“Thiền Tịnh song tu” có được không?

Tất cả pháp của Phật dạy tuy có chia ra nhiều môn, nhiều phái song các phái đều y cứ theo những gì Phật dạy mà tu hành. Tuy phương tiện có khác nhưng cứu kính đều gặp nhau.

Khi còn tại thế, có người hỏi Phật “Thân này chết rồi còn hay hết?”

Phật không trả lời. Bởi vì còn nghiệp thì còn sanh trở lại. Nếu nói hết người ta tưởng không còn gì cả. Chỉ người tu khi sạch được nghiệp rồi thì tự tại, không bị nghiệp lưu chuyển trong sáu nẻo.

Phật dạy: Khi mất thân này, dứt tâm niệm sanh diệt rồi thì thể thanh tịnh sáng suốt của mình trùm khắp.

Thể ấy không có tướng mạo, không có gì chi phối cả nên gọi là giải thoát sanh tử.

Hiện tại lúc nào chúng ta cũng sẵn thể chân thật đó.

Khi ý niệm dấy khởi tính toán so đo, phân biệt hơn thua, lăng xăng, đó là gốc tạo nghiệp.

Nhưng khi ý nghiệp không dấy động thì tâm có không?

Tâm là cái “biết” đó. Ý niệm tuy không dấy động nhưng chúng ta vẫn biết.

Mắt biết, tai biết, mũi biết, lưỡi biết, thân biết, như vậy là hằng biết.

Cái biết ấy thênh thang, không chỗ nơi để chúng ta dò tìm, nhưng luôn hiện hữu.

Vì vậy khi các thứ che đậy, mê mờ lặng rồi thì nó hiện rõ ràng, còn bây giờ vì vô minh che lấp nên chúng ta không nhận ra nó.

Khi nghĩ suy chúng ta nói tôi nghĩ, tôi suy.

Khi không nghĩ suy thì ta vẫn hằng tri hằng giác chớ đâu phải vô tri, vô giác.

Có biết nhưng vì tánh biết bàng bạc nên chúng ta không thể chỉ ra được.

Chỉ khi ý thức dấy nghĩ mới có bóng dáng kèm theo. Như vừa nhớ người thì bóng người hiện, nhớ chùa thì bóng chùa hiện, nhớ huynh đệ thì bóng huynh đệ hiện.

Nhớ là dấy niệm.

Nhà Phật gọi đây là pháp trần.

Phần này rất phù hợp với khoa tâm lý học.

Như hôm rồi xuống bắc Mỹ Thuận, tôi thấy chú thanh niên một chân bị hư máng trên vai, còn một chân chống cây gậy. Trước khi thấy chú, trong tâm tôi không có bóng dáng đó nhưng thấy rồi thì đến nay nhớ lại, hình ảnh ấy hiện ra rõ ràng.

Bóng dáng mà tôi nhớ ở trong lòng đó, nhà Phật gọi là pháp trần.

Chữ trần là những hình dáng tế nhị chớ không phải thô phù; hình dáng ấy lưu lại trong tâm ta nên khi nhớ đến thì chúng hiện ra ngay.

Như vậy từ nhỏ đến già những bóng dáng đó ghi vào tâm thức của chúng ta nhiều hay ít?

Nếu phân ra không biết mấy trăm mấy ngàn lớp?

Do đó khi ngồi yên lớp này nhảy ra tới lớp khác liên miên chập chồng.

Vì vậy khi tu là chúng ta cố gắng gạt nó qua một bên để cái chân thật được hiện bày.

Khi nào bóng dáng đó lặng hết thì ông chủ xưa nay mới hiển lộ.

Do đó dụng công tu là việc hết sức tế nhị, chớ không phải thường. Người ta thấy ở chùa quá đơn giản, gõ mõ tụng kinh, đi tới đi lui có gì quan trọng.

Nhưng thật ra người tu phải quán sát nội tâm, luôn luôn chiếu soi để làm chủ trọn vẹn được mình, không còn lệ thuộc với pháp trần là điều rất khó.

“Thiền Tịnh song tu” có được không? 1
Ảnh minh họa

Tóm lại, tất cả pháp của Phật dạy tuy có chia ra nhiều môn, nhiều phái song các phái đều y cứ theo những gì Phật dạy mà tu hành. Tuy phương tiện có khác nhưng cứu kính đều gặp nhau.

Người tu Tịnh Độ thì niệm Phật cho tới nhất tâm.

Người tu Thiền thì phải được định.

Có người nói Thiền Tịnh song tu, tức là tu một lượt cả hai pháp. Như vậy làm sao tu?

Bởi vì Tịnh Độ đặt lòng tin lên trên.

Tin có cõi Cực Lạc, tin có đức Phật Di Đà chuẩn bị đón tiếp nên cố lòng niệm Phật, niệm chí tâm đến chỗ nhất tâm, thì thành công.

Nhờ niềm tin mạnh cho nên quyết tâm tu, mà quyết tâm tu thì thành công.

Còn tu Thiền là biết rõ các pháp duyên hợp, như huyễn không thật nên không tham trước, không dính mắc, cố gắng dẹp những bóng dáng che phủ nội tâm khiến cho nó lặng sạch nên tâm được định.

Một pháp tu suốt đời chưa rồi mà dồn hai pháp lại làm sao kham?

Lại ngài Bạch Ẩn, một Thiền sư Nhật Bản nói thí dụ này:

Người sợ tu Thiền không đủ, phải tu thêm Tịnh Độ giống như người muốn qua sông gấp, đi một chiếc đò sợ chậm, nên kêu hai chiếc rồi đứng một chân chiếc này, một chân chiếc kia.

Như vậy đi được tới bờ không, hay nửa đường đò rẽ bị rơi?

Chúng ta phải hiểu thật kỹ, nếu không chín chắn, muốn cho mau chóng và dễ tu, không ngờ chính chúng ta làm trở ngại sự tu của mình.

Tu các pháp môn của Phật giống như người leo núi.

Một ngọn núi cao, người ở hướng Tây có lối lên của hướng Tây, người ở hướng Đông có lối lên của hướng Đông, hướng Nam, hướng Bắc cũng vậy.

Trong bốn lối đó chúng ta thích lối nào thì đi lối đó.

Đã chọn rồi phải quyết chí đi.

Dù leo lên thấy khó, cũng ráng mà leo lên đến đỉnh.

Đường đi từ bốn hướng khác biệt, nhưng tới đỉnh rồi thì đều gặp nhau.

Cũng vậy, pháp môn Tịnh Độ, pháp môn Thiền v.v…tên có khác, hướng tu có khác, nhưng cứu kính đều gặp nhau.

Hiểu như vậy rồi, chúng ta tu không còn chê bên này khen bên kia, mà chỉ nên tự trách mình chưa cố gắng, chưa quyết tâm.

Mong rằng tất cả chúng ta cố gắng thực hiện công phu tu hành của mình đạt đến kết quả viên mãn, theo nhân duyên riêng của mỗi người trong tinh thần hòa hợp và đúng với lời Phật dạy.

Trích trong: Chỗ Gặp Gỡ Và Không Gặp Gỡ Giữa Thiền Tông Và Tịnh Độ Tông.

HT. Thích Thanh Từ

Bài viết liên quan

Phản hồi