Từ đạo hiếu đến nghĩa tình dân tộc: Tri ân những người con Hiếu trung – Hiếu nghĩa

PGĐS – Nhưng như một vị đại biểu đã nói: “Tri ân không dừng lại ở một buổi lễ, mà cần trở thành một lối sống”. Đó là lối sống của những người con biết ơn, sống xứng đáng và biết gieo mầm thiện lành cho tương lai.
Không chỉ là buổi họp báo, chương trình tọa đàm, cảm xúc nghẹn ngào từ những chứng nhân lịch sử, khi nhắc đến người chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh, quên thân mình giành giật sự sống cho từng đồng đội thực sự lay động lòng người.
Quang cảnh sâu lắng, tràn đầy cảm động khi Trưởng Ban tổ chức Lê Xuân Trọng được gặp lại, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới bà Nguyễn Thị Dung, vợ liệt sỹ, người đã cứu “thủ trưởng Trọng” và hy sinh ngày 27/05/1984 tại chiến trường năm ấy (*)…
Khởi đầu từ một lời tri ân
Chiều ngày 16/07/2025, tại hội trường Nhà khách T500 – Quân đoàn 3 (Pleyku, Gia Lai), buổi họp báo chương trình “Lễ Tri Ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước Việt Nam – Lào – Campuchia” đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động.
Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện tưởng niệm, phụng sự và gắn kết tâm linh giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, sẽ diễn ra ngày 22/07 tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Không đơn thuần là buổi họp báo thông tin, sự kiện còn mang ý nghĩa khơi nguồn đạo lý, nhấn mạnh ba phẩm chất nền tảng được chọn làm chủ đề năm nay: Hiếu trung – Hiếu nghĩa – Hiếu sinh. Những giá trị này không chỉ ghi dấu trong lịch sử đấu tranh giữ nước, mà còn hiện hữu trong đời sống hiện đại, qua từng hành động tri ân, từng cử chỉ sống tử tế và từng lời nguyện cầu hồi hướng đến tiền nhân.
Tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức đã lần lượt phát biểu, nêu rõ mục đích và nội dung chương trình năm nay.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quốc tế, nhân văn và tâm linh sâu sắc, thể hiện sự biết ơn không biên giới với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự độc lập và hòa bình chung của ba dân tộc.
Chương trình không chỉ là dịp để tưởng niệm, mà còn là cơ hội giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhất là cho thế hệ trẻ, những người đang sống trong thời bình, nhưng không được quên cái giá của hòa bình.
“Hiếu trung – là sự tận tụy với đất nước, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.
Hiếu nghĩa – là lòng thủy chung, nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân.
Hiếu sinh – là tinh thần tôn trọng sự sống, biết quý trọng từng khoảnh khắc hiện tại để sống có ích, sống thiện lành”.
Từ góc nhìn Phật giáo, ba phẩm chất ấy đều khởi nguồn từ tâm tri ân và báo ân, nền tảng đạo hiếu trong đạo Phật. Hiếu trung là sự nối dài tinh thần Bồ Tát: “Vị tha, xả thân, không cầu danh lợi”. Hiếu nghĩa là lòng từ bi được thể hiện bằng hành động cụ thể giữa con người với nhau. Còn Hiếu sinh, chính là hiện thân của giới không sát, biết nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ môi trường, chăm sóc tha nhân, gieo phúc lành trong từng việc nhỏ.
Đặc biệt trong thời đại hôm nay, đạo hiếu không chỉ dừng lại ở thờ phụng tổ tiên, mà còn cần được hiểu là sống có trách nhiệm với những người còn sống, cha mẹ, người thân, đồng bào, cộng đồng và cả những thế hệ mai sau.
Hơi ấm từ những người đã khuất – Hành động của người đang sống
Tại họp báo, một số đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện cá nhân đầy xúc động: từ hành trình tìm mộ người thân, đến những kỷ vật còn sót lại của người lính nơi biên giới. Mỗi câu chuyện đều là một nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người nằm xuống và người còn sống. Những ký ức không chỉ để nhớ, mà để tiếp nối.
Ông Huỳnh Văn Tuyển (65 tuổi, xã ia Hrung, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Mỗi năm đến ngày 27/07, lòng tôi lại bồi hồi. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những đồng đội ngã xuống vẫn chưa bao giờ phai mờ. Họ ra đi khi tuổi còn rất trẻ, mang theo bao ước mơ còn dang dở. Chương trình Tri ân các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là chương trình vô cùng ý nghĩa”.
Ông Nguyễn Minh Hiệp (69 tuổi, phường Diên Hồng, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Hôm nay được gặp lại đồng đội và ôn lại những kỷ niệm hào hùng, chúng tôi rất vui và xúc động. Là những người lính may mắn sống sót sau những cuộc chiến ác liệt năm xưa, chúng tôi vẫn luôn tự hào về những người anh em, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả, bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi sẽ luôn sống có trách nhiệm đối với người thân của đồng đội cũng như với những người lính đã ngã xuống”.
Trong khuôn khổ chương trình Họp báo, là khách mời tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Dung, vợ của anh hùng Liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ – hy sinh tại chiến trường Campuchia, tỉnh Breah Viheah, xúc động chia sẻ: “Tôi rất vui và xúc động khi được gặp lại đồng đội của chồng tôi trong chương trình họp báo Tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Đặc biệt, người đồng đội chính là thủ trưởng Lê Xuân Trọng, Trung đoàn phó E29/F307, chiến trường năm ấy được chồng tôi cùng các chiến sỹ cứu nạn khi bị gạch, đất vùi lấp sau pha bắn phá của giặc Pôn Pốt. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cảm xúc trong tôi vẫn còn đó, tôi cũng như gia đình luôn tự hào bởi sự hy sinh anh dũng và cao cả của chồng tôi cũng như các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”.
Được lắng nghe những câu chuyện xúc động tại buổi họp báo, chị Trịnh Thị Mai, Giám đốc phát triển thị trường, Tập đoàn Word of life, đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình “Lễ Tri Ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước Việt Nam – Lào – Campuchia” chia sẻ: “Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình nhưng tôi luôn thấm thía rằng sự bình yên mình đang có được đánh đổi bằng máu xương của bao người đi trước. Là thế hệ sống trong hòa bình, tôi hiểu mình có trách nhiệm không chỉ ghi nhớ công ơn mà còn sống xứng đáng với sự hy sinh đó. Tôi biết rằng mỗi việc làm tử tế, mỗi cống hiến nhỏ bé cho xã hội hôm nay, chính là cách tôi tri ân những người đã ngã xuống, góp phần tiếp sức, phát triển thế hệ mai sau”.
Các hoạt động sắp tới trong khuôn khổ chương trình sẽ bao gồm: lễ tưởng niệm, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, chương trình văn hóa nghệ thuật Kỷ niệm ngày 27/07, lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo và chương trình trao tặng quà, chia sẻ yêu thương tới thân nhân, gia đình các anh hùng liệt sỹ.
Kết nối – Tiếp nối – Lan tỏa
Buổi họp báo kết thúc trong không khí lắng đọng. Nhưng như một vị đại biểu đã nói: “Tri ân không dừng lại ở một buổi lễ, mà cần trở thành một lối sống”. Đó là lối sống của những người con biết ơn, sống xứng đáng và biết gieo mầm thiện lành cho tương lai.
Giữa cuộc sống hiện đại đầy biến động, đạo hiếu vẫn là gốc rễ nuôi dưỡng phẩm giá con người. Và trong hành trình “tri ân các Anh hùng Liệt sĩ”, mỗi bước chân, mỗi hành động, mỗi lời nguyện, đều là một nén tâm hương dâng lên những người đã nằm xuống.
Tác giả: Chánh Thường
Phản hồi