Tâm lạc quan chuyển hóa mọi chướng ngại bất an

Tâm lạc quan đủ linh hoạt để chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến và luôn nhìn được điều tốt đẹp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chúng ta nhiều lần được khuyên cần phải sống thật với chính mình. Lời khuyên này mang hàm ý gì? Rất đơn giản, điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn hiểu rõ bản thân, không để điều gì tác động, khiến bạn không còn là chính mình.

Để khởi đầu, tốt nhất là dùng tri thức để hiểu về tâm. Việc tìm hiểu về tâm xuất phát từ suy nghĩ của bạn về nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau. Nhưng như vậy chưa đủ, vì tri thức này còn cần được trái tim kiểm chứng. Chẳng hạn, khi quyết định mua nhà, bạn sẽ thu thập mọi thông tin số liệu về nơi mình định ở, nhưng điều thực sự mang tính quyết định là tiếng nói nội tâm của bạn: làm việc với tâm là điều bạn cần thực hành nhiều hơn mỗi ngày.

Có thể bạn đã thấy nhiều người dường như hiểu rất rõ bản thân – đó là những người có khả năng quan sát về bản chất vô thường thay đổi của mọi cảm xúc. Họ trải nghiệm các cảm xúc vui buồn, sân giận, ham muốn thường tình nhưng không hề bị chi phối bởi những xúc tình tiêu cực đó. Tôi có nhiều người bạn chẳng hề mộ đạo, họ chỉ đơn giản hiểu rõ bản thân và những xúc tình của mình, điều đó cũng đủ để họ sống vui vẻ và tạo cảm hứng cho những người xung quanh.

Trên bước đường hoàn thiện bản thân, dù thời gian kéo dài và còn nhiều khó khăn trắc trở, họ vẫn luôn cố gắng tận hưởng cuộc hành trình. Nếu không thể nhận ra hạnh phúc sẵn có nơi tâm mình, chúng ta vẫn có thể nhận diện, quan sát và hiểu được bản chất của cảm xúc, từ đó không để nó chi phối và dần dần hạnh phúc sẽ tự hiển lộ.

Tại sao chúng ta không đơn giản chỉ lựa chọn hạnh phúc? Tại sao ta không quyết định bỏ qua mọi điều kiện, so sánh và kỳ vọng để chỉ chú trọng tới các cơ hội và những điều thực sự tốt đẹp mình đang có ngay hôm nay và lúc này?

Con người thường lo lắng khi trót quá lạc quan hoặc chú mục vào viễn cảnh tươi đẹp, trạng thái hưng phấn đó dễ khiến họ rơi vào hụt hẫng hay thất vọng. Song sống lạc quan không có nghĩa là mong đợi ngày nào cũng trôi qua dễ dàng và hoàn hảo theo ý muốn; người lạc quan luôn giữ tâm linh hoạt, sẵn sàng đón nhận mọi điều và luôn thấy triển vọng tốt đẹp trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tinh thần lạc quan, yêu đời này sẽ giúp ta đón nhận mọi bất an trong cuộc sống, gỡ chúng ta khỏi những bám chấp vào vật chất và hoàn cảnh. Khi đó, chẳng phải bạn sẽ dễ dàng rèn luyện để tâm được hạnh phúc hơn, dễ dàng chấp nhận chính mình, những việc mình làm được và cách mình nhìn cuộc sống? May mắn sao, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ được điều này.

Chúng ta cần kết nối lại với tự tính hay phẩm chất tích cực vốn sẵn đủ nơi mình. Sự thực hành này sẽ gieo mầm hiểu biết chân thực, và khi đã hiểu, hạnh phúc sẽ không chỉ là trạng thái trong nội tâm mà bạn sẽ biết chia sẻ hạnh phúc mọi lúc mọi nơi – bằng những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Thực hành thiền định và trưởng dưỡng tâm tỉnh thức là việc rất cần thiết. Điều đó giúp bạn hiểu hơn về tự tính tốt đẹp sẵn có nơi bản thân. Nhờ thế, bạn nhận biết ý nghĩa và mục đích rốt ráo của cuộc sống, để có thể gắn liền những việc làm trong đời sống với phẩm chất tích cực của tâm. Khi đó bạn nhìn nhận mọi tình huống xảy ra theo cách tích cực và đúng với bản chất.

Bạn sẽ trang bị cho mình cái nhìn tươi mới trước những lối mòn lặp đi lặp lại rất nhiều trong cuộc đời, gỡ bỏ định kiến tiêu cực về những hoàn cảnh hay con người mà trước đó bạn vẫn cho là rào cản khiến mình không hạnh phúc. Thách thức bất ngờ nảy sinh lại giúp bạn có một góc nhìn khác, và bạn thấy mình không dễ bị chi phối mỗi khi có việc khuấy động sự bình an của mình. Bạn sẽ thong thả dừng lại, tìm ra giải pháp đúng với quy luật tự nhiên thay vì lập tức phản ứng tiêu cực trước nghịch cảnh.

Chỉ cần thực hành chút xíu, bạn sẽ nhận ra trước đó mình đã thêu dệt, ngụy tạo những điều kiện hoàn cảnh để tạo ra “hạnh phúc” cho mình rất nhiều. Bạn nhận ra rằng mình đã từng bám chấp, thậm chí là phụ thuộc hoàn toàn vào những lối mòn trong cách suy nghĩ, về điều mình thích và không thích, đến mức tự mình trở thành hẹp hòi, thiển cận. Lúc này bạn đã biết mình sẽ khó có được hạnh phúc với tâm hẹp hòi. Vì thế, hãy tu tập thực hành để khai mở tâm, tìm ra chìa khóa để có lại hạnh phúc đích thực.

Chúng ta cần tự soi chiếu mình trong gương mà không phải nhăn nhó, cần trung thực chỉ ra những gì cần chuyển hóa. Khi có thể trung thực và yêu thương bản thân, bạn mới có thể trung thực và yêu thương mọi người. Nghệ thuật kết nối với chính mình có thể coi là khoa học – bạn khám phá động lực của bản thân và hiểu thêm về chính mình. Càng hiểu rõ mình, bạn sẽ càng chủ động để tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc, tích cực và tràn đầy ý nghĩa.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Bài viết liên quan

Phản hồi