Tiếng nói lương tâm

Khi ta làm điều sai trái, dù không ai hay biết, lòng ta vẫn không thể an. Một ngọn lửa âm thầm đốt cháy ta, đó là ngọn lửa của sự bất an, và nó cũng là một khía cạnh của tâm sân. Tiếng nói lương tâm nhắc nhở chúng ta rằng điều mình vừa làm đã đi ngược với đạo đức, trái với lẽ phải.

Sự bất an bắt nguồn từ mâu thuẫn nội tâm. Khi hành động của chúng ta không phù hợp với những giá trị sống mà tâm thức đã khắc ghi, một cảm giác tội lỗi liền trỗi dậy. Đó có thể là một lời nói không thật, một hành động thiếu hiểu biết, hay vô tình làm tổn thương người khác, dù không ai chỉ trích, lòng ta cũng đã tự trách. Ta có thể che giấu lỗi lầm với người, nhưng không thể che giấu với chính mình. Tâm như một tấm gương sáng, phản chiếu rõ ràng từng ý niệm, từng việc làm của ta.
Có khi ta cảm thấy nặng nề, lo lắng, muốn tránh né, không dám đối diện với sự thật. Nhưng trốn tránh không làm nhẹ đi gánh nặng, mà chỉ khiến tâm ta thêm vướng mắc và phiền muộn. Càng lảng tránh, sự bất an càng lớn, vì ta đã vô tình xây thêm những bức tường ngăn cách giữa mình và sự thật.
Khi ta biết hổ thẹn với chính mình về những việc sai trái, thì ý thức đạo đức của nội tâm hiện rõ, giúp ta tự vấn lương tâm và điều chỉnh hành vi. Khi ta biết lắng nghe, khi ta nhận ra sự bất an đó, chính là lúc ta quay về với sự chân thật. Đó là tiếng nói của lương tâm.
Không ai trong chúng ta chưa từng phạm lỗi. Sai lầm không phải là điều đáng sợ, mà quan trọng là ta có nhận ra điều đó hay không. Nếu ta biết dừng lại, nhìn vào chính mình với tâm không phán xét, ta sẽ thấy cánh cửa chuyển hóa đang mở ra. Chúng ta không nên suốt ngày tự trách, mà nên trở về với con người chân thật của chính mình. Nó không chỉ làm vơi đi gánh nặng trong lòng, mà còn gửi đi năng lượng lành đến những người xung quanh. Sự chân thật chính là chìa khoá mở ra cánh cửa bình an…
Tuệ Uyển Nhi

Bài viết liên quan

Phản hồi