Triết lý “Vô thường” trong thơ của Thiền sư Vạn Hạnh

Sư Vạn Hạnh là một tu sĩ Phật giáo Đại thừa, theo pháp môn Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Ông sống trong giai đoạn đầy biến động trên con đường vận hành của lịch sử nước nhà từ 938 đến 1018 tại châu Cổ Pháp, nay là thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh. “Thiền sư họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp. Gia đình đã mấy đời thờ Phật. Thuở nhỏ thông minh khác thường, tinh thông tam giáo, đọc kỹ trăm nhà, nhưng coi khinh công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia cùng Định Huệ theo học đạo với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ. Những khi công việc rỗi rãi, sư chăm chỉ học hỏi không biết mệt. Sau khi Thiền Ông tịch diệt, sư bèn chuyên tâm tu tập kinh Tổng trì tam ma địa lấy đó làm sự nghiệp”[1]. Ông là một trong những Phật tử làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn.

Với trí tuệ, đức độ cùng với khả năng nhìn nhận thời thế của Thiền sư, Vạn Hạnh được vua mời vào triều tham vấn việc chính trị trong sự kiện kháng Tống phạt Chiêm. Năm 7 tuổi, như thiên mệnh định sẵn Lý Công Uẩn có cơ duyên gặp và theo học sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ. Dưới sự giáo dục của Thiền sư, khi trưởng thành Lý Công Uẩn là người văn võ song toàn, lại sẵn có bản tính nhân từ , khoan thứ, tinh mật, ôn nhã, được vua tin dùng, quan lộ công danh rộng mở. Dưới thời của vua Lê Ngọa Triều, Lý Công Uẩn “Làm Từ sương quân phó chỉ huy sứ, thăng lên đến Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” [2]. Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, sư Vạn Hạnh lấy mục đích duy trì sự tại vị lâu dài cho nhà Lý cũng như bảo vệ nền độc lập lâu dài cho dân tộc để thuyết phục vua dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau đổi là Thăng Long).

Sinh ra và lớn lên trong thời kì đất nước khủng hoảng về nền quân chủ phong kiến. Ngô Quyền lên ngôi vương chưa bao lâu, đất nước lại chịu cảnh lầm than của sự cát cứ 12 sứ quân. Bao nhiêu nổ lực, vua Đinh Tiên Hoàng thống nhất giang sơn, nhưng chỉ vỏn vẹn 11 năm tại vị lại bị gian thần ám sát. Lê Hoàn kế nghiệp, thanh trừng nội bộ, dọn sạch phản tặc. Tưởng rằng quốc thái dân an, chúng sinh vui sướng! Nào đâu giặc Tống phương Bắc lăm le dòm ngó giang sơn Đại Cồ Việt ta, âm mưu biến nước ta thành quận lẻ như trước. Nhờ ơn đức Hoàng đế Lê Đại Hành, sáng suốt mưu trí, binh thao võ lược, một lần nữa thành công bảo vệ biên cương lãnh thổ chủ quyền dân tộc. Ấy thế mà, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhà Tiền Lê nối vị không bao lâu lại bị hôn quân bạo chúa Lê Ngọa Triều làm cho hủ bại đổ nát. Chứng kiến những biến cố biến chuyển không ngừng ấy, Thiền sư Vạn Hạnh ít nhiều thấu tỏ nỗi cơ cực bi thương của nhân dân trước cảnh gian hùng như cắt, xã tắc lâm nguy, bách tính khổ như treo ngược đầu. Thế nhưng, trong nhãn quan của thiền sư, vạn vật đều là tương trợ nhau, không ngừng ảnh hưởng và biến hóa thực hư vinh nhục. Trong biến loạn sẽ xuất hiện anh tài thời đại, như trụ cột chống trời, định lại thiên hạ. Cũng như, trong bình yên buông thả lâu dài lại có mầm của họa đang bén rễ. Thế nên, đối với thiền sư, vạn vật không bao giờ tĩnh tại mãi mà luôn không ngừng thay vỏ lột xác hay như chúng ta nói: Trong phúc có họa, trong họa có phúc, giống như câu chuyện Tái ông thất ngựa vẫn hay truyền miệng trong nhân gian. Tĩnh tại có chăng ở chính tại lòng người.

Trước cảnh sắc ảo mộng của đời như thế, thiền sư Vạn Hạnh khuyên chúng sinh hãy quay về nội tại của mình để thấy mọi thứ tựa như giấc mộng kê vàng. Triết lý “Vô Thường” được xây dựng xuất phát từ tư tưởng “Vô Ngã” mà thành. Thiền sư Vạn Hạnh khi thiền sư khuyên các đệ tử cũng như chúng sanh đừng chấp niệm vào bất kì một ngã nào, một ý dục nào, hữu duyên hay vô duyên đều tất phải có, không thể cưỡng cầu. Theo Bách Luận dịch: “Ngã căn cứ vào Phật pháp, có nghĩa là luôn có một chủ tể, thường còn không thay đổi, tự chủ hoàn toàn, thì mới có thể gọi là ngã.”. Cho nên, Vô Ngã được hiểu là không tồn tại một bản thể độc lập và vĩnh cửu. Vạn vật luôn luôn có sự biến thiên và thay đổi không ngừng. Từ đó khuyên con người không nên cố chấp về thân xác hữu hạn, đề cao, chấp chước và dính chặt vào sinh mạng, rồi cho là thật ngã, luôn có một chủ thể. Để từ đó lo sợ trước quy luật “thành-trụ-hoại-diệt”. Đau khổ từ cố chấp mà ra, uất hận từ bất như cầu mà thành, thân người hữu hạn, đức hạnh muôn đời. Thế nên, sư Vạn Hạnh đã sớm không còn nặng suy tư về Chấp ngã mà ở ngài chỉ toát lên khí chất ung dung tự tại trong câu của bài kệ Thị đệ tử (Ngô Tất Tố dịch):

“Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông.”[3]

Thiền sư gọi cái “thân” người hữu hạn này “như bóng chớp”, giống một cái gì đó lóe lên rồi chợt tắt nhong chóng vậy. Để thấy rằng vạn vật không có gì là mất đi và sinh ra, tất cả chỉ xoay vòng lặp lại. Và ở thân xác cũng thế, khi thân xác ấy không còn nữa thì không mất hẳn đi mà chỉ đang chuyển sang một trạng thái khác mà thôi. Nên con người khi đã hiểu được chân lý vi diệu ấy thì không cần băn khoăn, buồn đau cho sự ra đi của kiếp người mà ngược lại còn thở phào nhẹ nhõm bởi bản thể này chính là vĩnh hằng và bất diệt. Nói về thân xác là hữu hạn bao nhiêu, từng có câu chuyện rằng: “Một lần đức Phật hỏi chung đệ tử : “Đời người sống được bao lâu?” Nhiều người trả lời nhưng chỉ có câu trả lời: Đời người chỉ dài bằng hơi thở, thở ra mà không hít vào là hết một đời, là được Phật xác nhận. Sức tàn phá của lưỡi búa thời gian là ghê gớm nhất mà không ai ngăn nổi. Bên cạnh đó, dưới con mắt của người “ngộ đạo”, thì thời gian không còn được nhìn ở nhị nguyên, phân biệt. Nó được nhìn dưới cái nhìn “vạn pháp bình đẳng” không có quá khứ, hiện tại, hay vị lai, không có dài ngắn, lâu mau. Một sát na hay mãi mãi không có gì khác nhau.” [4]

Trước giây phút hiện tại về cái hữu cái vô, cái còn cái mất, cái được cái không, thiền sư Vạn Hạnh khuyên chúng ta nên nắm bắt cái thực tại, cái cốt lõi, nhìn vào bản chất sâu thẳm đừng để hữu hình đánh lừa. Hiểu được điều đó còn quý hơn học ngàn đạo pháp, tu ngàn thập niên, thế nên mới có câu: Nhậm vận thịnh suy vô bố uý (Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi). Con người khi đã đạt đến khả năng tự “nhậm vận” tức đã đang bước đi vững chắc hơn trên con đường giác ngộ, đã đạt tới vô cầu vô kỷ, điềm nhiên tự tại, sẵn sàng đón nhận những thăng trầm thịnh suy của cuộc đời, xem kiếp người gian truân kia nhẹ như lông hồng.

 Đến câu kết “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông”, thiền sư Vạn Hạnh đã trấn an chúng ta về bản chất thịnh suy cũng chỉ giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, tan đi dưới ánh ban mai, tan đi trước sự băng hoại của thời gian. Hôm nay là chuyện lớn, nhưng ngày mai lại là chuyện nhỏ, thời khắc biến động hiện tại lại chỉ còn là quá khứ đã qua của tương lai. Nói khác đi, Thiền sư khuyên răn con người nên dùng cái tĩnh mà đón nhận, đối đãi cái động, dùng cái tĩnh để thưởng thức cái động và chuyển hóa chất động ấy thành cái tĩnh cho thân. Chân lý bài thơ chính là tinh thần “vô úy” đầy lạc quan mà các môn đồ Thiền tông hướng tới. Bởi thời gian trong Phật giáo là tuần hoàn xoay chuyển không ngừng, vô thủy vô chung, vô nguyên, vô tận. Thế nhưng chúng sinh vì ham danh lợi, mê muội tham ái sắc dục, không hiểu nhân quả nghiệp duyên, coi nhẹ giáo pháp, phúng túng tự tại, động loạn chân tâm của mình nên gây tạo tội nghiệp phải trôi dạt dày vò mãi trong vòng xoáy “sanh, lão, bệnh, tử”. Quan điểm triết học này ảnh hưởng lớn đến cách thể hiện thời gian nghệ thuật trong thơ thiền. Và Thiền sư Vạn Hạnh là hiện thân thực chứng cho triết lý tối cao đấy.

Trong thời đại Lý-Trần, không ít những tăng ni đắc đạo khuyên chúng sanh không nên cố bám vào cái quy luật để tách khỏi nó. Trong đó Ni sư Diệu Nhân, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ tự nhiên, quyluật vận hành vạn vật. Nếu vì sợ mà gạt bỏ và chống lại điều đó thì chẳng khác nào là tự trói thêm dây rợ vào người, giống như lời dạy của ni sư Diệu Nhân :

“Sinh, lão, bệnh, tử.

Tự cổ thường nhiên

Dục cầu xuất ly

Giải phược thiêm triền”[5]

Vạn vật sinh ra, lớn lên theo dòng thời gian tuyến tính , rồi già, bệnh và cuối cùng là về với tro tàn nắm bụi. Nhưng trong cái tuyến tính nhỏ bé ấy lại hợp nhất thành một vòng xoay vĩnh hằng, bất diệt. Tất thảy mọi điều đều tuân thủ theo đó mà vận hành. Há chi đời người, cố chấp chỉ thêm khổ não phiền tâm.

Cuộc đời vốn gian truân, bi thương và khổ ải. Nhưng tự tại lại ở chính lòng mình. Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ là người nắn lại lịch sử dân tộc qua những lần tiến cử hiền tài, đề xuất chính sách an dân trị quốc mà để lại cho hậu thế, cho quốc đạo những nền tảng vững chắc. Triết lý “Vô thường” của thiền sư đích thực là “kim chỉ nam” tu thân môn đời, là chánh pháp tu tâm nhiệm mầu.

[1] Dịch giả: Ngô Đức Thọ, Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Hà Nội – 1990, tr142.

[2] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư- bản in năm 1993–Tập I, trang 240.

[3] Dịch giả Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Văn Học Hà Nội, tr 144.

[4]  Trần Hoàng Hùng (2005), Luận Văn Thạc Sĩ Ngữ Văn: Con Người Trong Thơ Thiền Lý – Trần Dưới Góc Nhìn Thi Pháp Học Hiện Đại, Trường Đại Học Sư Phạm TP. HỒ CHÍ MINH, tr 99.

[5] Đoàn Thị Thu Vân(1998), Thơ thiền Lý-Trần, Nxb Văn Nghệ TP.HCM.

(Nguyên Nam)

Bài viết liên quan

Phản hồi