TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THÔNG LƯU (1940-2022)
TIỂU SỬ
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THÔNG LƯU
(1940-2022)
I.THÂN THẾ
Cố Hòa Thượng Thích Thông Lưu, thế danh Bùi Văn Hương, sinh ngày 15 tháng giêng năm 1940, tại thôn Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là Cụ ông Bùi Thế Kỷ, Pháp danh Thị Định. Thân mẫu là Cụ bà Trần Thị Lời, Pháp danh Thị Hạnh. Quý cụ là người hiền từ đạo đức, thâm tín Phật Pháp. Trong gia đình có 8 anh chị em, Ngài là con thứ 7. Hòa Thượng được sinh ra trong gia đình trung nông nhiều thế hệ quy kính Tam Bảo và là gia đình có nhiều người xuất gia học đạo.
II.THỜI KỲ XUẤT GIA HÀNH ĐẠO
Thuở ấu thơ, Hòa Thượng đã chịu cảnh mồ côi mẹ, các anh chị em đều hi sinh và mất sớm, duy nhất chỉ còn người cha. Nhờ nhiều đời có túc duyên với Phật Pháp, lại được thừa hưởng ân đức của gia đình, có nhiều thế hệ xuất gia học đạo, nên từ nhỏ Hòa Thượng đã gần gũi với nhiều Chư Tôn Đức Giáo phẩm như: HT. Thích Như Hương, HT. Thích Hưng Từ, HT. Thích Châu Long… Thế nên, Hòa Thượng đã nhiều lần xin cha đi xuất gia học đạo, nhưng duyên lành chưa hội đủ.
Vào một ngày trời quang mây tạnh, chí xuất trần đã phát.
“Một lòng mến mộ cửa Thiền
Nên Thầy quyết chí cắt duyên với đời”
Vào mùa xuân năm 1961, duyên lành hội đủ, Ngài đã được Hòa Thượng Bổn sư Thượng Hưng Hạ Từ, cũng chính là vị chú ruột của Ngài, chính thức thế phát xuất gia tại chùa Linh Đài, xã Hòa Đa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và ban cho Pháp danh là Đồng Truyền thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43.
Sau 4 năm thân cận Tổ Thầy, học Kinh luật, vào mùa hạ năm 1964, Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư dẫn vào tỉnh Bình Tuy, để tùng Tăng Nhập hạ tại chùa Linh Sơn, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh. Cũng trong năm này, Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư cho phép thọ giới Sa di và được ban Pháp tự là Thông Lưu. Từ đó, Hòa Thượng được giao trọng trách Thủ tự, trông nom chùa Linh Sơn, huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Tuy, tức tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Vào thời điểm 1975, tình hình trong ngoài chưa ổn định, việc tu hành cũng gặp khó khăn về mọi mặt. Trước tình hình đó, Ngài xin phát nguyện nhập thế để gieo duyên với đời, đồng thời cũng trả nghiệp xưa.
Đến năm 1979, xét thấy duyên trần đã dứt, nên Ngài xin Hòa Thượng Bổn Sư phục chế giới pháp cho Ngài, tiếp nối lại nguyện xưa, theo dòng Thánh chủng, xả đời nhập đạo, an trú Thiền môn, tu tập hành đạo.
Năm 1980, hội đủ duyên lành, Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư cho phép đăng đàn thọ giới Tỳ Kheo – Bồ Tát tại giới đàn Thiện Hoa, chùa Ấn Quang – Sài Gòn, nay là Thành Phố Hồ Chí Minh, do Hòa Thượng Thích Hành Trụ làm Hòa Thượng đường đầu thí giới và được Bổn Sư ban cho pháp hiệu Ấn Đức.
Từ đây, giới pháp đã đủ, tam y nhất bát tròn đầy, chính thức dự vào hàng Tăng Bảo, nên Ngài bắt đầu phát nguyện tiếp Tăng độ chúng, giáo hóa độ sanh. Với bản chất hiền hòa, khiêm cung độ lượng, nhiều thế hệ Tăng Ni Phật tử đã tựu về nương tựa tu học với Ngài tại chùa Linh Sơn ngày càng đông. Đến nay đã có trên 40 vị xuất gia và cầu Y chỉ Sư; cũng như quy y cho hàng ngàn Phật tử tại gia.
Năm 1990, Ngài cùng với các Phật tử, đạo tràng Linh Sơn xin phép Hòa Thượng Bổn Sư phát nguyện trùng tu lại ngôi Đại hùng Bửu điện được trang nghiêm, để có nơi cho Tăng chúng và Phật tử về tu học và lễ bái. Với uy tín và đạo hạnh, Ngài đã được chính quyền bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Tánh Linh, nhiệm kỳ 2001-2006.
Đối với Giáo hội huyện nhà, Ngài được Ban đại diện thỉnh cử giữ chức vụ Ủy viên Nghi lễ suốt nhiều nhiệm kỳ cho đến năm 2010. Tại Đại hội Phật Giáo nhiệm kỳ VII của Ban Trị Sự GHPGVN huyện Tánh Linh, Ngài được Tăng, Ni cung thỉnh lên ngôi vị chứng minh Ban Trị Sự Phật Giáo huyện cho đến ngày viên tịch.
Với đức độ khiêm cung, một đời tinh tấn tu hành, nỗ lực dấn thân cống hiến công hạnh cho Đạo pháp và Dân tộc, năm 2010 Ngài được Hội đồng Chứng minh GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng Tọa.
Năm 2012, Hòa Thượng đã chứng minh khai sơn Chùa Bửu Sơn, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Năm 2018, Hòa Thượng cùng Tăng chúng và Phật tử một lần nữa phát nguyện đại trùng tu ngôi Chánh điện và kiến tạo cảnh quang ngôi Già Lam Linh Sơn, được trang nghiêm thanh tịnh như hiện nay.
III.THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Phật sự thì quá nhiều, sức người lại có hạn, thời gian vô thường chóng mau. Từ những nhận thức trên, Ngài đã tự quán chiếu các Pháp như thị, thấy rõ mọi việc đến đi đều là lẽ tùy duyên. Biết sức khỏe của mình ngày càng yếu, đã đến lúc thân tứ đại cũng sẽ trở về cát bụi, nên Ngài đã giao cho các đệ tử chăm lo ngôi Tam Bảo, hướng dẫn Phật tử tu học, còn tự thân lo hạ thủ công phu tu hành.
Những năm cuối đời, Hòa Thượng vẫn an nhiên niệm Phật, lúc thì ở Linh Sơn, khi thì về với đệ tử ở Tu Viện Quảng Đức, nhằm sách tấn đệ tử, đệ tôn. Thân giáo của Ngài là bài pháp vô giá, để môn nhân tứ chúng nương theo tu học. Khi nào gặp Ngài, chư Tăng Ni Phật tử cũng đều nhận nơi Hòa Thượng lòng từ ái, lắng nghe, quan tâm. Với hình ảnh dung dị bình thản, khuyến tấn đại chúng tu học. Khi sức khỏe yếu dần, Ngài đã về tịnh dưỡng nơi Tu viện Quảng Đức, thôn 1, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh.
Công viên quả mãn, tiết trời xuân còn nắng ấm, lòng người còn đầy hoan hỷ, Ngài đã xả báo an tường, an nhiên thị tịch vào lúc 20h30 ngày mùng 4 tháng giêng năm Nhâm Dần, nhằm ngày 04-02-2022, tại Hương thất Tu Viện Quảng Đức, hòa trong Pháp hội Gia trì Đàn tràng Dược sư.
Đây, mùa xuân vẫn còn tràn đầy hương vị, hoa cỏ vẫn xanh tươi, như một duyên lành kính tiễn Ngài về cảnh giới vô tung bất diệt. Hòa Thượng trụ thế 83 năm, trải qua 42 mùa An cư Kiết hạ.
Nhục thân của Ngài được cung thỉnh về chùa Linh Sơn, nơi đã gắn bó gần 60 năm. Từng thân cây ngọn cỏ, từng tấc đất đều thấm đượm mồ hôi của Ngài. Để người và cảnh nơi đây, một lần nữa được bày tỏ lòng thành kính tri ân với bậc Ân Sư khả kính.
Sự ra đi của Ngài đã để lại trong lòng những người con Phật niềm kính thương vô hạn, nhất là Môn đồ Pháp quyến, đạo tràng chùa Linh Sơn, Tu viện Quảng Đức, mất đi bậc Sư Ông, Sư Phụ tôn kính.
Môn đồ tứ chúng chùa Linh Sơn đã thành kính xây dựng ngôi Bảo Tháp Lưu Đức, để tôn thờ Ngài. Nhưng ứng với nhân duyên, cùng với tâm hạnh của Người, lúc nào cũng muốn hòa mình với thiên nhiên, gần gũi với mọi người. Nên nhục thân của Ngài đã được Môn nhơn Tứ chúng thành kính an vị nơi Bảo Tháp tại Dốc dài, dưới chân núi Ông, thuộc thôn 1, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
NAM MÔ PHỤNG VỊ LINH SƠN – QUẢNG ĐỨC – BỬU SƠN ĐƯỜNG THƯỢNG, TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP TAM THẾ, HÚY THƯỢNG ĐỒNG HẠ TRUYỀN, TỰ THÔNG LƯU, HIỆU ẤN ĐỨC, HÒA THƯỢNG GIÁC LINH, LIÊN TÒA CHỨNG GIÁM.
Môn đồ phụng soạn
Phản hồi