Tư tưởng “Phật tại tâm” của Trần Thái Tông
Trần Thái Tông (1218 – 1277), tên khai sinh là Trần Cảnh, là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần. Lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, nhưng bằng sự học hỏi không ngừng và lòng yêu thương đối với nhân dân, ông đã lãnh đạo đất nước phát triển về quân sự, chính trị và kinh tế, làm nền tảng cho sự hưng thịnh của triều Trần gần hai trăm năm. Thực tế cho thấy rằng, có nhiều yếu tố để tạo nên những thành tựu huy hoàng của triều đại nhà Trần, nhưng yếu tố không thể phủ nhận là tâm huyết và tài năng của Trần Thái Tông khi xây dựng cho đất nước.
Ngoài việc là vị vua mở nghiệp cho nhà Trần, ông còn là vị vua thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là sự thâm nhập đối với thiền tông và đưa giáo lý ấy vào đời một cách thuần thục. Với tư tưởng “Phật Tại Tâm”, ông nêu cao khái niệm Phật tánh – bản tính lương thiện và sáng suốt sâu bên trong mỗi con người, từ đó ông khuyên mọi người thực hiện Ngũ Giới và Thập Thiện nhằm mục đích tu dưỡng đạo đức, nuôi dưỡng đời sống tinh thần làm sáng tỏ “tâm Phật”, và từ đây dựng xây đất nước hoà bình, hạnh phúc.
Theo Phật Quang đại từ điển, chữ Tâm được hiểu là: “Phạn: Citta; Hán âm: Chất đa, Cũng gọi là tâm pháp, tâm sự. Tức là pháp tuy xa lìa đối tượng nhưng vẫn có tác dụng tư duy”[1]. Phật Tại tâm được định hình là trong tâm mỗi người đều có “tánh Phật”- sự lương thiện sáng suốt và trong sạch, nhưng vì vô minh che lấp nên mới mê mờ, vì vậy con người cần sống có đức hạnh để làm tâm khai, trí sáng, hiển lộ Phật tánh, từ đó thấy được Phật ở trong tâm. Khi Trần Thái Tông từ bỏ ngai vàng để đi xuất gia, sau mấy ngày băng rừng lội suối, ông đến non thiêng Yên Tử và gặp Phù Vân Quốc Sư. Ngài dạy ông rằng: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ bên ngoài”[2], qua lời dạy, ông nghiệm ra rằng mọi người khi hướng đến lý tưởng giải thoát thì dù ở sơn khê hoang vắng hay phố thị nhộn nhịp đều có thể tu và giác ngộ được. Và từ đây, ông dần định hình nên khái niệm “Phật tại tâm” từ nền tảng “Phật tánh” mới lãnh ngộ.
Cũng với tâm lành ấy, ông nghe theo chỉ dạy cả quốc sư Phù Vân về pháp trị nước khi nước nước nhà lâm nguy nạn giặc, dạy rằng: “Phàm làm đấng minh quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được. Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”[3]. Từ đây, ông thấy được vai trò cũng như trách nhiệm của bậc minh quân, là lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, lấy ước muốn thiên hạ làm trách nhiệm của mình, nên ông đã trở về và lãnh đạo đất nước chiến thắng quân xâm lược. Tuy nhiên, đối với việc kinh kệ ông chưa bao giờ ngơi nghỉ. Điều này cho chúng ta bài học về sự cân bằng giữa đạo và đời, giữa ước muốn giải thoát và trách nhiệm với xã hội, vì người ta không thể phủ định hoàn toàn một mặt của vấn đề để thay vào đó bằng một mặt khác cũng với những khiếm khuyết tương đương.
Trong Phật thuyết Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Địa Phẩm, Đức Phật dạy:“Các người là Phật sẽ thành, ta đây là Phật đã thành”, như một xác quyết về việc ai cũng có thể vượt qua được dòng sinh tử luân hồi và lên được bờ giác ngộ nhờ nỗ lực tu tập. Từ đây, Trần Thái Tông đã có những khai phá về triết lý công bằng, bình đẳng trong khả năng giác ngộ của con người, và lấy đó làm cơ sở giáo dục đạo đức trong toàn dân. Ông đã dựng nên một dân tộc hùng mạnh nhờ việc cố kết lòng dân, chỉ ra bản chất con người đều bình đẳng và có cơ hội giác ngộ như nhau. Như vậy, ở bất cứ đâu con người muốn tu tập hướng về Phật thì ở đó có cội nguồn của giác ngộ, có mầm mống của sự giải thoát.
Về phương thức tu tập, để cho con người tìm về bản tánh thanh tịnh ông khuyên mọi người nên tinh cần niệm Phật: “Nay kẻ học muốn khởi niệm chính đề dập tắt ba nghiệp cũng là nhờ công niệm Phật vậy”[4], vì niệm Phật thuộc về pháp động, tức là tâm hướng về Phật, khẩu niệm danh hiệu, và thân ngồi thẳng giúp người tu tập sẽ an định tâm hơn. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng từng viết: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương/ Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Trên cương vị của một người lãnh đạo quốc gia, Trần Thái Tông vốn dĩ chọn ước muốn của thiên hạ làm ước muốn của mình. Ông mong muốn mọi người dân phải có tâm trong sáng để nâng cao đức hạnh của người dân. Với phương pháp niệm Phật vốn dĩ bình dị, dễ thực hành đối với tất cả mọi người dân khi vừa xây dựng đất nước mà cũng có thể tu tập để nuôi dưỡng đời sống tinh thần.
Trong phương pháp lễ sám, ông nhận thấy trong cuộc sống con người thường bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài và dễ đánh mất chính bản thân mình, nhất là trong buồn vui giận ghét và những toan tính khác. Trong giáo lý Phật giáo, sự tương tác giữa năm giác quan và ý thức bao gồm: sáu căn (tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) với thế giới khách quan bên ngoài là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Tuy nhiên, cũng với sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần đó, con người có thể không đánh mất chính mình nhờ hàng rào của giới luật. Trần Thái Tông đã trình bày những tư tưởng này một cách gần gũi với ngôn ngữ và cách hiểu của người Việt trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân: “Mắt bị sắc lôi lên núi kiếm, tai theo tiếng gọi đến rừng dao. Đầu mũi ngửi khói tanh hôi, trong lưỡi ngậm hòn sắt nóng. Thân khiếp sợ đồng sôi tưới tắm, ý chua cay vạc lửa nấu nung. Trần gian dù trăm tuổi, địa ngục mới một ngày một tối”[5]. Từ đây, ông đề ra phương thức sám hối sáu căn, nhằm khuyến tấn người thực hành ăn năn, chửa bỏ những nghiệp bất thiện đã tạo ra trong qua khứ và quyết không sai phạm nữa, chính là để gột rửa tâm tính khi tiếp xúc với bụi trần.
Đối với phương thức hành Thiền, Trần Thái Tông chú trọng việc thấu hiểu chính mình với phương pháp “hồi quang phản chiếu”. Thiền học ở Trần Thái Tông đã có sự tiếp thu cả Thiền động (đi, đứng, nằm, ngồi) và Thiền tĩnh (ngồi yên), ngài hướng dẫn như sau: “Đi thì thả bước, đứng thì sinh mệt, nằm thì mờ tối mà yên tĩnh. Yên tĩnh thì nỗi lo nảy sinh, nỗi lo nảy sinh thì niệm dậy. Muốn dập mọi niệm nên tập ngồi định”[6]. Thiền nhằm mục đích an định thân tâm, quay về với thực tại để phát triển trí tuệ, ngăn ngừa mọi ý muốn bất thiện trong bản thân của mỗi người nhằm soi sáng cái tâm trong sạch nguyên sơ của mình.
Trần Thái Tông tập trung khuyên nhủ nhân dân tu tập, giúp mọi người soi sáng Phật tính sẵn có của chính mình, và hoàn thiện giáo dục đạo đức trong xã hội bấy giờ. Ông hướng dẫn mọi người xoá bỏ mọi ý muốn cá nhân để chọn lấy ý muốn vì lợi cho mọi người, đây là quá trình tu tập nhằm xoá đi bản ngã của cá nhân để hướng đến vị tha về mặt đạo đức. Đối với ông việc thực hành Ngũ Giới và Thập Thiện là điều quan trọng. Trong Giới Sát ông từng khuyên mọi người đừng nên sát hại chúng sanh vì ý muốn cá nhân và phá hại cây rừng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ông khuyên người ta chẳng nên “Hoặc thiêu núi rừng, hoặc tát khe suối. Buông chài bủa lưới, đuối chó thả chim”. Ông còn viết Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi để giúp mọi người ngăn ngừa bản tính bất thiện thông qua việc sám hối.
Có thể thấy, Trần Thái Tông như bó đuốc sáng về tinh thần nhập thế của Phật giáo, là biểu tượng của sự buông bỏ và xả thân, khi ông nhường ngai vàng cho thái tử Trần Hoàng – tức Trần Thánh Tông, và dựng chùa Phổ Minh (Thiên Trường – Nam Định) để giảng dạy thiền tông, sau đó về Hoa Lư – Ninh Bình khai hoang, mở ấp và tu tập. Chính trong thời gian này, ông nêu cao bó đuốc Thiền Tông trong nhân dân, dùng chính mình làm tấm gương cho sự rèn luyện thân, tâm với nhân dân và khuyên dạy nhân dân khắp vùng học Phật.
Tư tưởng “Phật tại tâm” như sợi dây gắn kết dân tộc, xoá bỏ ranh giới giai cấp giữa nhân dân và Trần Thái Tông, từ đây giúp ông chuyển hoá được nhiều người quay về với nếp sống thiện lương, với bản tính chân thật có sẵn bên trong mỗi người theo giáo lý Phật đà. Cũng nhờ vậy, ông góp phần hình thành tư tưởng giáo dục đạo đức trong toàn dân thời Lý – Trần, thông qua phương thức nuôi dưỡng tự thân sự lương thiện của đạo đức, bằng lời dạy của chư Phật bao đời.
Tài liệu tham khảo
[1] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, tập 4, Nxb Phương Đông, Tr 5636.
[2] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Tr 201.
[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội. Tr 183.
[4] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Tr. 366.
[5] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 347.
[6] Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 369.
Thích Ngộ Dũng
Phản hồi