Trang nghiêm lễ cầu an đầu năm tại chùa Giác Ngộ ( Tp – HCM )

Với truyền thống “Phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, nhân dịp Xuân Quý Mão – 2023, tối ngày 29/01/2023, chùa Giác Ngộ (TP.HCM) đã tổ chức lễ cầu an đầu năm kỳ nguyện quốc thới dân an, phong điều vũ thuận.

Quang lâm chứng minh và tham gia lễ cầu an có TT. Thích Nhật Từ, Uỷ viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ; TT. Thích Nhật Thiện, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Quận 10, Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ; TT. Thích Nhật Bình, Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN Quận 10, Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ cùng chư tôn thiền đức trong Tăng đoàn.

Mở đầu chương trình lễ cầu an, đại chúng được thưởng lãm các giai điệu tươi vui chào mùa xuân mới, những nhạc khúc này chính là những món ăn tinh thần do Thượng toạ Trụ trì chùa Giác Ngộ sáng tác.

Sau phần đạo ca cúng dường, đại chúng đã được Thượng toạ Trụ trì khai thị qua pháp thoại “Vì sao không nên cúng sao giải hạn?”. Lời khai thị của Thượng toạ đã làm sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của buổi lễ cầu an đầu năm quan trọng này. Theo đó, Thượng toạ chủ lễ đã nêu lên các nội dung lớn như:

Thứ nhất, trả lời cho câu hỏi vì sao không nên cúng sao? Thượng toạ giảng sư liệt kê ra các loại sao chiếu mệnh theo quan niệm của chiêm tinh học đông phương cùng với cách vận hành của những ngôi sao này. Nhắc lại lời Kinh Di giáo của Đức Phật, TT. Thích Nhật Từ khẳng định việc cúng sao chỉ gây ra khủng hoảng, bất an về tâm lý mà không giải quyết được bất cứ vấn đề nào xảy ra trong đời sống và việc chiếu mệnh của các ngôi sao theo quan niệm của chiêm tinh học chỉ mang tính chất tương đối. Cũng theo Thượng toạ, vận mệnh may rủi của từng người không nên lý giải bằng cách hiểu do bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào, mà đó chính là biểu hiện của luật nhân quả, tùy theo phước báu của mỗi người khác nhau mà có sự sai biệt về kết quả của đời sống hiện tại. Thượng toạ Trụ trì cũng xác tính theo quan niệm của Phật giáo, không có ngày xấu, giờ xấu, con số xấu. Mọi con số đều có ý nghĩa riêng của nó cho nên đừng cố chấp tin rằng do ngày, giờ xấu mà công việc và đời sống bị ảnh hưởng. Đó là những quan niệm sai lầm.

Thứ hai, ý nghĩa cầu an trong Kinh Dược sư. Nhắc lại lời nguyện thứ 6 và thứ 7 của Đức Phật Dược sư trong bản Kinh cùng tên, Thượng toạ giảng sư cho biết cầu an không có mục đích nào khác là hướng tâm chí thành của chúng sinh đến Đức Dược sư Phật, qua đó có tác động nhắc nhở, cảnh tỉnh, tạo ra sự thay đổi trong hành động ở đời sống hiện tại. Thông qua việc gieo các thiện nghiệp ở đời này sẽ đưa đến kết quả là gặt hái các “trái ngọt” trong đời sau.

Thứ ba, lợi ích hoá giải oan trái. Hiểu biết và trí tuệ chính là hai phương pháp hiệu quả nhất hoá giải oan trái theo lời Kinh Dược sư. Thông qua cách hoá giải này, những lợi ích thiết thực sẽ được mở ra, củng cố an lạc và yên vui cho những ai biết thực tập lời dạy của Đức Phật.

Tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của Tăng đoàn, đại chúng đã trì tụng thời Kinh Dược sư. Lời Kinh nhiệm mầu này chính là phương thuốc nhắc nhở hàng Phật tử tại gia thay đổi các hành vi tạo tác nghiệp xấu ác, gieo nhiều thiện duyên để thiết lập đời sống an lành trong hiện thời.

Những hình ảnh đẹp trong buổi lễ Cầu An

 

 

Trang Vân – Team Media PGĐS

Bài viết liên quan

Phản hồi