TPHCM: Tưởng niệm lần thứ 23 Thiền sư Thích Duy Lực Viên tịch.
PGĐS- Sáng ngày 23/12/2-22, tại chùa Phật Đà (362/46 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3, TP.HCM), môn đồ pháp quyến đã tổ chức lễ tưởng niệm 23 năm ngày Hòa thượng Thích Duy Lực viên tịch.
Phật giáo Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, Thiền sư Duy Lực đã thắp sáng lại ngọn đèn thiền, tô đậm nét Tông chỉ Tổ Đạt Ma, khôi phục Tổ sư thiền Việt Nam, trải qua hơn 20 năm chuyên hoằng dương Tổ Sư Thiền (dạy tham thiền thoại đầu) ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
Tham dự buổi lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, cố vấn Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Hòa thượng Thích Minh Hiền, Trưởng Tông phong Tổ Sư thiền, viện chủ chùa Phật Đà, trụ trì thiền viện Linh Sơn (Lâm Đồng); chư tôn đức trong Ban Chứng minh, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, quận 3, Tăng Ni, Phật tử trong tông phong Tổ Sư thiền.
Tại buổi lễ, đại diện Môn đồ pháp quyến, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh thành kính dâng lời tưởng niệm Ân sư. Tiếp đó, Chư tôn đức chứng minh trang nghiêm dâng hương tưởng niệm Hòa thượng sáng lập pháp môn Tổ sư thiền Việt Nam.
Ngài xuất gia tại Từ Ân Thiền Tự, Chợ Lớn, Sài Gòn, thọ giới Tam Đàn Cụ Túc tại Chùa Cực Lạc Malaysia vào Tháng 05 năm 1974. Từ đó Ngài chuyên tham câu thoại đầu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” trải qua nhiều năm, một hôm do đọc quyển Trung Quán Luận đến câu:
“Do có nghĩa Không nên thành tựu tất cả pháp” đốn ngộ ý chỉ “Từ Không Hiển Dụng”.
Lại tỏ ngộ câu: “Không sinh nơi đại giác, như biển nổi hòn bọt, vô số nước hữu lậu, đều từ Không sinh khởi “trong Kinh Lăng Nghiêm, với ý “Lấy Vô Trụ làm gốc” của Ngài Lục Tổ; “Từ gốc Vô Trụ lập tất cả pháp” của Ngài Duy Ma Cật vốn cùng một ý chỉ, Vô Trụ tức Tính Không, thể Chơn Như vốn Không mà tự hiển bày sự dụng; thể và dụng của Chư Phật với chúng sinh vốn chẳng hai chẳng khác, cùng khắp không gian thời gian, nơi thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, dù là phàm phu mà sức dụng của Phật Tánh chẳng kém hơn Phật, cũng chẳng từng gián đoạn, chỉ vì chúng sinh ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết.
Ngài trước tác và dịch thuật gần 30 tác phẩm kinh, luật, luận lưu lại cho hậu thế.
Những lời Khai thị của Ngài ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, môn đồ pháp quyến đã ghi chép thành “Duy Lực Ngữ Lục” ba quyển, Thượng, Trung, Hạ và đã xuất bản phát hành khắp muôn phương.
Ngài thâu thần thị tịch lúc 1 giờ 30 ngày 2-12-Kỷ Mão (2000), trụ thế 77 năm.
Quí Nguyễn
PV- PGĐS tại TPHCM
Phản hồi