TP.HCM: Mãi mãi sắt son tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia

PGĐS – Chặng đường 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia từ đống tro tàn của thảm họa diệt chủng đến tiến lên ổn định và phát triển đã làm tỏa sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng. Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam – Campuchia trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển hôm nay.

Nhằm thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (07/01/1979 – 07/01/2024); Sáng ngày 31/12/2023, tại chùa Phổ Minh ( số 2 Thiên Hộ Dương, quận Gò Vấp, TpHCM) đã diễn ra Đại Lễ cầu siêu cho bộ đội, quân tình nguyện, cán bộ, chuyên gia và nhân dân Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam.

Quang lâm và tham dự Đại Lễ có Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đặc trách Nam Tông Kinh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Về phía hội hữu nghị Campuchia có: Trung tướng Nguyễn Văn Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Văn Triệu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. HCM; ông Chan Sorykan – Tổng lãnh sự vương quốc Campuchia, cùng chư Tôn đức Tăng Tu nữ Phật tử và thành viên hội hữu nghị đồng tham dự.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân các liệt sĩ đã không tiếc xương máu, anh dũng hi sinh vì tình hữu nghị quốc tế cao cả. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã ghi dấu ấn sâu đậm về tình đoàn kết hữu nghị đời đời bền vững của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia.

Trong giây phút thiêng liêng của buổi lễ, Hòa thượng Thiện Tâm đã có phút giây lắng đọng tâm tư và Ngài chia sẻ:“Đại lễ cầu siêu là dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tinh thần quốc tế cao cả. Lễ cầu siêu chính là sợi dây kết nối giữa con cháu với tổ tiên, nguồn cội; nêu cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, mong muốn những người đã khuất an nghỉ bình yên nơi vĩnh hằng. Đồng thời, thông qua lễ cầu siêu là ước nguyện người thân sớm siêu thoát. Bên cạnh đó, cầu siêu còn là nét đẹp văn hóa, sợi dây gắn kết giữa người sống và người đã khuất, góp phần tạo nên một nét đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.” Hòa thượng nhấn mạnh.

 “Hai dân tộc chúng ta có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, không chỉ về chính trị mà về Phật giáo cũng có sự kết nối qua lại thắm tình đạo vị. Sự hy sinh, giúp đỡ lẫn nhau của quân và dân hai nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước luôn được nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam ghi nhớ”.

Phát biểu đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh về mục đích, ý nghĩa Lễ cầu siêu – ông Nguyễn Văn Triệu cho biết: “Đại lễ được tổ chức với mục đích tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao to lớn các anh hùng, liệt sĩ là quân và chuyên gia tình nguyện của Việt Nam đã hy sinh trên đất bạn Campuchia vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và mối quan hệ truyền thống gắn bó Campuchia-Việt Nam. Thông qua các nghi thức Tôn giáo, ngoài việc cầu cho anh linh các liệt sỹ được an nghỉ, yên giấc ngàn thu, đại lễ còn là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia-Việt Nam”Tại buổi lễ, nhiều cựu chiến binh và chuyên gia Việt Nam chia sẻ niềm vui với phía bạn trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Campuchia sau gần 45 năm được giải phóng, kể từ chiến thắng lịch sử 7/1/1979.

Trong năm 2023, Hội đã đỡ đầu nhận con là sinh viên Campuchia đang học tập tại TPHCM; tổ chức 26 chương trình từ thiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Phước, Tiền Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, huyện Củ Chi –TPHCM… và Campuchia. Khám bệnh phát thuốc cho gần 8.000 bệnh nhân nghèo, tặng 3.300 phần quà cho trẻ em mồ côi, cho bệnh nhân nghèo, 1 căn nhà, 1 sổ tiết kiệm, 16 xe lăn.

Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam – Campuchia Thành phố, vận động trao tặng 600 phần quà cho dân nghèo khu vực miền Trung. Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty mì Bình Tây, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh, trao tặng 76 phần quà tặng Bộ đội Biên phòng Thành phố, cho các em học sinh trường trung học cơ sở Vân Đồn, quận 4 có cha mẹ mất vì Covid-19, công tác từ thiện khám bệnh phát thuốc, tặng quà cho 750 người ở Phnôm Pênh, Kampot, Tà Keo, giúp dân nghèo tại Phnôm Pênh, Kần Dan, Pursat, Prey veng, khám bệnh phát thuốc cho 300 dân Khmer nghèo tại tỉnh Sóc Trăng. Hoạt động từ thiện của Hội trong năm 2023 đạt 3,350 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2024 hội sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (07/01/1979 – 07/01/2024) vào đầu tháng 01/2024; Tết Chol Chnăm Thmây tháng 4/2024; Họp mặt kỷ niệm 57 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2024); Họp mặt kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (09/11/1953 – 09/11/2024); Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP.HCM (31/12/1979 – 31/12/2024) kết hợp với tổng kết hoạt động Hội năm 2024.

Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn Việt Nam – Campuchia được tổ chức để tri ân các anh hùng liệt sĩ hai nước đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước Campuchia anh em; Thế hệ trẻ phải hiểu về chân lý Campuchia và Việt Nam đã cùng nhau xây dựng lại đất nước Campuchia, đảm bảo mạng sống cho người dân Campuchia. Thế hệ trẻ cũng phải công nhận điều này. Những thế hệ đi trước phải có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ tương lai. Bố mẹ phải dạy cho con cái ghi nhớ về công lao vô cùng to lớn này.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

Thích Pháp Hiếu

Bài viết liên quan

Phản hồi