Thiền Sư Khương Tăng Hội – Bậc Thầy của Thiền học Việt Nam

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Cha Mẹ Ngài là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán. Ngài Tăng Hội chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ; cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi. Không biết ai đã nuôi dạy Ngài sau khi cha mẹ ông mất, chỉ biết rằng lớn lên ông đi xuất gia và tu học rất tinh tiến (Cao Tăng Truyện). Ta cũng không biết thầy ông là ai, và trong số mười vị tăng sĩ truyền giới cho ông có vị nào là tăng sĩ ngoại quốc không. Ta chỉ biết ông giỏi cả Phạn ngữ lẫn Hán tự. Trong các tác phẩm của ông ta thấy có tập Nê Hoàn Phạm Bối là một tập thi ca về đề tài niết bàn chuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn ngữ. Lục Ðộ Tập Kinh của ông văn từ điển nhã, chứng tỏ Hán văn ông không thua gì người Trung Hoa thời ấy. Cố nhiên là sinh trưởng tại Giao Chỉ ông phải nói rất thạo tiếng nước ta.

Với căn lành sâu dày từ bao kiếp gieo trồng nơi Phật pháp, đã thúc đẩy chú bé thơ hành động sáng suốt như một người trưởng thành nhiệt tình hộ đạo. Thật vậy, Ngài đem dâng tất cả tài sản của cha mẹ để lại cho Trung tâm phiên dịch kinh điển Luy Lâu. Và hơn thế nữa, cùng lúc với việc xả ái tài, Ngài xuất gia tu học ở Luy Lâu ( nay là Bắc Ninh). Là một bậc siêu phàm, chẳng bao lâu tài đức của Khương Tăng Hội vang danh khắp chốn. Bấy giờ, Giao Chỉ lệ thuộc Đông Ngô. Ngô Tôn Quyền thấy uy danh Ngài lừng lẫy, được dân chúng hết lòng kính trọng. Ông ta lo sợ Ngài sẽ thu phục nhân tâm, tụ họp anh hùng hào kiệt nổi loạn, chống lại Đông Ngô. Niên hiệu Ngô Xích Ô, đầu năm thứ 10 Công nguyên năm 248, Ngô Tôn Quyền vội cho sứ sang Giao Chỉ thỉnh Ngài về Đông Ngô. Ông đưa ra lý do bề ngoài có vẻ tốt đẹp rằng Khương Tăng Hội là vị cao Tăng uyên thâm Phật pháp nên mời Ngài sang giảng dạy, truyền đạo ở nước Ngô. Thật sự, đó là phương kế để buộc Ngài rời khỏi nơi có uy tín và cô lập Ngài ở xứ xa xôi, không thể liên lạc với người quy ngưỡng Ngài.

Lúc mới sang, Ngô Tôn Quyền đối xử rất trịch thượng, nhằm hạ nhục, thậm chí giết Ngài, bằng cách đưa ra những vấn đề rất khó khăn; nếu không giải quyết được, họ sẽ lấy cớ đó để hành quyết. Một trong những mưu kế giết Ngài như nếu Phật pháp linh nghiệm, Ngài hãy chứng tỏ cho thấy việc hiển linh đó, Nếu không chứng minh được, phải buộc tội chết.

Trong đó nổi bật nhất là ngọc Xá lợi của đức Phật. Chỉ có chư Thiên mang được Xá lợi đến và cao Tăng mới giữ được. Xá lợi phải phát ra hào quang 5 màu và đập không bể. Nếu tu hành trai giới trong vòng 7 ngày, chư Thiên sẽ mang ngọc Xá lợi để vào bình và bình phát ra ánh sáng. Tôn Quyền nghe xong việc khó làm ấy, rất mừng nói: “Nếu người có thể đem Xá lợi đến đây, chính mắt ta thấy, thì ta sẽ xây dựng chùa tháp. Nhưng nếu hư vọng, hoang đường, dùng vật giả để lường gạt, ta sẽ y pháp nước mà trị tội”. Chúng đệ tử đều run sợ trước thử thách quá khó này. Riêng Ngài bình thản vào tịnh thất, đem bình đồng đặt trên kỷ án, đốt hương lễ bái và thỉnh cầu Xá lợi.

Bảy ngày trôi qua, trong bình vẫn không có gì. Khương Tăng Hội xin thêm 7 ngày nữa. Tôn Quyền bằng lòng. Bảy ngày sau lại qua đi, không chút kết quả. Tôn Quyền ra lệnh: “Linh nghiệm cái gì, rõ ràng lừa dối người. Quân lính hãy mau mang hắn đi”. Khương Tăng Hội nói: “Khoan đã, Bệ hạ, chắc có lẽ trong hàng đệ tử tôi, có người vì sợ oai lực của đại vương nên tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì cầu nguyện không thể đạt kết quả. Mong Bệ hạ khoan dung, cho thêm 7 ngày nữa. Lần này mà không thành tùy Ngài xử lý”. Tôn Quyền chấp thuận, trong lòng tin chắc thế nào cũng hại được Khương Tăng Hội.

Thời gian lạnh lùng trôi qua, đại chúng càng sợ. Trước mắt họ, hoàn toàn mờ mịt ánh sáng của Xá lợi, chỉ hiển hiện ánh sáng của lưỡi đao. Vì mọi người chờ đợi từ sáng sớm đến trưa, trưa lại đến tối, thế mà bình đồng vẫn trống không. Còn sư phụ của họ vẫn an nhiên tĩnh tọa, thần sắc không hề thay đổi. Mãi đến canh năm hôm sau, trong bình bỗng nhiên phát ra tiếng động. Khương Tăng Hội nhìn thấy trong bình tỏa ra ánh sáng. Đại chúng mừng rỡ, nước mắt tuôn như mưa. Khương Tăng Hội vào triều, đặt bình đồng trên án. Trong bình đột nhiên phát ra ánh sáng ngũ sắc, khiến mọi người sợ hãi. Tôn Quyền liền cầm bình lên và đổ Xá lợi ra chiếc đĩa bằng đồng. Lạ thay, chiếc đĩa lập tức vỡ nát. Tôn Quyền nói: “Đây là điềm lành hiếm có”.

Khương Tăng Hội lại cho biết: “Bệ hạ, thần uy của Xá lợi rất phi phàm. Ngoài ánh sáng và màu sắc ra, Xá lợi không thể bị đốt cháy, kim cang cũng không thể phá hoại được”.

Tôn Quyền ngạc nhiên: “Thực ư! Hãy thử một lần nữa cho ta xem!”

Xá lợi liền được đặt trên đe sắt và cử một đại lực sĩ dùng chùy đập xuống. Một lát sau, chùy vỡ nát, còn Xá lợi lõm sâu vào đe sắt, nhưng không chút hư hao. Tôn Quyền liền cho xây dựng chùa Kiến Sơ đề thầy trò Khương Tăng Hội truyền đạo. Đó là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông. Một số tác phẩm còn lại của Ngài Khương Tăng Hội như sau: An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh Kinh, Ðạo Thọ Kinh, Lục Ðộ Yếu Mục, Nê Hoàn Phạm Bối, Ngô Phẩm (Ðạo Hành Bồ Tát), Lục Ðộ Tập Kinh.

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.
Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Những chú sớ của Khương Tăng Hội trong ba kinh An Ban Thủ Ý, Pháp cảnh và Ðạo Thọ nay không còn; bài tựa của kinh Ðạo Thọ cũng vậy; duy chỉ còn lại hai bài tựa của kinh An Ban Thủ Ý và kinh Pháp Cảnh. Kinh An Ban Thủ Ý dạy về phương pháp đếm hơi thở và tập trung thiền quán; tuy đó là một kinh thuộc tiểu thừa, nhưng Khương Tăng Hội đã phô giải theo tinh thần đại thừa. Trong bài tựa kinh này, Khương Tăng Hội viết: “An Ban tức là đại thừa của chư Phật để tế độ cho chúng sinh đang phiêu trầm sinh tử”.

Và “Lục Ðộ Tập Kinh” là một tác phẩm cũng rất đặc biệt. Xét văn thể và nội dung, ta biết chắc chắn đây không phải là một tác phẩm dịch thuật từ Phạn ngữ mà là một tác phẩm sưu khảo biên tập trong đó có nhiều đoạn lược dịch từ nhiều kinh điển và có những đoạn hoàn toàn do Khương Tăng Hội viết, ví như đoạn nói về thiền. Có cả thảy tám quyền, nói về sáu độ (độ tức là sự vượt qua bờ, chữ paramia): bố thí độ, giới độ, nhẫn nhục độ, thiền độ và minh độ. Minh ở đây là trí tuệ. Ba quyển đầu nói về bố thí độ, còn các quyển sau, mỗi quyển nói về một độ trong các độ còn lại.

Về mỗi độ, có nhiều đoạn trích dịch trong các kinh. Ví dụ: trong bố thí độ, có trích dịch các kinh Ba La Nại Quốc Vương, Tát Hòa Ðàm Vương, Tu Ðại Noa, Phật Thuyết Tứ Tính…

Tư tưởng Thiền học đối với Ngài Khương Tăng Hội không phải chỉ là những phương pháp hành đạo mà còn có cả một căn bản triết học về tâm học. Trong bài tựa An Ban Thủ Ý Kinh, Ngài nói: “Trong thời gian búng ngón tay, tâm ý ta có thể chuyển qua 960 lần chuyển niệm: trong thời gian một ngày một đêm, ta có thể trải qua 13 ức ý niệm. Dùng phương pháp đếm hơi thở… ta có thể khử bỏ 13 ức ý niệm không trong sạch ấy”.

An Ban tức là Anapana (An Na Ba Na), nghĩa là hơi thở, Thủ Ý là sự nhiếp tâm, định tâm. An Ban Thủ Ý tức là dùng phương pháp điều khiển hơi thở để điều phục tâm ý. Có sáu pháp gọi là lục diệu môn:

Một là, Sổ Tức Môn: điều phục thân thể, đếm hơi thở từ một đến mười, tập trung tâm tư vào sự đếm để trừ diệt loạn tâm, đi vào định.

Hai là, Tùy Môn: theo dõi hơi thở, ý thức được trong từng giây sự ra vào của hơi thở. Bỏ con số mà theo hẳn hơi thở.

Ba là, Chỉ môn: bỏ sự theo dõi hơi thở để thực hiện sự ngưng lặng (chỉ)

Bốn là, Quán Môn: tuy là ở trong định nhưng tuệ giác chưa phát hiện. Phải quán về tâm, về ngũ ấm và những điểm sai lạc như ngã, ngã sở… để khơi mở tuệ giác.

Năm là, Hoàn Môn: Xoay về quán sát tự tâm để phá trừ quan điểm nhị nguyên về chủ thể, quán sát đối tượng, phá trừ ngã chấp.

Phác họa chân dung Thiền sư Khương Tăng Hội
Phác họa chân dung Thiền sư Khương Tăng Hội

Sáu là, Tịnh Môn: Trạng thái vô phân biệt chủ thể và đối tượng kia vẫn chưa phải là chứng ngộ, hành giả không nên vướng mắc vào đó. Phải vượt thoát trạng thái này để trí tuệ chân minh hoàn toàn hiển lộ.

Ngài nghĩ tâm là “không có hình, không có tiếng, không có trước, không có sau, thâm diệu, vi tế, không có tóc tơ hình thức: Phạm Thiên, Ðế Thích và tiên thánh cũng không thấy rõ được; những hạt giống của tâm khi thì ẩn khi thì hiện, cái này hóa sinh thành cái kia, người phàm không thể thấy được; đó gọi là ấm”. Chúng sinh phiêu trầm vì tâm ấy bị lôi kéo theo lục tình và mười ba ức uế niệm. Lục tình gồm có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm (ý), gọi là nội tình; và sắc, thanh, hương, vị tế hoạt, (xúc) và tà niệm (pháp) tức là ngoại tình. Những tà hạnh của lục tình nhiều như nước muôn sông chảy về biển, bất tận, do đó phương pháp “An Ban Thủ Ý” là để đối phó lục tình và ngăn chặn tà hạnh. Ngài nói tiếp “người hành giả đã chứng đắc được phép An Ban, thì tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy để quán chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy…” (tựa kinh An Ban Thủ Ý).

Quan trọng nhất là đoạn Ngài viết trong Lục Ðộ Tập Kinh về Thiền. Ông nói về bốn trình tự của thiền (tứ thiền) như phương pháp để “chính tâm, nhất ý, tập trung điều thiện duy trì trong tâm, ý thức những ý niệm dơ bẩn để mà khử diệt”:

Phương pháp thực hành của Nhất Thiền: khử bỏ tham ái, ngũ yêu tà sự, như khi mắt thấy sắc đẹp tâm sinh dâm cuồng, khử bỏ những thanh, hương vị và xúc thường gây tai hại. Người có chí hành đạo ắt phải xa lánh chúng. Lại còn phải diệt trừ năm sự ngăn che: sự tham dục, sự giận dữ, sự mê ngủ, sự dâm lạc và sự hối hận nghi ngờ. Ðạt được nhất thiền cũng như người có mười loại oán thù đã thoát ly thân thuộc, một mình ở trên núi chẳng ai hay biết, không còn sợ ai. Vì xa lìa được tính dục mà nội tâm vắng lặng.

Phương pháp Nhị Thiền: như người đã thoát ly oán thù tìm tới chốn thâm sơn để cư trú nhưng còn sợ oán thù có thể tìm tới, người hành giả tuy đã xa mười thứ dục tình nhưng còn sợ những thứ này tìm theo để lung lạc chí hành đạo của mình. Cũng như khi ở trên đỉnh núi cao thì không còn dòng nước nào có thể làm cho mình bị ngập lụt, cũng không sợ mưa và rồng làm cho chìm đắm. Chính là từ đỉnh núi đó mà các dòng suối lưu xuất; từ sự hành đạo này mà các điều thiện do tâm xuất hiện và điều ác không còn do đâu phát sinh được nữa.

Phương pháp Tam Thiền: Giữ gìn tâm ý một cách kiên cố, cả thiện và ác cũng đều không thâm nhập được, tâm an ổn như núi Tu Di; từ bên trong thiện cũng không phát xuất mà từ bên ngoài thiện, ác và tịch diệt cũng không xâm nhập được. Tâm như hoa sen, rễ hoa trong bùn, khi hoa chưa mọc thì còn bị lấp dưới nước. Người thực hành tam thiền thanh tịnh như hoa, lìa xa ác niệm, cả thân và tâm đều an ổn, để hướng về tứ thiền.

Phương pháp Tứ Thiền: Tới đây cả thiện và ác đều bỏ, tâm không nhớ ác; trong tâm yên và sáng như ngọc lưu ly; như nàng công chúa tự tắm gội và lấy hương thơm ướp mình, mặc xiêm y mới. Bồ Tát khi đã đạt được thứ thiền thì các loại tà cấu không còn làm hư tệ tâm minh… Ðạt được tứ thiền thì muốn gì cũng được, phi hành nhẹ nhàng trên không, đi dưới nước, phân tâm tán thể, biến hóa vạn cách, ra vào không ngăn cách, tồn vong tự do, có cả mặt trời, mặt trăng, động tới cả thiên địa, đắc nhất thiết trí…”

Bằng nỗ lực của mình, cuộc đời hoằng hóa của ngài Khương Tăng Hội mang tầm ảnh hưởng nhất định đối với nền Phật học nước nhà cũng như tại Trung Quốc. Sự nghiệp phiên dịch và trước tác của ngài Khương Tăng Hội nói lên tinh thần giáo dục của Việt Nam bấy giờ, cởi mở và hoàn thiện. Đó cũng là tiền đề mà sau này xuất hiện tinh thần Tam giáo đồng nguyên, Trúc Lâm nhất tông, vua Phật, hay các thiền sư tinh thông Nho – Lão phò vua giúp nước, hộ quốc an dân.

Tăng đoàn Phật giáo vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Ở khía cạnh cá nhân, thì tu tập tâm, mà cụ thể ở đây thiền định chính là con đường đưa đến giải thoát. Ở khía cạnh xã hội, đặt trong bối cảnh lịch sử của giai đoạn Việt Nam ở những thế kỷ đầu Tây lịch, hành trạng của tu sĩ Phật giáo Khương Tăng Hội cũng chính là hình mẫu của tăng đoàn thời bấy giờ tại nước ta.

Qua đó cho thấy giáo lý của đức Phật, thiền định được xem là một đặc chất. Dù dưới hình thức nào, thiền định luôn là trái tim cho mọi hoạt động tiến đến giải thoát. Sau khi tìm hiểu tư tưởng thiền học trong tác phẩm của ngài Khương Tăng Hội có thể thấy được nội dung thiền học trong kinh tạng Pàli và trong tác phẩm của ngài Khương Tăng Hội cơ bản giống nhau về nội dung và tinh thần thiền học. Ngoài phương pháp lồng ghép các truyện “bản sinh” (Jataka) và “thí dụ” (Avadana) để làm rõ tính hoạt dụng của thiền như trong “Lục độ tập kinh”, thì hơi thở vẫn là cơ sở được ngài Khương Tăng Hội dùng làm phương tiện “loại trừ” thông qua “tứ niệm xứ”. Điều ấy nói lên tính nhất quán của việc duy trì lời dạy cũng như tinh thần của đức Phật dù dưới không gian hay thời gian nào.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi