Thanh Hoá: Hội thảo khoa học “GHPGVN tỉnh Thanh Hóa – 40 năm phát triển và trưởng thành”

PGĐS – Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, sáng ngày 30/10, tại Hội trường Khách sạn Thiên Ý (phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), BTS GHPGVN tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “GHPGVN tỉnh Thanh Hóa – 40 năm phát triển và trưởng thành” với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu, các giáo sư tiến sĩ, các học giả…

Chứng minh và chủ trì hội thảo có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban từ thiện xã hội TW; Thượng tọa Thích Tâm Đức – Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban Pháp chế TW; Thượng tọa Thích Tâm Định – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTC chương trình; Thượng tọa Thích Tâm Minh – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh; GS. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát. Ngoài ra còn có sự hiện diện của chư Tôn đức BTS Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, chư Tôn đức đại diện các tỉnh thành trong cả nước.

Về phía chính quyền tỉnh có: bà Bùi Thị Mười – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Bình – Phó trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Phương – Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; ông Hồ Việt Anh – Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; ông Đỗ Quang Trọng – Phó giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh; ông Vũ Xuân Hiếu – Phó trưởng phòng an ninh nội địa công an tỉnh cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền các cấp, quý vị nhân sĩ, trí thức, các học giả, các nhà nghiên cứu.

               

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tọa Thích Tâm Định – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh chia sẻ “Phật giáo du nhập vào Thanh Hóa từ những năm đầu Công nguyên, trưởng thành và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử, đã trở thành Tôn giáo của dân tộc – Tôn giáo có truyền thống “ Hộ quốc an dân ”, đồng hành cùng dân tộc. Trong lịch sử cũng như hiện tại và tương lai, Phật giáo Thanh Hóa luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước; đồng thời, có những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và tư tưởng dân tộc.

Hội thảo là cơ hội vô cùng quý báu để Phật giáo Thanh Hóa tiếp nhận những ý kiến đóng góp, những tồn tại hạn chế. Qua đó, phát huy những thành tựu, những điểm mạnh; đồng thời khắc phục, cải thiện những mặt tồn tại, hạn chế, hướng đến “phụng sự đạo pháp, phụng sự xã hội, phụng sự nhân dân”.

   

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của hơn 60 học giả với 53 bài tham luận về 6 chủ đề, gồm:
– Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Thanh Hóa qua các thời kỳ.
– Văn hóa, lễ hội và nghệ thuật kiến trúc chùa xứ Thanh.
– Phật giáo Thanh Hóa và vấn đề an sinh xã hội.
– Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.
– Phật giáo Nam tông tại Thanh Hóa.
– Nguồn tư liệu Phật giáo Thanh Hóa mới.

      

Sau lời phát biểu đề dẫn của Thượng tọa Thích Tâm Minh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, toàn thể hội chúng đã lắng nghe những bài tham luận của đại diện một số học giả dưới nhiều góc nhìn khác nhau và vô cùng giá trị.

Hội thảo đã diễn ra trên tinh thần học thuật, dân chủ và trí tuệ. Các tham luận đều tập trung làm rõ: sự hình thành, phát triển của Phật giáo Thanh Hóa qua từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những ảnh hưởng, những lan tỏa tích cực của Phật giáo trong đời sống văn hóa và xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Các bài tham luận đều thống nhất nhận định rằng:
1. Phật giáo du nhập vào Thanh Hóa từ rất sớm; phát triển vững mạnh qua các thời kỳ lịch sử. Kể từ triều đại Đinh – Tiền Lê cho đến hiện nay, mặc dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng Phật giáo Thanh Hóa luôn đồng hành cùng dân tộc và chứng tỏ được giá trị của một Tôn giáo yêu nước, Tôn giáo của dân tộc.
2. Kể từ khi thành lập (1981), trải qua 40 năm phát triển và trưởng thành, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển vững chắc, vượt bậc cả về Phật đạo và Thế đạo. Đó là sự phát triển toàn diện, diễn ra trên nhiều mặt, như: Công tác tổ chức, công tác Phật sự, đào tạo Tăng tài, xây dựng tự viện,… Tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát huy giá trị tốt đẹp, cao cả trong nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
3. Phật giáo là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
4. Tư tưởng và văn hóa Phật giáo ngày càng thâm nhập vào đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của người dân địa phương. Thực hành nếp sống theo chính pháp, theo văn hóa Phật giáo đã dần trở thành nếp sinh hoạt, trở thành thói quen của cộng đồng, của nhiều gia đình và cá nhân.
5. Các hoạt động từ thiện nhân đạo – xã hội được Giáo hội Phật giáo các cấp thường xuyên tổ chức và đạt hiệu quả cao, tạo được sự tin tưởng, đồng tình hưởng ứng trong các tầng lớp nhân dân. Góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đoàn thể đảm bảo An sinh xã hội cho người dân.
6. Kiến trúc, nghệ thuật trang trí, biểu tượng và di vật Phật giáo Thanh Hóa mang đậm dấu ấn đặc trưng của các thời kỳ lịch sử.
7. Sự hiện diện của Phật giáo Nam tông tại Thanh Hóa là sự đóng góp cho bức tranh đa dạng Phật giáo tại Thanh Hóa. Là minh chứng cho tinh thần “Lục hòa” của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Thanh Hóa nói riêng.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được những góp ý, gợi ý, giải pháp và biện pháp nhằm giúp cho công tác Phật sự Giáo hội hoàn thiện hơn nữa, phát triển hơn nữa trong tương lai.

Các ý kiến, nhận định, đánh giá khách quan của các tham luận là cơ sở quan trọng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, phấn đấu phát triển hơn nữa, trưởng thành hơn nữa đáp ứng lòng mong mỏi, nguyện vọng của các cấp chính quyền, tín đồ Phật tử và nhân dân trong tỉnh.

                               

Diệu Tường – Quang Phước

Bài viết liên quan

Phản hồi