhận thức được một cách rõ ràng vào bất kỳ thời điểm nào. Ta có thể nghĩ đến và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí. Ý thức còn bao gồm cả ký ức, không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng ý thức nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào và giúp ta nhận thức nó rõ ràng.
Vô thức là một “kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức.
Freud liên hệ ba cấp độ của tâm trí như một tảng băng. Phần chóp băng bạn thấy ở trên mặt nước thể hiện cho vùng ý thức. Phần băng ở ngay dưới mặt nước nhưng vẫn có thể nhìn thấy chính là tiền ý thức. Và phần băng lớn, nằm ẩn sâu dưới nước mà mắt không thấy được chính là vô thức. (Nguồn: Verywell Mind)
Vô thức là cái nằm dưới bề mặt nhận thức. Trừ khi bạn ý thức được cái tồn tại vô thức trong con người bạn, còn không chúng sẽ dẫn dắt cuộc đời bạn và bạn gọi đó là định mệnh. (Nguồn: EmilysQuotes)
***
Hiện nay vẫn chưa nhất quán việc thẩm định về: “Ý thức – vô thức – tiềm thức”. Theo Duy thức học, ý thức chỉ thức thứ sáu, phân biệt thức có tác dụng nhận thức phân biệt đối cảnh. Triết Tây, ý thức được xem như “tâm cơ năng, có khả năng nắm bắt đối tượng khách quan”.
Tiềm thức, ý thức, vô thức đều là thể và dụng của tâm. Nếu bảo “Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó” (Karl Marx) thì Duy thức nói rằng:
“Do giả thuyết ngã pháp
Hữu chủng chủng tướng chuyển
Bỉ y thức sở biến
Thử năng biến duy tam.”
Khi nói đến ngã và pháp thì trong tâm thức liền hiện những tướng pháp, ví dụ nói đến cảnh giới “không tướng”, pháp tánh thì làm gì có vấn đề đem chuyển vật chất vào đầu để cải biến? Do “tưởng thức” xuất hiện mới có “Hữu chủng chủng tướng chuyển”. Ngoài “Bỉ y thức sở biến” thì không có đối tượng vật chất nào làm căn bản liên tưởng. Tạng thức là kho chứa các chủng tử để ý thức (thức thứ sáu) khởi phân biệt, gồm có ba tên: A – lại – da, Dị Thục và Nhất Thiết Chủng.
Theo Freud – Tiền ý thức của Freud thuộc dạng tiềm thức. Còn bảo vô thức dẫn dắt cuộc đời gọi là định mệnh, chưa hẳn là thế. Nếu vô thức không hình thành hạt giống rõ ràng nằm trong tiềm thức thì không thể là định mệnh. Thí dụ công phu tu tập, thiếu ý thức tự chủ, tâm mơ màng lang bang, tỉnh tỉnh mê mê, vọng tưởng, thất niệm, ngủ gật,… thiếu ý thức nhận rõ thực tại; hoặc trong cơn mê bất tỉnh, ngủ say,… thiếu ý thức, không làm chủ bản thân như mộng du, mộng tinh,… đều là vô thức, gần như vô ký của tạng thức, nó không hình thành một hạt giống tư lương đưa đến kết quả tu tập. Một A La Hán làm chủ sanh tử, ngủ và thức là một, không thể rơi vào trạng thái mộng tinh như một Tiến sĩ nhận định về Đại Thiên.
***
Tóm lại, ý thức là sản phẩm của vật chất theo Duy vật, đó chỉ là nhìn theo hiện tượng; tiền ý thức của Freud chỉ là tạng thức của Duy thức học; vô thức là trạng thái bất định tính không tượng hình hạt giống. Có một nhầm lẫn vô thức là trạng thái không câu chấp vướng mắc, không phải thế, đã là vô thức là không có ý thức tồn tại, không tự chủ rõ ràng. Những người nhập đồng đều nằm trong trạng thái vô thức, tuy không ngủ nhưng không tự chủ, buông thả ý thức cho tầng sóng ngoại biên dẫn dắt mà Freud gọi là định mệnh.
Chuyên đề này cần đi sâu hơn, không thể diễn đạt qua vài nghìn từ trên trang mạng.
Cư sĩ Minh Mẫn
Phản hồi