Xây chùa là tu hạnh nhẫn nhục

PGĐS – Bây giờ, việc xây chùa, tạo tượng thường bị định kiến là danh lợi, không chịu tu để giải thoát. Bởi đó là phước nghiệp ngoài da, chẳng thể đối địch với sanh tử. Cho nên, chư vị tôn túc thường để tâm sách tấn các thế hệ hậu lai, lo tập trung tu tập. Điều đó, hoàn toàn hợp lý, bởi người xuất gia cần xác định được đâu là phương tiện và cứu cánh. Tuy nhiên, nếu vì chấp vào cứu cánh mà bài xích phương tiện là cực đoan kiến chấp. Bởi nếu không có chư tổ sư khai sơn, tạo tự, thì chắc chắc Phật giáo nhân gian chẳng thể trường tồn. Vì đã có tổ chức tu học, thì nhất định phải cơ sở vật chất để duy trì hoạt động.

Dù vậy, chẳng thể có lằn ranh rõ ràng giữa mục đích sử dụng ngôi chùa nhằm phục vụ du lịch tâm linh, từ thiện xã hội, hành chánh giáo hội, phục vụ tín ngưỡng lễ hội và tổ chức tu học. Chẳng qua là do trụ trì bổn tự thiên nặng vào mục đích nào. Tuy nhiên, ngôi chùa đúng nghĩa vẫn phải là nơi truyền bá Chánh pháp của Đức Phật qua công tác hoằng pháp lợi sanh của chư Tăng.
Nhưng không nên vì thế mà bài xích các ngôi Già Lam thiên về phụng sự các đối tượng là tín đồ Phật giáo. Bởi họ chỉ có cảm tình với Phật giáo, muốn gửi gắm niềm tin qua công tác nghi lễ cầu an, cầu siêu, hơn là nghiên cứu kinh điển. Thực tế cho thấy, nếu nhà chùa phục vụ cho việc du lịch, vẫn có giá trị riêng về văn hoá, lịch sử. Dù sao đi chùa lễ Phật vẫn hơn là để các du khách đến sòng bạc, vũ trường. Nên việc xây chùa vẫn là phương tiện ứng cơ thuyết pháp bằng chính các hoạt động thường nhật.
Nói như thế, để cho quý Phật tử thấy được tâm nguyện hoằng pháp của chư tôn thiền đức Tăng Ni; không chỉ là đăng đàn thuyết pháp, ứng phú đạo tràng mà còn là khai sơn tạo tự, trùng kiến ngôi Tam bảo, để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của địa phương và thập phương bá tánh. Sâu xa hơn, đối với đạo pháp là tiếp nối hạnh nguyện “kế vãng, khai lai” của chư lịch đại tổ sư, còn đối với dân tộc là trách nhiệm giữ gìn văn hoá của tổ tiên. Nên ngôi chùa còn là lá chắn văn hoá sử đại diện cho hồn thiêng sông núi nơi biên cương, hải đảo, để giữ bờ cõi của cha ông; ngoài ra còn đồng cam cộng khổ với nhân dân trải qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử, thiên tai. Nên nói:” Mái chùa che chở hồn dân tộc/ nếp sống muôn đời của tổ tông”. Đã vậy, thì hạnh nguyện xây chùa của chư tăng, phải đâu là danh lợi?
Nhìn lại, các bậc tổ sư như Hoà Thượng Hư Vân trùng tu tổng cộng 80 ngôi chùa, Bồ tát Quảng Đức đã xây dựng và trùng tu 31 ngôi chùa. Chứng tỏ đó là mối liên hệ mật thiết giữa y báo và chánh báo, trong sự nghiệp độ sanh của quý ngài. Chỉ cần không trái Bồ đề tâm, đều vì lợi ích của chúng sanh mà thực hiện, đều là Phật sự.

Huống chi, chư tăng phải nhín ăn, nhín mặt, nhẫn chịu đói rét, khổ cực, lớp đối nội, đối ngoại, bằng mọi cách gầy dựng nên ngôi Tam bảo. Đó là tu hạnh nhẫn nhục.
Bởi nếu, quý ngài chỉ lo tu một mình, thì không cần phải ưu tư, trăn trở lo cho đạo tràng ngày một khang trang, phục vụ dân sinh. Lại còn bị những kẻ bàng quang lên án “mượn đạo tạo đời”, trong khi họ đã bỏ ra một đồng nào?
Làm trụ trì rồi mới hiểu, ăn mặc thiếu thốn là việc bình thường, bởi chẳng dám lạm dụng của đàn na. Nhưng khi đại chúng hiện diện, thì chẳng muốn phụng sự thiếu thốn thứ gì. Bởi chỉ cần người sau an tâm tu học, thì mãn nguyện.
Kinh tế nhà chùa tùy duyên, đa số phụ thuộc vào sự phát tâm của tín thí. Bởi Đức Phật muốn chư Tăng còn phụ thuộc vào bá tánh là còn động cơ để tu học, vì sợ trả nợ về sau, phải có trách nhiệm dùng pháp thí để báo ân. Nhưng hiếm có quý Phật tử nào chịu thông cảm cho quý thầy.
Chùa nào xây xong ngôi Tam Bảo thờ Phật, là coi như hoàn tất. Bởi Phật tử chỉ giành cúng tạc tượng Phật, đúc chuông, xây chánh điện; còn các công trình phụ khác như nhà bếp, nhà vệ sinh, trai đường… tuy có liên hệ trực tiếp đến sự tu học của họ nhưng rất hiếm người phát tâm. Buộc chư tăng phải tự lo tất cả. Dù vậy, vẫn phải chịu thi phị đủ đường. Khi người Phật tử hiện nay đến chùa chẳng lo học đạo, mà đi chùa để tạo ác nghiệp bởi quen tìm lỗi, nói xấu quý thầy.
Nếu quý thầy về tiếp nhận ngôi chùa cũ mà không tu sửa thêm được gì thì gây khó dễ cho là bất tài. Bằng mới khai sơn tạo tự, thì chê chùa nhỏ không đi. Bỏ ra được vài đồng thì muốn lèo lái trụ trì. Rất hiếm người Phật tử hằng tâm, hằng sản hộ trì Tam bảo, sát cánh với trụ trì mà bỏ được lòng tư dục. Huống chi hạng vui ở, buồn đi; tu theo mùa vụ.

Nên Phật tử à! Có bao giờ quý vị tự hỏi chư tôn đức lao tâm, khổ tứ là vì ai? Vừa phải lo công phu bái sám, ứng phú đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp, xây dựng chùa chiền, còn phải giáo dưỡng hậu tấn. Nhưng bệnh đến, hay xảy ra bất cứ việc gì, chỉ biết hướng về chư Phật mà độc bước đăng trình. Phàm cái gì quý vị muốn mà quý thầy không đáp ứng liền giận, nhưng khi chùa cần thì chẳng biết kêu ai. Bởi ai cũng viện lý do riêng từ chối. Đời tu như làm dâu trăm họ. Chỉ được nghỉ ngơi cho đến khi nào nghỉ… thở.
Nên tôi không bác việc xây chùa. Bởi chư Bồ tát đa hạnh. Dù chư Tăng chuyên về ứng phú đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp hay xây chùa đều là góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Rồi cũng giã từ với ba y, một bát. Như Lão tử dạy:” Công thành nhi phất cư”, thử hỏi đã đem theo được những gì?
Hễ quý thầy làm việc gì lợi ích cho đạo, cho đời; thiết nghĩ quý Phật tử nên tùy hỷ. Các bậc tôn túc vì lòng đại bi sách tấn hậu lai mà quở trách việc xây chùa, thì các cơ sở hoằng pháp của quý ngài đã ổn định rồi; còn Phật giáo vẫn cần phát triển ở các địa phương khác, nên không thể bác việc xây chùa, tạo tượng. Huống chi, nếu trong tay hành giả chẳng có gì, mà hướng đến buông bỏ, cũng chỉ là nói suông vô ích.
Chư tổ dạy: “Ẩn ác dương thiện”; “Đãi cát tìm vàng”; sở dĩ ngày nay quý vị mất niềm tin nơi Tăng bảo đều do mắc vào kiến chấp. Như trong mắt đã vướng bụi, mà chẳng lo lấy ra, thì nhìn đâu chả thiên lệch.
Bản thân tôi là phàm phu tăng, đi về miền núi kiến tạo Già Lam, nên nghĩ đến càng thấm thía ân đức chư tổ, chẳng dám bài xích công hạnh của một ai. Nên viết vài dòng, chỉ mong quý vị hết lòng phụng sự Tam bảo, hơn vì chấp lý bỏ sự, để mặc Chánh pháp suy vi.
Thích Như Dũng
Phản hồi