Tạm Biệt Anh, Nhạc Sĩ Xuân Phương, Tác Giả Ca Khúc “Mong Ước Kỷ Niệm Xưa”
Chia sẻ của những người đồng đội đã nói: “Tôi bàng hoàng và sốc khi nhận tin anh Xuân Phương qua đời. Theo lời gia đình, anh Xuân Phương mất lúc 9h sáng nay. Chúng tôi nhiều người không hề biết anh Phương bị bệnh vì anh ấy giấu. Vài ngày trước, tôi mới biết tin anh ấy bệnh, nhưng đã ở giai đoạn cuối rồi. Tôi vẫn hi vọng có chút phép màu nào đó, nhưng không ngờ anh ấy lại ra đi nhanh và đột ngột như vậy”.
Nhạc sĩ Xuân Phương sinh năm 1973 ở Hưng Yên. Anh tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ năm 2000, anh là giảng viên tại trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội tức Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội ngày nay. Sau đó, anh tiếp tục học lên Cao học về nghiên cứu văn hóa dân gian tại Viện Văn hóa dân gian.
Nếu ở trên bục giảng, Xuân Phương luôn mang hết những gì được trang bị, đào tạo truyền đạt lại cho các thế hệ học trò thì ở lĩnh vực sáng tạo anh luôn phải tìm ra đường đi cho riêng mình. Trong nghệ thuật, dù được đào tạo bài bản nhưng đứng giữa thị trường âm nhạc sôi động với các xu hướng liên tục thay đổi thì việc định hình cho mình một phong cách, một tên tuổi riêng không phải dễ. Dù có kiến thức nền chuẩn, sáng tác khá nhiều ca khúc, tham gia các giải, các bảng xếp hạng âm nhạc, các cuộc thi… nhưng chỉ đến khi ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa được viết cho bộ phim truyền hình của đạo diễn Đỗ Thanh Hải là Xin hãy tin em thì tên tuổi của nhạc sĩ Xuân Phương mới phủ sóng rộng rãi tới công chúng.
Với ca từ mộc mạc nhưng không kém phần da diết, ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa gây ấn tượng khi khắc họa được tâm trạng đầy xốn xang của tuổi học trò khi phải rời xa mái trường, xa bạn bè, thầy cô yêu dấu. Mỗi câu từ trong ca khúc đều như nói hộ tâm trạng đầy bâng khuâng, hoài niệm và sự lưu luyến của tuổi học trò. Chính bởi đánh trúng tâm lý hoài niệm đó mà ca khúc không chỉ rất hot khi bộ phim ra mắt mà mấy chục năm qua, dù đã có thêm nhiều bài hát về lứa tuổi này, nhưng ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa vẫn luôn được lựa chọn, cất lên trong những buổi liên hoan chia tay của học sinh, sinh viên. Những ca từ như vút lên từ tâm trạng chung của lớp lớp học trò: “Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt ký ức nghẹn ngào, thời gian ơi, xin hãy ngừng trôi…” Có thể nói, Xuân Phương đã thành công ngay từ ca khúc đầu tiên anh viết cho phim khi ca khúc đã vượt thoát khỏi bộ phim và có chỗ đứng riêng trong lòng người yêu nhạc. Hơn thế nữa, nó lại trở thành bài hát tủ của các thế hệ học sinh khi chuyển trường, xa lớp, vào đời… và gặp lại.
Thành công của ca khúc cũng đưa Xuân Phương gia nhập vào nhóm những nhạc sĩ chuyên viết nhạc phim. Anh đã có hàng loạt ca khúc sau đó như Lời ru cho con viết cho phim Của để dành, Nếu phải xa nhau viết cho phim Sóng ngầm, Lời chưa nói viết cho phim Phía trước là bầu trời, Nếu một ngày viết cho phim Hãy nói lời yêu…
Dù khởi nguồn là sáng tác cho phim nhưng một số ca khúc của anh đã vượt thoát khỏi không gian của phim để trở thành một ca khúc độc lập, được các ca sĩ chọn lựa biểu diễn trên sân khấu, trong các cuộc thi… Nhiều ca sĩ đã gắn bó và thành danh với các ca khúc nhạc phim của anh. Trong một số sáng tác, chính chất giọng đặc biệt của một vài ca sĩ cũng giúp Xuân Phương neo được vào đó cảm xúc, tông giọng nhằm tạo mầu sắc riêng trong từng ca khúc khi viết nhạc cho phim.
Xác định, trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ đều mong muốn xác định cho riêng mình một phong cách, một trường phái. Với Xuân Phương, ngay từ đầu anh đã định rõ âm nhạc của mình phải luôn mới, trẻ trung phù hợp với cuộc sống đương đại. Mang tâm thế ấy, nhiều sáng tác của Phương gắn với người trẻ, gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại. Am tường về nhịp, phách, âm vực… với mỗi một ca khúc, ngay từ khi đặt bút viết, anh đã mường tượng trong đầu giọng ca nào sẽ thể hiện ca khúc ấy để viết cho sát, cho hợp với tông giọng riêng biệt của từng người để sao cho mỗi tác phẩm khi đến với công chúng luôn là sự trọn vẹn và hoàn hảo nhất.
Sinh ra trong nghệ thuật, theo học, dấn thân và sống nhờ nghệ thuật nên ở bất cứ công đoạn nào của sáng tác Xuân Phương cũng đều rất thận trọng và để vào đó rất nhiều cảm xúc, sự thăng hoa trong sáng tạo. Chính tâm thế và tài năng ấy giúp Xuân Phương tung hoành ở nhiều lãnh vực mà ở đâu anh cũng để lại một vài dấu ấn. Làm nhạc phim, sáng tác ca khúc, nhạc quảng cáo… Xuân Phương còn sáng tác âm nhạc cho nhiều tác phẩm sân khấu, kịch múa như vở nhạc kịch Đất nước đứng lên, Hòn đất, kịch múa Ngọn lửa Hà thành, Mệnh trời tình đất… Không chỉ làm tốt vai trò của một giảng viên, người đưa đò cho các thế hệ nghệ sĩ kế cận, Xuân Phương còn là tác giả quen mặt của nhiều bộ phim, các sân khấu, các đơn vị nghệ thuật trong nước. Điểm chung của những tác phẩm âm nhạc của Xuân Phương là giá trị nghệ thuật, giai điệu hấp dẫn trong cách làm, cách phối nhạc.
Nếu tính từ bộ phim đầu tiên Xuân Phương viết nhạc cho phim, năm 1997 thì hơn 20 năm qua, anh đã viết khoảng 60 – 70 bài hát trong phim và vài chục vở kịch sân khấu trong đó có nhiều ca khúc lọt vào top những bài hát hay và được trình diễn nhiều trên sân khấu. Tuy nhiên, chính Xuân Phương cũng thừa nhận, một ca khúc thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chất lượng, ca sĩ thể hiện đến tính thời điểm và cả sự may mắn. Với âm vực rộng, các ca khúc của Xuân Phương không bị giới hạn và luôn có những đoạn trầm, bổng, lặng lẽ, hay những đoạn cao trào vút lên tạo cảm xúc cho người nghe. Đây được xem như một “gu”, style và điểm nhận diện riêng của nhạc sĩ Xuân Phương.
Xuân Phương khẳng định: với anh, làm nhạc phim là đam mê nên không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Sự đam mê ấy lâu dần ngấm vào anh như một thói quen, một thú vui và niềm đam mê với công việc viết nhạc phim. Với anh, chỉ có thể là đam mê âm nhạc, đam mê với nghề nghiệp cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Xuân Phương cũng có thể sáng tác, dùng giai điệu, ca từ để ngợi ca tình người, tình yêu, những trắc trở, day dứt và cao hơn cả là tình yêu cuộc sống.
Với Xuân Phương, nếu công việc giảng dạy mang đến cho anh sự nghiêm túc, khoa học thì viết nhạc phim, kịch, viết ca khúc đặt hàng cho các ca sĩ, công ty, đơn vị nghệ thuật… lại mang đến cho anh những phiêu lãng, bay bổng trong miền sáng tạo. Đụng đâu cũng nhạc, xoay đâu cũng quẩn quanh 7 nốt đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đố… như cách nói vui của bạn bè về anh, có thể nói, cuộc sống của Xuân Phương đã được sống trong âm nhạc với đủ mọi cung bậc, tiết tấu, lĩnh vực mà âm nhạc có thể mang lại. Anh luôn tự hào đã kế thừa và phát huy tốt truyền thống nghệ thuật của gia đình và mang nghệ thuật đó phục vụ cho cuộc sống, cho các tác phẩm.
Nhạc sĩ Xuân Phương là tác giả âm nhạc và ca khúc chủ đề của rất nhiều bộ phim truyền hình đình đám, trong đó có ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa do Tam ca 3A thể hiện. Ca khúc này từng được sử dụng trong phim Xin hãy tin em. Ca khúc Lời ru cho con (phim Của để dành) và Lời chưa nói trong phim Phía trước là bầu trời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Tuy là một nhạc sĩ thành công trong lĩnh vực sáng tác, sở hữu nhiều ca khúc nổi đình nổi đám nhưng Xuân Phương lại khá kín tiếng. Anh cống hiến thầm lặng cho âm nhạc, lặng lẽ trong công việc mà mình yêu thích như hòa âm, phối khí, viết nhạc, giảng dạy…Nhạc sĩ Xuân Phương ra đi ở tuổi 50 khi nhiều kế hoạch còn dở dang, khiến người thân, bạn bè và người hâm mộ anh đau xót, thương tiếc. Xin vĩnh biệt Anh, người đồng chí, đồng đội , nhạc sĩ tài hoa Xuân Phương!
Anh ra đi đột ngột để lại bao thương nhớ cho mọi người.
Tin/Ảnh : Trang Vân
Phản hồi