Lưu Tích Thời Gian

PGĐS – Vesak đã qua suốt tuần lễ nhưng những người con Phật lòng vẫn còn vui mừng phấn khởi. Sau thời gian dài do dịch bệnh và kinh tế không mấy thoải mái, mùa Veska mà PGVN thường gọi là mùa Đản sanh (một trong ba ngày lễ Đản Sanh, Thành Đạo, Niết Bàn, còn gọi là lễ Tam hợp).

Khắp ba miền, tùy khả năng, một số nơi đã làm sáng niềm tin cho một số người chưa hề nghe đến hai chữ ”Đức Phật”. Nơi vùng cao, và người dân phía Bắc chưa từng được diện kiến ngày lễ trọng đại nơi vùng không xa Hà Nội mấy. Huế, Buôn ma Thuột, Sài Gòn, Ninh Bình và một số địa phương rực rỡ xe hoa, cờ đèn lung linh dưới ánh quang minh của vũ trụ.

 

Các quốc gia Phật giáo như Thái Lan cũng xem Vesak là lễ hội toàn dân. Một năm chỉ có một lần để người con Phật thể hiện lòng thành tri ân và báo ân đấng cha lành của muôn loài. Với tinh thần nhà Phật, tướng là giả, nhưng không lấy giả để hiển chân thì lòng tri ân nương đâu để biết? Khổ đau nghiệp quả dưới cái quán thông của bậc giác ngộ thì chúng là không thật, nhưng không nhờ giả lấy gì để mong cầu tiến đến giải thoát.

Tự thân cá nhân có thể không cần tướng để phô trương, nhưng cộng đồng xã hội mọi sự không phô trương tướng thì cuộc sống sẽ chìm lặng như thuở hồng hoang. Tùy mỗi thời đại mỗi lãnh vực mà dụng tướng. Chuyên tu nặng tướng là một trở ngại, sinh hoạt cộng đồng mà không dụng tướng là tự mình bị đào thải. Cá nhân tự tu, không tướng cũng được, nhưng trách nhiệm để hướng dẫn quần chúng, nhất là cương vị trụ trì mà không phô trương ngày kỷ niệm của đấng cha lành là kẻ vô ơn và thiếu trách nhiệm với cộng đồng Phật giáo.

Trên cao nguyên, một vài vùng đồng bào sắc tộc đã biết quy y, biết quỳ lễ tụng niệm, biết treo cờ và biết tắm Phật, làm bàn thờ tại nhà. Ở Hải Dương, một vùng ven đô, nhưng người phụ nữ đã tự tay thiết lập lễ đài, tổ chức tắm Phật, mọi người mặt tươi như hoa, lần đầu trong đời mới biết đến lễ Đản sanh là gì, biết tắm Phật là sao, từng giọt lệ tràn theo dòng nước thơm tẩm tưới trên báo thân đức Bồ Tát sơ sinh. Không khí vui nhộn khắp ba miền, nhưng cá biệt, cũng có những nơi thầm lặng chìm đắm trong vô tư, không một lá cờ, không một động thái để kỷ niệm lễ Đản Sinh, thế mới biết lúc khai lý lịch thảo nào không khai mục Tôn giáo.

Tư nhân như thế cũng có thể hiểu, nhưng chùa là nơi để tín đồ nương tựa, không được hướng dẫn học hỏi giáo lý, chỉ biết cầu an cầu siêu, thì đón mừng ngày Đại Lễ Phật Đản cũng được xem như buổi “tiến linh” không công. Giáo Hội không khuyến khích thì những vị trụ trì thụ động cũng chả hứng thú để họ làm, nếu có làm thì cũng làm cho chiếu lệ.

Chùa Thanh Quang ở tại Quận Nam Từ Liêm thủ đô Hà Nội, cách sân vận động Mỹ Đình (nơi tổ chức Seagame 31) là một ví dụ. Trong thời gian này, Phật Giáo đồ đón mừng ngày Lễ Đản Sanh thì các quốc gia Đông Nam Á đều có mặt tại Hà Nội để tham dự sự kiện thể thao, vậy mà tấm băng rôn Mừng Phật Đản Sanh treo trước cổng chùa Thanh Quang cũng không làm cho được trân trọng. Phật lịch ghi là “Phật lệnh”, năm này là 2566 thì ghi là: 2565. Dương lịch ghi là “Dướng lịch”, năm 2022 thì ghi là 2021. Nếu tận dụng đồ cũ, ít ra cũng phải chỉnh sửa ngày tháng cho phù hơp, chữ nghĩa cho nghiêm túc.

Làm cẩu thả là xem thường Phật giáo, xem thường quần chúng, không hiểu các vị trong BTS PG Quận Nam Từ Liêm có biết việc này? nghĩ gì, mà dám cả gan bôi bác xã hội đến như thế? Rồi đây các khách bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì về tấm băng rôn mừng lễ Đản Sanh tại chùa Thanh Quang Quận Nam Tư Liêm? Tuy là hạt cát nhưng là hạt cát trong khóe mắt quần chúng.

Phật Giáo có đau lòng chăng khi có những tu sĩ trụ trì tắc trách đến như thế )? Dẫu sao, mùa Vesak năm nay nhìn chung thì vẫn sặc sỡ sắc màu, làm tươi sáng tinh tinh thần Phật giáo trong một bộ phận quần chúng mệt mỏi vì cuộc sống. Hy vọng, mùa Đản Sanh những năm sau, các cấp BTS Giáo hội quan tâm hơn đến các cơ sở Phật Giáo nhằm kiểm tra, đôn đốc, khích lệ các chùa và Phật tử nên trang trọng đón mừng ngày đấng Thế tôn ra đời.

Minh Mẫn

Bài viết liên quan

Phản hồi