TP. HCM: Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật “Phật giáo với hoà bình” kỷ niệm 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu
PGĐS- sáng ngày 20/5/2023 (nhằm 2/4 năm Quý Mão), tại 218A Pasteur-quận 3 đã diễn ra lễ khai mạc triễn lãm mỹ thuật “Phật giáo với hoà bình” kỷ niệm 60 năm Bồ tát thích Quảng Đức tự thiêu (11/6/1963-11/6/2023) do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội Mỹ Thuật TP.HCM đồng tổ chức.
Tham dự buổi lễ khai mạc, về phía viện nghiên cứu Phật học Việt Nam có HT.TS. Thích Tâm Đức – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng thường trực Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT. Thích Nhật Từ – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT. Thích Quảng Tâm – phó tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Về phía Hội mỹ thuật TP. HCM có sự tham dự của GSTS Nhà giáo nhân dân, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên – chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM; Hoạ sĩ Nguyễn Văn Quý (Siu Quý) – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM; Bà Trương Tứ Muối – phó chủ tịch thường trực hội VHNT các dân tộc thiểu số; cùng quý chư tôn đức tăng ni, quý hoạ sĩ và quý Phật tử nhân dân.Mở đầu buổi lễ khai mạc là chương trình văn nghệ với hai tiết mục “Bảo vệ hoà bình” và “Lửa thiêng bừng cháy” do ban “Đạo Ca Pháp Âm” biểu diễn để kỉ niệm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng 8-Nguyễn Đình Chiểu) nhằm kêu gọi “Bình đẳng tôn giáo” và “Hoà bình cho miền nam” thời chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm (1963)
Sau phần văn nghệ chào mừng là phát biểu khai mạc triển lãm của TT. Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Thượng toạ nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của triển lãm mỹ thuật “Phật giáo với hoà bình”, vì “Hoà bình theo Phật giáo là đề cao tư tưởng hoà bình, hữu nghị của đạo Phật, giáo dục và hướng con người hành động vì sự bình yên, hạnh phúc của đồng loại, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu chung cho xã hội văn minh. Chỉ có xây dựng thế giới hoà bình an lạc mới mong con người hết sân hận, tham lam. Cội nguồn của chiến tranh cũng không còn đất để phát tác. Thứ hai, buổi triển lãm diễn ra nhằm tố cáo tội ác của chiến tranh, hậu quả chiến tranh, vết sẹo chiến tranh, phản đối chiến tranh; đề cao ước vọng hoà bình, khúc hát hoà bình, yêu chuộng hoà bình, hy vọng hoà bình, đất nước thanh bình, làng quê yên bình; Hoà bình bằng phương pháp từ bi, độ lượng, tha thứ, xoá bỏ hận thù, khép lại oan trái quá khứ; tích cực xây dựng sự hợp tác ở hiện tại, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng hạnh phúc trong tương lai; và cuối cùng là đề cao học thuyết “hoà bình thế giới bắt đầu từ hoà bình nội tâm”, kêu gọi tính trách nhiệm và cam kết trong việc xây dựng hoà bình bằng cách ngăn chặn xung đột, giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần hiểu biết, hoà đàm, hoà giải, hoà hợp, hợp tác.”Phát biểu chúc mừng của Hội Mỹ thuật TP. HCM, ông Nguyễn Xuân Tiên – GS.TS.NGND, nhà điêu khắc và là chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM.Buổi lễ tiếp tục được diễn ra với các sự kiện trao giấy chứng nhận cho các tác giả đóng góp tranh; cắt băng khai mạc v.v… Và cuối cùng là thưởng lãm nghệ thuật kết thúc buổi lễ.
Buổi triển lãm có tất cả là 130 bức tranh sơn dầu và thuỷ mặc của 80 hoạ sĩ tham dự, đồng thời đặc biệt hơn hết là bức tranh có kích thước lớn (1000cm-150cm) với chủ đề “Phật giáo với hoà bình” do 15 hoạ sĩ đồng vẽ.
Theo dự kiến, thì sau khi buổi lễ khai mạc được tổ chức ngày 20/5/2023, BTC sẽ tổ chức Hội trại mỹ thuật “Phật giáo với hoà bình 2023” diễn ra từ ngày 21 – 29/04/2023 tại chùa Quan Âm Đông Hải (TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Các tác phẩm được sáng tác tại Hội trại sẽ được trưng bày tại triễn lãm tranh, ảnh nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 phong trào đấu tranh Phật giáo Miền Nam và sự kiện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức (1963 – 2023). Theo đó, với 2 chất liệu chính là tranh sơn dầu và tranh thủy mặc, Hội trại sẽ lấy ý tưởng sáng tác về các chủ đề đặc trưng: “Bồ tát Thích Quảng Đức, Phật giáo với hoà bình, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.”
Theo đó, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư trong nước và quốc tế đều có thể tham gia. Các tác phẩm dự thi tập trung vào phản ánh, đề cao vai trò và giá trị, khát vọng hòa bình theo tinh thần của đạo Phật; tố cáo tội ác chiến tranh, hậu quả chiến tranh; chung sống hòa bình; tinh thần đồng hành, chia sẻ trong cuộc sống; phản ánh sinh động phương châm “Phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi đạo pháp, hộ quốc an dân”, chủ trương “Phật giáo và dân tộc”, hưởng ứng các phong trào yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước.
Thông qua hoạt động trưng bày triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình của Đức Phật, tôn vinh hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực hành từ những lời dạy của Đức Thế Tôn để đời sống của mỗi cá nhân sẽ luôn là một bản hiệp ước với hoà bình trong cộng đồng sống tập thể. Triển lãm không đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là một cách thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, thể hiện tinh thần yêu nước và noi theo hạnh nguyện của chư Bồ tát, chư vị anh linh thánh tử đạo đã hi sinh bảo vệ non sống đất nước Việt Nam cũng như đạo pháp trường tồn.
Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi lễ:
Nhóm BTV miền nam
Phản hồi