Tình mẹ
Tuy không tài giỏi để làm cho cha mẹ hãnh diện, nhưng tôi sẽ sống và tu tập tốt. Đó là món quà ý nghĩa nhất, mà tôi dành tặng cho hai đấng sinh thành của mình.
Trong chúng ta, khi nhắc đến hình ảnh của người mẹ, ta thấy lúc nào cũng gần gũi trong thơ ca hay những tác phẩm văn học. Qua đó, ta cảm nhận được rằng mình đang hạnh phúc khi vẫn còn mẹ hiện hữu trên cuộc đời này, trong khi còn nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy mẹ, được mẹ ôm vào lòng hay nắm đôi bàn tay của mẹ. Hôm nay, tôi sẽ nói lên hình ảnh của người mẹ, để ta thấy được tấm lòng rộng lớn và sự hy sinh của mẹ bao la đến nhường nào.
Mới ngày nào còn nằm trong nôi, ta nghe tiếng hát ru ầu ơ của mẹ:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Hay câu hát “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”… Tuổi thơ của tôi bên cạnh mẹ là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, hy sinh cả tuổi thanh xuân vì gia đình, vì chồng vì con. Mặc cho chồng cờ bạc rượu chè, tốn biết bao nhiêu tiền bạc, còn phải luôn chịu những trận đòn của ba khi rượu say. Nhìn những cảnh tượng ấy, tuổi thơ là cái gì đó buồn tủi và thương mẹ mình nhiều hơn khi bị ba đánh. Nhưng vì thương con, nên phải chịu đựng nỗi đau đó hằng ngày. Mỗi sáng, mẹ phải lo đi làm, thức khuya dậy sớm để ra ngoài ruộng nhổ cỏ, đi cấy. Vậy mà tôi không biết thương mẹ, lại còn làm cho mẹ buồn vì ham chơi, và những lần không nghe lời. Bây giờ nhớ lại, cảm thấy mình quá có lỗi với mẹ.
Khi tôi còn nhỏ, lúc mẹ đi chợ về mà quên mua quà bánh, hoặc mua những món mà tôi không thích thì tôi lại giận hờn vô cớ. Khi nhà còn khổ, nhớ những lúc ăn cơm độn bắp, độn khoai lang hay khoai mì, thì mẹ lại nhường cơm trắng cho các con ăn; hay những phần cá ngon, lâu lâu được bữa thịt thì dành cho anh em tôi. Có lúc tôi hỏi mẹ: “Sao mẹ không ăn?”. Mẹ nhìn tôi rồi nói: “Con ăn đi, mẹ no rồi”. Có những lúc đi chơi khuya đến mười một, mười hai giờ đêm, mẹ vẫn thức đợi cửa. Thấy tôi về rồi mẹ mới yên tâm đi ngủ. Nhớ lại lúc trời mưa to, tôi trốn vào gầm bàn để cho mẹ đi tìm. Ai ngờ ngủ quên, tới lúc thức dậy thì thấy cả nhà nhốn nháo đi tìm. Lúc đó, tôi mới lò mò từ gầm bàn chui ra. Tưởng bị la cho một trận tơi bời, nhưng không ngờ lại may mắn được mẹ ôm vào lòng và nói: “Ôi! Con tôi đây rồi! Con có biết từ khuya tới giờ mẹ lo lắng lắm không?”. Có lúc, mẹ đang làm việc. Vì nghịch, nên tôi đã dùng súng đạn bi bắn vào bóng đèn, mẹ hỏi thì nói chắc bóng đèn bị hư.
Tôi là con trai út trong nhà, được cha mẹ cưng chiều, nên sẽ không bị đánh đòn. Vì thế, lúc nào tôi cũng làm cho cha mẹ phiền lòng. Đôi khi, tôi bị ốm. Mẹ luôn là người bên cạnh chăm sóc, nấu cháo cho tôi ăn, mua thuốc cho tôi uống. Thi thoảng, mẹ đặt bàn tay chai sạn nhẹ nhàng lên trán, xem tôi đã đỡ sốt hay chưa. Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi dần lớn lên và bắt đầu đi học. Mẹ là người luôn khuyên nhủ và động viên tôi rằng: “Đến trường thì phải cố gắng học nha con! Cả đời mẹ cực khổ vì con. Đến lúc nào đó mẹ già rồi mất đi, không thể lo cho con cả cuộc đời này, nên chỉ cho con kiến thức, hành trang bước vào đời”. Có những lúc tôi thấy chán nản, thì mẹ luôn là người bên cạnh động viên tôi.
Thời gian dần trôi, theo định luật của cuộc sống, mẹ già đi… Tôi đâu biết rằng, mái tóc đen của mẹ giờ đã pha màu trắng, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ đã mờ, và hiện lên những vết đồi mồi; trên trán giờ đây đã đầy những vết nhăn; đôi bàn tay mềm mại ngày nào đã chai sần, vì lam lũ cả một đời lo cho đàn con. Khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, sau hôm đó, bạn bè rủ đi buổi họp mặt để chia tay. Kết thúc tiệc, trên đường về, tôi sơ ý va trúng nhẹ nhưng lại bị người ta gây khó dễ, giữ xe và thậm chí còn bắt mẹ tôi phải chịu trách nhiệm nuôi họ. Mọi chuyện chưa dừng lại. Lúc về đến nhà, tôi còn bị bà hàng xóm vu oan cho tội chặt buồng chuối của cô hàng xóm. Lúc đó, do suy nghĩ không thông, nên tôi đã uống thuốc tự tử vì uất ức. Ai ngờ đâu không chết, mà làm cho cả nhà một phen hú hồn hú vía.
Rồi ngày nhập ngũ đến, tôi lên đường để thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Những ngày đầu xa gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ càng nhiều thêm. Vì tôi đang sống ở một môi trường hoàn toàn mới, chưa thích nghi được, nên còn thiếu thốn tình thương và sự quan tâm. Vào ngày Chủ Nhật hằng tuần, nhìn những anh em của mình có người thân lên thăm, trong lòng cảm thấy trống vắng, chỉ mong ba mẹ sẽ lên thăm mình. Bỗng một ngày, đang dọn dẹp vệ sinh thì bất ngờ thấy cha mẹ đi đến. Nhìn thấy hình ảnh của hai người, tôi mừng lắm. Nhưng vì thời gian thăm không nhiều, nên chỉ hỏi sức khỏe và gởi những món quà đem từ quê lên, làm tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Ba mẹ động viên tôi cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, rồi thi thoảng ba mẹ sẽ lên thăm.
Thấm thoát, tôi đã hoàn thành xong nhiệm vụ và trở về nhà. Nhưng chưa được bên cạnh chăm sóc cho cha mẹ, thì lại xa quê, lên Vũng Tàu để học nghề. Sau đó, tôi đi làm. Và hội đủ duyên lành, tôi quyết định đi tu. Khi nghe tin đó, làng xóm láng giềng to nhỏ nói tôi là đồ bất hiếu. Đồng thời, ba mẹ nghĩ rằng đi tu là mất con, nên khóc rất nhiều và không ủng hộ tôi xuất gia. Nhưng vì chí nguyện, nên tôi vẫn quyết định xuất gia với suy nghĩ rằng, xuất gia là đại hiếu chứ đâu phải bất hiếu. Sư phụ có câu:
“Dù con xuất thế tu hành
Vẫn không quên đức sinh thành mẹ cha”.
Sau bao năm, hằng ngày được sống trong môi trường đạo đức và giới luật, nên tôi biết rằng “hạnh hiếu là hạnh Phật”. Dù tôi không lo cho cha mẹ về mặt vật chất, nhưng về mặt tinh thần, tôi luôn cố gắng hướng cho cha mẹ biết tu nhân tích đức, làm lành tránh ác, tin sâu nhân quả và biết nương tựa ngôi Tam Bảo. Dù con không thành danh nhưng con sẽ cố gắng thành nhân, để không phụ lòng của cha mẹ. Có phải chăng:
“Mẹ là xuồng nhỏ qua sông
Mẹ là võng lát bềnh bồng tiếng ru
Mẹ là nắng ấm chiều Thu
Mẹ là diều giấy vi vu trên đồng”.
“Nhớ quê con nhớ mẹ hiền
Nhớ quê con nhớ con thuyền êm trôi
Nhớ quê nhớ tiếng ầu ơ
Nhớ quê con nhớ mẹ ngồi ru con”.
Ba năm tu hành ở chùa, vào một ngày, đang trong giờ công phu, thì bất ngờ mẹ và chị ngồi phía sau lưng nhìn tôi. Đó cũng là lần đầu tiên mẹ và chị đến chùa thăm tôi. Lúc ấy, nhìn thấy mẹ già đi nhiều. Mẹ nhìn tôi với đôi mắt rưng rưng. Khi đó, tôi chỉ muốn chạy đến ôm mẹ vào lòng và nói với mẹ rằng “con nhớ mẹ nhiều lắm”. Nhưng chợt nhớ lại mình là người xuất gia, nên đã kiềm nén cảm xúc, để cho mẹ biết rằng cậu bé ngày nào được nằm trong vòng tay yêu thương che chở giờ đã thật sự trưởng thành, có thể tự lo và chăm sóc cho bản thân. Tôi luôn khuyến khích mẹ và gia đình phải luôn làm lành tránh ác, biết ăn chay niệm Phật và không nên sát sanh. Thời gian đầu hơi khó khăn vì chưa thể thuyết phục, nhưng không vì thế mà nản lòng. Tôi luôn kiên trì và nhẫn nại. Bằng tất cả tâm thành, cuối cùng cũng được sự đền đáp xứng đáng. Cả gia đình đã ăn chay, không sát sanh, biết tạo phước. Kể từ đó, gia đình đã hòa thuận hơn và mọi người biết yêu thương nhau hơn, không còn cảnh nhậu say, gây gổ, đánh nhau như trước nữa. Đó là điều mà tôi có thể làm, để một phần nào đền đáp lại công ơn sinh thành của cha mẹ. Khi mất đi, chỉ có nghiệp thiện và nghiệp ác theo ta, chứ không mang theo được gì như tiền bạc, tài sản, ruộng vườn…
Tôi biết rằng, hằng ngày, theo từng bước chân của tôi, vẫn có ánh mắt của cha mẹ dõi theo, nên tôi luôn cố gắng làm sao cho cha mẹ được yên lòng. Tuy không tài giỏi để làm cho cha mẹ hãnh diện, nhưng tôi sẽ sống và tu tập tốt. Đó là món quà ý nghĩa nhất, mà tôi dành tặng cho hai đấng sinh thành của mình.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
Tâm Trịnh
Phản hồi