Vị thiền sư khổ tu suốt 49 năm, công quả đổ sông đổ biển chỉ vì đôi chim sẻ

Bất Giác thiền sư vẫn ngồi lặng im như tạc, rêu cỏ phủ khắp quanh thân, bụi bám đầy mi mắt. Ông đã trải qua bốn mươi chín năm khổ tu trong trường kỳ nhập định, chỉ còn đợi thêm chín mươi ngày nữa là tới kỳ khai công khai ngộ, công thành viên mãn…

Chiều dần buông, rừng phong cô tịch. Vượn hú gọi bầy, những thanh âm thê thiết vang vọng qua triền khe, dội vào vách núi rồi chìm hút giữa không gian mênh mang sâu thẳm.

Tháng năm đằng đẵng đã in tạc cả bóng hình vị thiền sư trên vách đá, biết bao bận những con sâu con kiến bò khắp mình ông, những con thú đi hoang cà vào thân ông, rắn rết cũng bao lần trườn qua đôi chân gầy guộc khắc khổ luôn luôn xếp bằng ngay ngắn ở thế song bàn kiết già.

Ngày lại ngày, mỗi thời mỗi khắc như kéo dài vô tận, cảnh núi rừng cô liêu u tịch cũng không thể làm nản lòng người tu đạo. Thiền sư Bất Giác đã kiên định phát toàn tâm nguyện tu luyện hồi thăng, siêu xuất khỏi vòng luân hồi khổ đau trong Tam giới.

Thêm một tuần trăng nữa trôi qua. Công năng Pháp nhĩ thông của ông lúc này cũng vừa khai mở, lập tức vị thiền sư có thể câu thông với vạn sự vạn vật, lại có thể nghe và hiểu được tiếng nói của hết thảy chim chóc muông thú, côn trùng và cây cỏ…

Một hôm bỗng dưng có đôi chim sẻ ở đâu ríu rít bay tới rủ nhau làm tổ ngay trong vành tai của thiền sư Bất Giác.

Người tu luyện vẫn lặng im, thân tâm bất động.

Ngày qua ngày, đôi chim sẻ cứ hồn nhiên mà ân ân ái ái bên tai vị thiền sư. Đôi lúc rảnh rỗi chúng chọc ghẹo nhau, rỉa lông rỉa cánh cho nhau, buông đủ những lời tình tứ… xong lại tới tấp bay đi bay về tha rác vương khắp lên đầu, lên mặt ông. Rồi chim trống kết ổ, chim mái bứt lông, chẳng mấy bữa một chiếc tổ chim tròn vo đã thành hình, nó ôm trọn hết cả vành tai trái của thiền sư Bất Giác.

Sau vài đêm mưa giông, sẻ mái đẻ liền năm trứng. Thế rồi vợ chồng đôi chim thay phiên nhau ấp ổ, hễ con mái ở nhà thì con trống đi tha mồi, hễ con mái đi tha mồi thì trống ở nhà ấp trứng. Kể từ độ ấy, đôi chim nhỏ bận rộn tối ngày, tiếng hạ cánh, vỗ cánh khi đi khi về lật phật, tiếng chim mái đảo trứng lách cách. Tiếng chim trống chăm vợ, khoe mồi tíu ta tíu tít. Có bữa chờ đợi chồng đi kiếm mồi quá lâu, chim mái ở nhà đói quá, nó buồn tình vươn cổ, hướng cặp mỏ tí xíu, nhọn hoắt như mũi dùi mổ tới tấp liên hồi vào lỗ tai thiền sư khiến ông vừa nhột lại vừa đau nhí nhách.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Vị thiền sư vẫn thản nhiên bất động.

Suốt vài chục ngày hai vợ chồng chim sẻ thay phiên nhau ấp ủ. Cũng đến hồi trứng nở, mấy con chim non lớn dần, tiếng kêu léo nhéo. Chúng đòi ăn. Chúng tranh ăn. Chúng giẫm đạp lên nhau. Chúng tìm cha gọi mẹ. Chúng mách lẻo lẫn nhau… những thanh âm phiền phức inh ỏi sáng ngày tối đêm không lúc nào ngơi nghỉ!

Thiền sư già vẫn điềm nhiên tĩnh tại.

Chỉ còn một ngày nữa là vị thiền sư sẽ khai công khai ngộ. Hôm đó, đến lượt chim mái đi tìm thức ăn cho con. Suốt một buổi chiều nó vẫn không tìm kiếm được một chút gì. Thật là:

“Rã rời đôi cánh
Phấp phỏng đường bay
Tối mặt tắt ngày
Thương con đứt ruột!”…

Mãi đến khi trời gần sập tối, lúc lượn qua một cái hồ rộng, sẻ mái mới thấy có con nhện lớn đang giăng tơ lùng nhùng giữa đóa hoa sen. Sẻ ta mừng hú! Nhác thấy bóng chim, nhện liền hốt hoảng ẩn mình vào sâu giữa những cánh hoa sen làm cho sẻ mái cố công lùng sục mãi. Nào có ngờ đâu vì quá mê mải tìm bắt con mồi, sẻ mái không chút đề phòng nên khi ánh mặt trời vừa tắt, đóa sen đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim sẻ vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc quá dày.

Suốt cả ngày bay mỏi rã rời, ruột mề đói meo không ăn không uống, còn chút sức tàn dụng nốt mong tìm cách thoát thân khỏi đóa sen mà không được, sẻ mái lả người kiệt sức, nó xù cánh rụt cổ, đôi chân mảnh mai như hai chiếc tăm từ từ khuỵu xuống rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Ở nhà, sẻ trống cũng tất bật ra vào, hoảng hốt bất an. Nó hết bay đi kiếm vợ lại quáng quàng trở về. Năm chú sẻ con đói mồi đòi mẹ nháo nhác kêu gào suốt đêm đến khản cả tiếng lạc cả giọng. Sẻ mẹ vẫn chưa về.

Mãi đến sáng hôm sau bình minh vừa lên, chờ lúc hoa nở, chim mái mới thoát được khỏi đóa sen hớt hải bay về. Nó nháo nhào phi ngay vào tổ.

Một cuộc cãi vã tơi bời nổ ra bên tai thiền sư Bất Giác. Ghen vợ, sẻ trống mắng nhiếc sẻ mái hết lời. Nhưng chim vợ vẫn gắng sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Nó gióng cổ, thốt lên tức tưởi:

“Một dạ thương chồng
Đuôi không ngúng nguẩy
Mấy trò tầm bậy
Thiếp chẳng thiết tha”

Nghe vợ phân trần, sẻ trống chẳng chút nguôi ngoai, nó chỗ mạnh mỏ vào vành tai thiền sư rồi quay sang phía vợ mà đay nghiến, mà ngờ vực:

“Lại thằng Sẻ Phốc
Hoặc gã Sẻ Ve
Gạ gẫm tăm te
Khiến ai lạc lối

Con gào sớm tối
Chồng hốt hoảng chờ
Nào có ai ngờ
Vợ tôi đổ đốn”!

Sẻ mái nghe chồng nói vậy đau lòng quá, nó xòe cánh ra ôm choàng lấy đàn con rồi khóc than thê thiết:

“Thiếp nào đâu biết
Chàng sẵn nghi ngờ
Từ tối tới giờ
Mề em đói lả

Cánh bay rệu rã
Chân mỏi rụng rời
Khổ cái thân tôi
Chồng ơi, con hỡi!”…

Cuộc đấu khẩu của đôi chim kéo dài suốt cả buổi sáng tới trưa, càng lúc càng hăng và chưa hề có cơ chấm dứt.

Bất Giác thiền sư khó chịu quá. Thêm vào đó, đàn chim con đói khát lại thấy mẹ cha to tiếng, cãi vã rùm beng, chúng đâm hoảng loạn giẫm đạp lên đầu lên cổ nhau mà gào mà khóc choe chóe, inh ỏi đến điếc cả tai!

Nhè đúng lúc vợ chồng chim sẻ cãi vã đến hồi găng nhất, vị thiền sư tức khí đưa tay lên tai giật mạnh cái tổ chim vứt ngay xuống đất, nói:

– Đồ khốn chúng bay! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà các ngươi tranh cãi inh um làm điếc cả tai ta từ sáng tới giờ!…

Nói lời vừa dứt, bỗng nhiên Bất Giác thiền sư cảm thấy như mình đang từ trên bất tận tầng trời cao mà rơi rớt xuống, tốc độ giáng hạ mỗi lúc một nhanh, ánh thiên quang phía trên cứ rời xa, rời xa ông mãi.

Vị thiền sư già chỉ kịp nấc lên một tiếng. Tiếng nấc của một đời tu hành. Tiếng nấc của tột cùng khổ đau, nuối tiếc và thống hận. Công sức tu luyện suốt bốn mươi chín năm của ông kể như tiêu tán chỉ trong một sớm.

Dưới xa kia, miền Tam giới đang chờ…

Lời bàn:

Cổ ngữ có câu: ‘Băng dày ba thước bởi đâu cái lạnh một ngày’, đôi khi những thử thách, quan ải tưởng chừng vô cùng nhỏ bé, vụn vặt vốn xuất hiện mỗi ngày nhưng nếu để chúng tích tụ kéo dài mà không nhận ra và xung phá qua thì cũng rất dễ trở thành tử quan hủy hoại đi ý chí và căn cơ của người tu luyện.

Mấy câu chuyện cỏn con diễn ra hết sức tùy kỳ tự nhiên trong cuộc sống thường nhật của vợ chồng chim sẻ tưởng chừng như vô hại mà dè đâu lại có sức công phá kinh người khiến cho công đức khổ tu của một vị thiền sư trong suốt bốn mươi chín năm trời bỗng chốc vụt tan như mây bay khói tản!

‘Mưa dầm thấm lâu; nước chảy đá mòn’: thuyền lớn chìm giữa khơi cũng chỉ vì một khe hở nhỏ, bóng bay nổ lưng trời cũng chỉ vì một lỗ châm kim. Phật gia có dạy “Làm người quân tử mà không quên tiểu tiết”, thì không quên tiểu tiết ấy phải chăng chính là cần giữ tâm cho thuần chính, kiên định mới có thể vô vi vô lậu mà vượt qua tất cả những chông gai, ma nạn dù lớn dù nhỏ trên khắp nẻo đường trần.

Ví như Bất Giác thiền sư trong câu chuyện trên, chỉ vì một phút nóng giận hồ đồ mà tự hủy hoại đi cảnh giới, công phu của cả một đời tu luyện, thật đáng buồn đáng tiếc lắm thay!

Đường Phong

Bài viết liên quan

Phản hồi