Tu hành sao sân si quá vậy

Có người hỏi tôi tu hành sao mà sân si quá vậy? Nghĩ lại thì cái chuyện này đâu phải của riêng ai, và ít nhiều trong đời tu chúng ta đều đã từng nghe câu này và thậm chí chính chúng ta còn tụm năm tụm bảy ngồi xì xầm người này Thầy nọ mang tính thị phị chứ đâu vừa gì đâu. Đúng vậy! Bản chất và cốt lõi của người tu hành là phải luôn chế ngự sân si, mà đúng hơn là chế ngự và đoạn trừ đủ cả tham, sân, si. Nhưng sân, si nó là gốc rễ của phiền não, là nguyên nhân của khổ đau và hoàn toàn trái ngược với tư duy phản biện vì phản biện hay biện luận là để làm sáng tỏ vấn đề, hiểu đúng vấn đề để chúng ta có cái nhìn đúng đắn, tư duy đúng đắn theo tinh thần Bát Chánh đạo trong đạo Phật.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Luận về tham sân si

Tham, sân, si hay còn gọi là Tam độc trong Phật giáo chỉ cho 3 trạng thái tinh thần có hại của chúng sinh. Đạo Phật cho rằng nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 độc tham, sân, si mà ra. Chúng sinh vì Tam độc nên tạo nghiệp ác, trong tâm thức luôn tạo ra những nghiệp lực dưới dạng tiền định, trói buộc tâm thức.

“Tham” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau.

“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Thích “cái ta yêu quý”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, “người ta yêu quý” hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận.

“Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gặm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên.

Đừng thấy ai tu hành cũng cho rằng người ấy là Phật, là Thánh

Khi một người tu theo Phật bất luận là xuất gia hay tại gia khi họ có tư duy phản biện để làm sáng tỏ một vấn đề gì đó thì người đời liền quy chụp cho người theo đạo Phật rằng “tu hành mà sân si”. Xin thưa để dứt trừ gốc rễ tham sân si nghĩa là diệt tận lậu hoặc đồng nghĩa với đắc quả vị A-la-hán. Trong Tam độc tham sân si thì sân là thứ khó chuyển hóa nhất. Đức Phật có dạy, chỉ khi một vị chứng đến Thánh quả A-la-hán mới diệt trừ tận gốc sân mà thôi, còn các quả vị Thánh thấp hơn vẫn còn tâm sân (từ thô đến vi tế). Nói vậy để tự an ủi nhau rằng “thôi thì ai cũng sân, vì sân nên còn ngồi đây nè” để thông cảm và bỏ qua cho nhau.

Đại đa số trong quần chúng có khái niệm rằng người tu Phật, học Phật là thành Phật, thành Thánh ngay. Chúng ta nên nhớ chuyển hóa tham sân si của người tu theo Phật là cả một quá trình cố gắng. Ngày xưa họ sân 10 thì nay chỉ còn 3, ngày xưa sân lên họ chửi cả họ mình thì nay họ chửi mỗi mình, đó là cả một sự chuyển hóa “vĩ đại” chứ chẳng phải đùa. Chúng ta tin vào Pháp Phật không đồng nghĩa với việc chúng ta định nghĩa bất kỳ vị Tăng nào tu tập cũng là Phật sống, Thánh sống cả. Tăng vốn dĩ cũng chỉ là người xuất gia, đi tu trước nên có nhiều kinh nghiệm hơn người tại gia hay cư sĩ nên họ chia sẻ kinh nghiệm tu tập lại mà thôi. Khi còn chưa chứng quả vị Thánh A-la-hán họ vẫn chưa có thể dứt trừ tham sân si.

Điều này được minh chứng cho tất cả các vị tu sĩ của các tôn giáo chứ không riêng Phật giáo thông qua rất nhiều vụ tai tiếng ngay trong các Tăng đoàn từ Phật Giáo Thái Lan, Trung Quốc (Thiếu Lâm Tự – trụ trì CEO Thích Vĩnh Tín) hay cả Công Giáo La Mã với các linh mục đi lầm đường. Thậm chí là lần gần nhất với việc những vị sư ở Myanmar cổ xuý cho nạn diệt chủng Rohingya hay họp báo tẩy chay một bộ phim Phật giáo vì cô diễn viên tố cáo một vị sư sàm sỡ mình. Và gần đây là một số cá nhân tiêu cực diễn ra trong Phật giáo Việt Nam. Ngược lại khi chúng ta nhìn người tu hành nào đó dị biệt và trở thành “hiện tượng”, lúc đó chúng ta liền coi là Phật, là Thánh. Điều này đến từ hiệu ứng tâm lý học là Holy Effect – theo đó khi chúng ta sùng bái thần tượng một ai, chúng ta có xu hướng cho rằng người đó nói gì, làm gì cũng đúng.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giác ngộ toàn bộ chân lý, là vị Phật thứ bảy trong Hiền kiếp, Ngài từng dạy rằng: “Nếu tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”. Ở một phạm trù khác Ngài dạy: “Nếu chỉ nhìn sắc tướng, nghe âm thanh mà cho rằng đó là Phật, là Thế Tôn là rơi vào tà kiến, sẽ bị dẫn dắt vào con đường lầm”. Ngài cũng không muốn các đệ tử về sau đúc tượng mình mà thờ cúng, tôn vinh như một vị thần. Nhưng vì hàng đệ tử muốn tôn vinh Ngài, muốn duy trì giáo pháp của Ngài để lưu truyền hậu thế, muốn cho những người nghiệp chướng sâu dày, tham sân si đầy rẫy biết mượn tướng tu tâm nên hình thành chùa tháp và tượng Phật. Chúng ta tu tập chuyển hóa là phải đi từ sự đến lý, và lý và sự thì phải viên dung để hướng tới điều cao đẹp nhất, giá trị nhất.

Vậy mà rất nhiều người ngày nay thậm chí thần thánh hoá cả những người đang sống, xem một vài vị là “thần thánh” hay “Phật sống” tái sinh mà dẫn đến tin 100%. Điều này biến quan điểm Phật Giáo từ một tôn giáo, một triết học có tính khoa học logic cao trở thành một dạng thần linh để cầu ban phước rẻ tiền bằng cách xếp hàng xin đảnh lễ, lắng nghe vị “Pháp Vương” dưới dạng chia sẻ lời Phật dạy mà chúng ta vẫn còn chưa biết họ cũng là con người đang tu tập, đang chuyển hóa tâm mình từng ngày, họ vẫn còn bị buồn vui chi phối.

Vì cho là Phật, là Thánh nên dễ bị dẫn vào đường mê

Chúng ta đang tu Phật, học Phật là tu học theo giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không hề tu học theo giáo pháp của vị Phật nào khác. Và khi giáo pháp này tận diệt thì Đức Phật Di Lặc ra đời, nhưng từ nay đến đó thì còn xa xăm diệu vợi để chúng ta được gặp Phật đương lai. Vì không hiểu rõ giáo pháp nên hễ bất cứ “hiện tượng” nào xuất hiện chúng ta vội cho là Phật, là Thánh nên khiến chúng ta mê lầm lạc lối. Người nào được gọi là “Thánh”, là “Phật sống” sao họ không tuyên giảng giáo pháp mà họ đã giác ngộ để truyền bá theo nền giáo pháp mới đi, đâu cần tập học, vay mượn giáo pháp của Đức Phật Thích Ca để tập học và truyền bá làm gì nữa. Thật nực cười khi ngày nay có những kẻ tự xưng mình là “Vô Thượng Sư”, “Minh Sư”, “Toàn Giác Kim Cương Phật”. Rồi trong Phật giáo lại có kẻ tự xưng mình đã chứng quả A-la-hán vẫn bài xích Phật giáo Đại thừa. Nhưng nực cười hơn là hiệu ứng đám đông lại tung hô những “hiện tượng” ấy là Phật, là Thánh. Nên nhớ Ðức Phật là người đả phá thành lũy đặc quyền, hệ thống giai cấp, chủ nghĩa nghi thức, cuồng tín tôn giáo, mê tín và si mê.

Tốt nhất nếu là người có tín ngưỡng và muốn tỉnh tín chứ không mê tín, người thật sự có tư duy phản biện thì nên lấy chánh pháp để nhìn nhận vấn đề. Dựa vào chánh pháp và tạng luật để có cái nhìn chánh kiến, từ cái chánh kiến ấy thì chúng ta sẽ không “phong Phật, phong Thánh” cho ai cả. Hãy lấy thái độ trung dung, xem và suy ngẫm cho riêng bản thân của mình là rất cần thiết khi chúng ta đang sống trong dòng chảy những biến động của thời đại truyền thông. Vốn dĩ không có chân lý nào là tuyệt đối mãi mãi, quy luật của vũ trụ vẫn mãi vận hành dù có hay không có một cá nhân nào.

Và vốn dĩ khi chưa đắc Thánh qua A-la-hán thì không có ai là hoàn hảo, vẫn hoàn toàn có thể phạm sai lầm vì bất kỳ lý do gì, vô tình hay hữu ý. Nếu chúng ta hoàn toàn đem niềm tin của mình giao phó cho bất kỳ ai tức là chúng ta tự tước đoạt đi của mình sự độc lập và khiến mình dễ bị tổn thương khi niềm tin vào một cá nhân nào đó tan vỡ. Chúng ta khi không có đủ hiểu biết về một sự việc hiện tượng thì nên giữ quan điểm trung dung, vì bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, có thể là một cử chỉ quá thân mật, một nghi thức tôn giáo hay đơn giản là một hành xử vô tình bị ghi lại để cõi mạng dùng đó dẫn dắt chúng ta đi. Thiết nghĩ trong thế giới mạng ngày nay, chúng ta nên tìm hiểu mọi vấn đề bằng nhiều khía cạnh khác nhau để có được góc nhìn đa chiều và hiểu đúng hơn về bản chất của vấn đề.

Vì lợi ích cho dân tộc, cho đạo pháp mà đấu tranh có được gọi là tu hành mà sân si?

Tôi chấp nhận tôi vẫn tham sân si vì tôi vẫn là người đang học tu, tôi không phải là “Phật sống”, “Thánh sống” được mọi người xung quanh tung hô mình. Tuy nhiên người tu hành là phải kham nhẫn và hy sinh, người tu theo Đại thừa Phật giáo lấy hạnh từ bi làm đầu trong Lục độ Ba-la-mật. Tôi vẫn tham sân si vì đường tu của tôi còn dở, còn kém, đôi khi tôi cũng tự hỏi lòng mình sao mình tu hoài nhưng sao mình vẫn không đắc quả Thánh dù chỉ là quả Dự Lưu? Và tôi hiểu ra rằng nếu ai cạo đầu, mặc áo Cà-sa cũng là Phật, là Thánh thì thế gian này đâu phải đảo điên vọng tưởng, Phật pháp dễ đắc thì làm gì có chuyện “Phật pháp khó nghe”. Ai tu hành cũng thành Phật, thành Thánh cả thì xã hội này không cần phải khuyến khích con người làm thiện, đâu cần có pháp luật trong nền pháp trị của thế gian làm gì, tất cả là thánh thiện hết.

Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một cư sĩ từng học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy, Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo. Năm 21 tuổi lên ngôi trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Trước thảm họa ngoại xâm, quân Nguyên – Mông, Ngài chủ trì Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến toàn dân, các vị Bô lão, người đứng đầu các Bộ lạc để rồi Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất. Với tinh thần vệ quốc vĩ đại, với sự quyết tâm chiến thắng của toàn quân, toàn dân, Ngài đã chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ hai. Khi ở ngôi Thái Thượng Hoàng, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và làm cho nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt. Sau khi làm tròn trách nhiệm cứu nguy dân tộc, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Sau Ngài lên núi Yên Tử – Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Là một người từng là cư sĩ học Phật, nhưng vì lợi ích cho dân tộc mà dẹp yên bờ cõi, rồi xuất gia tu hành như vậy có được gọi là sân si không?

27 nhà Sư Chùa Cổ Lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” đánh đuổi giặc ngoại xâm vì xót thương đồng bào, đó là tinh thần hành Bồ-tát đạo, vậy chúng ta có cho rằng họ sân si không? Hòa thượng Thích Quảng Đức cùng chư Tăng Ni Phật tử đã tự thiêu chống lại chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm, bảo vệ đạo pháp có được coi họ là sân si không? Tất cả họ là những người xuất gia tu hành, những người Phật tử quy y Tam bảo cả sao họ phải sân si? Chúng ta nên hiểu trong tinh thần Bồ-tát đạo thì người tu hạnh Bồ-tát họ chấp nhận mình sai, mình có thể có lỗi nhưng cái sai ấy đem lại lợi ích cho số đông, đem lại hạnh phúc cho số đông là điều họ cần và nên làm. Vì đó là hạnh nguyện của Bồ-tát là ban vui cứu khổ, chận nhận mình nhận lấy phần khổ đau để chúng sinh được an vui hạnh phúc.

Phản biện làm rõ vấn đề phi truyền thống gây ngộ nhận về đạo pháp, bảo vệ đạo pháp trước sự công kích của người ngoại đạo có được gọi là sân si?

Tuy tôi là người đang học tu, vẫn còn tham sân si, tôi không phải là “Phật sống”, “Thánh sống” được mọi người tung hô. Nhưng tôi luôn ý thức với bản thân mình rằng: Với vai trò là một người công dân, được hưởng quyền lợi của công dân đang sống trong nền hòa bình độc lập thì tôi phải có trách nhiệm góp một phần vào sự ổn định trật tự xã hội, không tiếp tay cho bất cứ kẻ nào có âm mưu diễn biến hòa bình trên quê hương đất nước tôi; Trên cương vị là người tu hành thì tôi lại càng ý thức hơn và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ đạo pháp đã cho tôi con đường tu tập. Tôi có trách nhiệm phản biện để làm rõ vấn đề cốt lõi của đạo Phật, để người Phật tử hiểu đúng về đạo Phật tránh mắc vào chủ nghĩa mê tín, cuồng tín. Noi tấm gương cao cả của tiền nhân là Bồ-tát Thích Quảng Đức với tinh thần Bi – Trí – Dũng để bảo vệ đạo pháp, trước sự tấn công vào Phật giáo của thế lực thù địch và sự đào bới sâu vào nội bộ Phật giáo của người ngoại đạo.

Tư tưởng “Hòa quang đồng trần” tức là tinh thần nhập thế của đạo Phật, lấy ánh sáng của đức Phật để thắp sáng trần gian, “sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm” và biết cách biến sứ mệnh đạo Phật thành lý tưởng phụng sự cho đời, giải thoát khổ đau cho cá nhân và xã hội. Tư tưởng ấy đã có từ thời Đức vua Trần Nhân Tông và đã thành công rực rỡ, mở ra trang sử huy hoàng cho dân tộc. Tiếp nối truyền thống ấy xuyên suốt chiều dài lịch sử cho đến tận ngày nay chư tiền Tổ, chư Hòa thượng Tăng Ni vẫn giữ nguyên vẹn tinh thần “Hộ quốc – an dân”, tiếp nối là phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi bảo vệ đạo pháp, chúng tôi yêu và trân quý nền độc lập, hòa bình của dân tộc và cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước Việt Nam tiến lên con đường Chủ nghĩa xã hội có gì là sai?

Tại sao cứ hễ chúng tôi lên tiếng để bảo vệ đạo Phật trước sự  công kích của thế lực đen tối, chúng tôi dùng tư duy phản biện giúp xã hội có cái nhìn đúng đắn về “hiện tượng mạng”, bảo vệ giá trị truyền thống cốt lõi của đạo Phật. Làm như vậy có gì sai mà cứ quy kết cho chúng tôi rằng “Sư quốc doanh, Thầy chùa quốc doanh tu hành mà sân si”. Vâng! Chúng tôi là Thầy chùa quốc doanh đấy! Vì chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi phải ý thức về trách nhiệm đối với tổ quốc, với đất nước là lẽ đương nhiên. Sao không tự hỏi mình rằng nếu âm mưu diễn biến hòa bình thành công chúng ta có ngồi yên để “yêu quý” một ai đó mà chúng ta coi là “Phật, Thánh” không? Chúng ta có được cái quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo tin hay không, hay là bị buộc phải cải đạo theo tôn giáo mình không mong muốn? Người tu sĩ có được bình yên mà tu tập chuyển hóa thân tâm mình hay không?

Nên nhớ, dân tộc này đã đánh đổi biết bao nhiêu xương máu của cha ông xuyên suốt hàng ngàn năm qua để đổi lại cho chúng ta hôm nay được sống trong nền hòa bình, độc lập, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ này. Đừng để những thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình mà dẫn chúng ta đi theo chủ nghĩa dân túy rồi một ngày họ sẵn sàng bỏ rơi chúng ta không thương tiếc. Nên nhớ, đạo Phật được duy trì 26 thể kỷ trên thế giới và hơn 20 thế kỷ tại dân tộc Việt Nam này đã phải đánh đổi biết bao công sức, trí tuệ chư Tổ sư, chư Hòa thượng Tăng Ni. Quý Ngài đã vì sự truyền thừa mạng mạch chánh pháp, tiếp dẫn hậu côn, vì chống đỡ với thế lực ngoại đạo mà hy sinh biết bao để ngày nay chúng ta được tu, được học trong chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và trách nhiệm chúng ta noi gương chư tiền Tổ để bảo vệ đạo pháp, bảo vệ dân tộc trong nền hòa bình thịnh trị này.

Tóm lại, tôi là người đang tập học tu, tôi chưa phải là người đắc quả vị Thánh nên còn sân si là chuyện thường tình, nhưng tôi luôn ý thức về bổn phận và trách nhiệm của mình là công dân Việt Nam, là người tu theo đạo Phật thì đồng nghĩa là tôi luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích đạo Pháp  lên hàng đầu. Lợi ích dân tộc tôi là tinh thần hào khí, bất khuất, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc. Lợi ích quốc gia là không để thế lực thù địch gây chia rẽ trong cộng đồng Phật tử chúng tôi và nhân dân, dùng “bài ca nhân quyền, tôn giáo” để làm phương hại đến kinh tế quốc gia, làm suy giảm nguồn thu nhập và phát triển kinh tế của đồng bào chúng tôi. Lợi ích của đạo pháp chính là duy trì mạng mạch chánh pháp, bảo tồn và phát huy giá trị của đạo Phật, giữ vững tinh thần cao đẹp của Phật giáo Việt Nam. Lợi ích của đạo pháp chính là tất cả Phật tử hay người hướng Phật đều có tính thiện lương nhưng phải có cái nhìn đúng đắn trong mọi sự việc, trong mưu cầu sự sống bằng con đường chánh nghiệp, mang lợi ích cho tự thân, xây dựng hạnh phúc thực thụ trong gia đình, góp phần vào xã hội ổn định trật tự và xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp trong tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo.

Nếu được như trên thì thiết nghĩ “sự sân si của tôi” cũng vô cùng xứng đáng./.

Thích An Quang

 

 

Bài viết liên quan

Phản hồi