Thế nào là tu sửa lỗi lầm ngay từ trong tâm?

Đó là tự xét rằng, lỗi lầm xấu ác của con người có vô số nguyên nhân, nhưng hết thảy đều do tâm tạo tác. Nếu trong tâm mình an nhiên bất động thì lỗi lầm dựa vào đâu mà sinh khởi?

Người tu học phương pháp sửa lỗi này đối với những lỗi lầm xấu ác như háo sắc, tham danh, tham tiền của, dễ nóng giận v.v…không cần thiết phải truy đuổi tìm kiếm đối trị từng loại, chỉ cần một lòng chuyên chú làm thiện, lúc nào cũng duy trì ý niệm chân chánh, thì bao nhiêu ý niệm tà vạy xấu ác sẽ tự nhiên không thể khởi lên làm ô nhiễm.

Ví như khi mặt trời rực sáng giữa không trung, các loài yêu ma quỷ quái thảy đều trốn mất. Đây là[phương pháp sửa lỗi chân truyền tinh tế nhất. Mọi lỗi lầm đều do tâm tạo tác, nên cũng do nơi tâm mà sửa đổi. Ví như việc đốn trừ loài cây độc, phải trực tiếp chặt phá ngay vào gốc rễ, đâu cần phải đốn tỉa từng cành nhánh, ngắt bỏ từng chiếc lá?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nói chung thì phương pháp đối trị lỗi lầm ngay từ trong tâm là vượt trội và hiệu quả hơn hết. Đang khi tu tập giữ tâm thanh tịnh, nếu trong tâm vừa khởi động niệm xấu ác liền tức thời rõ biết; rõ biết rồi thì niệm xấu ác đó liền tự nhiên không còn nữa. Bằng như chưa đủ sức để tu tập theo phương pháp trị tâm, thì nên dùng phương pháp suy xét rõ ràng theo đạo lý để trừ bỏ lỗi lầm.

Nếu vẫn chưa đủ sức dùng phương pháp suy lý, thì nên dùng phương pháp đối trị theo sự việc sai trái đã biểu hiện.

Nếu như sử dụng phương pháp trị tâm cao nhất, đồng thời kèm theo những phương pháp còn lại, như vậy cũng chẳng có gì sai lầm. Nhưng nếu chỉ biết sử dụng những phương pháp kém hiệu quả mà không biết đến phương pháp vượt trội hơn thì thật là khờ dại.

Cho nên, khi phát nguyện sửa đổi lỗi lầm xấu ác, thì giữa nơi sáng rõ nên cầu được bạn tốt nhắc nhở, ở chỗ u tối khuất lấp nên nguyện có quỷ thần soi xét chứng minh. Hết lòng sám hối những tội lỗi đã qua, ngày đêm không chút giải đãi buông lung, trải qua một tuần, hai tuần, cho đến một tháng, hai tháng, ba tháng… ắt phải có hiệu quả ứng nghiệm.

Chẳng hạn như cảm thấy tinh thần điềm nhiên, thư thái khoáng đạt; hoặc cảm thấy như trí tuệ khai mở, hốt nhiên sáng suốt; hoặc có những lúc rơi vào cảnh rối ren phiền nhiễu nhưng cảm xúc, suy nghĩ đều suốt thông không vướng mắc; hoặc có những lúc gặp kẻ oán thù nhưng có thể bình tâm đổi giận làm vui; hoặc mơ thấy nôn mửa ra vật đen tối; hoặc mộng thấy các bậc hiền thánh ngày trước hiện đến dắt dẫn ân cần; hoặc mơ thấy mình đi lại nhẹ nhàng trên hư không, hoặc mộng thấy những thứ như cờ phướn, lọng quý, đủ mọi cảnh tượng thù thắng tốt đẹp… Hết thảy những điều như thế đều là biểu hiện của việc đã dứt trừ được lỗi lầm xấu ác. Tuy nhiên, không được bám chấp vào những thành tựu như thế mà vội khởi tâm cao ngạo tự mãn, vì như thế sẽ ngăn trở ta không thể tiến bộ thêm nữa.

Xưa có người tên Cừ Bá Ngọc, khoảng năm 20 tuổi đã thấy rõ được những lỗi lầm xấu ác trước đây của mình và dứt trừ sửa đổi được hết thảy. Sang đến năm 21 tuổi mới biết những sự cải hối trước đây của mình thật ra vẫn chưa dứt hết [được lỗi lầm]. Sang năm 22 tuổi thì ông nhìn lại năm 21 tuổi, quan sát những việc đã qua như trong giấc mộng, lại tiếp tục sửa lỗi. Cứ như thế năm này sang năm khác, ông vẫn kiên trì tuần tự sửa lỗi. Cho đến năm 50 tuổi vẫn còn nhìn lại thấy được lỗi lầm của năm 49 tuổi.

Việc học sửa lỗi của người xưa là như thế. Chúng ta đều là những kẻ phàm tục tầm thường, những điều lỗi lầm xấu ác tích tụ dẫy đầy không kể xiết, thế mà khi nhìn lại những việc đã qua lại thường chẳng thấy được lỗi lầm chi cả! Ấy là bởi tâm mê muội nên mắt bị che mờ.

Tuy nhiên, con người khi lỗi lầm xấu ác quá sâu nặng cũng có những biểu hiện có thể thấy được. Chẳng hạn như tinh thần u ám, bế tắc, nói trước quên sau, hoặc không duyên cớ gì nhưng trong tâm vẫn thường phiền não, bực dọc; hoặc đối diện với người hiền lương quân tử thì cảm thấy hổ thẹn ngượng ngùng; hoặc được nghe những lời bàn luận chân chánh nhưng lại không vui thích; hoặc thường bị rơi vào cảnh làm ơn mắc oán; hoặc đêm nằm mộng thấy những chuyện điên đảo trái nghịch… Nếu nặng nề quá có thể sinh ra nói năng lộn xộn, tâm thần bất định…

Hết thảy những điều như vậy đều là biểu hiện của việc làm xấu ác. Nếu thấy có một trong những biểu hiện như thế thì phải lập tức phát tâm mạnh mẽ phấn chấn, quyết lòng dứt bỏ lỗi cũ, dựng xây đời mới.

Mong sao người đọc hiểu đúng được những điều như trên để không tự dối mình.

HT. Tịnh Không

Bài viết liên quan

Phản hồi