Vì sao ta hay nổi giận?
Đương nhiên là thấy người khác làm việc sai, đắc tội với mình mình mới nổi giận. Vì sao họ làm việc sai? Vì sao đắc tội với ta?
Phải suy nghĩ tường tận, người này hủy báng tôi, sỉ nhục tôi, tổn thương tôi, ta nên suy nghĩ xem vì sao họ có những hành vi này? Vì họ không hiểu nên mới hiểu lầm ta, giữa chúng ta không có sự câu thông tốt đẹp, mới sinh ra hiện tượng như thế. Điều này không thể trách họ, chính mình cũng có điều không phải. Dù mình đúng hoàn toàn, lỗi đều do họ, liên quan gì đến ta?
Trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật nói rất hay, đặc biệt là trong xã hội hiện tại của chúng ta, thấy rất nhiều người làm việc sai quấy, khiến bản thân chúng ta đôi khi cảm thấy không chịu đựng được. Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta, vì sao những người này có hành vi như thế? Tiên nhân bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, không thể trách họ. Đức Phật nói lời này ôn hòa biết bao! Những người này là cha mẹ họ, trưởng bối họ không hiểu nhân nghĩa đạo đức, không dạy dỗ họ thật tốt. Bởi vậy họ mới phạm lỗi lầm, mới làm những việc trái với pháp luật kỷ cương.
Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy cần phải tha thứ cho họ, đừng trách cứ họ. Tâm như thế hòa bình biết bao, tâm lượng này vĩ đại biết bao! Chúng ta cần phải học tập, không được trách cứ họ. Cho dù đã dạy nhưng họ vẫn phạm lỗi, chúng ta cũng phải tự kiểm điểm lại. Ta dạy chưa tận tâm, ta dạy chưa đủ viên mãn, ta dạy họ vì sao họ không thực hành? Đừng đem hết lỗi lầm đẩy cho người khác, cần phải suy nghĩ kiểm điểm lại chính mình.
Như hiện nay có rất nhiều bậc làm cha mẹ gặp tôi đều nói, thầy ơi bây giờ con cái không biết nghe lời. Rất nhiều thầy cô giáo đến nói với tôi, thầy ơi học sinh bây giờ không chịu nghe lời. Tôi trả lời rằng, tôi nói con cái và học trò của quý vị không có lỗi, do quý vị chưa dạy thật tốt, sao có thể trách chúng được? Không sai, hoàn cảnh xã hội hiện nay vô cùng ác liệt, tà tri tà kiến dẫn đến tà hạnh nhan nhản khắp thế gian, làm gì có chuyện lớp trẻ không bị huân tập sự ô nhiễm? Đây là nhân tố ngoại tại khiến hiện nay lớp trẻ rất khó dạy, nhưng nhân tố ngoại tại này chúng ta làm sao dùng nội tại chân thành để khắc phục nó. Cổ nhân nói không sai: “dùng ý chí chân thành để làm, vàng đá nào mà không tan”.
Chúng ta lại suy nghĩ xem, đến những động vật nhỏ như kiến và gián đều có thể cảm động, cây cỏ hoa lá cũng có thể cảm động, con người há không thể cảm động ư? Không thể cảm động là chân thành của chúng ta chưa đạt. Nếu chúng ta có thể tự kiểm điểm như vậy thì quá tốt, nhất định sẽ nâng cao đức hạnh của mình.
Duy chỉ có nâng cao đạo đức của mình, mới có thể cảm hóa lớp thanh niên thời hiện đại này. Chúng ta không có đạo đức thanh cao, một mực trách cứ lớp trẻ, trừng phạt lớp trẻ, đây không phải cách. Phương pháp giáo dục này, trừng phạt không phải là phương pháp tốt nhất, cách tốt nhất là cảm hóa. Là chính mình phải dùng lòng yêu thương chân thành, lòng yêu thương thanh tịnh bình đẳng để cảm hóa tất cả chúng sanh.
Phật Bồ Tát đối với súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều có thể cảm hóa họ, đều có thể dẫn dắt họ biết quay đầu hướng thiện, huống gì chúng sanh hữu tình của thế gian? Chúng ta phải nghĩ rằng, chỉ trách công phu đức hạnh của mình chưa đủ, tuyệt đối không được trách người khác không tiếp nhận cảm hóa. Như vậy mới có thể thành tựu chính mình, thành tựu người khác.
Hoà thượng Tịnh Không
Phản hồi