Tâm Trộm

PGĐS – Làm ơn, nếu không thể suy nghĩ viết gì cho cao đẹp, thì tốt nhất đừng đạo văn người khác. Như thế là giữ giới không trộm cắp thanh tịnh. Chẳng lẽ chỉ vì một chút tiếng tăm mà lại tự bán đứng đi lương tâm của mình? Kinh Duy Ma nói:” Trực Tâm Thị Đạo Tràng”. Nếu lòng còn cong vạy, thì không thể nào khế hợp với đạo.

Đối với tri kiến, thiền tông chỉ xem đó là đờm dãi cổ nhân hoặc là “ mạt vàng tuy quý nhưng rơi và mắt vẫn còn xốn” hay “ bánh vẽ không làm no bụng đói”. Cho nên, dù có trích dẫn thiên kinh vạn quyển, làu thông tam tạng, như Thần Quang thuyết pháp cảm ứng đến trời rải mưa hoa cúng dường, đất trồi hoa sen làm chứng vẫn là kẻ đứng ngoài cửa Cam Lồ Bất Tử, đến khi gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma, chặt cánh tay cầu pháp mới khả dĩ đạt đạo. Do đó, mục đích của người tu không phải là hý luận.

Vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:

“ Kiến giải trình kiến giải

Tự niết mục tác quái.

Niết mục tác quái liễu,

Minh minh thường tự tại”.

Tạm dịch:

“Kiến giải trình kiến giải

Tự dụi mắt thấy quái

Dụi mắt thấy quái rồi

Rõ ràng thường tự tại”.

Hỡi ôi, nếu chẳng rõ tri kiến vô sanh. Còn định hé miệng trình kiến giải nữa là ăn bạt tai của cổ nhân. Vì vậy mà Lâm Tế đánh hét, Đả Địa chẳng thốt ra lời nào ngoài hai tiếng: “hư hư”. Còn các vị thiền tổ nhướng mày, chớp mắt. Hay bịt miệng học nhân. Hoặc sẵn sàng cho ăn gậy nếu mở miệng thưa trình. Vì đó là gốc của vô minh, do “ Tri Kiến lập tri vậy”. Kinh Bahiya, Đức Phật dạy:” Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe”, đạo lớn như thế, sao cứ mãi tham cầu, nhận giặc làm con?

Đã lầm trên vọng kiến tự thân còn quấy, huống chi lại lấy sở tri của người nhận vơ vào mình, rốt vẫn bụng trống lòng cao, toàn trò hư ngụy. Nên đã là Phật Tử, thì phải giữ cho tâm mình ngay thẳng. Không thể tự lấy bài viết của người khác, sửa lại một hai chữ rồi bỏ tên tác giả, mặc cho người khác cứ tung hô là của mình mà không cần phủ chính. Bởi đó là hoạ mất uy tín về sau chứ chẳng phải phước.

Đừng nhân danh truyền bá chánh pháp rồi tự ý dối trá lấy bài người khác đăng báo để bút danh mình. Hoặc có Ban Biên Tập, tự ý chỉnh sửa mà chẳng tôn trọng tác giả. Đến khi được người khác góp ý chỉ lỗi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia lại bảo thủ, bàng quang, ngang ngược.

Làm truyền thông Phật giáo cần tôn trọng sự thật. Đã là đạo xuất thế mà không xem trọng quyền tác giả thì còn tệ hơn ngoài thế gian, thì lấy gì giáo hoá chúng sanh khi tự thân mình thiếu chính chắn?

Hiện tượng tam sao thất bản trên mạng xã hội chẳng phải là hiếm gặp. Nhưng lòng trung thực ngày nay lại càng hiếm hơn. Đó là điều đáng suy gẫm về đạo phong của người viết!

 

Kinh Lăng Nghiêm dạy:” Lấy tâm ngay thẳng mà nhập đạo”. Nên rất mong người Phật tử đừng vì chút cặn bã tri kiến mà cầu cạnh thứ cặn bã danh lợi thường tình.

Luận Bảo Vương Tam Muội dạy:” Thấy lợi đừng nhúng tay vào, nhúng tay vào thì si mê phải động”. Lợi là nhờ danh mà có. Bản chất chúng ta cầu đạo chứ không cầu danh lợi. Nên chuyện “đạo văn” trong cửa thiền khác nào tự ném mình ra khỏi biển lớn, vì biển ấy không dung chứa tử thi. Vì Đạo chẳng do nơi ngôn ngữ mà được.

Nên tổ Bồ Đề Đạt Ma nói:” Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”. Còn vịn vào tri kiến là cách đạo rất xa. Cố ý bỏ tên tác giả là tâm trộm. Chỉ mong mọi người tung hô dù thừa biết không phải của mình viết vẫn mặc nhiên thừa nhận thì khác nào kẻ cơ hội? Còn nếu do mọi người tự ý ghán ghép mình là tác giả để ca ngợi không đúng sự thật thì sao không thẳng thắn từ chối?

Ôi cái hư danh làm mê loạn tâm người. Nhân danh hành đạo mà còn mơ tưởng đến hư danh thì khác nào “kẻ đầu trọc bán thuốc nhuộm tóc?” Chẳng thể dùng “ Văn dĩ tải đạo” cho đặng. Cho nên, người Phật tử cần bỏ thói tệ này, khi truyền bá chánh pháp trên mạng xã hội. Đó chính là thọ trì Tâm Giới Không Trộm Cắp. Chẳng lẽ công đức giữ gìn giới tâm thanh tịnh không bằng chút vọng tưởng, huyễn tri?

 

Lý Diện Bích

Bài viết liên quan

Phản hồi