TP. Hà Tiên: Không Khí Đại Lễ Khánh Thành Trong Tình Linh Sơn Pháp Lữ.

Nối truyền Chánh pháp nghiêm trang

Tam y nhất bát lên đàng hoằng dương

Một phương chiếu diệu mười phương

Xuất gia giải thoát chơn thường độ sanh

Đầu trần chân đất du hành

Trì bình khuất thực thiện lành vô ưu

Tâm kinh phẩm hạnh tư tu

Vô ngôn thiền quán đẳng thù thắng duyên

Mỗi bước đi mỗi nhiệm huyền

Lắng tâm lặng tánh hạo nhiên an bình

( HT. Giác Toàn, chủ biên )

PGĐS- Hòa trong không khí Đại lễ Khánh thành Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang ( đường Núi Đèn, KP3, P. Pháo Đài, Tp. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ) các chư Tôn đức lãnh đạo TƯ GHPGVN, BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, Tp Hà Tiên đã đến, Dâng hương, hoa thành kính tưởng niệm đến một bậc chân Tu xuất hiện và sáng lập ra Thích Ca Chánh Pháp và sau này là Đạo Phật Khất sĩ.

Hòa thượng Thích Minh Bửu- Trưởng Ban quản lý Di tích Đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang, phát biểu khai mạc. Theo đó, Hòa thượng thay mặt cho toàn thể chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ thành kính bày tỏ niệm ơn chư tôn đức lãnh đạo TƯ Giáo hội, BTS GHPGVN các tỉnh thành cùng các cấp Đảng ủy, Chính quyền đã chứng minh và cấp giấy phép cho công trình Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang để đến hôm nay thêm một phạm vũ phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.

Hòa thượng cũng ôn lại quá trình hình thành và xây Di tích đắc đạo do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng Hệ phái Khất sĩ thành lập.

Khoảng thời gian từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, trong những ngày đầu khai mở giáo phái, Tổ sư Minh Đăng Quang có nhân duyên về tịnh tu tại Mũi Nai – Hà Tiên, nay còn dấu tích nơi Tổ sư ngồi tu thiền định. Trong quyển Minh Đăng Quang pháp giáo xuất bản năm 1962 có ghi nhận việc này. Vì thế, đối với Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ, đây là dấu ấn lịch sử rất quan trọng và thiêng liêng.

Do vậy, tháng 11 năm 2014, tôi thay mặt Hệ phái Khất sĩ lập hồ sơ, thủ tục xin phép và được chư tôn đức Giáo hội, quý cơ quan lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP.Hà Tiên cho phép khôi phục, tôn tạo di tích vào ngày 11-11-2020. Sau ngày đặt đá, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng bằng tinh thần hiếu đạo, hiếu hạnh với Tổ Thầy, chúng tôi đã cố gắng đảm bảo việc xây dựng được diễn ra theo tiến độ, kịp hoàn thành công trình đúng vào ngày “sinh trưởng vào đời” của Tổ sư.

Trong dòng lịch sử Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, có bốn dấu ấn tâm linh thiêng liêng mà người con Khất sĩ rất mực thành kính tưởng niệm:

Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang sinh trưởng tại Tổ đình Minh Đăng Quang (tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long),

Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên,

Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang khởi đầu chuyển pháp độ sanh tại Tịnh xá Mộc Chơn (Phú Mỹ – Mỹ Tho – Tiền Giang),

 Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long). Trong đó, Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên là dấu ấn tâm linh, khơi nguồn cho lịch sử Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.

Lịch sử truyền rằng trên bước đường vân du tu học, Tổ sư Minh Đăng Quang đến Hà Tiên, Ngài định đón tàu đi Phú Quốc, rồi đi ra nước ngoài tu tập và hành đạo nhưng đến Hà Tiên thì trễ tàu. Ngài bèn tìm nơi thanh vắng, chọn nơi bằng phẳng bên bờ biển ngồi tu nhập định cùng quán xét nhân duyên. Trải qua bảy ngày tu tập thiền định tại gành Mũi Nai – Hà Tiên, vào một buổi chiều, Ngài ngộ đạo khi thấy những chiếc thuyền đánh cá bấp bênh trên mặt nước làn sóng biển, bọt nước dồn dập tụ tán. Ngài đạt lý vô thường, khổ não, vô ngã, cảnh khổ trầm luân, đầy vơi, có không, còn mất, sống chết, khổ vui, xoay tròn quẩn lộn.

Phục dựng Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo không những thể hiện tinh thần “Ẩm thủy tư nguyên” tri ân công đức sâu dày của Tổ Thầy mà còn giúp cho môn đồ tứ chúng Khất sĩ thêm thắng duyên quán chiếu về cội gốc tâm linh thiêng liêng của Đạo Phật Khất sĩ.

Năm 2009, nhân duyên hội đủ, khu đất triền dốc diện tích hơn 4.000 m2 thuộc Núi Gành Đèn, mặt trước giáp lộ, hướng biển, mặt sau tựa núi tại khu phố 3, phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên được chọn làm nơi phục dựng “Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo”.

Công trình phục dựng trải qua hai giai đoạn: San lấp mặt bằng, xây dựng kiềng móng, vách chắn khuôn viên.

Vào ngày 11/11/2020 (nhằm 26 tháng 9 năm Canh Tý, kỷ niệm ngày hiện thân vào đời lần thứ 97 của Đức Tổ sư), được sự cho phép của Chính quyền các cấp và sự ủng hộ của chư Tôn Đức Giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS, Ban Thường trực BTS tỉnh Kiên Giang và TP. Hà Tiên, Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Phật giáo Khất sĩ long trọng tổ chức Lễ Đặt đá Phục dựng Di tích Đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang.

Công trình phục dựng Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo đã hoàn thành, gồm các hạng mục:

Ở giữa khu đất là hạng mục chính của khu Di tích, có diện tích 550m2, chiều ngang 20,40 mét, dài 27,00 mét, cao 2 tầng lầu. Tầng trên là Chánh Điện “Bát Chánh Đạo” hoa sen. Trên đỉnh mái, chính giữa là Ngọn Đuốc Sen – Đèn Chơn Lý thiêng liêng, xung quanh bốn góc mái là bốn hoa sen, viền đỉnh mái là những cánh sen đối xứng tươi nở. Bên trong Chánh điện là bảo tháp thờ Phật bằng gỗ

Giữa bảo tháp là tượng Phật Bổn sư Thích Ca tọa thiền bằng gỗ Cẩm Hồng cao 2,40 mét, an tọa trên đài sen 0,85 mét. Phía sau Đức Phật tôn trí hai bức phù điêu và một tôn tượng bằng đá khắc họa chân dung Tổ sư đang ngồi, 2 bức phù điêu bên phải và trái cao 2,40 mét, ngang 1,80 mét. Tôn tượng chính giữa cao 1,95 mét, ngang 1,30 mét. Vách trước và hai bên hông Chánh Điện tôn trí các hình ảnh ghi lại cuộc đời của Đức Tổ sư từ sơ sinh đến ngày vắng bóng.

Tầng dưới là phòng đa năng có diện tích 550m2, hai phòng nghỉ của chư tôn giáo phẩm được bố trí tại hai góc trong cùng.

Từ ngoài nhìn vào tòa Chánh Điện, bên trái là dãy nhà Tăng, bên phải là dãy nhà khách Ni và Phật tử, mỗi bên có diện tích 369m2, cao 3 tầng lầu, là nơi cư trú của chư Tăng trụ xứ, chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử vãng lai chiêm bái.

Phía sau hai bên Chánh điện là hai Vọng Các hình lục giác cao 9,00 mét, bên trong tôn trí tượng Tổ sư trì bình khất thực và tượng đứng bằng đá marble cao 4,70 mét. Chính giữa hai Vọng Các tôn trí tượng Tổ sư Minh Đăng Quang ngọa thiền bằng đá marble dài 3,32 mét.

Cả công trình tựa lưng vào vách núi có tường chắn dài 80,00 mét, cao 9,00 mét, dày 0,40 mét khắc họa chữ đồng thi hóa cuộc đời của Tổ sư và các tác phẩm tưởng niệm Tổ sư.

Góc trái của tường chắn tôn thờ tượng Đức Phật chuyển Pháp luân bằng đá marble trắng, cao 4,20 mét ngang 2,50 mét. Góc phải tôn trí tượng đức Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni bằng đá marble trắng, cao 2,15 mét, ngang 1,20 mét.

Phía trước sát mặt biển, nơi tấm bia ghi dấu Di tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo được tôn trí tượng Tổ sư bằng đá marble trắng cao 2,35 mét, ngang 1,20 mét trong tư thế tọa thiền mặt hướng ra biển.

Cách đây gần 80 năm, giữa trời nước mênh mông, nơi gành Mũi Nai – vùng đất Hà Tiên xinh đẹp, một bậc xuất trần thượng sĩ, quyết chí tu học theo gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã lập nguyện thiền tọa và đã đắc đạo sau bảy ngày đêm tu tập thiền định. Rồi từ đó Ngài dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ sanh, góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại với chí nguyện “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”.

Đến nay, hòa trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ không những lan tỏa khắp quê hương Việt Nam mà còn truyền đến các nước Mỹ, Úc, Canada… Tất cả đều được khơi nguồn từ “Di Tích Tổ sư Minh Đăng Quang Đắc Đạo” tại Mũi Nai – Hà Tiên thân yêu này.

Đối với người con Khất sĩ, mỗi lần về thăm vùng đất Hà Tiên, vùng đất cực Nam biên thùy của Tổ quốc, nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, là như được trở về nguồn cội tâm linh, về lại ngôi nhà Chánh pháp của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Và nơi “Lộc Trĩ Thôn Cư” Mũi Nai này, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi thông nguồn mạch: “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, làm lợi lạc cho chúng sanh vạn loại.

Đây không chỉ là một sự kiện thiêng liêng, mà còn là niềm hạnh phúc lớn đối với tứ chúng đệ tử của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong nước và hải ngoại khi dấu ấn biển núi tâm linh (cạnh bờ biển) hơn 70 năm trước Tổ sư ngồi tu thiền định đã được phục dựng hoàn thiện.

 Mục đích của việc phục dựng di tích là để dâng lên cúng dường, tưởng niệm ân đức Tam bảo và Đức Tổ sư khai lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất sĩ – thành viên sáng lập GHPGVN. Bên cạnh đó, Hệ phái chủ trương khôi phục di tích nhằm lưu lại kỷ niệm nơi vị Tổ sư – bậc khai tông giáo pháp Khất sĩ chứng ngộ lý pháp “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Sự kiện bừng ngộ chơn tâm này đúng vào ngày trăng tròn tháng 2 năm Giáp Thân (1944).

Nhà thơ Trụ Vũ đã nhắc đến sự kiện này ở phần thi hóa tiểu sử Tổ sư: “Kiết-già trên đỉnh xanh khơi. Quanh đầu hạnh, tỏa ngời ngời triêu dương. Chân tâm, chiếu kiến tỏ tường. Bản lai diện mục sáng gương trăng rằm”. Ngoài ra, di tích này còn mang ý nghĩa là địa điểm tâm linh lý tưởng cho khách thập phương ghé thăm chiêm bái, vừa mang tính thiêng liêng, vừa chuyển tải mạnh mẽ và sống động đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nuôi dưỡng tâm hồn của những người hữu duyên.

Điểm nhấn của công trình kiến trúc tại đây chính là nơi ghi nhận dấu tích một thời của một vị chân sư chứng đạo. Từ đó, ngài dấn thân hoằng hóa độ sanh mà vạch xuất phát lại là ghềnh đá Mũi Nai – Hà Tiên. Dấu tích nơi Tổ sư ngồi tu thiền định thuở xưa cạnh bờ biển, với triền núi trải dài, do vậy, khi tôn tạo di tích tôi đã cho xây dựng bức tường chắn vách núi để khắc họa tiểu sử Tổ sư và tiểu sử thi hóa, cùng các bài tưởng niệm Tổ sư vắng bóng v.v… bằng chữ đồng.

Mặt khác, diện tích và độ cao xây dựng hạn chế nên chánh điện được xây dựng với mô hình tứ giác, bên trong là tháp gỗ 13 tầng thờ Đức Phật Thích Ca, hai bức tường phía trước là những bức ảnh liên hệ đến cuộc đời và đạo nghiệp Tổ sư; mặt hậu di tích tôn trí bức tượng Tổ sư ngọa thiền (ở giữa), hai tòa lục giác (hai bên) tôn trí tượng Tổ sư đứng.

Bên cạnh đó, Di tích đắc đạo sẽ là điểm nhấn của phong cách kiến trúc hài hòa giữa con người và thiên nhiên, như một cành hoa đạo lý tô điểm cho tình làng nghĩa xóm địa phương, như một nét chạm trổ tinh tế nơi cảnh trí hồn thiêng sông núi, góp phần vào không gian văn hóa tâm linh xứ sở Hà Tiên, tô bồi cho non sông nước Việt thêm màu đạo đức thanh lương.

Dự kiến sau khánh thành, mỗi năm các giáo đoàn sẽ về di tích luân phiên tổ chức khóa tu thiền cho Tăng Ni, Phật tử từ một tuần đến mười ngày. Đối với những người con trong ngôi nhà Khất sĩ thì Di tích đắc đạo có công năng trị liệu và chuyển hóa tâm hồn, góp phần giúp người tu cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa náo động và tĩnh tại.

Việc tổ chức khóa tu tại đây, một mặt để giữ gìn mạch sống thiêng liêng, duy trì giềng mối Phật pháp; một mặt củng cố nội lực Tăng đoàn Hệ phái Khất sĩ, thắp sáng ngọn đèn Chơn lý. Chính không gian trầm mặc và tĩnh lặng của vùng biển núi tâm linh sẽ là môi trường cộng tu lý tưởng, vừa giúp cho thế hệ hậu học quán chiếu tự thân, vừa được các vị giáo thọ trau dồi thêm kiến thức về gia tài Pháp bảo, cũng như hành trạng của Tổ sư và các Đức Thầy.

Có thể nói, bốn di tích lịch sử gắn liền đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang hiện được chư tôn đức giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ xây dựng hoàn thành, đó là:

Tổ đình Minh Đăng Quang (Tam Bình, Vĩnh Long) – Nơi sinh trưởng Tổ sư;

 Di tích hoằng pháp độ sanh – tịnh xá Mộc Chơn (Phú Mỹ, Tiền Giang);

 Tổ đình tịnh xá Ngọc Viên (Xóm Chài, TP.Vĩnh Long) – Nơi đánh dấu Tổ sư vắng bóng;

 Di tích đắc đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên này.

Thay mặt chư Tăng trong hệ phái, TT Thích Giác Hoàng- dâng lời phát nguyện trong buổi lễ- nguyện noi theo Đức chí  lời dạy của Ngài trong Chơn lý, lần giữ oai nghi, Tu tập theo gương sáng Tổ Thầy, góp phần quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp cũng như phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.

Thay mặt chư Ni trong hệ phái, Ni sư Thích nữ Xuân Liên- dâng lời phát nguyện trong buổi lễ- hôm nay nơi chánh đẳng chánh giác này con đại diện toàn thể chư Ni phát nguyện tiêp bước con đường tổ sư tùy duyên hóa độ chúng hũu tình phát huy tinh thần cao cả xây dựng tinh thần lục hòa cộng trụ như lời huỳnh liên đem một tám tinh thần sống trong muôn loại, vườn đời tuô thắm hơn bởi đời yêu mến nhau.

Phật tử Trung Toàn – đại diện toàn thể Phật tử trong Hệ phái dâng lời phát nguyện

HT.Thích Giác Giới-  ban đạo từ sách tấn, tán dương sự nỗ lực của Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ và HT.Thích Minh Bửu, đã nỗ lực xây dựng một đạo tràng trang nghiêm, tráng lệ làm nơi ghi nhớ đến Tổ sư , học theo hạnh nguyện của Tổ sư mà xiển dương Phật pháp, kiến tạo môi trường đạo đức, tâm linh cho bá tánh thập phương nương theo tu học.

Hòa thượng cũng nhấn mạnh sự đóng góp của Phật giáo Hệ phái Khất sĩ trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Trong đó Di tích đắc đạo được hình thành từ Tổ sư và với sự chung tay hợp sức, đoàn kết của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ, sau thời gian thi công xây dựng đã có được ngôi phạm vũ trang nghiêm, trung tâm tu học, văn hóa và xã hội của Hệ phái thành viên sáng lập GHPGVN hôm nay. Hòa thượng chúc mừng toàn thể chư tôn đức Hệ phái thành đạt mọi ý nguyện tiếp nối được ngọn đèn do Tổ sư Minh Đăng Quang để lại.

 

Thay lời Ban Tổ chức, HT.Thích Giác Pháp- phát biểu cảm tạ tri ân lễ  lạc thành Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang theo nghi thức Hệ phái trong không khí trang nghiêm và đầy hoan hỷ.

 

Sau buổi lễ, Ban Tổ chức đại lễ cung thỉnh chư tôn đức quang lâm trai đường để cúng dường trai tăng để đáp tạ thâm tình linh sơn pháp lữ.

Quí Nguyễn

PV – PGĐS tại TPHCM

Bài viết liên quan

Phản hồi