Vai trò của từ bi đối với việc chăm sóc sức khỏe
Đức Dalai Lama nói về vai trò của từ bi trong việc chăm sóc sức khỏe |
Mọi người đều quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, nhưng chúng ta cũng cần phải thừa nhận những hệ quả tích cực mà tâm bình an mang đến cho sức khỏe thể chất của chúng ta. Thiền tập về tâm từ bi và tính bất hại có thể góp phần trau dồi và phát triển tâm bình an một cách vững chãi. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi thường giới thiệu những phương pháp này đến tất cả mọi người và lồng ghép chúng vào nền giáo dục hiện đại.
Ngoài ra, để tâm được an, chúng ta cũng nên hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của tâm trí và toàn bộ hệ thống cảm xúc. Phật giáo chỉ ra 51 tâm sở, được chia thành 6 nhóm: 5 tâm sở biến hành, 5 tâm sở biệt cảnh, 11 món thiện, 6 món căn bản phiền não, 20 món tùy phiền não và 4 món bất định. Dựa trên sự hiểu biết về những điều này, chúng ta có thể nhận diện và thực tập ứng phó với những cảm xúc tiêu cực hay các loại phiền não khi chúng phát sinh. Ngay cả khi đối mặt với các hoàn cảnh khó khăn và chướng ngại thì việc kiến tạo bình an vẫn nằm trong khả năng của chúng ta.
Từ bi có vai trò quan trọng không những đối với sức khỏe bản thân mà còn đối với việc chăm sóc sức khỏe của người khác. Các bác sĩ và y tá nên nghĩ rằng việc điều trị, chăm sóc và giúp đỡ bệnh nhân là một nghĩa cử thiêng liêng, cao đẹp và chẳng khác gì chuyện phục vụ tâm linh đối với người khác. Sự ân cần, niềm nở và vui vẻ từ những bác sĩ khám chữa bệnh sẽ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng. Ngược lại, đối diện với vẻ mặt lạnh lùng, thờ ơ sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất an và lo lắng.
Vòng tay an toàn của các bác sĩ bảo vệ bệnh nhân |
Ngay cả khi biết chắc rằng bệnh nhân ấy sẽ không thể qua khỏi, nhưng các bác sĩ và y tá vẫn nên đối xử với họ bằng sự tử tế và lòng từ bi, khiến họ cảm nhận được sự thoải mái và bình an. Tôi tin rằng cuộc sống của chúng ta kéo dài từ đời này sang đời khác và quan trọng hơn hết là lúc chết, chúng ta có thể bình an, thanh thản, không sân giận hay sợ hãi. Khi bắt đầu cuộc sống này, chúng ta nhận được tình yêu thương bao la từ người mẹ, và đến lúc lìa đời, chúng ta cũng cần lòng trắc ẩn từ một ai đó.
Trong thời đại mà dịch vụ y tế trở thành một công việc kinh doanh như hiện nay, thì sự cảm thông và lòng trắc ẩn của các bác sĩ, y tá đối với bệnh nhân càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Hãy thêm tình thương vào mỗi hành động để biến thế giới này trở thành một nơi đáng sống. Ngày nay, nhân loại gồm 7 tỷ người đang sinh sống cùng nhau, vì vậy, ý thức về mối liên hệ mật thiết và sự hòa hợp giữa người với người thực sự rất quan trọng. Khi được thúc đẩy bởi tình thương thì sự chân thật và tận tâm tự nhiên sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, để tránh những sai lầm trong chẩn đoán và điều trị cho các ca bệnh nghiêm trọng, các bác sĩ nên thảo luận theo nhóm để bổ sung kỹ năng và kiến thức cho nhau. Điều quan trọng là khiến cho bệnh nhân thấy rằng bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế ở đó đang hết lòng giúp đỡ và điều trị cho họ. Đồng thời, các bác sĩ và y tá cũng nên tự hào về công việc mà họ đang làm, bởi vì đó là sự phục vụ chân chính và thiết thực đối với tha nhân.
Thậm chí nếu chẳng may các nhân viên y tế hy sinh trong khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân thì gia đình và bạn bè của họ cũng nên cảm thấy tự hào về họ và cầu nguyện mọi phước lành sẽ đến với những người đã hy sinh đó. Tôi luôn hướng tâm cầu nguyện cho những y bác sĩ đã hy sinh trong quá trình làm việc.
Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội để giúp đỡ những những người xung quanh trên tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời, mọi người cũng nên học hỏi cách thể hiện tình thương và lòng vị tha từ các y bác sĩ. Họ đang phục vụ, chăm sóc những người không nơi nương tựa mà không màng đến sự an nguy của bản thân mình. Họ chính là những người đang thực hành lòng vị tha một cách đúng nghĩa bằng cách giúp đỡ và quan tâm đến những người khác.
Đại dịch là một cơ hội tốt để mọi người có thể thương yêu nhau hơn. Khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng thì lối suy nghĩ thông thường về “tôi” và “của tôi” sẽ giảm xuống dần dần. Ví dụ, nếu xuất hiện một trận động đất hay một đợt lũ lụt thì mọi người sẽ không còn phân biệt những người xung quanh mình theo tôn giáo nào hay thuộc chủng tộc nào mà ngược lại, họ sẽ bắt tay nhau và giải quyết các vấn đề cùng nhau. Vì vậy, đôi khi thảm họa hay khó khăn lại là một cách để phát triển lòng vị tha một cách hiệu quả.
Dưới sự ảnh hưởng tàn khốc của đại dịch, chết chóc và những sự mất mát khác là điều không thể tránh khỏi. Bản thân là một người theo Phật giáo, tôi cho rằng thân này bị bệnh tật là điều tất nhiên, nhưng nếu có thể duy trì được sự bình an trong tâm hồn thì mọi thứ sẽ khác đi. Lo lắng và bất an chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Phản hồi