“Việc của tu sĩ Thích Nhuận Nghi chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”
LTS: Lược trích bài phỏng vấn Cư sĩ Thiện Đức của báo Pháp luật TP.HCM về vụ việc của tu sĩ Thích Nhuận Nghi.
Liên quan tới việc tu sĩ Thích Nhuận Nghi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bị cách hết các chức vụ trong Giáo hội, tạm đình chỉ trụ trì chùa Từ Đức được Phatgiao.org.vn đăng tải, cư sĩ Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Ban Thông tin – Truyền thông T.Ư, Trưởng Ban biên tập Cổng thông tin Phật giáo VN có trả lời thẳng thắn với báo Pháp luật TP.HCM.
Sau đây, Phatgiao.org.vn trích đăng nội dung cư sĩ Thiện Đức đã trả lời:
* PV báo Pháp luật TP.HCM: Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định như thế nào về hành vi của tu sĩ Thích Nhuận Nghi? Ngoài ra, hành vi này vi phạm giới luật Phật chế như thế nào, gây ảnh hưởng ra sao?
– Cư sĩ Thiện Đức: Hành vi của tu sĩ Thích Nhuận Nghi theo xác định ban đầu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai – đơn vị trực tiếp quản lý sinh hoạt tôn giáo của vị này – là thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt và tu học của vị xuất gia; đồng thời để xảy ra mất đoàn kết nội bộ tại tự viện, gây ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội các cấp và tự viện.
Theo đó, Thượng tọa Thích Huệ Khai, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai ngày 8/1 đã ký Quyết định số 10/QĐ-BTS về việc đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Từ Đức (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đối với đối với tu sĩ Thích Nhuận Nghi. Tu sĩ Nhuận Nghi cũng bị đình chỉ chức vụ Phó ban Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo huyện Vĩnh Cửu nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đồng thời, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai giao cho Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Cửu tiếp nhận, quản lý các tài sản chung của Giáo hội, trong đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ liên quan đến tự viện, khuôn dấu của tự viện, tiền công đức để điều hành chùa Từ Đức. Qua đó, yêu cầu Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế Phật giáo tỉnh Đồng Nai kết hợp với Ban Trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Cửu xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc của chùa Từ Đức đối với những người có liên quan và báo cáo về Ban Trị sự Phật giáo tỉnh trước ngày 22/1/2024.
Hành vi của tu sĩ Thích Nhuận Nghi nếu đúng như video lan truyền trên mạng xã hội thì đã phạm vào giới thứ ba của nhà Phật – cấm dâm dục. Trong cuốn sách “Đạo Bụt nguyên chất”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài “Giảng kinh xa lìa ái dục”, ngài kể về thầy Tissametteyya, đến đặt một câu hỏi với Đức Thế Tôn liên quan tới vấn đề ái dục và đã được Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi đó bằng tám bài kệ. Qua đó, Đức Thế Tôn khẳng định, vướng mắc vào sắc dục là căn nguyên của bao si mê, lỗi lầm; những cái này ngăn, không cho mình tiếp tục đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang. Rõ ràng, những gì tu sĩ Nhuận Nghi đang trải cho thấy lời dạy của Đức Thế Tôn vô cùng thuyết phục.
* PV báo Pháp luật TP.HCM: Hiện nay có rất nhiều người đội lốt Phật pháp để thực hiện những hành vi sai trái, không chuẩn mực, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chủ trương, biện pháp nào để chấn chỉnh, kiểm soát không?
– Nói có rất nhiều người đội lốt Phật pháp để thực hiện những hành vi sai trái là một sự cảm tính, thiếu công bằng. Thực tế, trong Tăng đoàn, có những vị phạm giới (thô hoặc trọng), gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tu học của vị ấy và tín tâm của Phật tử đối với đạo pháp cũng như uy tín Giáo hội. Tuy nhiên, đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, vì một thực tế khác – vẫn còn rất nhiều vị tu sĩ có trình độ, đạo hạnh uyên thâm đang dắt dìu Phật tử, hướng dẫn người mộ đạo đi đúng Chánh pháp.
Hiện tại, Giáo hội có Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát, giám sát và có điều chỉnh đối với Tăng Ni thuộc Giáo hội vi phạm giới luật, hoặc pháp luật nhà nước trong vai trò tu sĩ và công dân của mình. Bằng chứng là thời gian qua, những tu sĩ nào vi phạm Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, giới luật, pháp luật, tùy mức độ nặng nhẹ đều đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp, đúng luật.
Vấn đề còn lại, Giáo hội cũng đang tiếp tục chấn chỉnh việc cho xuất gia, thụ giới của tu sĩ trẻ (tức là kiểm soát đầu vào của người tu); đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa tu truyền thống, khóa huân tu, khóa bồi dưỡng đạo hạnh, bồi dưỡng trụ trì… để khuyến tu, nhắc nhở Tăng Ni sống tốt đời đẹp đạo.
Cách kiểm soát tốt nhất chính là nâng cao đời sống tu học, phẩm chất người tu lên. Làm sao để mỗi vị tu sĩ luôn giữ giới luật, ý thức được việc giữ giới ấy như giữ con ngươi của mắt mình mới là căn bản, gốc rễ.
Nguồn: Phatgiao.org.vn
Phản hồi