Viết cho con nhân ngày lễ Halloween
Trong thời buổi căng thẳng này, bởi cuộc chạy đua kinh tế, lợi nhuận và vật chất, hầu như ai cũng muốn tạo thêm nhiều cơ hội để được vui chơi thỏa thích. Vì vậy mà tuổi trẻ ngày càng ưa thích đón nhận các trào lưu mới từ phương tây đổ về. Điều này làm thầy rất lo, nếu các con không tự biết chắt lọc, thì vô tình mình sẽ trở nên cạn cợt, tiếp tục đời sống vong bản và thiếu chín chắn trong văn hóa tâm linh.
Lễ hội HALLOWEEN không chỉ là lễ hóa trang cho vui nhộn như nhiều bạn trẻ lầm tưởng. Mà đó là lễ hội truyền thống ở các nước như Anh, Mỹ, Úc… để mọi người cùng tưởng nhớ về linh hồn người đã chết đang chịu tội theo tín ngưỡng dân gian bản địa. Nên đây là một loại hình tín ngưỡng thiêng liêng của nước bạn, nếu chúng ta chỉ biết vui vẻ hưởng ứng, hóa trang cho kinh dị để nhát ma người khác, thì đó là việc làm thiếu hiểu biết.
Vì khi các con tham dự vào bất cứ hình thức văn hóa nào, các con cần phải hiểu chính xác về loại hình mình tham dự để tự mình không là kẻ lố trong mắt người trí. Điều này tương tự như lễ nắm tay diễn ra ở Nhật Bản, để kỉ niệm về 70.000 nạn nhân bị tử nạn ở Nagasaki vào ngày 9/8, chứ không phải là dịp để các con nắm tay nhau tỏ tình như sự nhầm lẫn của giới trẻ Việt Nam. Hầu như, các con đang cố gắng tạo ra nhiều cơ hội để xích lại gần nhau hơn, nhưng đâu vì thế mà thờ ơ với ý nghĩa của những lễ hội đó.
Ngày nay, lễ hội HALLOWEEN đang dần biến thành một dịp vui nhộn cho các bạn trẻ, để các con mặc sức hóa trang vui nhộn với mọi người. Một điều hóm hỉnh là, hóa trang thành quỷ thì sao cũng được, vì có ai biết mặt con quỷ ra sao đâu, chỉ biết là càng kinh dị, càng ác càng tốt, rất khác và cũng rất khó để chúng ta hóa trang làm Phật, bồ tát đi vào đời, nếu không muốn nói là ngụy trang.
Chính sự giác ngộ toàn thiện của đức Phật, đã làm cho chúng ta phải dè dặt, khi muốn hóa trang thành Bố Đại Hòa Thượng hay bất kì nhân cách thiêng liêng nào, bởi không khéo đó là sự xúc phạm. Nên thầy chỉ mong các con qua đó đủ thấy, sự tương phản giữa cái ác và cái thiện. Ma quỷ thì có thể dắt nhau đi bè lũ, kinh tỏm thế nào cũng không ngần ngại, nhưng đã là Phật thì đơn độc một mình, lại rất khó làm!
Tuy đây không phải là một loại hình lễ hội gắn liền với tín ngưỡng Ki tô giáo ngay từ thuở ban đầu, nhưng nó đã có sự nối kết chặt chẽ với đức tin này trong quá trình phát triển. Sự hưởng ứng cuồng nhiệt của giới trẻ, trong đó có các con, các con nghĩ gì khi mình tham gia vào những lễ hội như vậy? Chúng ta đang truyền bá chánh pháp, đang rao giảng đức tin khác hay chỉ là sự vui chơi thuần túy?
Nếu đây là một cuộc hóa trang thành Phật thì mấy ai tham gia? Đơn giản vì sự trang nghiêm, thanh tịnh của chốn thiền môn lắm lúc làm các bạn trẻ chùn chân khi bước tới. Vậy chúng ta nên truyền bá chánh pháp như thế nào? Bằng những cuộc vui hào nhoáng hay cứ để “hữu xạ tự nhiên hương”?
Nhiều Thầy đã bắt trend, bắt đầu hòa mình với dòng đời xuôi ngược bằng giọng hát lời ca, sinh hoạt đến cuồng nhiệt, để hấp dẫn giới trẻ, cũng được sự ủng hộ đồng tình của nhiều người bên cạnh những lời quở trách của các bậc tôn túc. Vì sao? Vì đạo Phật không cho các con đánh mất chính mình. Đó là cái cốt lõi thăng trầm trong tuệ giác giải thoát đã nhen lên thành đóm lửa thắp sáng cho nền văn hóa dân tộc.
Nếu các con không hiểu về nguồn gốc của văn hóa dân tộc, cứ móng tâm hướng ngoại, thì liệu có xứng đáng làm người? Thầy vẫn mong rằng tự các con biết quý trọng những nét riêng của văn hóa dân tộc mình, tuy nó không vui vẻ hào nhoáng, nhưng sức sống mãnh liệt hơn bất kì tín ngưỡng văn hóa nào, bởi nó xuất phát từ đạo học của Phật giáo, đó chính là tâm học. Sở dĩ, ngày nay người ta chóng quên đi, quay lưng lại với sự trầm mặc của nội tâm vì thói quen lao ra theo những thị dục bên ngoài, họ chỉ cần thư giãn như được hớp một ly nước đá giải khát bên đường, chứ không cần biết tác hại của nó như thế nào. Bất cứ một hình thức giải khát nào cũng hào nhoáng, thách giá những người ta không thể bỏ uống nước lã mỗi ngày.
Cái thâm thúy, trầm mặc của nét đẹp trong lòng văn hóa dân tộc Việt cũng như dòng nước lã ấy, nuôi lớn tâm hồn của mỗi chúng ta mà chính ta có để ý bao giờ. Thầy vẫn luôn tin rằng, văn hóa Việt mãi mãi không chết, vì sức sống của nó luôn tồn tại trong lòng mỗi con người. Ngày nào thiền học Việt Nam tách rời với Tâm học của con người, thì ngày ấy văn hóa Việt Nam mới thật sự khoác lên mình một manh áo mới của kiếp luân hồi, nghĩa là Văn hóa Việt Nam sẽ tồn tại dưới một dạng thức mới. Nhưng điều ấy vĩnh viễn sẽ không bao giờ xảy ra, dù theo quy luật tất yếu của xã hội là luôn luôn vận động để tồn tại. Có thể văn hóa nước mình hiện tại đang mang vài hình thức ngoại lai nhưng chẳng vì thế mà về mặt bản chất bị thay đổi. Bởi chẳng ai thay đổi được tâm Phật của chính mình. Đây chính là cốt lõi cơ sở của tam giáo đồng nguyên trong suốt quá trình tiếp biến văn hóa của dân tộc. Chẳng ai có thể tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc nếu chẳng biết thay đổi nhận thức của chính mình.
Tình yêu đất nước, có nghĩa là yêu dân tộc, cũng có nghĩa là tôn trọng và giữ gìn cái nôi đã phát huy văn hóa dân tộc. Điều đó không có gì khác hơn là bảo vệ và tôn trọng Phật giáo. Chỉ có đạo Phật mới làm nên sức sống của toàn dân, mới duy trì được truyền thống hiếu đạo của quý của dân tộc, đủ sức kết nối tâm thức trọn vẹn của muôn người giữa hai bờ sống, chết. Tin Phật, học Phật, tu Phật tức là đang tiếp nối tinh thần báo ân tổ quốc của cha ông bằng cách làm giàu thêm cái hay, cái đẹp của quê hương mình. Điều ấy đã chứng minh được qua sự cứu nguy đất nước của các vị thiền sư tiền bối như Vạn Hạnh, Khuông Việt, v.v… không chỉ ở các thời Đinh, Lê, Lý, Trần mà còn ngay từ thuở khai sanh ra nước Việt đến nay.
Hễ đạo Phật còn dân tộc còn, dân tộc còn văn hóa còn, văn hóa còn đất nước còn. Cho nên, bất kì một cuộc chiến tranh xâm lược dài hạn nào cũng bằng mục đích thôn tính toàn dân bằng âm mưu đồng hóa văn hóa. Nhưng nhiều nước đã thất bại khi đụng đến nền tảng tâm linh của Việt Nam là đạo Phật. Bất kì một thế lực nào âm mưu phá hoại chánh pháp, thế lực ấy dều phải suy yếu.
Điển hình nhất là cuộc đấu tranh chống phá đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm trong những năm 1963. Thật tế, giữ đạo pháp và dân tộc không thể tách rời. Do đó, thầy rất mong các con học hiểu Phật pháp cho chính chắn, không những để đem vào ứng dụng trong đời sống thường nhật mà còn dưỡng nuôi tâm chí trượng phu của mình, sống phải lợi ích của số đông, chứ không vì lợi ích của cá nhân mình.
Tiếp biến văn hóa là một quá trình không thể tách rời trong quá trình giao lưu giữa các nước. Nên các con cần hiểu mình đang làm gì, hưởng ứng ra sao để khỏi phụ rẫy cội nguồn. Làm sao thầy vui cho được khi đến các ngày lễ hội của phương tây các con nô nức ra đường, trong khi đến các dịp Phật đản, Vu Lan nhiều đứa còn tỏ ra khá hững hờ. Điều ấy các con nên tự trả lời!
Sáng tạo là cả một công trình nghệ thuật. Hóa trang là một những nghệ thuật ấy. Theo thiển ý của thầy, nếu HALLOWEEN trong tâm thức các con là lễ hội hóa trang của quỷ thì đấy là một dịp dở khóc, dở cười. Bởi đấy là sự tái hiện những cảnh giới tâm thức các con đã đi qua, cũng như tiếp diễn những nơi mà con sẽ bước tới. Làm sao chúng ta tháo hết những lớp mặt nạ đầy hình thù quái dị kia xuống để trả lại gương mặt thật của chính mình. Câu trả lời ấy tùy thuộc vào cách suy nghĩ hay hành động của mỗi người. Nếu không, chúng ta sẽ không chỉ có một gương mặt Quỷ trong ngày lễ HALLOWEEN, mà còn có những gương mặt đáng sợ khác trải qua trong từng kiếp luân hồi.
Thích Như Dũng
Phản hồi