Trách vụ của Tăng, Ni đối với cư sĩ
Tăng, Ni có nhiệm vụ giáo hóa quần chúng phần lý thuyết. Lý thuyết chỉ là khả năng hướng dẫn lý trí khiến người ta cảm mến Phật giáo nhưng thực tế sống động phải là hình dáng cư sĩ thường sinh hoạt bên cạnh họ.
Nói thế, hình như tôi tước quyền truyền bá Phật giáo của Tăng, Ni, đặt hết gánh nặng lên vai cư sĩ. Sự thật không phải thế, Tăng, Ni, có nhiệm vụ giáo hóa quần chúng phần lý thuyết. Lý thuyết chỉ là khả năng hướng dẫn lý trí khiến người ta cảm mến Phật giáo nhưng thực tế sống động phải là hình dáng cư sĩ thường sinh hoạt bên cạnh họ. Hoàn cảnh, nếp sống Tăng, Ni, là hình ảnh cao đẹp nhưng rất xa xôi chỉ để làm mục tiêu siêu thoát cho hàng Phật tử hướng về.
Quần chúng bao giờ cũng tránh khổ tìm vui, Phật giáo lúc nào cũng ban vui cứu khổ nên rất thích hợp nhu cầu cùng khổ. Vui có 3 thứ: vui hiện tại, vui vị lai, vui giải thoát. Cứu giúp người khỏi cái khổ đói, rách v..v… là ban vui hiện tại. Khuyên người bỏ ác tu thiện làm những điều phước đức để đời sau hưởng quả báo an lạc là ban vui vị lai. Chỉ dạy người tu hành đạt được chân lý Tứ đế, Thập nhị Nhân duyên v..v… siêu thoát vòng trầm luân, sanh tử là ban vui giải thoát.
Vui hiện tại, vui vị lai, hàng Phật tử có thể ban bố được. Vui giải thoát chỉ dành riêng giới xuất gia hướng dẫn. Mục đích chính của Phật giáo là cứu người khỏi cái khổ trầm luân, ban cái vui giải thoát. Ban cái vui hiện tại, vui vị lai chỉ là bước đầu hướng người vào cửa đạo. Chư Bồ Tát ra tế độ chúng sanh trước cái vui hiện tại sau mới đưa đến cái vui giải thoát. Hai phái Phật tử Xuất gia và Tại gia chung sức tiếp độ chúng sanh, kẻ ban vui hiện tại, người hướng dẫn đến vui giải thoát, có thế mới đạt được mục đích chung cục của Phật giáo và mới phổ biến khắp cả chúng sanh.
Tăng, Ni, bao giờ cũng giữ hình ảnh giải thoát. Hình ảnh giải thoát không có nghĩa là cái đầu hay chiếc áo mà phải là chất vị thắm nhuần trong con người của Tăng, Ni. Những lời nói những cử chỉ của Tăng, Ni đều biểu lộ ảnh hình giải thoát. Những lúc sống lăn lộn với trần tục đã mệt mỏi trở về chưa nhìn thấy hình ảnh giải thoát, cảm nhận đức tính Từ Bi, hòa nhã, nghe những lý thuyết cao siêu của Tăng, Ni, người cư sĩ nghe lòng nhẹ nhàng an ổn. Cho nên Tăng, Ni phải giữ nguyên chất vị giải thoát, thể hiện đức hạnh Từ Bi, hòa nhã và thông đạt giáo lý. Ðừng bao giờ Tăng, Ni bước sang lãnh vực cư sĩ, cũng như lãnh vực cư sĩ bước lầm vào lãnh vực Tăng, Ni.
Phản hồi