Ý nghĩa “Sinh nhật” dưới góc nhìn Phật giáo

Văn hoá Việt Nam từ sau khi tiếp thu ảnh hưởng phương Tây mới phát sinh ra hình thức kỷ niệm “sinh nhật”. Ngày nay, giới trẻ đều quen thuộc với việc chúc mừng, kỷ niệm sinh nhật của người thân, bạn bè hay đồng nghiệp.

Ý nghĩa “Sinh nhật”

Phần lớn, bản thân mỗi người đều hiểu “sinh nhật” là ngày sinh, ngày chào đời của con người; rộng hơn là ngày sinh của một chúng sanh có thức tánh. Ngày sinh chính là ngày đánh dấu một cuộc đời mới, một cuộc sống mới của mỗi chúng sanh. Hẳn nhiên, ngày sinh trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời mỗi người cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, chúng ta cần đề cập đến một vài ý nghĩa khác của sinh nhật.

Thứ nhất, sinh nhật là sự bắt đầu

Hiểu theo nghĩa rộng, ý nghĩa “sinh nhật” không còn hạn chế trong khuôn khổ là ngày chào đời nữa, mà phải hiểu là sự bắt đầu, sự khởi đầu. “Bắt đầu” thì có rất nhiều ý nghĩa, ngày kẻ ác biết quay đầu hướng thiện chính là sinh nhật; ngày mình bắt đầu biết đạo cũng là sinh nhật, ngày mình gục ngã biết đứng lên cũng là sinh nhật,… cho đến bắt đầu một ngày mới, bắt đầu một dự án, kế hoạch,… đều có thể hiểu là sinh nhật. Bởi ngày đó chính là ngày mình bắt đầu một cuộc sống mới, một hành trình mới, một ngã rẽ mới. Theo ý nghĩa này, trong Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Ba pháp, Đức Phật cũng đã dạy: “Ba pháp này, này các Tỳ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba? Tại chỗ nào, này các Tỳ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được sanh ra; đây là pháp thứ nhất. Lại nữa, tại chỗ nào, này các Tỳ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ được làm lễ quán đảnh, đây là pháp thứ hai. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, tại chỗ nào, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sau khi chiến thắng một trận, tại chỗ vị ấy chiếm như là cầm đầu trong cuộc chiến thắng; đây là pháp thứ ba. Ba pháp này, này các Tỳ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ” [1].

z3148596346853_089d5fbd48c16dbb0ae92d1923a9b23b-1920x1280

Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy tinh thần “sinh nhật” đã được Đức Phật đề cập đến cách đây hơn 25 thế kỷ. Đức Phật dạy một vị vua cần phải nhớ ba nơi này trọn đời, gồm: (1) Chỗ sinh ra, (2) Chỗ đăng quang và (3) Chỗ đánh thắng trận. Tất nhiên, chữ “chỗ” ở đây đã bao hàm ý nghĩa thời gian trong đó. Đây là ba mốc quan trọng đánh dấu sự sinh ra, trưởng thành và thành tựu sự nghiệp của một vị quân vương cũng như tất cả con người. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người sẽ có nhiều mốc thời gian đáng nhớ khác nhau nhưng theo tinh thần Phật pháp, đây là ba chỗ mang dấu ấn sâu sắc nhất trong đời.

Đặc biệt, Đức Phật ví ba chỗ đáng nhớ của một vị vua – người được xem như tôn quý trên thế gian lúc bấy giờ – để đề cập đến ba chỗ cao quý hơn mà một vị Tỳ-kheo cần phải ghi nhớ trọn đời, mà Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Ba pháp mô tả như sau: “Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có ba pháp này, một Tỳ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba? Tại chỗ nào, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa; xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; đây là pháp thứ nhất. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, tại chỗ nào, Tỳ-kheo như thật biết rõ: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”; đây là pháp thứ hai. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, tại chỗ nào, một Tỳ-kheo, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đây là pháp thứ ba. Ba pháp này, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ” [2].

Tóm lại, ba chỗ đó gồm: (1) Sự thọ Đại giới; (2) Sự thông đạt Tứ diệu đế; (3) Sự chứng Thánh quả A-la-hán. Ba chỗ này tương ứng ba dấu ấn quan trọng trên lộ trình tu tập giải thoát của một vị Tỳ-kheo, đó là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất Tam giới gia. Vị Tỳ-kheo là người được sinh ra lần nữa trong giáo pháp của Đức Phật, được tắm gội trong giáo pháp của Như Lai. Kể từ đó, cuộc đời vị Tỳ-kheo được thay đổi tích cực; các kiết sử, lậu hoặc dần được đoạn trừ khi đi qua ba điểm mốc đó. Và hẳn nhiên, vị Tỳ-kheo ấy cần phải ghi nhớ ba chỗ đó theo tinh thần sinh nhật của Phật pháp.

cuttrangkinh-9884

Thứ hai, sinh nhật là ngày tri ân

Ở nghĩa hẹp, tri ân là sự biết ơn hai đấng sinh thành. Bất luận kẻ tu người tục, kẻ hiếu người nghịch,… cũng từ cha mẹ mà thành, nên ơn cha nghĩa mẹ mênh mông như biển cả trời cao. Ở Đài Loan, hai chữ “sinh nhật” được thay thế bằng ba chữ “Mẫu nạn nhật”, tức ngày mẫu thân nạn. Ôi! Đọc cái tên thôi cũng khiến ta phải có thái độ trầm tư suy nghĩ về công ơn của người mẹ. Mẫu thân, người đã chịu biết bao nhiêu khó nhọc, đắng cay mang mình suốt trong chín tháng mười ngày. Chưa kể, giây phút con chào đời là giây phút người mẹ đau đớn thân xác tột cùng. Ngày xưa, khi nền y tế còn lạc hậu, đây có thể là giây phút thập tử nhất sinh của người mẹ. Bởi có rất nhiều người mẹ sinh con an toàn nhưng đành phải bỏ mạng, có người giữ mạng để bỏ con hay hiện nay có người khó sinh nên phải mổ,… Nghĩ đến cảnh đó, chúng ta mới thấy công ơn sinh thành cao tựa như núi.

Nếu chúng ta hiểu thấu đáo ơn nghĩa sinh thành thì ngày sinh nhật sẽ càng thêm nhân văn. Bởi lẽ, ba chữ “Mẫu nạn nhật” sẽ đánh động vào tâm thức mỗi người, “ngày mi sinh ra là ngày mẹ mi phải dở khóc dở cười, cũng vì mi mà mẹ mi năm lần chuyển dạ, bảy lần quặn đau mới sinh ra mi. Vậy mà giờ mi chỉ biết vui chơi, ăn uống thôi sao?”. Tức, mỗi lần sinh nhật là một lần nhắc chúng ta nhớ về công ơn sinh thành, nhắc chính bản thân phải sống đúng luân lý đạo đức, đúng bổn phận gia đình và có nghĩa vụ với xã hội để xứng đáng công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Bản thân người viết thích cách gọi “Mẫu nạn nhật” hơn là sinh nhật. Bởi ngoài ý nghĩa trên, ba chữ “Mẫu thân nạn” còn nhắc mỗi người có mặt trên cõi đời ngày sinh ra là một kiếp nạn. Sinh ra đã là một kiếp nạn luân hồi, mà đời sống sau đó còn là một chuỗi tháng ngày phải hứng chịu nhiều chướng nạn khác do nhân quá khứ đã gieo. Tuy nhiên, với người có túc duyên sâu dày với Phật pháp, kiếp nạn này cũng là một nhân duyên để tiếp tục tu tập hướng đến sự giải thoát, chấm dứt kiếp nạn luôn hồi ngay trong đời sống hiện tại.

Theo nghĩa rộng, tri ân là sự biết ơn tất cả mọi nhân duyên đã giúp mình thành tựu được các pháp lành. Như một vị Tỳ-kheo, ngày thọ Đại giới là ngày chính thức bước vào hàng ngũ của Tăng đoàn, là bước vào hàng ngũ “Chúng trung tôn”, ngày nhận lãnh trách nhiệm thay Đức Phật hoằng truyền giáo pháp. Nơi thọ Đại giới cũng vậy, một vị Tỳ-kheo thành tựu được giới thể hay không cũng từ nơi ấy mà ra. Cho nên, một vị Tỳ-kheo cần phải ghi nhớ thời gian, không gian, con người,… ở nơi đó như một lời nhắc nhở bản thân không được quên đi những công ơn đã mang, bởi sự thành tựu của mình vốn hội tụ từ nhiều yếu tố. Chính Đức Phật cũng đã làm vậy, vào tuần lễ thứ hai sau khi thành đạo, Ngài nhìn chăm chú vào gốc cây Bồ đề như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Bởi lẽ, cây Bồ đề nơi đã che nắng chắn mưa cho Ngài trong thời gian Thiền định cho đến khi Ngài viên mãn quả Vô Thượng Bồ đề. Vì vậy, ý nghĩa “sinh nhật” nên hiểu theo nhiều khía cạnh như vậy mới thấy rõ yếu tố duyên sinh, vô ngã của tất cả các pháp.

Ngày nay trên toàn thế giới, việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh mỗi năm cũng không ngoài ý nghĩa trên. Bởi cuộc đời Đức Phật là một tấm gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo. Sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện của từ bi và trí tuệ, sự hiện diện của bình đẳng và bất bạo động, sự hiện diện của cánh cửa giải thoát. Pháp Ngài nói ra như một giếng nước trong lành ở ngã tư đường, ai uống cũng được lợi ích; như những trận mưa rào, cây cối héo úa bỗng chốc nhuận tươi. Giáo pháp Đức Phật đã mở ra lối thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi cho chúng sanh.

42

Cho nên, hình thức tổ chức sinh nhật này cơ hội để những người con Phật bày tỏ lòng tôn kính, tri ân vô hạn đối với bậc Thầy vĩ đại của nhân loại; cũng là một hình thức làm phát khởi thiện tâm cho những người có thiện duyên và phần nào làm tăng trưởng tín tâm đối với cộng đồng Phật tử thập phương. Bởi chỉ cần mọi người phát khởi thiện tâm đảnh lễ và tôn kính khi nhớ về ngày sinh, nơi sinh của Đức Phật cũng đủ kết duyên lành để sanh Thiên. Tinh thần này cũng được Đức Phật đề cập đến trong Kinh Đại Bát Niết Bàn như sau: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên” [3].

Vậy mới thấy, tùy thuộc vào đời sống mỗi người mà ý nghĩa sinh nhật cũng theo đó trở nên có ý nghĩa. Người sống có hàm dưỡng, có đạo đức, có tu tập; mình sống có đóng góp, có vì người, có lợi tha… thì rõ ràng sinh nhật sẽ được xã hội tôn vinh, ghi nhớ. Trái lại, nếu một người luôn mang lại mối đe dọa cho nhân loại, chỉ cần nhắc đến ngày sinh cũng khiến lòng người phẫn nộ, xã hội cười chê. Cho nên, việc tổ chức kỷ niệm ngày Phật đản sinh cũng trên tinh thần vì lợi ích chung cho toàn nhân loại.

Nhìn lại xã hội ngày nay, việc tổ chức sinh nhật phần lớn chỉ để hội họp bạn bè, vui chơi, ăn uống và thậm chí còn xâm phạm đến mạng sống của các chúng sanh. Việc làm này dù vô tình hay cố ý cũng là một hình thức tạo nhân quả nghiệp báo, tô vẽ bản ngã cá nhân, chứ không thật sự mang đến lợi ích cho bản thân và xã hội. Hiểu được ý nghĩa đó, một lần sinh nhật là một lần chúng ta có cơ hội nhìn lại bản thân để biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm.

Theo thiển ý của tác giả, với tinh thần một người Phật tử, chúng ta nên tránh việc sát sanh, tổ chức sinh nhật linh đình dẫn đến tốn kém tiền bạc mà lợi lạc không bao nhiêu. Thay vào đó, chúng ta nên làm các việc mang ý nghĩa thiện lành như: bố thí, phóng sanh,… nhằm kết những đóa hoa công đức cho mình và dâng lên hai đấng sinh thành, vạn vật xung quanh như bày tỏ tấm lòng tri ân. Việc làm này cũng là một hình thức tổ chức sinh nhật cho mình, một cách mừng thọ cho ông bà và một cách báo đáp Tứ trọng ân theo đúng với tinh thần Đức Phật đã dạy. Vì vậy, đã đến lúc, mỗi Phật tử cần phải hiểu về sinh nhật cho đúng để có cách tổ chức nhân văn, phù hợp với tinh thần Phật pháp.

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, “Chương Ba Pháp – Phẩm Người Đóng Xe”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.189.

[2] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, “Chương Ba Pháp – Phẩm Người Đóng Xe”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.190.

[3] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, tập 1, “16. Kinh Đại Bát Niết Bàn”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.644.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi