Thay đổi cách sống từ việc cho đi
Nhờ tặng máu cho người không quen, tôi mới biết mình thuộc nhóm máu AB và thay đổi cách sống.
Năm 2014, một phụ nữ lớn tuổi bị gãy chân và cần nhóm máu AB để phẫu thuật gấp. Cô đang nằm ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM.
Tôi tình cờ đọc được lời kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội: “Mẹ của bạn mình đang cần mổ gấp nhưng bệnh viện thiếu máu AB. Anh chị em hay bạn nào có nhóm máu này làm ơn đến bệnh viện xét nghiệm để hiến giúp cô”.
Bệnh viện này là nơi tôi từng nằm điều trị và có ca mổ tương tự sau tai nạn năm 2012. Tôi nghĩ về cơn đau của mình những ngày đầy lo lắng và khó khăn ấy. Tôi nghĩ đến bệnh nhân, cô chạc tuổi mẹ mình ở quê, không thể chịu đau nhiều như thanh niên chúng tôi.
Tôi liên hệ liền, vào bệnh viện. Vì có nhóm máu tương thích, tôi và một bạn khác được chọn để tặng máu. Hàng loạt xét nghiệm được tiến hành ngay trong một buổi chiều.
Ca mổ của bệnh nhân ngoài 60 tuổi thành công. Bà bị té rất nặng trên cầu thang trong nhà khi lau dọn. Chúng tôi ra về và lại vào guồng quay công việc. Cho tới hai tuần sau, cuộc điện thoại của con trai cô cho tôi biết, nghĩa cử này khiến anh và gia đình rất cảm động. Anh tự hứa, từ bây giờ sẽ thay mẹ mình hiến máu giúp những bệnh nhân khác.
Lượng máu tại ngân hàng máu TP HCM đang cạn, không đủ cấp phát cho các bệnh viện trong 5 ngày tới. Do thành phố phải giãn cách xã hội, nhiều kế hoạch hiến máu đã bị hủy. Lượng máu tiếp nhận những ngày qua chỉ đáp ứng 20% yêu cầu.
Đây là thông tin rất đáng lo. Tôi biết trong tình huống khẩn cấp, người cần máu không thể chờ đợi dù chỉ một ngày. Do tôi vừa hiến máu mới nửa tháng, nếu không tôi sẽ đến Trung tâm Hiến máu TP HCM như mọi lần.
“Mỗi người, một lần hiến máu và các chế phẩm từ máu có thể cứu sống ba người”, bác sĩ có lần giải thích cho tôi. Mỗi người hiến được khuyến khích lấy từ 350 ml máu. Điều kiện, họ phải đủ từ 18 đến 60 tuổi, cân nặng tối thiểu 42 tới 45 tương ứng với nữ và nam, khỏe mạnh, không bị các bệnh truyền nhiễm.
Chế phẩm máu là sản phẩm được điều chế tại cơ sở truyền máu, gồm một hoặc nhiều loại tế bào máu, huyết tương có nguồn gốc từ máu toàn phần hoặc thành phần máu. Năm 2020, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã tiếp nhận được 215.622 túi máu với tỷ lệ máu sạch đạt trên 98%.
Tại TPHCM, 40,63% lượng máu đã hiến của người tặng lần đầu. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại trên 43%.
Năm 2021, chúng ta cần 220.000 túi máu. Tức là, phải có ít nhất 2% dân số trên địa bàn TP HCM tham gia hiến máu tình nguyện.
Thành phố đang thiếu máu nghiêm trọng. Hiến máu cứu người, còn để cứu chính ta trong tương lai. Bởi một lần hiến máu, là một lần bạn được truyền máu miễn phí khi phải nằm viện sau này.
Thực sự khi hiến máu, người hiến xem như được kiểm tra sức khỏe. Lượng máu hiến sẽ được thay mới trong vài ba ngày, theo các bác sĩ huyết học. Máu mới sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Có lần, cô bác sĩ chỉ bình nước 20 lít gần đó, bảo tôi: “Con hiến trên 16 lít, gần bằng bình nước đó rồi đó”. Dù đã trải qua 51 lần hiến máu nhưng tôi vẫn khỏe. Tôi ăn chay trường, tập gym, chạy bộ, đạp xe đều đặn. Tôi cảm thấy mỗi lần tặng những giọt máu cho người cần, tôi lại tốt hơn cả thể chất và tinh thần.
Bài toán máu của TP HCM hôm nay có thể giải quyết bằng cách vận động người dân ở những nơi chưa có ca lây nhiễm cộng đồng đi hiến máu.
Nhưng tôi cho rằng, trong bệnh dịch, chúng ta có thể triển khai đội ngũ nhân viên chữ thập đỏ kết hợp với Trung tâm Hiến máu đến lấy máu tại chỗ. Lấy máu tại nhà, hay tại khu phố là một giải pháp thích hợp cho người dân và cơ quan y tế lúc này.
Một chiến dịch huy động người dân hiến máu trong thành phố hơn 9 triệu dân không quá khó. Chúng ta đang có mạng xã hội để vận động từng khu phố, xã, phường, có đội ngũ xe hiến máu lưu động, chỉ cần đảm bảo giãn cách xã hội và 5K. Thành phố quá rộng, hiện không có nhiều điểm tiếp nhận máu khiến người muốn cho máu đôi khi phải đi hàng chục km. Lấy máu tại chỗ giúp dân chúng không ra đường quá đông.
Với người dân, đây cũng là việc làm ý nghĩa giữa thời điểm bó gối vì dịch bệnh, không được ra ngoài nhiều, có thời gian rảnh. Đồng thời, hiến máu cũng là cơ hội để kiểm tra sức khỏe của mình, đóng góp cho cuộc chiến chống dịch còn lâu dài phía trước. Đó là việc thiện nguyện, vừa lợi mình và lợi cho người.
Hiến máu tại chỗ thực sự sẽ khuyến khích tinh thần vì cộng đồng, như người dân Sài Gòn đang giúp nhau: “rau tặng cho người cần”, “đồ dùng tặng người trong khu phong tỏa”, “nhận chở người đi viện miễn phí”… Những tấm biển viết tay đã trở thành bản sắc Sài Gòn.
Ngay cả khi không có tiền làm từ thiện, mình còn có cơ thể này, có cuộc sống được cha mẹ trao tặng, mình vẫn có thể trao đi. Giọt máu sẽ đi từ trái tim tới trái tim con người.
Phản hồi