Thông điệp của Địa Tạng Vương
Thế gian vô thường…Lời nói ấy, giờ không chỉ nằm trong kinh luận hay xuất ra từ miệng thánh nhân mà đã trở thành quen thuộc với kẻ chợ đời. Bởi thế gian … vô thường! Càng văn minh, con người càng có cơ hội chiêm nghiệm hai chữ vô thường nhiều hơn. Nhiều đến xót xa, não lòng …
Tôi đã cảm nhận nó từ những ngày còn rất nhỏ. Từ những ngày cha còn sống cho đến cái ngày cha ra đi không về nữa. Của cải theo đó mà bay như thuyền tuột thác, không cách gì níu giữ. Sung túc hạnh phúc nhường chỗ cho nhọc nhằn khó khăn. Mọi thứ không lâu bền như mình nghĩ. Mọi thứ mong manh dễ vỡ như sương mai. Nhưng mình không ý thức cho rõ ràng. Mọi thứ vào quên lãng. Ai lo cho cuộc sống mà có thì giờ suy nghiệm lẽ thiệt hơn? Cứ thế mà vùi đầu trong những được, mất, hơn, thua. Mất thì còn nhớ mọi thứ vô thường. Được, lại quên mau như chưa từng nghĩ tới. Cho đến một ngày, thấy xác ai đó nằm nát dưới gầm xe tải, mới giựt mình chao đảo. Không phải chỉ có của cải là vô thường, thân mạng này cũng mong manh không kém.
Mọi thứ không đứng yên một chỗ. Có những thay đổi khiến ta đau lòng, cũng có những thay đổi khiến ta tự hào hãnh diện. Nhưng dù là đau lòng hay hãnh diện thì những trạng thái đó cũng mong manh vô chừng. Không có gì thường hằng trong một thế giới được tạo nên bằng những mắc xích nhân duyên. Đủ duyên thì hợp, hết duyên tan.
Nên thơ, xinh mộng, tráng lệ … vậy mà bỗng chốc trở thành tro bụi. Thảm họa thiên nhiên lại xảy đến với con người, ở một đất nước mà trình độ phát triển về điện hạt nhân và xã hội rất cao. Một sự đổ nát kinh hoàng, khiến người ngoài cuộc không khỏi sững sờ.
Trong mớ hỗn độn đó, hình tượng Bồ tát Địa Tạng vẫn sừng sững. “Địa là dày chắc. Tạng chứa đủ”. Có phải đó là thông điệp mà chư Phật muốn nói với thế giới rằng: Trong cái vô thường vẫn còn một cái thường. Trong cái mong manh vẫn có cái không mong manh? Ta bỏ quên cái thường, đuổi theo cái vô thường. Ta xây dựng những thứ mong manh trên nền tảng vốn đã mong manh, nên không thể tránh được tan hoại. Xây dựng càng lớn, nguy cơ tan hoại càng cao, chết chóc càng nhiều.
… nên khổ
Dưới triều đại của Hoàng đế Go-Ichido, bệnh đậu mùa cũng từng cuốn đi vô số sinh mạng. Quan hay dân, quí tộc hay bần hàn, không ai tránh được nó. Trước nỗi khổ đau của nhân sinh, Ninko không biết làm gì hơn là cầu sự giúp đỡ của Bồ Tát Địa Tạng. Đêm đó Ông mơ thấy một đứa trẻ nói với Ông: “Nay thì ông đã thấy rõ sự vô thường của kiếp sống”.
Niko trả lời: – “Vâng. Những người tôi vừa nói chuyện sáng nay, giờ đã mất. Không có gì là vĩnh cửu”.
Đứa trẻ nói tiếp: – “Trước những đau thương của kiếp sống, không có gì để than trách. Có lúc nào con người nguôi đau khổ? Nếu một người muốn giải thoát khỏi những đau khổ, hãy làm theo những gì Bồ Tát Địa Tạng dạy”.
Có lúc nào con người nguôi đau khổ? Phàm phu chịu cái khổ của Phần đoạn. Thánh nhân chịu cái khổ của Biến dịch. Ta sinh ra rồi chết. Sinh cũng khóc, chết cũng khóc. Đó là cái khổ lớn nhất của đời người. Giữa hai đầu mút đó, còn rất nhiều cái khổ khác nữa, từ thân cho đến tâm. Nghiệm lại trong đời sống của mình, vui được bao nhiêu? Hay trong vui đã có khổ? Vui trong vô thường, khổ! Vui trong tham dục, khổ! Bởi trong vui đã chứa sẵn cái mầm đau khổ.
Phật nói ‘khổ’ là do ‘tập’. Muốn hết ‘khổ’ phải trừ ‘tập’.
‘Tập’ là sự tích tụ. Mình dễ dàng kiểm nghiệm điều đó với những việc gần gũi. Rượu được tích tụ vào người quá nhiều thì sinh bệnh, gia đình không vui. Đồ ăn tích tụ nhiều quá thì sình bụng. Thuốc bổ tích tụ nhiều quá thì chết. Rất nhiều thứ để mình thấy ‘khổ’ đúng là do ‘tập’. Nhưng mình chưa thấy được mối liên hệ giữa ‘Tập’ và những tai họa do thiên nhiên mang lại.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Tập quán ngã mạn lấn lướt ỷ thế lẫn nhau là cái nhân chiêu cảm ra bôn ba, sóng nổi, sông máu, sông tro…”. Thiền sư Hàm Thị bàn rằng: “Chính cái cao cử tự đắc bèn thành dòng nước đầy tràn cùng khắp”. Cũng nói: “Phóng tâm tạo những điều gian dối cho nên có đất bụi, đồ nhơ nhớp không sạch. Hai tập khí dìm hại lẫn nhau, nên có chìm đắm, nhảy ném, bay rơi, trôi lăn…”. Chúng ta ỷ vào tài trí và năng lực của mình mà coi thường tất cả. Không kính tin Tam bảo, coi thường thân mạng người khác, bất chấp lợi ích và hạnh phúc của tha nhân. Nhân quả và địa ngục không có chỗ đứng trong suy nghĩ của mình. Rất nhiều thứ qui ngã như thế tích tụ trong tàng thức, cho đến ngày nó đủ lực, liền chiêu cảm ra sóng nước và trôi lăn …
Con người thời văn minh hiện đại, chỉ biết phấn đấu xông pha tới trước mà mất năng lực rút lui và phản tỉnh. Ta tiến mãi và cuối cùng là … bế tắt. Thiền sư Sessan nói: “Con người thời nay có đầu óc lo nghĩ sôi sục, và luôn luôn hướng ngoại như thể tìm kiếm vật gì. Họ quên không biết làm thế nào để an tâm và quay vào trong mà quán chiếu. Họ biết làm thế nào để bước tới nhưng không biết làm thế nào để bước lui”. Thiên tai và khổ nạn chính là động lực giúp ta biết dừng để còn thời gian chiêm nghiệm về những gì gọi là vô thường, khổ, không và vô ngã. Cũng giúp ta nhận ra cái ‘không khổ’ trong muôn vàn cái khổ chung quanh. Đó là nền tảng đã giúp ta tỉnh giác và dừng bớt. Luận Đại thừa Khởi Tín nói: “Nhờ có lực này nên khiến chúng sinh hay chán cái khổ sinh tử, thích cầu niết bàn…”. Thiền sư Sessan cũng nói: “Năng lực khiến ta lầm lẫn đau khổ cũng chính là năng lực khiến ta tỉnh giác và an lạc”.
Bằng sự quay vào và phản tỉnh, ta có thể đạt được kho tàng vô tận của chính mình, nơi đó không có tan hoại, khổ đau …
Vạn pháp vô ngã
Ông là một đạo diễn không mấy thành công. Rồi dịp may đến, ông gặp được một nhà toán học. Trước khi chết, người ấy trao cho ông một chương trình có thể tạo ra một diễn viên chỉ có trên vi tính, nhưng lại như thật trong phim ảnh.
Cô diễn viên ấy nổi tiếng và ông trở thành đạo diễn tài ba. Để trả cho cái giá tài ba đó, ông phải luôn sống trong thế đối phó với nhà báo, công chúng và ngay với vợ con mình. Danh vọng luôn có cái giá của nó. Cùng với sự thỏa mãn trên đỉnh cao danh vọng, ông thấy mình mệt mỏi và chán ngán tột cùng. Ông quyết định từ bỏ tất cả.
Ông gặp vợ và nói thật những việc mình đã làm, về cô diễn viên không có chất thật mà ông đã tái tạo bằng máy vi tính. Vợ ông không tin.
Thất bại, ông tính phương cách khác. Cô trở thành lố bịch trước mắt mọi người. Cô đóng phim với heo và ăn như heo. Cô nói những lời phản đạo đức và bôi nhọ mọi thứ. Ông tin bằng cách đó, công chúng sẽ từ bỏ. Nhưng không, những xấu xa ấy lại khiến cô đáng yêu hơn nữa. Ông phải tiếp tục sống trong sự đối phó và mệt mỏi.
Cuối cùng, ông quyết định cho cô chết. Ông hủy toàn bộ những gì đã tạo ra con người ấy và cho tất cả xuống biển, rồi làm đám tang cho cô. Người ta khám phá ra trong quan tài chỉ có một bức hình. Ông bị bắt, bị tình nghi là kẻ giết người. Không ai tin cô gái ấy chỉ là sản phẩm của máy vi tính. Cũng không còn các đĩa vi tính để chứng minh những điều ông đã nói.
Vì cần chứng cớ cứu cha, trong quá trình tìm kiếm, con gái ông vô tình nhặt được chiếc đĩa bị bỏ quên. Cô mày mò và tái tạo lại hình ảnh cô diễn viên. Dù muốn dù không, nữ diễn viên ấy cũng phải xuất hiện để chứng minh cha cô không giết người. Ông thoát nạn. Cô thay ông tiếp tục sự hư dối …
Chỉ là một cuốn phim giả tưởng, nhưng nó khiến mình liên tưởng đến đời sống đương đại. Mọi thứ đều bắt nguồn từ tham dục và sự chấp thủ của con người. Do tham dục, chúng ta có thể làm mọi thứ để được thỏa mãn. Do chấp thủ, không hóa thành có. Đức Phật nói: “Sắc không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”. Thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Thân tâm này không có chủ tể, nhưng do sự chấp thủ từ thời vô thủy, ít ai thấy được điều đó. Chỉ thấy một cái ta và những cái thuộc về ta… Không thấy thân tâm cũng như thế giới này chỉ là sự kết nối liên tục của những mắt nhân duyên. Tất cả đều sinh diệt sinh diệt liên tục trong từng sát na. Vì không thấy, nên mình bỏ hết công sức để dựng lập những thứ vô thường, bất chấp nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Cho đến ngày mà sự mất mát hay thiên tai hoạn nạn xảy ra, mới kịp nhận được ít nhiều tính vô thường của vạn pháp. Cũng chợt nhận ra cái tôi của mình quá bé nhỏ trước những biến động của đất trời. Những tự hào ngày thường biến mất. Có lẽ, đó là lần đầu tiên mình thấy mình không là gì.
Không là gì, nên không còn dám tự hào về cái tôi của mình nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình đã cảm nhận được thật sự thế nào là ‘Sắc thân, gia đình và nhà cửa này không phải của ta, không phải là ta…’. Mình vẫn chưa thấy được tính vô ngã của vạn pháp. Mình quay ra nương tựa vào một đấng tối linh, gắn cho ngài một cái thần ngã có thể cứu rỗi mọi nạn tai cho mình.
Chư Phật, dưới cái nhìn của một số người, cũng trở thành những vị thần linh với đầy đủ sự bảo bọc lo toan cho chúng sinh. Ừ, tâm chư vị là như thế, nhưng vạn pháp ở thế gian đều chịu sự chi phối của Nhân duyên. Không có nhân bên trong là nghiệp thiện của chính mình, thì chư Phật dù muốn hộ trì bao nhiêu, cũng không làm được. Nàng Quang Mục, tiền thân của Bồ tát Địa Tạng, trong một kiếp làm con gái của một người đàn bà thường hay mắng chửi và ăn giết loài cá trạnh. Quang Mục khuyên không được, khi chết bà đọa vào địa ngục. Được Bồ tát ở cạnh như thế, nhưng nếu không theo lời dạy của chư vị mà dừng nghiệp, cứ nổi trôi theo những tham dục của mình thì vẫn không tránh được báo xấu. Chúng ta, dù có hương hoa cúng dường chư vị với lòng thành kính, mà không sống theo những gì chư vị đã dạy, thì quả xấu vẫn xảy ra.
Lời dạy của Địa Tạng Vương
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật nói: “Bồ-tát Địa Tạng ở trong cõi Diêm-phù-đề, nơi thế giới Sa-bà, dùng trăm nghìn muôn ức phương thức giáo hóa chúng sinh. Này Tứ Thiên Vương! Nếu gặp kẻ sát hại loài sinh vật, thời ngài dạy rõ quả báo vì ương lụy ngày trước mà bị chết yểu. Nếu trộm cắp thời ngày dạy rõ quả báo nghèo khổ khốn cùng …”. Phương thức giáo hóa chúng sinh của ngài, là chỉ cho chúng ta thấy nhân nào sinh ra quả nào dưới mọi hình thức để mà tránh. Tất cả đều phải y vào nhân quả mà sống. Nếu ta đã hướng về Tam bảo, qui y cúng dường cung kính chư vị, thì cũng nên lấy những gì chư vị đã dạy làm ngọn đuốc soi đường cho chính mình. Không nên vì những ham muốn nhất thời mà tạo những nghiệp nhân bất thiện. Có vậy, mới tránh được khổ đau.
Xin nguyện …
Nguyện cho tất cả chúng sinh chúng con, không chỉ qui y Phật và qui y Tăng mà còn qui y Pháp. Y vào Pháp đã dạy mà sống thiện và hành thiện. Những gì bất hảo không làm. Những gì vì người nhất định phát huy. Lấy đó làm pháp cúng dường, trước là cúng dường mười phương chư Phật cùng chư Bồ tát, sau là hồi hướng cứu khổ tam đồ. Nguyện cho người người phúc lạc an vui, vì mình sống thiện, vì người hành thiện.
Phản hồi