Tu là đụng chạm

Lời dạy của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thái Hòa:
“Mình không tu có thể mình sẽ đụng chạm tới thiên hạ, đó là điều dễ hiểu. Nhưng mình có tu, quý vị cũng đừng nghĩ là chúng ta không đụng chạm gì đến ai.
Mình tin Phật thì sẽ đụng chạm đến người tin ma. Mà giữa đời này, ma nhiều hơn Phật chứ, cho nên chỉ tin Phật thôi là đã đụng chạm nhiều lắm rồi!
Mình tin Pháp thì sẽ đụng chạm đến các tà thuyết bất chính. Vì thế, mình nói đúng Chánh pháp và hết sức tuyên dương Chánh pháp là đã đụng chạm đến các tà thuyết, tà pháp của thế gian.
Mình tin Tăng thì đụng chạm tới ai? Tới các tà sư ác hữu. Thật sự mình chỉ biết đi chùa, biết tụng kinh, ngồi thiền và niệm Phật thôi, mình đâu có thì giờ để đi nói xấu các tà sư ác hữu, thế mà vẫn đụng chạm tới họ.
Mình tin Giới là đụng tới những sinh hoạt phi đạo đức, phi luân thường đạo lý của xã hội! Mình chỉ tin Giới thôi, thì những người buôn lậu, những người tham nhũng,.. họ ghét dữ lắm, mà sự thật mình đâu có giành chi của họ, mình cũng chẳng tham nhũng, chẳng hối lộ chi ai.
Người ta uống bia uống rượu, mình không uống rượu bia, vậy là họ ghét. Có người ăn chay trường, đi ăn tiệc cưới ngồi chung bàn với bạn bè, chắc chắn người ta sẽ xầm xì: Tu làm gì không biết nữa, tu để mau thành Phật à? Mình đâu có giành bia giành thịt của họ mà ăn đâu chứ, thế mà vẫn đụng!
Cho nên quý vị thấy, mình tu thật là đụng tới tâm ý của người phàm, đụng tới tất cả chúng sinh phàm tục, đụng hết. Bởi vậy mà thiên ma ba tuần đã tìm mọi cách làm cho Phật đừng thành Phật chứ! Đến khi thành Phật rồi, thiên ma lại muốn Ngài nhập Niết-bàn để cho họ được tự tung tự tác giữa cuộc đời, ưa làm gì thì làm, ưa phỉnh gạt ai thì phỉnh gạt. Đó là ý đồ của thiên ma mà! Bởi vậy, tu là đụng tới cái tham của chúng sinh.
Mình muốn đẩy họ đi lên, lên cao đến vô cùng, thế nhưng chúng sinh đâu có chịu, họ cứ ưa níu kéo nhau đi xuống chỗ thấp kém thôi!
Chính cái phi lương tâm, phi đạo đức của hành động họ, làm cho họ cảm thấy không thích mình, nên cứ như thế mà đụng!
Cho nên, việc mình thực hiện tín tâm đối với Tam bảo thôi là mình đã đụng tới tất cả những người không có niềm tin đối với Tam bảo rồi.
Người đời thích giết hại sinh vật để ăn, tranh giành nhau để sống, tàn hại người khác để mưu sinh cho riêng mình. Còn những ai đã tin Phật rồi thì lại không thích tàn hại bất cứ ai, hay giẫm đạp lên bất cứ loài vật nào để tồn sinh. Họ bảo giết người, giết vật, mình không giết thế là mình đụng họ rồi.
Thế thì ai đụng ai? Mình có thích đụng đâu mà! Mình chỉ thích giữ Giới, thích không tàn hại chúng sinh thôi, vậy mà vẫn đụng!
Mình ưa tôn trọng công bằng lẽ phải. Cái gì làm được thì mình hưởng, người khác làm được thì người khác hưởng. Nhân ngang đâu thì quả ngang đó.
Bởi mình ưa như vậy nên mình giữ giới thứ hai là giới không trộm cắp. Nhưng giờ đây, giữa thiên hạ, người ta ưa làm ít mà hưởng nhiều, nghĩ cách để chạy mánh chạy mung… Thế là đụng nhau thôi à!
Người đệ tử Phật ưa sống tiết hạnh thanh bạch. Vậy những người mua dâm, bán dâm, những người làm phim ảnh đồi trụy không lôi kéo được sự đồng tình của người đệ tử Phật. Chỉ đơn giản vậy thôi thì những người kinh doanh về mặt này trong xã hội đã ghét mình lắm rồi.
Người đệ tử Phật chi thích nói lời chân thật, nói đúng lẽ phải. Nhưng hễ nói lời ngay thẳng thì sẽ đụng kẻ xảo quyệt điêu ngoa, hễ nói thật thì sẽ đụng đến người nói láo. Mà giữa đời này có những kẻ chuyên gia nói láo, nói láo có truyền thống, nói láo có súng đạn, nói láo có băng đảng, nói láo có tổ chức từ trên xuống dưới… Là người con Phật ai lại đi nói láo phải không quý vị, chỉ cần mình nói thật thôi, là đã đụng đến người ta rồi, thực ra mình đâu có nói xấu chi họ.
Quý vị biết, ngay cả sư ông Nhất Hạnh, đi đâu cũng chỉ muốn giáo hóa cho người ta tu học, và trong biến cố tại Mỹ ngày 11 tháng 9 khi xuất hiện tại Mỹ, sư ông đã khuyên hãy yêu thương nhau và đừng tạo ra hận thù. Vậy mà đã có một số người tìm cách để làm khó sư ông. Sư ông chỉ khuyên họ những lời từ ái dễ thương thôi mà họ đâu có chịu nghe, không những không chịu nghe mà còn chống báng nữa!
Cho nên, sống giữa đời, người biết nói lời từ ái với nhau đã khó, huống gì người biết lắng nghe lời từ ái để sống! Không tu thì đụng theo kiểu phàm tục, không tu thi đem cái phàm đụng tới cái phàm, đem cái chúng sinh đụng với cái chúng sinh. Có tu thì cái thánh thiện của người tu sẽ đụng đến cái chất phàm trong chúng sinh
Mình phải biết được điều đó để có sự kham nhẫn trong quá trình tu học. Đừng có nghĩ rằng mình tu rồi thì ai cũng thương, ai cũng kính và ai cũng tạo thuận lợi. Không có đâu!
Đừng có ảo tưởng! Càng tu càng bị nhiều người chống đối, vì giữa đời này phàm nhiều hơn Thánh mà.
Đức Phật đã dạy: “Pháp của Ta không phải để cho chúng sinh công nhận, mà để cho người trí trong đời công nhận thôi. Giáo pháp ấy được người trí thực tập, người trí tuyên dương”.
Chúng sinh có công nhận, có tuyên dương, có ca ngợi thì cũng theo kiểu phàm tục của họ, chứ chẳng có giá trị gì. Thấy được điều đó, quý vị mới có cơ hội sống và đi trọn vẹn với niềm tin của mình, trọn vẹn với con đường tu tập của mình.
Tu tập không phải là phong trào, là ủng hộ, là lấy phiếu, nên quý vị đừng buồn và đừng có cảm giác cô đơn khi thấy rằng người ta đi chùa thì ít mà tới các quán cà phê hay các hý trường lại nhiều. Lại có người đã thấm thía nhân tình thế thái này lắm, nên họ đã than:
“Đường đời chật hẹp lắm người đi
Cửa đạo thênh thang hiếm kẻ tìm”.
Cũng phải thôi, bởi người đời vốn quen sống theo mùi tục lụy, cho nên hễ rủ ai đi uống bia uống rượu, ăn thịt ăn cá, đánh bạc tắm hơi, đua tranh danh lợi,… thì dễ kiếm tìm và có nhiều người theo lắm.
Còn rủ người ta đi thiền, lạy Phật, ăn chay thì mười người hết chín người lúc lắc rồi. Nên, không phải điều gì được nhiều người phàm tục công nhận đều có giá trị cả đâu. Do đó, chúng ta phải có cái nhìn sâu sắc, có tuệ giác lớn và niềm tin kiên định để nhận diện sự có mặt của mình trong cuộc đời và để chúng ta tránh khỏi những cảm giác cô đơn, lạc loài giữa xã hội.
Đức Phật dạy tu tập là phải biết kham nhẫn. Trong cõi Ta-bà này, chúng sinh thì kham nhẫn và chịu đựng với sự khổ đau, Bồ-tát thì kham nhẫn sự khổ đau của chúng sinh để tuyên dương Chánh pháp; chúng sinh phải kham nhẫn theo nghiệp báo của mình để mà thọ khổ, còn Bồ-tát và Phật kham nhẫn với cái nghiệp của chúng sinh để tuyên dương Chánh pháp, đem lại niềm tin và trí tuệ cho họ”.
Nguồn: Sưu tầm

Bài viết liên quan

Phản hồi