Tư tưởng giải phóng con người – Nét tương đồng giữa Bhimrao Ambedkar và triết học Phật giáo
Trong các nền văn minh lớn trên thế giới, Ấn Độ được ví như mảnh đất thiên đường của triết lý thâm trầm về vũ trụ và nhân sinh, một trong những cái nôi của nền văn hoá, văn minh lâu đời, rực rỡ huyền bí và thu hút mãnh liệt chưa bao giờ lụi tàn trong nền văn minh của nền văn minh nhân loại nói chung và nền văn minh phương Đông nói riêng “Từ xa xưa Ấn Độ đã là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với các phong tục, tập quán, ngôn ngữ và trình độ văn minh khác nhau”[1]. Mảnh đất thiên đường ấy là nơi đã sản sinh ra những nhà triết học, nhà tư tưởng lớn, các học thuyết triết học tôn giáo.
Các tư tưởng triết học tôn giáo ở Ấn Độ ra đời thực chất chịu tác động rất nhiều của điều kiện tự nhiên. Theo Will Durant: “Xứ đó là một tam giác mênh mông, đáy ở phía Bắc, tức dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ; đỉnh ở phía Nam, tức đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiệu như đốt. Phía Tây là Ba Tư mà dân chúng, ngôn ngữ, thần thánh đều rất gần gũi với Ấn Độ thời Veda, cơ hồ hai xứ là bà con chú bác với nhau” [2]. Điều kiện tự nhiên và khí hậu hà khắc khiến cho đời sống con người nơi đây luôn đầy những khó khăn. Mặt khác, trong quan hệ xã hội, con người cũng bị trói buộc và đè nặng bởi chế độ nô lệ hà khắc, lại bị kìm hãm bởi công xã nông thôn khép kín, trì trệ, bảo thủ cùng với chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội hết sức hà khắc, chính nó như một tấm lưới bao vây lấy số phận người Ấn Độ. Để tồn tại trong thế giới hiện thực ấy, họ chỉ mong ước có được một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc, người Ấn Độ truy tìm nguyên nhân gây ra nỗi khổ và hướng đến con đường giải thoát con người khỏi nỗi khổ ấy. Vấn đề giải phóng con người khỏi sự đau khổ, bất hạnh là tư tưởng trung tâm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của toàn bộ nền triết học Ấn Độ nói chung và triết học Phật giáo nói riêng.
Phật giáo ra đời vào khoảng cuối thế kỷ VI – VIII TCN tại miền Bắc Ấn Độ, trong bối cảnh đất nước Ấn Độ đắm chìm dưới rất nhiều học thuyết với những khuynh hướng khác nhau, nhưng tựu chung đều là những xiềng xích thần học đè nặng lên số phận con người, hướng sự giải thoát con người bằng việc cầu cứu vào một đấng thần linh khác. Đức Phật với những chứng nghiệm chân lý giải phóng con người thoát khỏi khổ đau, trên tinh thần nuôi dưỡng lòng vị tha, yêu thương con người, tìm ra hết thảy mọi nguyên nhân của sự đau khổ trong đời và chỉ ra phương pháp dứt hẳn những nguyên nhân ấy, Ngài hướng con người đến đời sống thực, không tin tưởng viển vông vào những phép màu hay thực thể ngoài con người có khả năng tác động đến đời sống của họ.
Với hệ thống thế giới quan, nhân sinh quan rõ ràng, sống động và đầy nhân văn, hướng con người đến sự bình đẳng, lần đầu tiên có một tư tưởng dám bác bỏ thần quyền – phân biệt chủng tính là thứ đè nặng lên vai con người Ấn suốt nhiều thế kỷ, đã mở ra cho Phật giáo một và nhân loại một hướng đi khác, nhiều tính nhân văn và vì con người hơn bao giờ hết.
Khi nói đến quan điểm về giải phóng con người trong đạo Phật, cần nhìn nhận rõ vấn đề giải phóng con người khỏi thần quyền và thế quyền, chứ không chỉ bao hàm trong sự giải phóng giai cấp. Nếu nói sự giải phóng con người khỏi thế quyền – xiềng xích của chế độ phân biệt đẳng cấp được biểu hiện trong triết lý về công bằng xã hội, thì sự giải phóng con người khỏi thần quyền chính là triết lý về con đường giải thoát khổ đau. Tuy nhiên, tựu chung lại việc giải phóng con người khỏi khổ đau trần tục, và công bằng trước khả năng giác ngộ, chỉ là một cấp độ biểu hiện cao hơn của sự giải phóng, bởi thần quyền thời kỳ này chính là gông cùm mạnh mẽ để kìm hãm con người khỏi sự giải phóng giai cấp, phân biệt đẳng cấp. Đồng thời, triết lý về công bằng xã hội chính là tiền đề để con người hướng đến mục tiêu thoát khổ vĩnh hằng, giải phóng vĩnh hằng.
Một số quan điểm cho rằng tư tưởng về sự công bằng xã hội hay giải phóng con người của đạo Phật là không triệt để, vì: “Những tư tưởng khoáng đạt của Đức Phật không thể được hiểu theo nghĩa: Ngài đòi bãi bỏ sự cách biệt về sự cách biệt đẳng cấp. Quan điểm của ngài chỉ dành riêng cho giới tu hành là những người bỏ lại sau lưng các mối quan hệ trần tục nên sẽ không còn bị lệ thuộc các quy định của chúng. Phân biệt đẳng cấp vẫn đúng đắn đối với ai vẫn giữ cuộc sống bình thường trên thế giới trần tục”[3]. Quan điểm này có phần thiển cận khi chỉ thấy nội dung công bằng trong hàng ngũ tăng đoàn của Đạo Phật thời kỳ đó, mà không thấy nội dung rộng hơn là Đức Phật từ chối sự tồn tại của thần linh, đấng sáng thế hay người quy định đẳng cấp con người. Việc bác bỏ quan niệm về Brahma đã khẳng định rằng, không hề có sự phân biệt đẳng cấp ở tất cả con người nói chung, và nhấn mạnh hơn việc đó đặc biệt sẽ không tồn tại trong phạm vi giáo đoàn Phật giáo.
Xét trên phương diện lịch sử xã hội thời kỳ này, Đức Phật là giáo chủ của một tôn giáo mới xuất hiện, trong khi xã hội đã tồn tại hàng trăm tôn giáo với sắc thái đa dạng và lịch sử lâu đời, cùng tư tưởng phân biệt đẳng cấp đã ăn sâu vào đời sống tâm thức, nên việc lan toả tư tưởng giải phóng con người như một định kiến đi ngược hoàn toàn với thời đại. Việc Đức Phật từ chối vai trò của đấng sáng tạo có thể xem như một cách gián tiếp bác bỏ quan niệm đẳng cấp, nhằm mục đích giải phóng con người, qua đó hướng con người đến sự giải thoát bằng con đường hoà bình. Đức Phật chỉ tập trung phân tích nguồn gốc, vai trò cũng như phương thức chấm dứt đau khổ, mà không can thiệp quá sâu vào các vấn đề chính trị, xã hội. Có thể vì lý do đó mà dẫn đến những hiểu lầm nói trên.
Có thể thấy, tính công bằng chính là yếu tố xác quyết nội dung giải phóng con người của đạo Phật, nhất là đối với xã hội mà đẳng cấp có cách biệt quá lớn, đè nặng trên vai mỗi đứa trẻ được sinh ra. Tư tưởng giải phóng con người của Phật giáo không phải là sự hô hào đấu tranh, cũng không nằm trong những tác động chính trị cụ thể. Nó được thể hiện trong tầng tầng lớp lớp giáo nghĩa của Đạo Phật, bằng sự chiêm nghiệm và hành trì, người ta dần tự mình tách ra hệ thống xã hội nhiều gông cùm hiện hữu.
Cũng với tinh thần giải phóng con người ấy nhưng hơn 2000 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, B.R. Ambedkar đã có những tác động cụ thể lên xã hội Ấn Độ, và đẩy xa hơn nữa sự nghiệp giải phóng con người trong hành trình Phục hưng Phật giáo tại xứ Ấn. Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14 tháng 4, năm 1891 trong một gia đình tiện dân thuộc tiểu bang Madhya Pradesh, thuộc đẳng cấp tận cùng trong xã hội lúc bấy giờ. Là một người nhạy bén và thông tuệ nên mặc dù xuất thân thấp kém trong xã hội song ông được một vị vương công Badodara của tiểu bang Baroda đầu tư tiền đi học. Tại Đại học Columbia, Bhimrao Ramji Ambedkar đỗ tiến sĩ về kinh tế, sau đó tiếp tục sang Anh và học tại trường London School of Economies. Chính vì được giáo dục trong môi trường phương Tây cởi mở, tiến bộ và khác biệt với xã hội Ấn Độ hiện thời, nên ông không thừa nhận và trực tiếp chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ.
Trong quá trình làm việc và nghiên cứu xoay quanh phong trào phục hưng Phật giáo, cùng vời những thể nghiệm của bản thân, ông nhận thấy được tính sáng suốt và giá trị cốt lõi của Phật giáo đối với nhân loại nói chung, và với phong trào giải phóng giai cấp mà ông đang theo đuổi nói riêng. Sự tiếp nhận Phật giáo không phải ngẫu nhiên mà hội tụ bởi nhiều nguyên nhân, song sức ảnh hưởng về nhân sinh quan Phật giáo với những giá trị nhân văn và trên hết là tư tưởng giải phóng con người khỏi sự áp bức bóc lột đã thực sự lôi cuốn, tạo nên nhân duyên giữa Phật giáo và Ambedkar.
Bản thân Ambedkar trước khi đến với Phật giáo, Ambedkar nghiên cứu kỹ lịch sử Ấn Độ cùng với những kinh điển Phật giáo. Chính trong những lời dạy của Đức Phật, ông tìm thấy sự đồng cảm về giai cấp, về tư tưởng tự do giải phóng giữa ông và bậc vĩ nhân từ hơn 2500 năm trước, điều này là cơ duyên khiến ông chính thức đến với Phật giáo: “đến năm 1956 tại Nagpur trước bàn thờ Phật và 4 thầy người Miến Điện ông đã chính thức Quy y theo Phật giáo” [4] và kêu gọi mọi người đặc biệt là những người tiện dân theo Phật giáo. Sự kiện diễn ra vào ngày 14 tháng 10 năm 1956, có 380 000 người tiện dân xin quy y theo Phật giáo trở thành sự kiện lịch sử vĩ đại đánh dấu sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn.
B.R. Ambedkar quan niệm Phật giáo là một con đường giải thoát nhưng đồng thời cũng phải hướng Phật giáo vào những cải cách xã hội. Theo quan điểm của ông, Phật giáo còn là một nền triết học về đạo đức và đã thật sự đem đến cho ông một lý tưởng giúp ông dấn thân vào những hoạt động xã hội vì thế ông thường xuyên bày tỏ ước vọng là Phật giáo sẽ có thể giúp con người đạt được lý tưởng đạo đức đó mà ông hằng mong ước. Đạo Phật mà Ambedkar xây dựng còn được gọi là “Navayana – phong trào Phật giáo Ambedkar, hay Phật giáo Ấn Độ) mới”[5]. Ambedkar là người duy nhất thuộc giai cấp nô lệ, một Phật tử hữu tâm đầy nhiệt huyết muốn chấn hưng lại nền văn minh tâm linh của đất Ấn đã từng bị lãng quên trong lịch sử.
Kinh Di Giáo đức Phật từng dạy rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy dựa vào chính mình, đừng dựa vào ai khác, lấy chánh pháp là đuốc” thì Ambedkar cũng không ngừng khích lệ những người theo ông trong phong trào giải phóng rằng: “Hãy cố gắng không ngừng, không có giá trị nào trên đời mà không phải do nỗ lực mà được”[6]. Như vậy, Ambedkar chính là người hiện thực hoá tư tưởng giải phóng con người, giải phóng giai cấp cho nhân dân Ấn Độ, bằng sự quyết tâm và hiểu biết của chính mình. Và đâu đó trong những nhận định của ông, bóng dáng triết lý về công bằng xã hội của đức Phật hiện hữu, lan toả.
Có thể thấy, Phật giáo có sự gắn kết chặt chẽ về mặt triết thuyết với hầu hết các tư tưởng đạo đức, nhân văn mà con người hướng tới, dù ở bất kì thời điểm lịch sử nào. Tính vượt thời gian trong triết lý Phật giáo chính là những giá trị thâm trầm, sâu sắc, mãi trường tồn và còn nguyên giá trị đối với từng thời đại, từng hoàn cảnh xã hội khác nhau. Ở đây, ta thấy được sự thống nhất trong tư tưởng Phật giáo và tư tưởng của Ambedkar về lý tưởng giải phóng con người.
Danh mục Tài liệu tham khảo
[1] Doãn Chính: Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại.
[2] Will Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch): Lịch sử văn minh Ấn Độ, tr.34.
[3] Ambert Schweitzer (2008), Tư tưởng Ấn Độ theo dòng lịch sử, Nxb. Văn hoá Thông tin, tr. 95.
[4] Kim Kha: Hướng dẫn Hành hương về xứ Phật.
[5] Christopher Queen, Buddhism and World Order: A Turning Point for Humanity in Mungekar and Rathore, tr.25.
[6] Thích Trung Hữu (2017), Sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và vai trò của tiến sĩ Ambedkar, Nxb. Phương Đông, tr.122
Thích Ngộ Hạnh
Phản hồi