TP.HCM: Tu viện Khánh An khai mạc khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 75

Chiều ngày 21/10/2023 (nhằm ngày 07/9/ Quý Mão), trong khuôn khổ khóa tu Sống Tỉnh Thức được tổ chức định kỳ vào mỗi tháng, tại khu vực ghi danh, Ban chăm sóc Tu viện Khánh An đã ghi nhận hơn 200 hành giả về tham dự khóa tu. Cũng trong khóa tu lần này, Tăng thân Tu viện Khánh An hân hạnh đón tiếp gần 15 quý Thầy Cô giáo thọ từ các trú xứ về yểm trợ công tác hướng dẫn khóa sinh.

Vào lúc 16:00, các hành giả tham dự thời khóa tụng kinh Chuyển Pháp Luân tại Pháp đường Chánh Niệm, sau đó như một hoạt động giao lưu, góp phần kết nối hội chúng lại gần với nhau, thiền sinh tập trung về vườn Trăng Non tham gia sinh hoạt vòng tròn.

Thời khóa tụng kinh Chuyển Pháp Luân tại Pháp đường Chánh Niệm
Thiền sinh tham gia sinh hoạt vòng tròn tại vườn Trăng Non

Vào lúc 19:00, sau khi đảnh lễ Tam bảo, hội chúng vân tập về Pháp đường Thấy và Biết tham dự chương trình Tổng kết trao giải Hội thi Tổng hợp Vu lan – Mùa 3 PL.2567 – DL.2023, chủ đề Quê hương – Đạo pháp – Tình người do Ban Văn hóa Phật giáo TP. HCM phối hợp cùng Kênh thông tin tổng hợp Phật sự Online tổ chức.

Buổi lễ Tổng kết đón tiếp chư tôn đức Ban Trị sự và Ban Văn hóa thành phố về chứng minh, được diễn ra với đầy ắp tình đạo vị và để lại trong lòng người tham dự nhiều cảm xúc, đặc biệt là những chia sẻ đầy xúc động từ các tác giả đạt giải trong hội thi và cả các tiết mục văn nghệ đậm tình quê hương đất nước. Những câu chuyện, những ca từ và giai điệu thân thương kết hợp cùng nhạc cụ dân tộc; hơn nữa là hình ảnh cánh đồng lúa, rặng tre song song cùng mái chùa và ao sen, giếng nước mà sân khấu mang lại… tất cả cùng cộng hưởng tạo nên một không gian gột tả chân thực chủ đề: “Quê hương – Đạo pháp – Tình người”.

Các tiết mục văn nghệ đậm tình quê hương đất nước trong buổi trao giải

Sáng Chủ nhật (22.10.2023), trong khuôn khổ khóa tu Sống Tỉnh Thức LT.75, vào lúc 3g45′ thiền sinh tập trung về Pháp đường Thấy và Biết tham dự thời khóa tọa thiền tĩnh tâm và sám pháp địa xúc. Sau đó, tại sân Quan Âm thực tập 10 động tác chánh niệm, chế tác những năng lượng an lành đón chào ngày mới.

thời khóa tọa thiền tĩnh tâm và sám pháp địa xúc
Thực tập 10 động tác chánh niệm, chế tác những năng lượng an lành đón chào ngày mới

Vào lúc 7:00, tại khuôn viên vườn Phật, gần 600 thiền sinh thực tập tọa thiền an trú thực tại, cảm nhận hạnh phúc trong từng hơi thở vào ra và sự an lạc qua từng bước chân đi khi thiền hành quanh hồ Chuyển Hóa.

Gần 600 thiền sinh thực tập tọa thiền an trú thực tại

Sau thời khoá thiền toạ và thiền hành, Thiền sinh tập trung về các khu vực tham gia sinh hoạt theo gia đình pháp đàm. Đây là dịp giúp thiền sinh có cơ hội trình bày những ưu tư của mình trong quá trình tu nhân học Phật và lắng nghe sự chia sẻ, khuyến tấn từ quý Thầy Cô giáo thọ. Thời khoá được chia thành bảy gia đình pháp đàm gồm: Gia đình Thong Dong, An Trú, Thảnh Thơi, Chánh Niệm, Vững Chãi, Lắng Nghe và Nhìn Sâu.

Gia đình Thảnh Thơi: thầy Minh Nguyện, thầy Viên Hải, sư cô Khánh Vy, sư chú Tuệ Tịnh
Gia đình An Trú: thầy Tục Giác, sư cô Tường Chơn, sư chú Tuệ Đạt (Vườn Phật)
Gia đình Chánh Niệm: thầy Trung Nghĩa, thầy Chúc Danh, sư cô Trung Ninh, sư chú Tuệ Tâm (Hàng tre)
Gia đình Thong Dong: thầy Trung Tuệ, thầy Nhật Tạng, chú Tuệ Phát (Cây me)
Gia đình Vững Chãi: thầy Tuệ Bảo, sư cô Nguyên An, sư cô Nghiêm Hạnh, sư chú Tuệ Lực (Phật đường Tỉnh Thức)
Gia đình Lắng Nghe, gia đình Nhìn Sâu: thầy Mãn Pháp, thầy Tâm Hùng, sư cô An Nhiên (Pháp đường Chánh Niệm)

Và Vào lúc 15h00 ngày 22/10/2023 (nhằm ngày 08/9/ Quý Mão), tại Pháp đường Thấy và Biết, sau thời khóa Sám hối và ngồi thiền hành giả tham gia khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 75 đã có cơ hội lắng nghe thời Pháp âm quý báu từ Thầy Viện chủ với chủ đề “Chỉ cần nhìn lại”.

Thời khóa Sám hối

Thiền tập
Pháp thoại của Thầy Viện chủ với chủ đề “Chỉ cần nhìn lại”

Mở đầu, Thầy nhắn nhủ đại chúng nên suy ngẫm về sự hiện hữu của mình, cần phân biệt được đâu là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bởi khi vượt ra phạm trù cơ bản đó chính là sự hưởng thụ. Cái chúng ta cần là làm đẹp vườn tâm chứ không phải chú trọng vẻ hình thức bên ngoài.

Thầy viện chủ nhắn nhủ đại chúng nên suy ngẫm về sự hiện hữu của mình, cần phân biệt được đâu là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bởi khi vượt ra phạm trù cơ bản đó chính là sự hưởng thụ. Cái chúng ta cần là làm đẹp vườn tâm chứ không phải chú trọng vẻ hình thức bên ngoài

Thầy khuyên đại chúng cần trân trọng sự sống của mình. Mỗi người chỉ có một tấm thân duy nhất trên đời, vì thế ta phải biết hài lòng với bản thân, đừng đánh mất chính mình, đừng để bị chi phối bởi những cái không phải mình mà phải luôn “Tri túc thường lạc”.

Nhật nguyệt xoay vòng, trong cuộc sống, sự vật hiện tượng diễn ra không gì khác ngoài “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý” tiếp xúc với “sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp”: mắt nhìn hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý tư duy. Khi tiếp xúc với trần cảnh sẽ cho ra nhận thức phân biệt, từ đó mà cảm thọ khởi lên.

“Tham” là nắm giữ, “sân” là phản ứng và “si” là mãi tìm kiếm; cả ba đều đem đến khổ. Thế nên, không ai khác ngoài chính bản thân chúng ta quyết định cuộc sống của mình sẽ là hạnh phúc hay khổ đau. Bất cứ điều gì diễn ra ta cần đề cao cảnh giác, chỉ ghi nhận là nó đang diễn ra mà thích nghi với từng hoàn cảnh, chứ không vì thế chuốc khổ vào mình. Hãy chánh niệm tỉnh thức, quay về, nhìn lại, đừng tìm kiếm những gì phù phiếm, xa hoa hay dính mắc vào vẻ hào nhoáng bởi địa vị và cả những sự ngưỡng mộ, tôn vinh của mọi người.

Căn nguyên của khổ đau chính là sự mong cầu, tham đắm và chiếm hữu. Tu hành không gì thay đổi hơn là nhìn sự vật trôi chảy như nó đang là, đừng để bị đồng hóa rồi cuốn theo thì tự khắc bình an hạnh phúc sẽ có mặt – ngay bây giờ và ở đây.

Thầy nhắn gửi đại chúng cần biết sống cho hiện tại, an trú để có được bình an chứ đừng mong cầu vọng tưởng điều gì xa xôi. Trên tất cả, phải nhìn thấy được chân lý không thay đổi của cuộc đời: “Tất cả đều đổi thay”. “KHÔNG mới là hạnh phúc”: không lo lắng, không sầu não, không toan tính thủ đoạn, không hồi hộp, sợ hãi… đó chính là hạnh phúc. Chúng ta “có” bao nhiêu thì khổ đau sẽ thêm bấy nhiêu, càng “có” thì càng khổ. Vậy nên chỉ cần nhìn lại, không dính, không chấp vào điều gì, phụng sự bằng lý tưởng và tinh thần Đạo pháp góp phần làm lợi lạc nhân sinh.

Chỉ cần nhìn lại, ta sẽ thấy cái được – mất cùng ở trong nhau, từ đó là đưa ra sự lựa chọn thấu đáo cho chính mình. Hãy sống dịu dàng với chính mình, nhận thức đúng giá trị thật của mình, đừng sống chỉ để người khác hài lòng hay ghi nhận. Hãy tự thay đổi mình phù hợp với hoàn cảnh sống, đừng lấy mình làm trung tâm, vô thường là ta, vô ngã là ta, trong cuộc sống duyên sinh này, cần thấy được tính tương thông để lòng thảnh thơi, bình an và hạnh phúc hơn.

Cuối cùng, Thầy nhấn mạnh, hãy nhìn vào quy luật cuộc đời mà an nhiên sống. Tất cả đều vô thường, chỉ cần ghi nhận và thích ứng, đó chính là điều tốt đẹp.

Kết thúc thời pháp thoại đầy phúc lạc, các thiền sinh đã đặt câu hỏi về đời sống và tu học của mình để được thầy giải đáp, chỉ dạy thêm.

Kết thúc khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 75 là lễ quy y Tam Bảo cho gần 50 pháp hữu tại pháp đường Chánh Niệm.

Lễ quy y Tam Bảo

Một số hình ảnh được ghi nhận trong khoá tu:

  

 

 

 

  

Thực hiện: Ban TTTT tu viện Khánh An

Bài viết liên quan

Phản hồi