Hương trầm lỡ cuộc say

Tận dụng được lòng hiến dâng giữa đạo và đời là sự diệu kỳ cao cả, thế nhân chỉ có thể nhìn ra nét mầu nhiệm viên dung đó khi tâm thoát khỏi vòng biệt phân hý luận. Cám ơn đêm và trăng. 

Tiếng động lạ trong đêm khiến tôi thức giấc. Thật ra, tôi chưa hẳn ngủ. Sau giờ thiền đêm, tôi nằm xuống, gối đầu trên tọa cụ, mơ màng về một cảnh trí nào không rõ rệt. Và chợt nghe tiếng động ngoài vườn, nơi từ phòng ngủ, tôi có thể mở cửa bước ra. Cả hai việc liên đới với nhau: tiếng động và giấc ngủ, tôi đều không thể xác quyết là thực hay mộng. Nhưng đã thức và đã nghe, tôi khoác thêm áo, bước ra vườn sau.

Trăng khuya nõn nà như giải lụa mỏng phủ hờ trên vạn hữu. Trăng vừa đủ để tôi thấy mờ ảo những đóa quỳnh hương trắng muốt, ngào ngạt trong đêm, bụi tre Mạnh Tông xanh mướt, đứng lặng thinh, vững chãi cuối vườn bên hồ sen im lắng với những bông đầu mùa đã vươn lên từ mấy ngày nay, đang chờ tia nắng ấm để hiến tặng hương sắc cho đời. Tôi ngước nhìn bầu trời đầy sao và chợt mường tượng được âm thanh của tiếng động vừa rồi là tiếng vỗ của cánh chim đơn độc. Không phải tiếng vỗ cánh bình thường mà là tiếng vỗ bi thương của tai nạn, của đau đớn, của uất hờn, của những gì ngoài chờ mong, bất toại ý. Tôi đã từng được nghe âm thanh này một lần, ở ngôi nhà cũ, trong khi đang làm vườn. Sau tiếng kêu bi thương, cánh chim lao xuống  góc vườn. Tôi chạy đến. Nó nằm bất động, nhưng còn mở mắt nhìn tôi. Tôi bước rất chậm đến gần nó, muốn ôm nó lên, muốn truyền tới nó chút  ân cần, yêu  thương cuối cùng nhưng nó lại dùng tàn lực cho cử chỉ muốn thoát chạy. Tôi đành ngồi xuống, và rất thận trọng, lùi nhẹ, khuất sau bụi hồng.

Tôi nghĩ, ít nhất, không làm gì được cho nó thì cũng đừng để nó phải sợ hãi. Nhưng ngồi sau bụi hồng, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt mình lã chã tuôn rơi. Một con di điểu sắp được hóa kiếp mà cũng khiến tôi mềm lòng đến thế này thì tôi lấy sức đâu mà chống chỏi với muôn vàn hệ lụy trần gian! Điều đó ám ảnh tôi rất lâu, rồi tôi mới hiểu ra rằng không phải tôi chỉ bi lụy vì phải chứng kiến con chim hóa kiếp, mà tự thẳm sâu đáy lòng, chính là tôi phẫn nộ với mình trong ý nghĩ, nhìn thấy những đau thương mà bất lực, mà bó tay, mà thụ động, nhu nhược chờ sự tàn hại tất đến trong hiện hữu vô dụng. Tôi nhận ra điều này do tình cờ liên tưởng đến bài pháp khi xưa Đức Phật đã thuyết cho nhà vua Pasenadi nghe về bốn ngọn núi bao quanh. Đức Phật hỏi vua “nếu trong cùng một lúc, quân lính ở bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc cùng chạy về cấp báo rằng có bốn ngọn núi vĩ đại từ bốn phía đang lừng lững tiến về kinh đô và càn quét mọi thứ khi núi đi qua. Nghe tin dữ đó thì Bệ Hạ sẽ làm gì?” Sau một thoáng ngỡ ngàng, nhà vua thành thật thưa rằng “Con sẽ sống thật xứng đáng những thời gian cuối ngắn ngủi đó.” Nghe thế, Đức Phật mới mỉm cười từ ái mà bảo rằng “Bốn ngọn núi đó chính là sinh, lão, bệnh, tử đấy. Tuy mọi người đều biết không ai qua khỏi cái chết nhưng vẫn không ngừng tranh giành, thù hận, dẫm đạp lên nhau mà phải đợi khi cái chết đến kề mới tỉnh ngộ lẽ vô thường.”

Chính bài pháp ngắn này đã là tha lực từng giúp tôi thêm ý chí để hòa đồng, chia xẻ với tha nhân trong đời sống vốn quá nhiều phức tạp này. CHO đã khó, NHẬN còn khó hơn nếu ta không hiểu được giá trị của cho và nhận trong Lục Độ Ba La Mật thì chúng ta sẽ chẳng thể hiện được từ ái với nhau trong quãng đời vô thường ngắn ngủi.

Bên hồ sen, đêm thơm ngát trăng khuya, tĩnh lặng và hiền hòa, không có dấu hiệu gì của bất trắc, khiến tôi nghi ngờ tiếng động lạ tôi tưởng vừa nghe thấy là không thật. Tiếng vỗ của cánh chim kêu thương cũng không thật. Đó chỉ là những âm thanh ẩn dấu trong lòng, phút nào nhìn suốt lòng mình nhất thì sẽ nghe thấy. Có lẽ ai cũng có cho mình một thế giới vô hình riêng tư đó. Chỉ nhận ra hay không mà thôi.

Tôi đưa tay, khuấy nhẹ mặt nước hồ. Nước sóng sánh lung linh và bóng trăng vỡ vụn. Tôi đã ngu si, tiếc nuối bóng trăng tan mà quên rằng vành trăng trên cao kia mới thực là trăng, và trăng ấy còn nguyên vẹn. Ý tưởng này như lằn chớp, không hề báo hiệu, mà đưa tôi về giữa  khung trời thơ diễm tuyệt, hùng tráng, nơi không gian mênh mông bất tận ẩn dụ qua hình hài khắc khổ của vị cao tăng đang được bao tấm lòng Phật tử muôn phương hướng về. Toàn bài thơ “Hạ Sơn” của Thượng tọa Tuệ Sỹ mà tôi vừa đọc trước khi tọa thiền, chợt hiện lên rõ rệt từng giòng, vằng vặc như trăng:

Ngày mai sư xuống núi
Áo mỏng sờn đôi vai
Chuỗi hạt mòn năm tháng
Hương trầm lỡ cuộc say

Bình minh sư xuống núi
Tóc trắng hờn sinh nhai
Phương đông mặt trời đỏ
Mùa hạ không mây bay

Ngày mai sư xuống núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông lung

Bình minh sư xuống núi
Khóe mắt còn rưng rưng
Vì sư yêu bóng tối
Ác mộng giữa đường rừng

Khi đọc bài này, tôi đã không hiểu, vì khựng lại ở câu “Hương trầm lỡ cuộc say”. Hương trầm, có thể tượng trưng Đạo Phật, cửa Phật, đời tu sỹ, ý nguyện xuất trần ..v…v… tùy theo ý tưởng mà tác giả muốn chuyên chở. Nhưng “Lỡ cuộc say” thì tôi không rõ lắm. Tại sao lại “lỡ”? Tại sao lại “cuộc say”? Ngài muốn gửi gấm gì qua câu thơ này?

Trên một nghĩa nào đó, thơ có phải là thiền không?

Cõi thiền vốn im tiếng.

Cõi thơ vốn ẩn lời.

Nếu nâng thơ lên để chỉ cảm nhận cái đẹp mênh mang của suối nguồn. Nếu ngồi xuống để chỉ an nhiên đi vào tịnh mặc của Chân Như thì thiền sẽ mở cửa, thơ sẽ bước vào. Hồ điệp hay Trang Tử? Thi sĩ hay Thiền Sư? Khởi niệm như thế đã mặc nhiên hiện ra ngã rẽ của dị biệt và đồng nhất mất rồi! Thi sĩ sống với thơ đã là chọn sự ngăn cách với phiền não hẹp hòi của thường tình thế gian; Thi-Sĩ-Thiền-Sư còn phải dũng mãnh hơn nữa khi quyết tâm ly gia, khoác áo nâu sồng xuất thế gian mà không rời thế gian pháp, mang đại nguyện, trên phụng sự đạo pháp, dưới cứu khổ ta-bà.

Tận dụng được lòng hiến dâng giữa đạo và đời là sự diệu kỳ cao cả, thế nhân chỉ có thể nhìn ra nét mầu nhiệm viên dung đó khi tâm thoát khỏi vòng biệt phân hý luận. Cám ơn đêm và trăng. Đêm thơm và trăng lạnh đang giúp tôi nhẹ nhàng mở từng cánh cửa vô hình, cho tôi nghe được tiếng vỗ bi thương của cánh chim đơn độc đêm nay là những lời thơ này đây, thông điệp của Thi-Sĩ-Thiền-Sư Tuệ Sỹ gửi cho chúng ta về pháp nạn quê nhà. Ngài có muốn hạ sơn đâu nhưng vì “Hương trầm lỡ cuộc say” mà phải xuống núi cứu đời. Ôi, chữ “lỡ” của Thiền Sư đã nói lên trọn vẹn Tâm Bồ Đề từ bi vô lượng. Thế nhân dùng chữ “lỡ” thường để tỏ lòng hối hận về điều lẽ ra không nên làm; nhưng Thiền Sư “lỡ” phát đại nguyện lại dấn thân vào cõi ác ngũ trược, quyết tự độ rồi độ tha thì dù khổ lụy thế nào cũng không thối chuyển. Và ở phút diệu kỳ khi Thiền Sư “gặp” Thi Sĩ mới thi vị hóa đến mức tuyệt hảo giữa “lỡ cuộc say” miệt mài của thế nhân với đại nguyện tải đạo cứu đời của người con Phật. Có lẽ xưa, Trang Tử hóa bướm cũng ở phút giây này mà thôi.

Cánh cửa mở tới đây tôi mới thấy được bước đi thong dong mà dũng mãnh của ngài. Với thanh Gươm Bát Nhã, Thiền Sư gửi cho chúng ta một thông điệp Vô Úy giữa tang thương cùng cực, qua những giòng thơ tiếp:

“Bình minh sư xuống núi
Tóc trắng hờn sinh nhai
Phương đông mặt trời đỏ
Mùa hạ không mây bay

Ngày mai sư xuống núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông lung”

Ngài dùng hình ảnh nhà sư trong lao tù để đưa ra toàn bộ thảm trạng của Quê Hương Dân Tộc và Đạo Pháp đang bị giới lãnh đạo thô bạo, vô minh nhận chìm xuống vực sâu  khổ nhục, đói nghèo, tù đầy, tăm tối. Trong vũng lầy oan nghiệt đó, những trưởng tử Như-Lai đã nhỏ lệ vì yêu thương chúng sinh mà không tìm sự giải thoát riêng mình. Các ngài đã xuống núi, thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng giữa rừng già đầy thú dữ hiểm độc hung tàn, nên trăng khuya cũng nhạt nhòa với đoạn thơ cuối:

Bình minh sư xuống núi
Khóe mắt còn rưng rưng
Vì sư yêu bóng tối
Ác mộng giữa đường rừng.

Trên lối trúc về phòng, tôi nghe được trong thầm lặng câu chú Bát Nhã “ Gate. Gate. Paragate. Parasamgate. Bodhi. Svaha.”

Diệu Trân

Bài viết liên quan

Phản hồi