Tu trên mạng xã hội

 Thời buổi mạng xã hội phát triển, người ta dễ dàng lấp đầy tâm trí mình bằng những hình ảnh và thông tin. Nhưng vì sao nhiều người vẫn đầy dẫy khoảng trống của sự cô đơn, hụt hẫng, bất an và chán nản?

Khi các giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần cảnh ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà không có sự chánh niệm, tỉnh giác, thì ta trở nên hời hợt và không cảm nhận trọn vẹn những điều đang có mặt ở hiện tại ngay thân tâm và ngay cuộc sống này. Khi chưa có sự tỉnh giác chúng ta dễ bị dẫn dắt vào những ảo giác của văn tự, hình ảnh và âm thanh rồi cuốn theo những cảm xúc ( cả tiêu cực lẫn tích cực).

Khi cuộc sống chỉ được nhìn qua một mạng lưới thỏa mãn thị giác và thính giác thì đó chỉ là cái bóng của những ảo tưởng.

Người ta thường bỏ quên các chức năng tinh tế của sáu giác quan ở bên trong để theo các trần cảnh bên ngoài nên biến mình thành nô lệ hoặc đồng hóa cho ảo tưởng ấy.

Chưa kể, đâu đó vẫn có những người luôn sống trong nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi. Kết nối nhau dưới hình thức “ kẻ giấu mặt”, ngay cả sự tiếp xúc chân thật và trọn vẹn còn không có thì làm sao có được kết nối thân thiện tương giao? và thế là, họ trở thành những con người rình rập nhau trong nghi ngờ xa lạ.

Biết chánh niệm- tỉnh giác, khéo phòng hộ mình, biết tạo ra năng lượng tích cực thì mới có thể bảo vệ bạn khỏi những tác động xấu từ việc tạo nghiệp trên mạng xã hội.

Có một tên ăn trộm, hắn theo dõi và biết nhà kia có những giá trị hắn cần và nghĩ cách để tiếp cận và đột nhập. Hắn ta biết đường đi lối về mục tiêu hắn hướng tới, cả những ngóc ngách trong nhà ấy, nhưng chỉ để thỏa mãn cho ý đồ và tham muốn của hắn. Dù bao lần hắn ta đã đạt được mục tiêu của mình nhưng tận thâm tâm hắn chỉ là một kẻ cô độc và vẫn luôn là một kẻ giấu mặt, sống trong sự sợ hãi và bất an, như bóng ma chạy theo kẻ khác, đau khổ cũng từ đó mà phát sinh.

Cũng vậy đấy, công nghệ thông tin cho người ta nhiều cơ hội để giao tiếp, học hỏi…Nhưng đôi khi người ta lại thiếu đi sự chân thật vốn có nơi mình, chưa đủ trọn vẹn với những gì mình đang tiếp xúc, và đôi khi thiếu đi ý thức kiểm soát trong hành động và suy nghĩ của mình.

Đừng vô tư nghĩ rằng mình có thể tương tác và bình luận tất cả những gì mình thích mà không ai biết. Bạn có thể che giấu mình bằng một hình thức nào đó. Nhưng bạn không thể trốn khỏi tâm ý và cảm xúc của chính bạn.

Khi biết tu tập, thì bất cứ điều gì đi qua các giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cũng đều là đối tượng cho ta thấy ra những tâm hành gì đang phát khởi và thấy được tâm mình có bị giao động với cảnh hay không, lúc đó trạng thái gì khởi lên? Nếu an lạc, tích cực, hoan hỷ thì phát triển các thiện pháp. Nếu có những điều tiêu cực như đấu tranh, xung đột, hiềm khích, …hoặc những yếu tố cho ta phát triển tham, sân, si và bất thiện pháp thì nên biết cách phòng hộ và xa lánh. Còn nếu có đủ tỉnh giác và định tĩnh, thì ngay tại đó ngộ ra những giá trị sống nào đó rồi áp dụng vào nội tâm của mình.

Tất cả những gì chúng ta phát ra trong không gian này sẽ chuyển thành một dạng năng lượng, và năng lượng đó như thế nào là phụ thuộc mỗi người đang gửi vào đấy bằng trạng thái tâm ý của mình. Rồi tùy vào tầng năng lượng của mỗi người mà có sự chiêu cảm kết nối tương ưng. Tâm bạn hướng lên thì sẽ kết nối với những người, những điều tích cực, tốt đẹp…Tâm hướng xuống thì chỉ kết nối với những cảnh giới buồn phiền, đấu tranh, mệt mỏi…Cho nên, sự an vui đến từ việc tâm bạn đủ chân thành, đủ trọn vẹn, đủ tỉnh giác trong khi tiếp xúc với đối tượng bên ngoài… Còn khi thấy mình chưa đủ những định tĩnh, thì nên hạn chế tiếp xúc với những trang mạng chứa những tầng năng lượng xấu như đấu tranh, xung đột, tuyên truyền, lôi kéo bạn vào những cảnh giới bất an lo lắng… từ đó bị những ảo giác tiêu cực chi phối.

Nếu biết chánh niệm- tỉnh giác, khéo phòng hộ mình, biết tạo ra năng lượng tích cực thì mới có thể bảo vệ bạn khỏi những tác động xấu từ việc tạo nghiệp trên mạng xã hội. Mỗi cái “LIKE” là tu thân, mỗi COMMENT là tu khẩu, mỗi cái SHARE là tu ý . Ai khéo tu người đó được an lạc và ngược lại.

Người trí bảo vệ thân

Bảo vệ luôn lời nói

Bảo vệ cả tâm tư

Ba nghiệp khéo bảo vệ

( Dhammapada)

Sư cô Trúc Lan Nhã

 

Bài viết liên quan

Phản hồi